|
(ảnh sưu tầm) |
Người dân tộc thiểu số Giáy
Người dân tộc Giáy còn có các tên gọi khác là Nhắng, Giảng, Pâu Thìn, Pu Nà, Cùi Chu, Xạ. Dân số ước tính khoảng 54.000 người, cư trú chủ yếu tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Cao Bằng. Họ sử dụng ngôn ngữ Tày-Thái. Về đặc điểm kinh tế, người dân tộc Giáy làm ruộng nước là chính, làm rẫy chỉ là nguồn thu nhập thêm. Họ cũng thường chăn nuôi lợn, gà, vịt; nuôi nhiều trâu, ngựa và có truyền thống dùng ngựa để cưỡi, thồ, dùng trâu để kéo cày, kéo gỗ. Về hôn nhân gia đình, theo phong tục của dân tộc Giáy, người trong gia đình có vị trí nổi bật là người chồng, người cha; con cái thường lấy họ theo cha. Nhà trai chủ động việc cưới xin, sau lễ cưới, cô dâu về ở cùng gia đình nhà chồng; tuy nhiên việc ở rể cũng khá phổ biến. Phụ nữ người dân tộc Giáy khi mang thai phải kiêng cữ và tổ chức cúng bái để cầu mong sự sinh nở yên lành. Trong dịp đứa bé đầy tháng, có lễ trình báo với tổ tiên và cầu xin tổ tiên phù hộ. Tên, ngày, tháng, năm sinh của mỗi người được thầy cúng ghi vào miếng vải đỏ và sẽ dùng để so tuổi khi tính chuyện cưới xin; chọn giờ trong việc đám ma của chính người đó. Về văn hóa, người dân tộc Giáy vốn có truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, câu đố, đồng dao... Có nhiều truyện giải thích hiện tượng tự nhiên, có nhiều truyện thơ dài, có truyện kết hợp lời kể với lời hát. Dân ca phong phú gồm nhiều loại, mỗi loại có nhiều bài, làn điệu khác nhau, đặc biệt các hình thức hát giao duyên nam nữ là sinh hoạt sôi nổi và hấp dẫn. Về nhà cửa, nhóm người dân tộc Giáy ở tỉnh Hà Giang, Cao Bằng ở nhà sàn; nhóm dân tộc Giáy ở vùng tỉnh Lào Cai, Lai Châu ở nhà đất. Qua tài liệu văn học dân gian thì người Giáy vốn ở nhà sàn. Hiện nay phần lớn người dân tộc Giáy ở nhà đất nhưng vẫn còn dựng một nhà sàn trước cửa để sử dụng. Trong nhà sàn hay nhà đất, gian giữa đều là nơi trang nghiêm để đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khách. Buồng của các cặp vợ chồng trong gia đình ở các gian bên. Người phụ nữ không được nằm ở gian giữa. Bếp thường đặt ở gian bên, hiện nay có nhiều nơi đã làm nhà để đun nấu riêng. Về trang phục, người nam mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn đứng, cài cúc vải. Áo thường có ba túi, hai túi dưới, một túi trên bên phải. Thân áo hơi ngắn, màu chàm; mặc quần ống đứng rộng từ 35 đến 40cm, cạp to bản; không dùng dây rút mà chỉ vận vào người. Trước đây nam giới thường quấn khăn trên đầu. Có nhóm người nam cũng mặc áo xẻ nách. Người phụ nữ dân tộc Giáy phổ biến mặc loại áo xẻ nách phải, trùm kín mông, xẻ nách phải. Áo mặc trong là loại áo cánh ngắn cộc tay, xẻ ngực, cổ tròn thấp và có hai túi dưới. Phụ nữ Giáy thường đội khăn quấn thành nhiều kiểu khác nhau, cổ đeo vòng bạc. Nhóm dân tộc Giáy ở tỉnh Lao Cai, Lai Châu mặc quần chàm ngắn đến mắt cá chân, ống rộng. Tóc vấn theo kiểu vành khăn và thường đeo túi vải thêu hoa văn ở đáy túi, phổ biến là hình răng chó; giày chủ yếu là giày vải thêu hoa văn nhiều loại.
|