Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Finance & Retail An toàn thực phẩm & hóa chất
An toàn vệ sinh thực phẩm
Thuốc & Hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 1 9 9 5
Số người đang truy cập
1 2 0
 An toàn thực phẩm & hóa chất An toàn vệ sinh thực phẩm
Tình hình ngộ độc thực phẩm trong nước tháng 9 năm 2012

Giúp trẻ vượt cơn ngộ độc thực phẩm; Xử trí ngộ độc thực phẩm ở trẻ em ; Các Dạng Ngộ Độc Thực Phẩm; Bắt vụ vận chuyển hơn 1,8 tấn thịt “bẩn”; Bồi thường cho công nhân ngộ độc thực phẩm; Ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật; 6 ngày, tạm giữ gần 3 tấn thịt bẩn; Hội thảo phòng ngừa và ứng phó với ngộ độc thực phẩm

Giúp trẻ vượt cơn ngộ độc thực phẩm

Nếu trẻ bị ngộ độc thực phẩm khá nặng, có thể mất vài ngày mới hồi phục. Theo healthday.com, các chuyên gia thuộc Tổ chức Nemours (một tổ chức chuyên chăm lo sức khỏe mọi người ở Mỹ) đưa ra một số gợi ý cho các bậc cha mẹ có trẻ bị ngộ độc thực phẩm: khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều; cho trẻ uống nhiều nước để giúp ngừa mất nước, dung dịch bù nước điện giải và hầu hết các loại thức uống đều tốt, nhưng tránh cafein hoặc sữa; khuyến khích trẻ uống nước thường xuyên với từng ngụm nhỏ; ngưng các chế phẩm từ sữa và các loại thực phẩm cứng cho đến khi triệu chứng tiêu chảy giảm bớt; không cho trẻ dùng các loại thuốc chống tiêu chảy không cần kê đơn (OTC), vì các loại thuốc này có thể kéo dài các triệu chứng; một khi các triệu chứng chính giảm bớt, cho trẻ ăn thực phẩm ít chất béo trong vài ngày. 
 

Xử trí ngộ độc thực phẩm ở trẻ em

Khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ thường bị chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, sốt, đau quặn vùng bụng…Đặc biệt, ngộ độc thực phẩm do hóa chất như ăn thức ăn chứa nhiều hàn the, formol, thuốc trừ sâu, màu thực phẩm sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ, trẻ có thể mắc các bệnh mãn tính, thậm chí gây ung thư hoặc biến đổi gien. Trường hợp trẻ bị ngộ độc nặng, xử trí không kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Bác sĩ Võ Quốc Bảo, Trưởng khoa Hồi sức bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm có từ 300 đến 400 ca ngộ độc thực phẩm ở trẻ em, 53% số bệnh nhi bị ngộ độc thực phẩm phải vào viện cấp cứu, trong đó 96% trẻ ngộ độc do các loại thức ăn thông thường như phở, bún, kem.

Khi trẻ có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm phải nhanh chóng làm cho chất độc trong thức ăn đào thải ra ngoài bằng cách dùng ngón tay ngoáy vào vòm họng ở gốc lưỡi kích thích để bé nôn thức ăn ra. Cho trẻ uống nhiều nước, ăn từng chút thức ăn như nước cháo, súp, cơm nhão…để phục hồi men tiêu hóa, tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy. Nếu tình trạng không cải thiện, trẻ bị sốt cao, nôn nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh, bệnh kéo dài trên 2 ngày, phải đưa trẻ nhập viện để được điều trị.

Các Dạng Ngộ Độc Thực Phẩm

Vào mùa hè, nhiệt độ môi trường tăng cao, không khí oi bức là yếu tố thuận lợi cho nhiều loại vi trùng phát triển, do đó nguy cơ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) cũng cao hơn. Theo thống kê, từ đầu tháng 4/2012 đến nay, cả nước đã xảy ra 10 vụ NĐTP lớn, làm 726 người phải nhập viện và đã có bốn trường hợp tử vong.

ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết, nguyên nhân gây NĐTP rất phổ biến và đa dạng, nhưng các nhà khoa học chia ra các nhóm nguyên nhân chính:

Vi sinh vật

Ngộ độc vi sinh vật thường xảy ra vào mùa nóng, số người mắc phải rất lớn, nhưng tỷ lệ tử vong thường thấp. Đường lây nhiễm là do môi trường ô nhiễm, vệ sinh trong quá trình chế biến có vấn đề, bảo quản thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hoặc bản thân thực phẩm có vi sinh gây hại.

Tác nhân gây bệnh thường do các loại bào tử như: Clostridium botulinum, Bacillus cereus... và loại không có bào tử như: Salmonella typhi, E.coli, Staphylococcus aureus… Các vi sinh vật này có thể tìm thấy trong các món hầm, nước xốt, cơm bảo quản không đúng quy cách, phô mai chế biến từ sữa chưa diệt khuẩn, thịt chưa nấu chín, nước hoặc thực phẩm bị nhiễm vi sinh từ phân, sữa hoặc nước trái cây ép chưa tiệt trùng, thịt không đông lạnh hoặc đông lạnh không đúng cách…

Thời gian ủ bệnh trung bình từ 6 - 48 giờ, thường lâu hơn so với NĐTP do hóa chất. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là triệu chứng tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
  

Các chất hóa học

Thường là các loại hóa chất bảo vệ thực vật còn tồn dư trên thực phẩm; các kim loại nặng có trong đất, nước, bao bì ngấm vào cây, quả, rau, củ, thủy sản, thực phẩm chế biến; hóa chất thôi nhiễm từ dụng cụ chế biến, bao bì chứa đựng thực phẩm. Ngoài ra, nhiều loại phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có những thành phần độc hại như hàn the, chất tẩy trắng, phẩm màu công nghiệp… Thức ăn chăn nuôi không đảm bảo an toàn, tồn dư hóa chất, kháng sinh, thuốc gây tăng trọng, siêu nạc, hormone... trong thịt, sữa của động vật nuôi cũng là nguồn ngộ độc.

Với loại ngộ độc này, thời gian ủ bệnh ngắn (vài phút đến vài giờ) tính chất cấp tính và thường nhanh hơn so với NĐTP do vi sinh vật. Triệu chứng chủ yếu là hội chứng thần kinh. Nhóm chất hóa học này gây ngộ độc tích lũy và bệnh tiềm tàng như: các bệnh ung th­ư, đột biến gen, sẩy thai, đẻ non, có thể gây dậy thì sớm ở trẻ em, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, rối loạn chuyển hóa như­ tiểu đường, béo phì...

Độc tố tự nhiên

Bản thân thực vật, động vật đã chứa sẵn chất độc tự nhiên, khi con người ăn phải những thực phẩm này rất dễ ngộ độc. Đó là các glucozit sinh axit xyanhydric có trong đậu kiếm, đậu mèo; saponin có trong một số rễ, vỏ cây; muscarin có trong nấm độc; tetrodotoxin có trong cá nóc, bạch tuộc…

Thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 - 4 giờ. Triệu chứng chủ yếu là hội chứng thần kinh (buồn nôn, nôn, đau đầu, rối loạn cảm giác, vận động...), kèm hội chứng tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy). Tỷ lệ tử vong do ngộ độc nhóm độc tố này thường rất cao.

Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường sinh ra các chất độc như: các axit hữu cơ, amoniac, indol, scatol, các amin sinh ra trong thức ăn nhiều đạm; các glyxerin, axit béo tự do, peroxyt, aldehyd, ceton… sinh ra trong thức ăn chứa nhiều chất béo; các độc tố nấm, các axit axetic và hữu cơ khác được sinh ra do ngũ cốc bị hỏng, mốc, biến chất.

Thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 - 4 giờ. Triệu chứng chủ yếu thể hiện ở đường tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn từng cơn), có khi kèm triệu chứng tiết nước bọt, ngứa cổ họng, choáng váng, đau đầu, co giật, nổi mề đay.

Tỷ lệ tử vong ở nhóm này thấp nhưng chất độc tích lũy trong cơ thể, phá hủy chất dinh dưỡng, gây thiếu máu, thiếu vitamin.

Bắt vụ vận chuyển hơn 1,8 tấn thịt “bẩn”

Ngày 28.8 tại QL1A (TP.HCM), Tổ liên ngành Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp Đội CSGT Rạch Chiếc kiểm tra, phát hiện 6 vụ vận chuyển thịt “bẩn, hướng từ Đồng Nai về TP.HCM. Tang vật vi phạm hơn 1,8 tấn thịt bẩn, gồm hơn 1,5 tấn thịt heo, hơn 200 kg phụ phẩm heo; 82 kg chân trâu bò…

 

Tang vật thịt “bẩn” trên đường đưa về TP.HCM bị phát hiện, tiêu hủy 

Trong đó, đáng chú ý là trường hợp ông Nguyễn Văn Phúc (27 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) điều khiển xe tải biển số 60S-7593 vận chuyển gần 1,4 tấn thịt heo “bẩn”. Lô hàng vận chuyển bằng xe lạnh nhưng đã bốc mùi hôi. Bà Đặng Thị Tuyết - Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, cho biết, lô hàng ông Phúc vận chuyển không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch, không đảm bảo vệ sinh thú y phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật nên đã tiêu hủy. Ngoài ra, tang vật 4/5 vụ vi phạm còn lại cũng bị tiêu hủy, tổng số tiền phạt gần 14 triệu đồng.

Vận chuyển thịt “bẩn” bằng taxi

Sáng 11.8, trên quốc lộ 1A (TP.HCM), tổ liên ngành Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc kiểm tra, phát hiện ba vụ vận chuyển thịt “bẩn” về TP.HCM, thu giữ 316 kg thịt heo, gà vịt và phụ phẩm heo.Trong đó, phát hiện ông Phan Văn Tùng (23 tuổi, ngụ Trảng Bom, Đồng Nai) điều khiển xe taxi mang biển số 60A-028.64 của Công ty CP sản xuất - thương mại - dịch vụ vận tải Sài Gòn vận chuyển trong khoang hành lý và khoang hành khách 133 kg thịt heo, gà vịt và phụ phẩm heo. Theo lời khai của tài xế thì số thịt này xuất phát từ Trảng Bom (Đồng Nai) và được vận chuyển về Q.9 (TP.HCM) để tiêu thụ.

Lực lượng chức năng cũng đã phát hiện ông Lưu Kim Đông (50 tuổi, thường trú tại P.14, Q.6, TP.HCM) điều khiển xe máy mang biển số 52L6-5047 vận chuyển 183 kg thịt heo từ Đồng Nai về Q.5 (TP.HCM) tiêu thụ.

Toàn bộ tang vật vi phạm là hàng không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nên đã được đưa đi tiêu hủy theo quy định.
  
 Taxi vận chuyển thịt “bẩn” về TP.HCM bị phát hiện

Thịt bẩn tiếp tục hoành hành

Theo Trạm thú y H.Bình Chánh (TP.HCM), tình trạng giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm lậu diễn ra rất phức tạp. Mới đây, rạng sáng 2.8 Tổ kiểm tra liên ngành H.Bình Chánh bắt quả tang vụ giết mổ gia cầm địa chỉ F1/38R tổ 1, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, do ông Nguyễn Văn Út tổ chức.

Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện 140 kg gia cầm, phụ phẩm gia cầm đã giết mổ, 480 con gia cầm sống chờ giết mổ. Tổng trọng lượng lô hàng là hơn 1,2 tấn không rõ nguồn gốc. Đáng nói là trong đó có 111 kg gia cầm đã xuất huyết, tụ huyết bầm đen, đã biến chất, có mùi hôi. Tổ kiểm tra đã xử lý tiêu hủy toàn bộ lô hàng, chuyển hồ sơ đề nghị UBND huyện xử lý vi phạm hành chính đối với ông Út.

Trước đó, tổ liên ngành thú y của huyện kiểm tra tại khu nhà trọ địa chỉ C8/1A ấp 3 xã Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) phát hiện bà Âu Thị Chanh tổ chức lò quay heo lậu. Tang vật vi phạm tại hiện trường có 7 con heo sữa và 214 kg thịt heo. Tổng cộng 339 kg thịt heo này không có giấy kiểm dịch. Nghiêm trọng hơn, lô thịt bị bệnh xuất huyết. Thậm chí, tổ liên ngành thú y H.Bình Chánh kiểm tra tại nhà không số thuộc ấp 2C xã Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) phát hiện ông Nguyễn Minh Quân tổ chức giết mổ heo lậu. Tổ công tác lấy mẫu xét nghiệm 3 con heo, kết quả cả 3 còn heo này bị mắc bệnh tai xanh. UBND H.Bình Chánh ra quyết định tiêu hủy.

 

Tổ liên ngành Thú y H.Bình Chánh đưa tang vật gia cầm bệnh tại lò giết mổ đi tiêu hủy 
Ảnh Do Trạm thú y H.Bình Chánh cung cấp
 

Nếu như địa bàn các huyện giáp ranh tỉnh Long An tồn tại nhiều lò giết mổ lậu gia súc, gia cầm thì khu vực Thủ Đức tiếp giáp Đồng Nai lại là tuyến “nóng” về vận chuyển thịt bẩn từ Đồng Nai, các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung về TP.HCM tiêu thụ. Chỉ khoảng 1 tuần (từ 24.7 - 1.8) tổ liên ngành Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức lập biên bản đến 36 vụ. Tang vật vi phạm lên đến gần 4,5 tấn thịt, phụ phẩm heo; thịt, phụ phẩm bò; thịt gia cầm, 22 con gia súc sống, 30.950 trứng gia cầm do không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch, không dấu kiểm soát giết mổ, 1 tấn da trâu bò... Theo bà Đặng Thị Tuyết - Trưởng trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, khi bị phát hiện nhiều lô thịt đã bốc mùi hôi thối. Nhưng các chủ hàng, người vận chuyển luôn tìm cách trốn tránh trạm kiểm dịch để đưa các lô hàng này về TP tiêu thụ.

Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong tháng 7 vừa qua đã phối hợp kiểm tra liên ngành phát hiện 488 vụ vi phạm, trong đó có 232 vụ vi phạm về kiểm dịch, thú y, phần nhiều là vận chuyển gia cầm, gia súc không kiểm dịch. Hàng hóa vi phạm đã xử lý gồm 2.280 con chim, gà, vịt, 22 con heo, 5 con trâu, gần 400 kg thịt gia súc gia cầm, hơn 18.600 quả trứng gia cầm... 

6 ngày, tạm giữ gần 3 tấn thịt bẩn

Từ 24 - 29.7, tổ liên ngành Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp Đội CSGT Rạch Chiếc phát hiện 26 vụ vận chuyển thịt gia súc gia cầm bẩn từ các tỉnh về TP.HCM. Tang vật vi phạm tạm giữ gần 3 tấn thịt, phụ phẩm heo; thịt, phụ phẩm bò; thịt gia cầm và 30.950 trứng gia cầm do không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch, không dấu kiểm soát giết mổ, 1 tấn da trâu bò, 2 con bò sống... Nhiều lô thịt bẩn đã bốc mùi hôi thối, phân hủy.

Một số vụ vi phạm điển hình như ông Nguyễn Văn Kiều (47 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển xe tải BS 60M-5734 vận chuyển 29.700 trứng vịt không rõ nguồn gốc, không giấy kiểm dịch... bị xử lý tiêu hủy lô hàng.

 

Tang vật thịt, phụ phẩm gia súc, gia cầm bẩn bị phát hiện trên đường đưa về TP.HCM 
Ảnh: Do trạm kiểm dịch Thủ Đức cung cấp
 

Xe ô tô khách BS 43H-2052 do ông Trần Văn Công (42 tuổi, ngụ Đà Nẵng) vận chuyển 150 kg da, mỡ heo hôi thối. Xe đông lạnh BS 57L-9926 của ông Trần Như Khanh (47 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) vận chuyển 430 kg thịt, phụ phẩm bò có hành vi trốn tránh kiểm dịch.

Xe máy 54V3 - 7886 do Hoàng Đình Nghĩa (21 tuổi, ngụ Bình Dương) vận chuyển 100 kg tai heo bốc mùi hôi. Xe tải BS 60V-8943 do ông Nguyễn Thanh Lăng (48 tuổi, ngụ Đồng Nai) vận chuyển hơn nửa tấn thịt gà không giấy chứng nhận kiểm dịch. Xe tải BS 60V-1780 do ông Nguyễn Đức Tân (38 tuổi, ngụ Đồng Nai) vận chuyển 1 tấn da trâu bò không giấy chứng nhận kiểm dịch.

Tiêu hủy hơn 1,4 tấn thịt “bẩn”

Ngày 1.8, tại quốc lộ 1A (TP.HCM), tổ liên ngành Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp Đội CSGT Rạch Chiếc kiểm tra, lập biên bản 10 vụ vi phạm về vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm. Tang vật vi phạm gồm 1.426 kg sản phẩm động vật “bẩn”, trong đó có gần 1.150 kg thịt, lòng heo; 276,5 kg thịt, phụ phẩm bò và 20 con heo sống, là hàng không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch. Tổ công tác đã xử lý tiêu hủy toàn bộ.

Bồi thường cho công nhân ngộ độc thực phẩm

Công ty cung cấp suất ăn Tú Anh gây ngộ độc 300 công nhân tại TP HCM đã trả tiền viện phí, bồi thường ngày công làm việc và chi trả thêm tiền hỗ trợ người bị nạn. Sau sự cố hơn 300 công nhân ở ba doanh nghiệp do Công ty Tú Anh cung cấp suất ăn bị ngộ độc thực phẩm hôm 4 và 5/7, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã làm việc với đơn vị này để xử lý trách nhiệm.

Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo Công ty Tú Anh khẳng định đã trả tiền viện phí, bồi thường ngày công làm việc và chi trả thêm tiền hỗ trợ các công nhân từ vài chục nghìn đến khoảng 200.000-300.000 đồng một người.

           Công ty này cũng bị Thanh tra Sở Y tế ra quyết định xử phạt hành chính 4 triệu đồng vì các lỗi vi phạm, trong đó có hành vi lưu mẫu không đúng quy định. "Sau khi bồi thường, đóng phạt, chúng tôi có thể hoạt động trở lại", lãnh đạo Tú Anh nói.

 

Trụ sở Công ty Tú Anh chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp.
Ảnh: Kiên Cường.
 

Từ hôm xảy ra các vụ ngộ độc tập thể lớn của công nhân, trụ sở của Công ty Tú Anh tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, thường xuyên đóng cửa và có 2 bảo vệ túc trực không cho quay phim, chụp ảnh. Nằm sâu trong hẻm, trụ sở công ty này chia thành 2 khu vực: một nơi chế biến thức ăn và một bên là nhà ở, nhiều vị trí tường bị bong tróc. Theo người dân địa phương, công ty này trước đây có tên Hoàn Cầu, sau đổi thành Tú Anh.

Nhập lậu thực phẩm tăng, ngộ độc tăng theo

            Từ đầu năm đến nay, tình hình ngộ độc thực phẩm có xu hướng tăng về số vụ, số người mắc (hơn 3000 người). Nguyên nhân là do hoạt động nhập lậu thực phẩm bẩn, sử dụng phụ gia ngoài danh mục...Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong tháng 8 vừa qua, cả nước xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm làm 786 người mắc, 586 người nhập viện và 1 người tử vong. Trường hợp tử vong mới nhất do ngộ độc thực phẩm xảy ra ở tỉnh Quảng Ninh được xác định do ăn ốc lạ có độc tính.

          Như vậy, tính chung từ đầu năm đến nay, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 3.200 người mắc, 2.500 người nhập viện và 17 trường hợp tử vong.

Theo cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), thời gian qua tình hình ngộ độc thực phẩm có xu hướng tăng về số vụ, số người mắc. Nguyên nhân là do hoạt động nhập lậu thực phẩm bẩn, sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, hóa chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm còn phổ biến.

Bên cạnh đó, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố, khu du lịch, lễ hội, chợ tự phát, chơ tạm bị buông lỏng; hoạt động sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép, các chất cấm trong chăn nuôi còn phổ biến. Đặc biệt trong mỗi dịp Tết Trung Thu, nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bánh, kẹo, hoa quả, các đồ uống giải khát cũng như các loại thực phẩm khác nhau thường tăng cao đột biến trong phạm vi toàn quốc làm gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm và các sự cố an toàn thực phẩm.

Chất bảo quản thực phẩm, công và tội

Chất phụ gia bảo quản có thể là chất kháng vi sinh vật ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn, nấm hoặc chất chống ôxy hóa như chất hấp thụ ôxy.

Tuy nhiên, lợi ích và độ an toàn của nhiều phụ gia thực phẩm nhân tạo (bao gồm cả các chất bảo quản) là chủ đề thường xuyên của nhiều cuộc tranh cãi giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý chuyên về khoa học thực phẩm, độc chất học và sinh học.

 

Cà chua sử dụng chất bảo quản (ảnh trái) và cà chua để tự nhiên (ảnh phải)
trong cùng một thời gian.
 

Những chất phụ gia bảo quản thực phẩm thường dùng gồm các chất bảo quản kháng khuẩn thường như: calcium propionate; sodium nitrat; sodium nitrite; sulfite (dioxide lưu huỳnh, sodium bisulfite, potassium hydrogen sulfite, vv); disodium EDTA. Chất chống ôxy hóa gồm BHA và BHT. Các chất bảo quản khác gồm ethanol và methylchloroisothiazolinone. Chất kháng nấm carbendazim.

Các chất bảo quản kháng khuẩn, kháng nấm

Propanoate canxi được sử dụng như một loại thuốc diệt nấm trên hoa quả. Trong nghiên cứu, khi axit propanoic được truyền trực tiếp vào não động vật gặm nhấm, nó gây ra những hành vi đảo ngược (như hiếu động thái quá, rối loạn trương lực cơ...) và những thay đổi ở não bộ (như viêm não bẩm sinh, suy giảm glutathione) có thể được xem như một mô hình bệnh tự kỷ ở chuột. 

Tương tự, sodium nitrate tạo ra nitrosamine - một chất đã được biết là gây ra thương tổn DNA và tăng sự thoái hóa tế bào, sinh ung thư ở người. Nitrosamine hình thành trong các loại thịt chứa sodium nitrate và nitrite, có liên quan đến ung thư dạ dày và ung thư thực quản. Nghiên cứu đã cho thấy có mối liên hệ giữa tăng hàm lượng nitrat và tăng tử vong do một số bệnh, bao gồm cả bệnh Alzheimer, đái tháo đường và bệnh Parkinson, có thể do những tác hại của nitrosamine trên DNA.

Sodium nitrate và nitrit liên kết với nguy cơ cao ung thư đại trực tràng. Quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới của Anh cho rằng, một trong những lý do khiến thịt chế biến làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng là do chúng chứa chất nitrat. Một lượng nhỏ nitrat được thêm vào thịt như chất bảo quản sẽ bị phân hủy thành nitrit. Nitrit sau đó phản ứng với các loại protein (trong thịt) để sản sinh ra các hợp chất N-nitroso (NOC). Một số loại NOC đã được biết là gây ra ung thư. N-nitroso hình thành trong thịt được ướp tẩm hoặc trong cơ thể người trong quá trình tiêu hóa.

Các sulfite được sử dụng với số lượng ngày càng tăng như những chất bảo quản thực phẩm. Tuy vậy, sulfite được liệt kê trong số 9 chất gây dị ứng thực phẩm hàng đầu. Khó thở có thể xảy ra trong vòng vài phút sau khi ăn thực phẩm có chứa sulfite. Bệnh nhân hen và người nhạy cảm với salicylate (aspirin) có nguy cơ cao phản ứng với sulfite. Trường hợp phản ứng quá mẫn sẽ đe dọa đến tính mạng tuy hiếm gặp. Các triệu chứng khác bao gồm hắt hơi, viêm phù nề hầu họng và phát ban.

Do thường rất khó để nhận biết liệu thực phẩm có chứa sulfite hay không, nhiều người không biết là mình có nhạy cảm với sulfite. Các sulfites cũng được xem là phá hủy vitamin B1 (thiamin), một vitamin cần thiết cho quá trình chuyển hóa carbohydrate và rượu.

Sodium metabisulfite được sử dụng trong hầu hết các loại rượu vang thương mại để ngăn chặn quá trình ôxy hóa và bảo toàn hương vị. Còn sodium bisulfite thì được một số nhà cung cấp và sản xuất rượu bán với cùng mục đích trên.

Trong trái cây đóng hộp, bisulfite natri được sử dụng để ngăn chặn tình trạng biến màu nâu (gây ra bởi quá trình ôxy hóa) và tiêu diệt vi khuẩn.

Sodium bisulfite cũng được thêm vào các loại rau xanh để duy trì độ tươi tốt. Nồng độ của nó đôi khi cũng đủ cao để gây ra những phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Từ những năm 1980, sodium bisulfite đã bị cấm sử dụng trên trái cây tươi và rau quả tại Hoa Kỳ sau cái chết của 13 người vô tình tiêu thụ các sản phẩm đã được xử lý quá mức bằng hóa chất này.

EDTA cũng là chất bảo quản được sử dụng rộng rãi và do đó đã nổi cộm lên như một chất hữu cơ gây ô nhiễm dai dẳng. Nó thoái hóa thành axit ethylenediaminetriacetic rồi biến đổi thành diketopiperizide, tích lũy thành một chất hữu cơ gây ô nhiễm môi trường.

Methylchloroisothiazolinone là một chất bảo quản có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm thuộc nhóm isothiazolinones. Nó có tác dụng chống vi khuẩn gram dương và gram âm, nấm men, nấm mốc và là chất gây dị ứng đối với 2 - 3% dân số. Một biểu hiện phổ biến của phản ứng dị ứng là chàm với triệu chứng như tấy đỏ và ngứa trên các bề mặt tiếp xúc với dị ứng nguyên. Các triệu chứng này sẽ biến mất trong vài tuần khi chấm dứt tiếp xúc.

Những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe đã khiến các nhà quản lý hóa chất cấm sử dụng carbendazim cho việc bảo quản trái cây. Chất kháng nấm này còn được dùng trong công nghệ bảo quản sân cỏ. Các nghiên cứu mới cho thấy, phơi nhiễm với liều cao carbendazim gây vô sinh ở một số chuột đực nên Cơ quan Quản lý chất bảo vệ thực vật và thuốc thú y Australia nhanh chóng quyết định hạn chế việc sử dụng chất này trong bảo quản trái cây và yêu cầu phải ghi rõ tác hại của nó đối với sức khỏe trên nhãn bao bì sản phẩm.

Các chất chống ôxy hóa

Butylated hydroxyanisole (BHA) và chất liên quan butylated hydroxytoluene (BHT) là những hợp chất phenolic thường được bổ sung vào thực phẩm để bảo quản chất mỡ. Ngoài tính chất có thể bị oxyd hóa, BHA và BHT còn hòa tan được trong các chất béo, nó có thể gây u bướu và ung thư.

Ăn món nướng như thế nào để đỡ bị ung thư?

Trong món nướng có chứa chất HCAs hay còn gọi là heterocyclic amines, chính là chất hóa học độc hại gây ung thư.Một công trình nghiên cứu của Viện Ung Thư Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng trong món nướng có chứa chất HCAs hay còn gọi là heterocyclic amines, chính là chất hóa học độc hại gây ung thư.
 

            Khi thịt hoặc cá hay thực phẩm nói chung được nướng ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất hóa học này, khiến cho “chủ nhân” của nó dễ có nguy cơ mắc chứng bệnh ung thư nguy hiểm, đặc biệt là chứng ung thư ruột, tụy và vú. Để giảm thiểu nguy cơ mắc phải các chứng bệnh ung thư khi ăn món nướng đồng nghĩa rằng bạn sẽ phải tìm cách hạn chế được việc thu nạp chất HCAs vào trong cơ thể. Lời khuyên của các chuyên gia dành cho những người mê món nướng là nên nướng thịt ở nhiệt độ thấp với thời gian lâu dài, không nên nóng vội làm chín đồ ăn với nhiệt độ quá cao. Thêm vào đó, khi nướng thịt bạn nên ưu tiên thịt nạc nhiều hơn thịt mỡ vì khi nướng nếu lượng mỡ này tan chảy xuống than sẽ dễ tạo ra chất gây ung thư.

Ngoài ra, một nghiên cứu của các chuyên gia thuộc viện Phòng Chống Ung Thư Hawaii cũng chỉ ra rằng, với những món nướng bạn nên tẩm ướp qua đêm bằng những loại gia vị như tỏi, hành hay nghệ vì như thế chất hóa học HCAs sẽ giảm xuống 50%, nguy cơ ung thư sẽ giảm xuống đáng kể. Cuối cùng khi đã hoàn thành món nướng trước khi đặt lên bàn ăn, bạn nên dùng kéo để loại bỏ những phần thịt đã bị cháy thay vì “thưởng thức” cả chúng.

Đưa thịt sạch vào chợ

Một thương lái ở TP.HCM cho biết từ đầu tháng 9 đến nay, Trung Quốc “ăn hàng” mạnh nên giá heo hơi tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với trước đó.

Mỗi ngày có khoảng 1.500 - 2.000 con heo từ miền Nam xuất sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Loại heo xuất sang Trung Quốc là heo mỡ, trọng lượng lớn, loại heo này thị trường trong nước không chuộng nên giá rẻ.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - cho biết: “Giá heo hơi đang tăng nhẹ, khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với đầu tháng 9, giá heo hơi tại trại chăn nuôi lên 41.000 - 42.000 đồng/kg. Giá heo tăng do giá thức ăn tăng mạnh, chỉ trong vòng 1 tháng qua, có đến 3 lần tăng giá thức ăn, mỗi lần tăng khoảng 200 đồng/kg. Ngoài ra, do hết tháng ăn chay (tháng 7 âm lịch), học sinh đã đi học trở lại, một lượng heo đưa ra các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An tiêu thụ  cũng góp phần làm giá heo tăng nhẹ.

Hiện nay giá một số nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng rất mạnh. Đơn cử giá bắp tăng từ mức 6.500 - 6.800 đồng/kg lên gần 7.500 đồng/kg; đầu tháng 9 giá đậu nành ở mức 9.000 - 11.000 đồng/kg, nay nhảy lên 16.500 đồng/kg. Từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ có vài đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó giá thành chăn nuôi hiện nay bình quân khoảng 45.000 đồng/kg heo hơi nhưng giá xuất chuồng chỉ 41.000 - 42.000 đồng/kg, trước đó giá heo thấp hơn nữa nên người nuôi đang lỗ nặng, trung bình lỗ từ 300.000 - 500.000 đồng/con heo, vừa chịu lỗ kéo dài từ đầu năm đến nay, thời gian tới vẫn tiếp tục lỗ.

Cũng theo ông Công, sau đợt Báo Thanh Niên phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc truy quét nên thị trường thịt heo hiện nay chất lượng đảm bảo, giá rẻ, chất cấm được kiểm soát tốt. Để khuyến kích người tiêu dùng an tâm tiêu thụ thịt heo, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phối hợp với một số nhà máy giết mổ lớn đang triển khai kế hoạch đưa thịt heo sạch, tươi, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ vào các chợ truyền thống. Dự kiến, trong tháng tới các sạp thịt heo sạch sẽ chính thức vào các chợ truyền thống. 

Hội thảo phòng ngừa và ứng phó với ngộ độc thực phẩm

             Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội và sự bùng nổ của các khu công nghiệp thì bếp ăn tập thể và cơ sở chế biến suất ăn sẳn gần đây được hình thành và phát triển. Riêng tại tỉnh Bình Dương có 556 bếp ăn tập thể và 313 Cơ sở chế biến suất ăn sẳn phục vụ cho công nhân lao động của các cơ sở sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp của tỉnh. Một số vụ ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn, cơ sở cung cấp suất ăn sẳn đã xảy ra dù chưa gây tử vong nhưng cũng đã gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khoẻ người lao động và hoạt động doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tập thể theo tinh thần thực hiện Chỉ thị 03/2010/CT-UBND ngày 21/7/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Để phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm và để cung cấp kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm từ đó Doanh nghiệp tự tổ chức kiểm tra điều kiện VSATTP, phòng ngừa xảy ra ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể. Đồng thời Doanh nghiệp tự tổ chức ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm: Cấp cứu, xử lí kịp thời tình trạng ngộ độc thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bị ngộ độc thực phẩm.

Ngày 30/3/2012, tại hội trường Sở Y tế, số 211, đường Yersin, phường Phú Cường, TX.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Viện vệ sinh y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Phòng ngừa và Ứng phó ngộ độc thực phẩm” Cho hơn 100 đại biểu là Lãnh đạo, cán bộ quản lý giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn cho công nhân của các Doanh nghiệp có tổ chức bếp ăn cho công nhân và các chủ cơ sở cung cấp suất ăn trên địa bàn tỉnh tham dự.

Nội dung Hội thảo: Đánh giá tình hình chấp hành các qui định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trong doanh nghiệp; Phổ biến Luật an toàn thực phẩm; Trình bày những nguy cơ về an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến suất ăn, chỉ ra một số mối nguy, nguồn gốc của những mối nguy đó; Hướng dẫn các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các bước kiểm soát mối nguy ô nhiễm thực phẩm: Đảm bảo đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm: Điều kiện về cơ sở, điều kiện về dụng cụ thiết bị và điều kiện về con người, kiểm soát nguyên liệu đầu vào và sơ chế nguyên liệu thô, kiểm soát khâu chế biến nấu nướng, kiểm soát khâu bảo quản thực phẩm, kiểm tra khâu vận chuyển thực phẩm, kiểm soát nhà ăn, phòng chống ô nhiễm thứ cấp, kiểm soát nhiệt độ của nguyên liệu thô và thực phẩm đã qua chế biến; Hướng dẫn khai báo ngộ độc thực phẩm, chuẩn bị và ứng phó với vụ ngộ độc thực phẩm

46 người chết/năm do ngộ độc thực phẩm

Số liệu trên lấy từ hội thảo "Ngộ độc bếp ăn tập thể khu công nghiệp - Thực trạng và giải pháp" do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Sở Y tế Bình Dương tổ chức sáng ngày 13.8.

Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 năm gần đây, toàn quốc đã ghi nhận 927 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.733 người bị ngộ độc, trong đó có 229 người chết.

Trung bình mỗi năm xảy ra 185 vụ với 6.147 người mắc và 46 người chết/năm. Tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể chiếm từ 12% - 20,6% trên tổng số vụ. Ngộ độc tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất xảy ra nhiều nhất tại vùng Đông Nam bộ, chiếm tỷ lệ 66,7% tổng số vụ xảy ra trong cả nước.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng nhận định trong các vụ ngộ độc có tới 7/13 vụ (tỷ lệ 53,8%) do sử dụng thực phẩm thủy sản (chủ yếu là cá ngừ có chứa Histamine). Các vụ ngộ độc cá ngừ tập trung chủ yếu tại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Trong 72 vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại các KCN, KCX, nguyên nhân do độc tố chiếm 19,4%, vi sinh vật chiếm 33,3%, hoá chất chiếm 11,1%, còn 36,1% số vụ chưa xác định được nguyên nhân.

Hội thảo diễn ra hết ngày 13.8 nhằm tìm ra giải pháp hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm.

 

Công nhân Công ty TNHH Fujikura (KCN VSIP I, Thuận An, Bình Dương) nhập viện sau một bữa ăn
công nghiệp
 

Ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) vừa cho biết trong tháng 6, cả nước đã xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm làm 423 người mắc, 310 người nhập viện, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Những trường hợp tử vong này đều ở Đồng Nai, là nạn nhân của vụ ngộ độc rượu tập thể do sử dụng rượu không bảo đảm an toàn. Sau khi uống rượu được mua từ một quán tạp hóa, nạn nhân đều có các triệu chứng tức ngực, khó thở, hoa mắt, nôn ói, hôn mê và tử vong.

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 58 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.901 người mắc, 1.408 người phải nhập viện và 14 trường hợp tử vong. Về căn nguyên của các vụ ngộ độc, cơ quan chức năng đã xác định có 8/17 vụ xảy ra là do vi sinh vật, 5/17 vụ xảy ra do độc tố tự nhiên, 2/17 vụ xảy ra do hóa chất và 2/17 vụ không rõ nguyên nhân.

 

Ngày 17/09/2012
Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang và CN. Võ Thị Thu Trâm
(tổng hợp từ báo)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích