Khóa tập huấn đánh giá năng lực xét nghiệm viên sốt rét tại Viện Sốt rét-KST-CT Trung ương
Nhằm đánh giá năng lực của xét nghiệm viên tuyến trung ương, những người đang và sẽ thực hiện công tác đào tạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của các điểm kính hiển vi trên toàn quốc. Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức Mạng lưới hợp tác đào tạo châu Á về sốt rét (ACT Malaria) tổ chức lớp tập huấn đánh giá ngoại kiểm năng lực xét nghiệm viên sốt rét tại Hà Nội từ ngày 18-22/6/2012. Lớp tập huấn do chuyên gia về đảm bảo chất lượng xét nghiệm kính hiển vi của Tổ chức WHO và ACT Malaria - Tiến sỹ Ken Lilley giảng dạy, 12 học viên được đề cử từ 3 Viện Sốt rét tham dự khóa học này. Qua 5 ngày học tập, đánh giá, các học viên phải thực hiện soi phát hiện chủng loại ký sinh trùng (KST) và đếm mật độ KST với tổng số 69 lam thuộc các chủng loại Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale và một số lam phối hợp. Số lam mẫu này được lấy từ ngân hàng lam của Tổ chức y tế thế giới (WHO slide bank). Sau mỗi buổi học, học viên được tự do thảo luận về kết quả các lam mình đã soi và thảo luận với giáo viên tìm ra những điểm mấu chốt nhằm xác định đúng chủng loại và mật độ KST. Kết quả đánh giá, có 8 xét nghiệm viên được cấp chứng chỉ cấp 2 (level 2), 3 học viên nhận chứng chỉ cấp 3 (level 3) và một học viên nhận chứng chỉ cấp 4 (level 4). Đây là các chứng chỉ được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đối với trình độ, năng lực của xét nghiệm viên sốt rét. Kết quả đánh giá cho thấy một số điểm như sau: - Đối với phát hiện chủng KST: Tất cả các học viên đều phân biệt được các chủng KST mặc dù một số chủng như P.malariae, P. ovale rất hiếm gặp ở Việt Nam - Đếm mật độ KST: Hiện nay, công tác đếm mật độ KST chưa được thực hiện thường quy mà chỉ đếm mật độ khi có yêu cầu như đề tài nghiên cứu khoa học.Vì vậy, độ chính xác trong đếm số lượng KST chưa cao. | Lễ nhận chứng chỉ năng lực xét nghiệm viên
|
Một số đề nghị qua quá trình đánh giá: 1.Hoàn thiện và cấp phát cho tất cả các tuyến quy trình chuẩn xét nghiệm sốt rét (SOPs) bao gồm khâu chuẩn bị đến đọc kết quả lam. 2.Tăng cường tập huấn lại hàng năm về kỹ năng xét nghiệm cho xét nghiệm viên tất cả các tuyến (kể cả tuyến trung ương – 3 Viện) chú trọng vào đếm mật độ KST, phân biệt các chủng KST. 3.Hợp tác với các tổ chức bên ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như hỗ trợ về lam mẫu với những loại KST hiếm gặp ở Việt Nam. 4.Xây dựng ngân hàng lam cho chương trình Quốc gia (National slide bank) 5.Thành lập nhóm chuyên gia về đảm bảo chất lượng xét nghiệm sốt rét (national core group). Nhóm này sẽ phải tiến hành đánh giá đối với tuyến tỉnh, huyện, xã 6.Thường xuyên tiến hành kiểm tra chéo giữa các xét nghiệm viên nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng xét nghiệm 7.Tổ chức các lớp đánh giá từ bên ngoài (như đợt đánh giá này) thường xuyên hơn, có thể là 1-2 năm/lần
|