|
Lán trại tạm bợ của dân di cư tự do |
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn liền với đói nghèo và dịch bệnh
Nước ta có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, ngoại trừ Kinh là dân tộc đa số chiếm 85% dân số cả nước, còn lại là dân tộc thiểu số. Mặc dù mỗi dân tộc có đặc điểm và bản sắc riêng nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số có điểm chung là thường sinh sống ở các vùng núi rừng xa xôi cũng là những vùng khó khăn về kinh tế và trọng điểm dịch bệnh. Một số đặc thù về dân tộc thiểu số ở nước ta Mặc dù số dân tộc thiểu số cao nhất 53/54 nhưng số dân lại chiếm tỷ lệ thấp nhất > 14% (12,3 triệu người) so với dân số cả nước. Các dân tộc có số dân ≥ 1 triệu người (Tày, Thái, Khơ me, Mường, Hoa); nửa triệu đến < 1 triệu người (Nùng, Mông, Dao); 10 vạn đến < 50 vạn người (Gia rai, Ê đê, Ba Na, Sán Chay, Chăm, Xơ đăng, Sán dìu, HRê, Cơ Ho....); < 10 vạn người (Răglây, MNông, STiêng, Khơ mú, Vân Kiều, Giáy, Gié triêng, Tà Ôi, Mạ, Hà Nhì, Xinh Mun, La Chí, Phù Lá, La Hủ, Chứt....); 200 người đến < 1 ngàn người như Ơ đu (Nghệ An), Bờ Râu, Rơ Măm (Kon Tum), Pu Péo (Hà Giang), Si La (Lai Châu). Các dân tộc tập trung chủ yếu ở vùng miền núi và trung du ở khoảng 3/4 diện tích cả nước như vùng Tây Bắc (Thái, Mông, Mường); vùng Đông Bắc (Tày, Nùng, Dao, Mông); vùng Bắc Trung bộ (Chứt, Vân Kiều, Pa Cô); vùng duyên hải miền Trung (Ka Tu, Raglai, Chăm); Tây nguyên (Ê đê, Gia Lai, Ba Na, MNông, Xơ đăng, K'Ho. Cil, Mạ, Chu ru); vùng Đông Nam bộ (Stiêng, Khơ me, Châu ro, Chăm, Mạ); vùng đồng bằng sông Cửu Long (Khơ me, Chăm, Hoa)... Đặc điểm cư trú của các dân tộc thiểu số phân tán nhưng tập trung theo dòng tộc trong những buôn làng định cư, xen kẽ với các dân tộc khác trên cùng địa bàn miền núi, vùng cao, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa; một số ít đồng bào sinh sống ở đồng bằng, hải đảo và đô thị. Bên cạnh những dân tộc đã định canh định cư và phát triển tương đối ổn định như Tày, Nùng, Thái, Mường, Chăm, Khơ me, Hoa; phần lớn cư trú ở vùng thấp, đồng bằng có điều kiện thuận lợi về đất, nước, khí hậu, thời tiết, gần thị trường; còn có nhiều dân tộc chưa phát triển như Mông, Dao, Cơ Ho, La Hủ, Raglai, MNông, Khơ mú, Stiêng và một số dân tộc ít người khác thường sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, trên các tuyến biên giới, giao thông chưa phát triển, sản xuất còn ở trình độ thấp, quảng canh, du canh nương rẫy, tập tục còn lạc hậu, một vài dân tộc ở Tây Nguyên còn mang đậm dấu ấn của chế độ mẫu hệ, thậm chí có dân tộc còn sinh sống dựa vào thiên nhiên, săn bắt, hái lượm như đồng bào La Hủ (Lai Châu), Chứt (Quảng Bình)… Hiện nay các tỉnh có người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao trên 80% so với dân số tại địa phương là Cao Bằng (93%), Hà Giang (90%), Lạng Sơn (86%), Sơn La (82%), Lai Châu (81%); các tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số trên 50% là Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Sóc Trăng.... Đặc biệt trong gần 20 năm trở lại đây, làn sóng dân “di cư tự do” là đồng bào các dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, mông, Dao…) từ một số tỉnh miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang…) ồ ạt vào Tây Nguyên tìm “miền đất hứa” đã để lại cho chính quyền địa phương nơi có dân đến nhiều khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh cũng như xóa đói giảm nghèo. Nhìn chung hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta hầu hết cư trú và sinh sống ở các vùng rừng núi là đầu nguồn của các dòng sông suối, có điều kiện khai phá đất hoang, làm nương rẫy, phát triển nghề rừng và khai thác lâm thổ sản… nên hạn chế tiếp cận với thông tin văn hóa xã hội Thực trạng đói nghèo và dịch bệnh ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Thực trạng đói nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển cho đồng bào các dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc so với trước đây, tuy nhiên các vùng miền núi cũng là vùng dân tộc thiểu số đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, khoảng cách thu nhập chênh lệch còn lớn so với các vùng miền khác trong cả nước,cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn nhiều bất cập, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 3 lần tỷ lệ nghèo trung bình của cả nước. Chất lượng giáo dục phổ thông và phát triển nguồn nhân lực có trình độ đạt thấp, tình trạng người dân tộc thiểu số mù chức còn phổ biến, đa số người trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề; trình độ đội ngũ cán bộ y tế cơ sở yếu và thiếu trang thiết bị y tế, chất lượng dịch vụ y tế chưa cao. Năng lực, trình độ của cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu xã hội; an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số nơi còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định; tình trạng du canh, du cư, di dân tự do, chặt phá rừng còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh Tây Nguyên. Những hạn chế, yếu kém này là do kinh tế vùng dân tộc và miền núi có xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên khó khăn, thiên tai xảy ra thường xuyên, nguồn lực đầu tư còn hạn chế; bên cạnh đó việc nâng cao trình độ dân trí và nhận thức xã hội chưa được quan tâm đúng mức, chính sách ưu tiên dân tộc còn thiếu nhất quán và chậm được bổ sung, sửa đổi phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay. Từ thực trạng đói nghèo nêu trên, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục duy trì phong tục tập quán lạc hậu (mê tín dị đoan, ma chay, cúng bái…) và nghề nghiệp canh tác thủ công theo truyền thống (phá rừng khai thác đất hoang, làm nương rẫy và ngủ rẫy, định cư du canh hoặc du canh du cư…), chính những điều này đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ vô tình phá hủy nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước mà còn tạo môi trường thuận lợi cho các loài trung gian truyền bệnh (muỗi, bọ chét, ve, mò, mạt…) tiếp cận hút máu và lan truyền dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ người sang người và súc vật sang người. Để minh chứng cho vấn đề di biến động dân số ở các vùng miền núi, đầu tiên phải kể đến vấn đề dân di cư tự do, theo các nguồn số liệu thống kê từ những năm 1990 đến 2010 có hàng chục vạn dân di cư tự do là đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Mông, Dao, Mường, Thái…) từ một số tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên, trong đó ồ ạt nhất là giai đoạn 1991-1995, mỗi năm có khoảng 16 vạn người di cư tự do; giai đoạn 1996-2000 giảm xuống còn 9 vạn người/năm; giai đoạn 2000-2010 còn hơn 4 vạn người/năm. Những năm gần đây tình trạng dân di cư tự do vào Tây Nguyên không ồ ạt như trước đây nhưng vẫn diễn biến phức tạp và ngoài tầm kiểm soát của chính quyền cũng như y tế địa phương vì họ vào từng tốp hộ gia đình nhỏ lẻ ở đan xen với các hộ đã vào trước đây trên hầu khắp địa bàn Tây Nguyên kèm theo tình trạng chặt phá rừng vô tội vạ và không được tiếp cận các dịch vụ y tế.
Dân di cư tự do đốt phá rừng làm nhà ở và làm rẫy ở Tây Nguyên |
Cùng với di cư tự do, tình trạng canh tác nương rẫy (đi rừng, làm rẫy và ngủ rẫy) của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương hầu như trở thành phổ biến ở Tây Nguyên cũng như khu vực miền núi các tỉnh miền Trung và miền Đông Nam bộ. Có thể nói canh tác nương rẫy đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các khu vực này vì canh tác ruộng nước chưa phổ biến đối với họ, tuy nhiên canh tác nương rẫy cũng góp phầnlàm giảm độ bao phủ của rừng rừng, nguồn tài nguyên rừng và phá hủy hệ sinh thái rừng.
Đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở nhà rẫy và ngủ rẫy |
Thực trạng y tế và dịch bệnh vùng đồng bào thiểu số Từ những khó khăn về đời sống kinh tế xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề y tế cũng đang cần được quan tâm giải quyết. Kết quả các cuộc điều tra y tế cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm tỷ lệ cao nhất từ 25% - 35% so với cả nước; đặc biệt cao > 40% ở đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa như dân tộc Mảng, La Hủ, Cờ Lao... Tỷ suất tử vong ở trẻ em < 1 tuổi cũng ở mức cao như Tây Nguyên ( 27,3), Trung du và miền núi phía Bắc (24,5); đặc biệt một số vùng dân tộc và miền núi có tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi cao trên dưới 40% như Lai Châu (47,7), Điện Biên (39,7), Hà Giang (37,5), Kon Tum (38,2). Kết quả điều tra về tổ chức mạng lưới y tế cho thấy gần 60% số trạm y tế xã chưa đạt chuẩn, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở thiếu và yếu, trong khi tình hình bệnh dịch (sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não/màng não, tiêu chảy và nhiều bệnh truyền nhiễm khác chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số dịch bệnh truyền nhiễm còn cao ở vùng miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như sốt rét, theo thống kê mới nhất hiện nay với sự đầu tư của chương trình phòng chống sốt rét, bệnh sốt rét ở nước ta đã bị đẩy lùi; tuy nhiên > 80% số mắc sốt rét và tử vong sốt rét vẫn tập trung ở các vùng trọng điểm-nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (Tây Nguyên, miền Trung, miền Đông Nam bộ và khu 4 cũ) do biến động dân khó kiểm soát (dân đi rừng, ngủ rẫy, di cư tự do, giao lưu biên giới…); các bệnh do véc tơ truyền cũng có cơ hội lan truyền và phát triển như sốt mò, sốt xuất huyết, sốt phát ban, viêm não Nhật Bản…
Cơ sở y tế và điều trị bệnh nhân sốt rét tại một xã miền núi (Ảnh minh họa) |
Những phác họa trên đây cho thấy tình trạng đói nghèo luôn gắn liền với điều kiện phát sinh dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc miền núi xa xôi luôn có bệnh dịch lưu hành; để giải quyết những thực trạng này nhà nước đã có nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và ngành tế cũng có nhiều đầu tư hạ tầng và cung cấp trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia cho các cơ sở y tế khu vực miền núi, đồng thời tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế là người dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ bác sĩ cho các trạm y tế xã và y tế thôn bản đến tận vùng sâu/vùng xa; hầu hết các dự án/chương trình mục tiêu y tế quốc gia như phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng… đều ưu tiên cho vùng núi và các nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với một nước có 54 dân tộc cùng chúng sống, Chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát triển toàn diện về mọi mặt. Trước thực trạng khó khăn về kinh tế ở các vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, chính sách dân tộc của nhà nước là ưu tiên đầu tư xóa đói giảm nghèo đi đôi với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, đẩy lùi dịch bệnh để các vùng đồng bào dân tộc cùng vươn lên mạnh mẽ hòa nhập với sự phát triển chung của đất nước.
|