Ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm 2017
Tổ chức Y tế thế giới (WHO)-Ngày Thế giới phòng chống sốt rét (World Malaria Day_WMD) 25/4/2017 tiếp tục chủ đề năm trước: “Chấm dứt hoàn toàn bệnh sốt rét” (End Malaria for Good). Hướng đến ngày này WHO đang nhấn mạnh “điểm sáng” (spotlight) về phòng ngừa, một chiến lược quan trọng nhằm giảm thiểu những thiệt hại của bệnh sốt rét do muỗi Anopheles truyền tiếp tục giết chết hơn 400.000 người mỗi năm.
Đẩy mạnh biện pháp phòng ngừa (A push for prevention) Ngay từ năm 2000, phòng ngừa sốt rét đã có vai trò quan trọng làm giảm số mắc và tử vong sốt rét chủ yếu thông qua việc mở rộng phạm vi bao phủ màn tẩm hóa chất diệt (ITNs) và phun tồn lưu hóa chất trong nhà (IRS). Ở khắp vùng cận Saharan châu Phi nơi tập trung chủ yếu sốt rét toàn cầu, phần lớn dân số đang ngủ dưới ITNs. Trong năm 2015, ước tính khoảng 53% dân số nguy cơ được bảo vệ bằng ITNs so với 30% năm 2010. Trong 20 quốc gia châu Phi, giai đoạn 2010 -2015 điều trị dự phòng cho phụ nữ mang thai tăng gấp 5 lần. Theo Báo cáo sốt rét thế giới (World Malaria Report) của WHO 2016, trong năm 2015 có 212 triệu ca mắc mới sốt rét (new cases of malaria)và 429.000 trường hợp tử vong, cứ mỗi 2 phút lại có một đứa trẻ chết vì sốt rét. Mở rộng phạm vi phòng ngừa đang thu được những kết quả khả quan, ước tính mới nhất của WHO cho thấy nhiều quốc gia còn sốt rét lưu hành gánh nặng sốt rét đã được làm giảm đáng kể. Trên quy mô toàn cầu, số ca mắc mới sốt rét giảm 21% giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ tử vong sốt rét giảm 29% so với cùng kỳ 5 năm trước đó. | WMD là cơ hội nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục đầu tư và cam kết chính trị bền vững trong phòng chống sốt rét (Ảnh: Sven Toffin/ WHO) |
Một chương trình nghị sự chưa hoàn thành (An unfinished agenda) Tuy nhiên tiến độ thực hiện cần được tăng tốc đáng kể, Chiến lược Kỹ thuật sốt rét toàn cầu (Global Technical Strategy for Malaria) của WHO kêu gọi giảm 40% số mắc và tử vong sốt rét vào năm 2020 so với 2015 nhưng chưa đầy một nửa (40/91) quốc gia trên thế giới có sốt rét lan truyền đang đi đúng hướng để đạt được những cột mốc này, tiến độ đặc biệt chậm ở các nước có thu nhập thấp với gánh nặng sốt rét cao. Để tăng tốc độ tiến bộ hướng tới những mục tiêu toàn cầu, WHO kêu gọi các nước bị ảnh hưởng sốt rét và các đối tác phát triển của họ đẩy mạnh đầu tư trong phòng chống sốt rét, đồng thời kêu gọi tài trợ lớn hơn cho sự phát triển, đánh giá và triển khai các công cụ mới. Đầu tư mạnh mẽ trong phòng ngừa sốt rét và các công cụ mới sẽ thúc đẩy các quốc gia đi theo lộ trình loại trừ đồng thời góp phần vào các mục tiêu phát triển bền vững khác như cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Với các nguồn lực cần thiết và tất cả các đối tác thống nhất, chúng ta có thể chuyển đổi tầm nhìn chung “Chấm dứt hoàn toàn sốt rét” trở thành hiện thực.
|