|
Lễ phát động chiến dịch hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống sốt rét 25-4 |
Hiệu quả truyền thông giáo dục phòng chống sốt rét từ ngày sốt rét thế giới 25-4
Từ năm 2008 đến nay, Lễ phát động ngày sốt rét thế giới 25-4 hàng năm đã trở thành ngày ra quân phòng chống sốt rét cùng với chiến dịch truyền thông giáo dục phòng chống sốt rét rầm rộ trên phạm vi cả nước đã đem lại hiệu quả đáng kể trong việc giảm thấp bệnh sốt rét tại cộng đồng. Cùng với cả nước, từ 3 năm nay (2008-2010) Lễ phát động ngày sốt rét thế giới 25-4-ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên được Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn tổ chức lần đầu tiên tại TP. Huế (năm 2008), huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc (năm 2009) và huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế (năm 2010) nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày hy sinh của GS. Đặng Văn Ngữ-Người Thầy của chuyên ngành Ký sinh trùng và của nền Y học Việt Nam với mục đích cung cấp thêm những kiến thức và hiểu biết về bệnh sốt rét đồng thời thông tin, tuyên truyền và thực hiện quyết liệt các chiến lược phòng chống sốt rét quốc gia, huy động mọi nguồn lực và công đồng tham gia phòng chống sốt rét. Tại các địa phương trong khu vực, mỗi tỉnh cũng chọn một huyện trọng điểm, mỗi huyện chọn một xã trọng điểm tổ chức chiến dịch truyền thông phòng chống sốt rét, đồng thời với đồng loạt ra quân phòng chống sốt rét nhằm quyết tâm “hạ gục sốt rét” từ những cú đòn quyết định. Mặc dù nhiều năm qua nước ta đã đạt được những thành quả to lớn trong phòng chống sốt rét, năm 2009 giảm 85% số ca mắc, 90% số ca tử vong và cơ bản khống chế được dịch sốt rét so với thời kỳ bùng nổ dịch sốt rét 1991-1992. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, nhất là di biến động dân giữa vùng sốt rét và không có sốt rét trong nước, giữa các vùng biên giới giáp Lào, Cambodia; những vùng sốt rét lưu hành nặng có dân di cư tự do, dân đi rừng, ngủ rẫy trong khi chúng ta chưa có biện pháp phòng chống sốt rét khả thi cho những nhóm dân này. Từ thực tế đó, hiện nay trọng điểm sốt rét vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Nam bộ-Lâm Đồng, khu IV cũ và một số tỉnh vùng núi phía Bắc nơi có nhiều khó khăn về mạnh lưới y tế cơ sở cũng như điều kiện kinh tế và văn hóa còn hạn chế. Về khó khăn kỹ thuật, tác nhân gây bệnh sốt rét đã kháng lại hầu hết các thuốc sốt rét hiện dùng, các thuốc chống kháng có hiệu lực cao (Artemisinine) mới đưa vào sử dụng đang có nguy cơ kháng trên diện rộng với ký sinh trùng P.falciparum, muỗi truyền bệnh sốt rét chính (An.minimus, An.dirus) cũng đang có xu hướng thay đổi tập tính hoạt động và giảm nhạy với hóa chất. Ý thức tự bảo vệ để phòng bệnh sốt rét của người dân chưa cao, tỷ lệ nằm màn chống muỗi còn thấp; bên cạnh đó thiên tai, bão lụt thường xuyên xảy ra tạo điều kiện cho bệnh sốt rét phát triển và có khả năng gây dịch bất cứ lúc nào. | Lễ phát động chiến dịch hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống sốt rét 25-4-2009 tại các tỉnh Tây Nguyên | Việc tăng cường nâng cao chất lượng các biện pháp phòng chống sốt rét, cùng với việc xây dựng các yếu tố bền vững trong phòng chống sốt rét, trong đó thay đổi được nhận thức của người dân, từ nhận thức chuyển đổi sang hành vi chủ động phòng chống sốt rét và tự bảo vệ cho bản thân, gia đình, cộng đồng là hết sức cần thiết. Do đó chiến dịch truyền thông phòng chống sốt rét vào ngày 25-4 đã trở thành cú hích quan trọng nâng cao ý thức phòng chống sốt rét của người dân, nhiều hình thức truyền thông được sử dụng (cổ động, truyền thanh, giao lưu trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội thi phòng chống sốt rét, thảo luận nhóm, nói chuyện trực tiếp với cộng đồng, pano, áp phích, tranh lật, tranh lịch, tờ rơi…) đã đem lại hiệu quả không nhỏ trong phòng chống sốt rét.
Hiện nay trên thế giới, chiến lược phòng chống sốt rét (malaria control) đi đôi với chiến lược loại trừ sốt rét (malaria elimination) và chiến lược chống sốt rét của nước ta trong 10 năm đến (2011-2020) cũng phải tuân theo như vậy. Nên có thể nói sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy ngày 25 tháng 4 là ngày Châu phi phòng chống sốt rét nhằm đẩy lùi bệnh sốt rét ở Châu phi làm ngày phòng chống sốt rét toàn cầu, trong đó có Việt Nam đã đem lại hiệu quả bền vững trong phòng chống sốt rét.
Tin rằng Ngày thế giới phòng chống sốt rét 25-4 hàng năm sẽ trở thành ngày phát động chương trình phòng chống sốt rét tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng, cũng như các khu vực khác trong cả nước nói chung, với những cam kết mạnh mẽ của các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương cùng duy trì nguồn nhân lực và vật lực đầu tư phòng chống sốt rét, sẽ giữ vững được thành quả đã đạt được, từng bước đẩy lùi bệnh sốt rét tiến tới loại trừ bệnh sốt rét ttheo chiến lược của WHO đã đề ra.
|