![](../upload/info/image/1297229654015_his200.jpg) |
ảnh minh họa |
Nữ sinh Phú Yên có hội chứng tâm lý hàng loạt, phải chăng bị hysteria ?
Trong thời gian qua, thông tin hàng loạt nữ sinh ở trường cấp 2, 3 Sơn Thành, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên đột nhiên bị mệt mỏi, sau đó ngất xỉu, một số có biểu hiện triệu chứng buồn nôn, mắt trợn ngược, tay chân co cứng, co giật, la hét hoảng loạn... Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Phú Yên đã khảo sát tình hình ghi nhận không có yếu tố độc hại, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng và xác định có thể đây là hội chứng tâm lý. Phải chăng hội chứng tâm lý này là hysteria tập thể? Đặc điểm của bệnh hysteria Hysteria là một trạng thái của tâm thức, biểu hiện bằng sự kích động thái quá, không thể điều khiển được các cảm xúc. Những người bị hysteria thường mất tự chủ do một nỗi sợ hãi gây ra bởi nhiều sự kiện trong quá khứ có liên quan đến một số mâu thuẫn nghiêm trọng, bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương tâm lý ở những người nhân cách yếu. Trong bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD-10), hysteria được gọi là rối loạn phân ly. Bệnh chiếm tỷ lệ khoảng từ 0,3 đến 0,5% dân số, thường gặp ở nữ giới. Biểu hiện bệnh rất đa dạng với những dấu hiệu dạng cơ thể như mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, đau nhức... nhưng không có bằng chứng xác đáng về bệnh cơ thể. Ngoài ra, còn có những biểu hiện về tâm thần kinh như khóc, cười, sợ hãi vô cớ, la hét, mất hoặc tăng cảm giác...; ý thức chỉ bị ảnh hưởng. Đặc điểm quan trọng là bệnh nhân rất dễ tự ám thị và bị ám thị ly kỳ hóa hiện tượng, kịch tính hóa, thích được mọi người chú ý. Nói chung, các chuyên gia y tế hiện đại đã không còn xem hysteria như là một hiện tượng, thay thế vào đó được xem là các chứng bệnh xác định chính xác hơn. Nguyên nhân bệnh thường là do những chấn thương tâm lý, lo sợ cao độ, tức giận, bi quan, bệnh cơ thể mà theo người bệnh hiểu là hiểm nghèo. Yếu tố thuận lợi là những người có nhân cách yếu, kém ý chí, thần kinh dạng nghệ sĩ, nhiễm độc, nhiễm trùng, bệnh tim mạch... Triệu chứng bệnh xuất hiện bằng các cơn co giật, co cứng sau một chấn thương tâm lý. Bệnh nhân giãy dụa la hét, đập giường... nhưng ý thức vẫn tỉnh táo và vẫn nhận biết được xung quanh, thích được mọi người chú ý. Cơn rối loạn cảm xúc như kêu khóc, cảm xúc hỗn độn, nói không chuẩn, không phù hợp với chủ đề xung quanh, gào thét không rõ lý do, ý thức không bị rối loạn, hiếm gặp ý thức thu hẹp nhẹ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có ảo giác, thường là ảo thị, nhìn thấy những hiện tượng không có từ bên ngoài... Bệnh nhân rất dễ bị ám thị và tự ám thị, nhận thức không đúng về sự vật hiện tượng xảy ra. Có thể gặp các rối loạn vận động như run, co giật, liệt chức năng. Có rối loạn cảm giác, mất hoặc tăng cảm giác từ một kích thích nhỏ, bệnh nhân cảm nhận mình lớn hơn bình thường. Có cảm giác đau và nhận biết vị trí sơ đồ cảm giác da của cơ thể; cảm giác nội tạng cũng bị rối loạn như đau bụng, đau ngực, đau vùng tim... | ảnh minh họa | Theo y văn, hysteria là một bệnh tâm thần có căn nguyên tâm lý. Bản chất chính xác của bệnh cho đến bây giờ các nhà tâm thần học trên thế giới vẫn chưa xác định được. Các biểu hiện lâm sàng, đặc điểm nhân cách hay loại hình thần kinh và yếu tố sang chấn tâm lý là ba vấn đề đã được khẳng định. Bệnh cảnh lâm sàng của loại bệnh này rất đa dạng, người bệnh có một hay vài biểu hiện mà các bác sĩ chuyên khoa tâm thần gọi là “cơn hysteria” như cơn quên, cơn co giật toàn thân, gật, lắc đầu, nháy mắt, múa giật, múa vờn, run toàn thân hay một tay, chân có khi lại sững sờ, bất động; cơn mù mắt hoàn toàn và cơn điếc đột ngột, cơn liệt tay, chân, cơn câm hay nói khó, nói lắp; cơn mất vị giác, khứu giác, mất cảm giác da hay tê bì, cơn co thắt ruột, cơn nôn, cơn nấc, cơn ngủ mà trong cơn người bệnh thỉnh thoảng lại thở dài, thổn thức hoặc khóc, cười... Lại có cơn tự nhiên vùng chạy, leo trèo, gào thét hoặc kèm theo nói linh tinh, khóc, cười hoặc trốn khỏi nhà.
Điều trị hysteria bằng biện pháp tâm lý, thôi miên, tạo mối quan hệ tốt giữa thầy thuốc và bệnh nhân sẽ làm cho cơn bệnh qua đi trong thời gian ngắn. Trong một số trường hợp khó khăn hơn, cần sử dụng ngay benzodiazepin, sau đó dùng thuốc chống trầm cảm liều thấp như elavil, hoặc các thuốc mới như prozac, remeron, sertralin... Hiện tượng bệnh hysteria tập thể Vào tháng 10/2004, một học sinh Trường phổ thông Nguyễn Hiền, phường Hòa Cường, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, đang học thì tự nhiên ngất xỉu, bất động hoàn toàn. Sau đó như luồng điện lan truyền, một số học sinh trong lớp cũng bị tình trạng tương tự. Tất cả 30 học sinh đều là nữ, tuổi từ 14 đến 18, đặc biệt có một số học sinh trong vòng 3 tiếng đồng hồ đã có đến ba lần bị ngất xỉu. Ngành y tế ở địa phương nhận định đây là một cơn “hysteria tập thể". Đến khoảng tháng 12/2004, tại Trường trung học Kinh tế kỹ thuật Phương Đông, cách Trường Nguyễn Hiền khoảng vài trăm mét, có 27 nữ sinh cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Do có kinh nghiệm xử lý tình huống từ Trường phổ thông Nguyễn Hiền nên các nữ sinh ở Trường Phương Đông nhanh chóng hồi phục khi có sự can thiệp kịp thời của nhân viên y tế chuyên khoa tâm thần học. Tuy vậy, số lượng các trường hợp nữ sinh bị hiện tượng “hysteria tập thể” ở cả hai Trường Nguyễn Hiền và Trường Phương Đông, phường Hòa Cường, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cọng lại cũng chưa bằng các trường hợp có triệu chứng tương tự như ở Trường trung học Xuân Ái, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ trước đó với 130 nữ sinh trong tổng số 175 lượt nữ sinh bị lên “cơn hysteria tập thể”. Các trường hợp ghi nhận có các biểu hiện lâm sàng đa dạng, ngoài cơn ngất xỉu còn có một số nữ sinh bị lên cơn co giật. Trường hợp hysteria xảy ra ở các nữ sinh tại thành phố Đà Nẵng là cơn ngất xỉu, bệnh nhân cảm thấy cơ thể bị mềm yếu dần rồi từ từ ngã xuống, nằm thiêm thiếp, mắt chớp chớp. Trường hợp hysteria xảy ra ở các nữ sinh tại tỉnh Phú Thọ lại có những cơn co giật toàn thân, dễ nhầm với cơn động kinh toàn thể, bị động kinh với cơn lớn. Ở đây có thể phân biệt bệnh nhân động kinh bị ngã đột ngột ở bất kỳ nơi nào kể cả chỗ bẩn, nguy hiểm như lửa, điện, nước... Trong cơn động kinh, người bệnh không hề biết gì, sau cơn lại quên hoàn toàn sự việc vừa diễn ra ngay trước và trong cơn bệnh, có khi bệnh nhân còn bị sùi bọt mép, tiểu dầm. Trái lại bệnh nhân hysteria, khi ngã bao giờ cũng chọn chỗ sạch, không nguy hiểm, bệnh nhân bị giãy giụa chứ không hoàn toàn co giật như động kinh, đặc biệt trí óc bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, vẫn biết hết mọi cử động, lời nói của người thân và thầy thuốc. Sau cơn hysteria, người bệnh nhớ chính xác toàn bộ sự việc vừa xảy ra, đặc biệt họ không bao giờ tiểu dầm. Có thể nói hội chứng hysteria gây nên sự cảm ứng với những tiêu cực tâm lý có tính cách dây chuyền của các các đối tượng sinh hoạt cùng chung hoàn cảnh, cùng sống trong một môi trường do có sự tác động qua lại, làm ảnh hưởng lẫn nhau. Vì vậy trong một thời gian ngắn, có thể lôi cuốn nhiều người trong cùng một môi trường sinh hoạt vào một trạng thái bệnh lý giống nhau nên đã xảy ra hiện tượng bị hội chứng hysteria tập thể. Hội chứng tâm lý hàng loạt của nữ sinh Phú Yên, phải chăng bị hysteria? Khi Trạm Y tế xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên phát hiện các trường hợp nữ sinh trường cấp 2, 3 Sơn Thành bị ngất xỉu hàng loạt và xử trí bằng cách cho uống nước trà nóng, xoa bóp, bấm huyệt và trấn an tư tưởng. Sau đó, do có nhiều trường hợp tương tự xảy ra nên Bệnh viện Đa khoa huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên cũng vào cuộc, tiếp nhận hàng loạt nữ sinh bị ngất xỉu, xử lý chuyên môn và cho rằng nguyên nhân ban đầu là do một số nữ sinh bị hạ calci huyết, sau đó vì ảnh hưởng tâm lý nên dẫn đến hàng loạt nữ sinh khác cũng bị ngất xỉu dây chuyền. Đứng trước thực trạng tình hình, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên đã khảo sát và cho biết sau khi đo đạc một số điểm bên trong trường học ghi nhận nồng độ của một số loại khí đều ở ngưỡng cho phép. Sân trường học lại có rất nhiều cây xanh, góp phần điều tiết không khí; vì vậy nguyên nhân ô nhiễm môi trường do khí lạ có thể được loại bỏ. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho rằng khả năng các em nữ sinh trong trường học bị ngất xỉu hàng loạt là do hội chứng tâm lý và khuyến nghị nhà trường, gia đình cần tập trung làm tốt công tác tư tưởng cho học sinh. Hội chứng tâm lý xảy ra hàng loạt cho các nữ sinh tại trường cấp 2, 3 Sơn Thành, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên với biểu hiện lâm sàng đột nhiên bị mệt mỏi, sau đó ngất xỉu, một số có biểu hiện triệu chứng buồn nôn, mắt trợn ngược, tay chân co cứng, co giật, la hét hoảng loạn... cũng tương tự như trường hợp các nữ sinh ở Trường phổ thông Nguyễn Hiền, Trường trung học Kinh tế kỹ thuật Phương Đông, phường Hòa Cường, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng với biểu hiện lâm sàng bị ngất xỉu, bất động hoàn toàn và Trường trung học Xuân Ái, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ với biểu hiện lâm sàng đa dạng, ngoài cơn ngất xỉu còn có một số nữ sinh bị lên cơn co giật. Các thông tin cung cấp từ các địa phương nơi đã xảy ra hiện tượng này chỉ đề cập đến đối tượng bị hội chứng hysteria hầu hết là nữ sinh, ở đối tượng nam sinh không được ghi nhận. Phải chăng hội chứng tâm lý xảy ra hàng loạt cho các nữ sinh tại tỉnh Phú Yên cũng như một số địa phương khác trong thời gian vừa qua là hội chứng “hysteria tập thể”. Hiện nay, với sự phát triển của xã hội, hội chứng “hysteria tập thể” cũng đã có chiều hướng xảy ra ở một số nơi. Vấn đề này cần được các nhà tâm lý học, tâm thần học, xã hội học, giáo dục học và các nhà khoa học có liên quan... nghiên cứu để chủ động có các giải pháp phòng ngừa. Mặc dù hiện tượng “hysteria tập thể” không gây hậu quả nghiêm trọng về thực thể, không gây di hại về tâm thần nhưng cần được toàn xã hội quan tâm và nên có các biện pháp phòng chống bệnh ở lứa tuổi trẻ, đặc biệt là đối tượng nữ sinh từ trong gia đình cho đến trường học. Khi số người bị mắc loại bệnh này giảm hẳn trong cộng đồng sẽ góp phần không nhỏ để làm giảm gánh nặng và hậu quả cho xã hội.
|