|
Một ca tại nạn giao thông được điều trị tại Bệnh viện(ảnh sưu tầm) |
Cách phân loại nạn nhân bị tai nạn giao thông tại hiện trường
Thực trạng hiện nay tai nạn giao thông xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng cho không ít nạn nhân, trong đó có các vụ tai nạn nghiêm trọng với hàng loạt nạn nhân bị thương tích. Việc phân loại nạn nhân ban đầu tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn là một hành động cần thiết để có biện pháp xử trí phù hợp và vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế kịp thời nhằm góp phần làm giảm thiểu các trường hợp tử vong. Mục tiêu và khái niệm về cách phân loại Mục tiêu trước mắt trong việc xử trí các tai nạn giao thông tại hiện trường là biết cách phân loại, chọn lọc sơ bộ khi cần sơ cấp cứu những nạn nhân bị thương tích hàng loạt xảy ra do tai nạn. Cần đưa ra quyết định chính xác và kịp thời để chủ động cứu được nhiều nạn nhân càng tốt. Phân loại nạn nhân theo thuật ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp là Triage. Đây là cách lựa chọn, phân loại căn cứ theo đặc tính, theo mức độ sơ cấp cứu, tình trạng nặng hay nhẹ của các thương tổn để có thái độ xử trí phù hợp. Thuật ngữ phân loại nạn nhân (Triage) đã có từ thời Napoleon. Trong thời kỳ này, quân đội Pháp đã chuyển các thương binh bằng xe ngựa về tuyến sau do bị tổn thương quá nặng và trên đường về bệnh viện ở hậu phương đã bị tử vong; đồng thời những thương binh nhẹ hơn đã phải chờ đợi lâu, không được điều trị kịp thời và các thương tổn bị nặng dần lên cũng đã dẫn đến tử vong. Hậu quả là cả thương binh nặng và thương binh nhẹ đều bị thương vong. Trên thực tế, đáng lẽ ra thương binh bị tổn thương nhẹ được vận chuyển về tuyến sau sớm hơn, trước cả thương binh có tổn thương quá nặng thì chắc chắn các thương binh nhẹ sẽ có nhiều cơ hội được sống sót. Từ thực trạng xảy ra, thuật ngữ phân loại, chọn lọc nạn nhân (Triage) đã ra đời. Phân loại nạn nhân được hiểu là quá trình phân loại theo mức độ khẩn cấp từ vết thương của nạn nhân nhằm bảo đảm cho nạn nhân được điều trị hợp lý và kịp thời. Thực tế cũng cho thấy, để giải quyết kịp thời và hợp lý khi phải đối mặt với nhiều nạn nhân bị tai nạn vào cơ sở y tế ồ ạt trong một thời gian rất ngắn nhưng điều kiện cơ sở vật chất ở các phòng khám bệnh đa khoa của những bệnh viện thiếu cán bộ y tế, thiếu các trang thiết bị kỹ thuật, thuốc men... như các vụ dịch bệnh, tai nạn giao thông, ngộ độc thức ăn hàng loạt, hỏa hoạn, tai nạn lao động, sập nhà, sập cầu... thì việc phân loại, chọn lọc nạn nhân ban đầu cần phải được thực hiện ngay tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn để có cách xử trí sơ cấp cứu một cách phù hợp và lựa chọn nạn nhân chuyển về tuyến sau. Nguyên tắc phân loại nạn nhân Đứng trước một tai nạn giao thông hoặc một loại tai nạn khác có hàng loạt nạn nhân bị tổn thương cần được sơ cấp cứu. Việc phân loại nạn nhân cần chú ý là phải đánh giá đúng các mức độ thương tổn của các nạn nhân nhằm đưa ra hướng giải quyết trong một thời gian tương đối ngắn, tối đa khoảng 5 phút. Phân loại nạn nhân rất cần thiết để đưa ra định hướng chẩn đoán. Vì vậy người sơ cấp cứu cần được tập huấn, đào tạo đặc biệt và có kinh nghiệm để thực hiện công việc này. Yêu cầu quan trọng trong việc phân loại nạn nhân là không được do dự và cách phân loại được căn cứ vào một số yếu tố như mức độ thương tổn đe dọa đến tính mạng, khả năng cứu chữa, nguồn lực cán bộ chuyên môn, thời gian vận chuyển nhanh hay chậm; khoảng cách đến bệnh viện, môi trường an toàn cho nạn nhân và người sơ cấp cứu... Hệ thống phân loại nạn nhân trên thế giới Hiện nay, tùy theo các quốc gia, vùng lãnh thổ và những lĩnh vực khác nhau có liên quan; việc áp dụng hệ thống phân loại nạn nhân rất phong phú, đa dạng. Thông thường có 2 kiểu phân loại nạn nhân trong các vụ tai nạn cần được sơ cấp cứu hàng loạt là phân loại đơn giản và phân loại nâng cao. + Trong phân loại đơn giản, nạn nhân được chia ra làm 4 nhóm là nhóm tử vong, nhóm ngay lập tức gọi là nhóm ưu tiên 1, nhóm trì hoãn gọi là nhóm ưu tiên 2 và nhóm nhẹ hơn gọi là nhóm ưu tiên 3. - Nhóm ưu tiên 1: nhóm nạn nhân này ngay lập tức phải được chuyển đến cơ sở y tế trong vòng 1 giờ đồng hồ bằng xe cứu thương cùng với sự chăm sóc y tế nâng cao ngay, nếu không nạn nhân sẽ bị tử vong. - Nhóm ưu tiên 2: nhóm nạn nhân này có thể trì hoãn sau khi đã chuyển hết nhóm nạn nhân thuộc nhóm ưu tiên 1. - Nhóm ưu tiên 3: nhóm nạn nhân này sẽ chuyển khi hoàn tất việc chuyển các nhóm nạn nhân ưu tiên 1 và nhóm nạn nhân ưu tiên 2. + Trong phân loại nâng cao, người bác sĩ cấp cứu tại hiện trường có thể quyết định xem xét một số nạn nhân bị thương tổn khá nghiêm trọng, khó có khả năng sống sót để dành thời gian, nhân lực và vật lực tập trung cho số các nạn nhân khác nhằm giúp cho những nạn nhân này có cơ hội được sống sót nhiều hơn. Phân loại nâng cao gồm có 5 nhóm là nhóm theo dõi, nhóm ngay lập tức, nhóm quan sát, nhóm chờ đợi và nhóm cho về. - Nhóm 1 theo dõi: nhóm nạn nhân này chỉ cần được theo dõi vì nạn nhân bị tổn thương quá nặng như do bỏng có diện tích rộng với tỷ lệ bỏng trên 90%, bị chấn thương sọ não, bị hôn mê sâu độ 3... Do tổn thương quá nặng, nạn nhân sẽ tử vong trong vòng một vài giờ hoặc một vài ngày sau đó nên nạn nhân cần được đưa đến nơi yên tĩnh, dùng biện pháp giảm đau, theo dõi để nạn nhân thanh thản ra đi. - Nhóm 2 ngay lập tức: nhóm nạn nhân này đòi hỏi phải được can thiệp bằng phẫu thuật như các lại vết thương làm tổn thương tim, mạch máu, vỡ gan, vỡ lách, chảy máu nội tạng dữ dội; bị chấn thương lồng ngực hoặc vết thương ngực hở gây khó thở dữ dội... Nạn nhân nhóm này sẽ có khả năng sống sót nếu được điều trị ngay lập tức. - Nhóm 3 quan sát: nhóm nạn nhân này mặc dù ở trong tình trạng tạm thời ổn định nhưng đột ngột có thể có diễn biến lâm sàng nặng lên. Vì vậy đòi hỏi phải có sự giám sát của chuyên môn. - Nhóm 4 chờ đợi: nhóm nạn nhân này cần có sự giám sát của bác sĩ trong vài giờ hoặc vài ngày nhưng chưa cần cấp cứu ngay như các trường hợp bị rạn nứt xương... - Nhóm 5 cho về: nhóm nạn nhân này có vết thương nhẹ, chỉ cần hỗ trợ ban đầu và hướng dẫn tự chăm sóc tại nhà để bảo đảm yêu cầu, không cần sự chăm sóc của bác sĩ. Tùy theo tính chất của từng trường hợp tai nạn khác nhau, việc thực hiện cách phân loại sẽ khác nhau như trường hợp đối với nạn nhân bị chấn thương do tai nạn giao thông, trước khi nạn nhân được chuyển đến bệnh viện sẽ tiến hành lần lượt 3 bước: - Đánh giá các dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân như mạch, huyết áp, sự thở, nhiệt độ. - Xác định tri giác của nạn nhân xem nạn nhân đã hôn mê hay còn tỉnh táo. - Khảo sát tình trạng tổn thương của nạn nhân như bị đa chấn thương hay chỉ có một thương tổn. Các phù hiệu chỉ định màu sắc trong phân loại Trong 2 kiểu phân loại nạn nhân đơn giản và phân loại nạn nhân nâng cao đã nêu ở trên, việc quy định các phù hiệu với chỉ định các loại màu sắc khác nhau rất cần thiết để nhận biết. Có 4 loại phù hiệu chỉ định màu sắc thống nhất. -Trường hợp nạn nhân bị tổn thương nặng, quy định phù hiệu màu đỏ: đây là nhóm nạn nhân thuộc nhóm ưu tiên 1 trong cách phân loại đơn giản, tương ứng với nhóm 2 ngay lập tức trong cách phân loại nâng cao. -Trường hợp nạn nhân bị tổn thương trung bình, quy định phù hiệu màu vàng: đây là nhóm nạn nhân thuộc nhóm ưu tiên 2 trong phân loại đơn giản, tương ứng với nhóm 3 quan sát trong cách phân loại nâng cao. -Trường hợp nạn nhân bị tổn thương nhẹ, quy định phù hiệu màu xanh: đây là nhóm nạn nhân thuộc nhóm ưu tiên 3 trong cách phân loại đơn giản, tương ứng với nhóm 4 chờ đợi trong cách phân loại nâng cao. -Trường hợp nạn nhân bị tử vong, quy định phù hiệu màu đen: đây là nhóm nạn nhân thuộc nhóm tử vong trong cách phân loại đơn giản, tương ứng với nhóm 1 theo dõi trong cách phân loại nâng cao. Khuyến nghị Hiện nay, tai nạn giao thông xảy ra khá phổ biến tại các địa phương và thường gây nên những thương tích cho nhiều nạn nhân. Đa số các trường hợp đêu bị thương tổn nặng nên việc sơ cấp cứu ban đầu tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn rất quan trọng. Quá trình thực hiện việc sơ cấp cứu phải tiến hành khẩn trương và theo đúng trình tự mới có thể cứu được tính mạng của nhiều nạn nhân nếu bị tai nạn hàng loạt. Việc thực hiện phân loại nạn nhân tại hiện trường để tiến hành sơ cấp cứu rất cần thiết và phải bảo đảm nguyên tắc sơ cấp cứu được nhiều nạn nhân càng tốt, có thể phải chấp nhận sự trì hoãn hoặc bỏ qua các trường hợp nạn nhân bị tổn thương quá nặng, không có khả năng sơ cấp cứu để tập trung cho nhiều nạn nhân khác nhằm cứu sống được nhiều nạn nhân.
|