Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 06/02/2025
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Finance & Retail Góc thư giản
Thế giới đó đây
Góc nhìn văn hóa
Cười 24h
Góc thơ

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 9 3 5 4 5 6
Số người đang truy cập
8 0 9
 Góc thư giản Góc nhìn văn hóa
Một phụ nữ bị chồng ngược đãi ở Amman, Jordan. Ảnh: REUTERS
Vấn đề bạo lực đối với phụ nữ

Trên thực tế hiện nay, bạo lực đối với phụ nữ có nhiều hình thái khác nhau như do chồng gây ra hoặc do đối tượng khác không phải là chồng. Qua khảo sát nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam ghi nhận tình trạng này xảy ra khá phổ biến và chiếm một tỷ lệ đáng được quan tâm. Vì vậy cần có chiến lược đối phó của phụ nữ, việc phản ứng đối với bạo lực để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống và ngăn ngừa.

 

Bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra

Bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra có thể là bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần và kinh tế; đồng thời cũng có thể kết hợp cả bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần. Qua số liệu nghiên cứu trên 4.561 phụ nữ đã có chồng tại Thành phố Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Bến Tre; đại diện cho ba vùng miền Bắc, Trung và Nam của Việt Nam ghi nhận:

- Phụ nữ đã từng kết hôn đã phải chịu bạo lực thể xác trong đời do chồng gây ra chiếm tỷ lệ 32% và đã từng trải qua bạo lực thể xác trong vòng 12 tháng trước thời điểm khảo sát gọi là bạo lực hiện tại chiếm tỷ lệ 6%. Kết quả nghiên cứu cho thấy bạo lực thể xác được đo lường bởi tỷ lệ bạo lực hiện tại bắt đầu sớm trong mối quan hệ và giảm dần theo độ tuổi. Có sự khác biệt tỷ lệ giữa các khu vực và trình độ học vấn. Đối với phụ nữ có trình độ văn hóa thấp thì tỷ lệ bị bạo lực thể xác cao hơn phụ nữ có trình độ học vấn cao. Trong số những phụ nữ bị bạo lực cao thì mức độ nghiêm trọng của các hành vi bạo lực cũng cao hơn.

Khảo sát cũng ghi nhận trong số 4.474 phụ nữ đã từng mang thai, phụ nữ bị bạo lực thể xác trong ít nhất một lần mang thai chiếm tỷ lệ 5% và tỷ lệ bạo lực khi mang thai cao nhất ở các phụ nữ chưa từng đến trường học.

- Phụ nữ bị bạo lực tình dục do chồng gây ra rất khó khăn khi khảo sát vì phụ nữ khó tiết lộ những trải nghiệm bạo lực tình dục hơn so với những trải nghiệm bạo lực thể xác. Vì vậy, việc nói về bạo lực tình dục trong hôn nhân được xem là một chủ đề không phù hợp do tính tế nhị. Tuy nhiên, qua khảo sát cũng thu thập được tỷ lệ 10% phụ nữ từng kết hôn cho biết đã từng bị bạo lực tình dục trong đời và khoảng 4% trong vòng 12 tháng trước thời điểm điều tra gọi là bạo lực hiện tại. Một điều đáng quan tâm là bạo lực tình dục hiện tại không thay đổi nhiều ở những nhóm tuổi khác nhau cho đến 50 tuổi và trình độ học vấn của phụ nữ.

 

(Ảnh minh họa: Internet) 

- Phụ nữ bị bạo lực tinh thần và kinh tế do chồng gây ra cũng không kém phần quan trọng so với bạo lực tình dục và bạo lực thể xác; nó thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn so với bạo lực tình dục và bạo lực thể xác. Trong khảo sát, khó có thể xác định được loại hình thái bạo lực này vì bị giới hạn nội dung điều tra các hành vi bạo lực khác có thể xảy ra đối với phụ nữ. Tuy vậy, kết quả khảo sát cũng ghi nhận phụ nữ bị bạo lực tinh thần trong đời chiếm tỷ lệ khá cao 54% và bị bạo lực tinh thần hiện tại chiếm tỷ lệ 25%. Ngoài ra, phụ nữ bị bạo lực kinh tế trong đời chiếm khoảng 9%. Dữ liệu về bạo lực kinh tế giống như đối với các hành vi kiểm soát khác, không được tính theo khoảng thời gian và tần suất vì chúng phản ánh một chuỗi các hành vi đạo đức khó có thể xác định theo cùng một cách với những hành động cụ thể.

- Phụ nữ cũng có thể bị bạo lực kết hợp thể xác, tình dục và tinh thần do chồng gây ra, trong đó tỷ lệ bạo lực thể xác và bạo lực tình dục là chỉ tiêu quan trọng về bạo lực được sử dụng để so sánh quốc tế.

Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, phụ nữ bị bạo lực tình dục cũng có thể bị bạo lực thể xác. Phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc bạo lực thể xác hay cả hai loại bạo lực trong đời chiếm tỷ lệ 34% và bạo lực hiện tại chiếm tỷ lệ 9%. Tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực trong cuộc đời khác nhau tùy theo vùng miền, đồng thời cũng khác nhau giữa các nhóm dân tộc với tỷ lệ thay đổi từ 8% đến 38%.

Khi kết hợp ba loại bạo lực chính là bạo lực thể xác, bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần do chồng gây ra ghi nhận đã có hơn một nửa phụ nữ đã từng bị ít nhất một trong ba loại bạo lực này trong cuộc đời. Tỷ lệ bạo lực này trong hiện tại chiếm khoảng 27%. Trên thực tế, có sự liên hệ chặt chẽ giữa ba loại bạo lực và việc đánh giá đan xen cho thấy luôn luôn có một phụ nữ vừa bị bạo lực tình dục hoặc thể xác, vừa bị lạm dụng tinh thần.

Bạo lực đối với phụ nữ do đối tượng khác, không phải do chồng gây ra

Bạo lực đối với phụ nữ do đối tượng khác, không phải do chồng gây ra bao gồm các loại hình thái như bị bạo lực thể xác sau tuổi 15, bạo lực tình dục sau tuổi 15 và lạm dụng tình dục trước tuổi 15.

- Phụ nữ đã từng bị bạo lực thể xác kể từ khi 15 tuổi bởi một người khác không phải là chồng gây ra chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên tỷ lệ bạo lực này có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền với khoảng cách dao động từ 3% đến 12%. Người gây bạo lực chủ yếu là các thành viên trong gia đình, qua khảo sát ghi nhận có khoảng 65% phụ nữ sau tuổi 15 bị bạo lực thể xác là do các thành viên trong gia đình gây ra.

- Phụ nữ đã từng bị bạo lực tình dục sau tuổi 15 do đối tượng khác, không phải là chồng gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 2%. Hầu hết các trường hợp đối tượng gây bạo lực là người lạ hoặc bạn trai, hiếm khi là các thành viên trong gia đình.

- Phụ nữ đã từng bị lạm dụng tình dục trước khi đến tuổi 15 chiếm tỷ lệ khoảng 3%. Hầu hết phụ nữ bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 đều xác định đối tượng lạm dụng là người lạ, một số trường hợp là thành viên trong gia đình và “người khác”.

Khi so sánh bạo lực do chồng gây ra và bạo lực không phải do chồng gây ra, có thể thấy rõ phụ nữ tại Việt Nam có khả năng bị bạo lực do chồng gây ra chiếm tỷ lệ cao gấp ba lần so với bị bạo lực do người khác gây ra. Đây là một vấn đề cần quan tâm trong một xã hội văn minh, hiện đại.

Hậu quả của bạo lực đối với phụ nữ

Bạo lực đối với phụ nữ thường gây nên các hậu quả về thương tích và mối liên hệ giữa bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục với hậu quả về sức khỏe.

Phụ nữ từng bị chồng gây nên bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục đã bị thương tích do hậu quả trực tiếp từ hành vi bạo lực chiếm tỷ lệ khoảng 26%. Trong số phụ nữ bị thương tích, có khoảng 60% phụ nữ bị thương tích hai lần trở lên và 17% bị thương tích nhiều lần.

Trong mối liên hệ giữa bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục với hậu quả về sức khỏe, tất cả phụ nữ đã được khảo sát về tình hình sức khỏe chung, sức khỏe tâm thần và sức khỏe sinh sản. So sánh giữa đối tượng phụ nữ đã từng bị bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục với đối tượng phụ nữ chưa bao giờ bị bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục ghi nhận tình trạng sức khỏe của họ kém hoặc rất kém. Hậu quả phụ nữ bị bạo lực do chồng gây ra có xu hướng mắc phải những vấn đề về đi lại, hạn chế thực hiện những hoạt động thường ngày, bị đau đớn, mất trí nhớ, trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực... Hậu quả do bạo lực tương tự cũng được phát hiện có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản như bị sẩy thai, nạo thai, thai chết lưu...

Ngoài ra, phụ nữ có con từ 6 tuổi đến 11 tuổi đã từng bị bạo lực do chồng gây ra cho biết con cái của họ cũng có những vấn đề về hành vi sức khỏe như hay gặp các cơn ác mộng, đi tiểu dầm, tính tình hung hăng, kết quả học tập kém... so với những phụ nữ không bị bạo lực do chồng gây ra.
 
(Ảnh minh họa: Internet) 
Bạo lực đối với trẻ em, khía cạnh liên thế hệ của bạo lực

Có khoảng 1/4 phụ nữ có con dưới 15 tuổi cho biết con của mình đã từng bị bạo lực về thể xác do chồng gây ra. Hành vi bạo lực thể xác đối với trẻ em phổ biến thường là cái tát tai, xô đẩy trẻ... Bạo lực đối với trẻ em có mối liên hệ chặt chẽ với bạo lực đối với phụ nữ do cùng một đối tượng gây nên. Phụ nữ có chồng bạo hành thường cho biết con của mình cũng bị đánh đập cao gấp hai lần và thậm chí còn cao hơn nếu người chồng bạo hành vợ nghiêm trọng. Số phụ nữ bị chồng gây bạo lực thể xác cũng thường cho biết con cái của họ đã từng chứng kiến ít nhất một lần cảnh bạo lực này.

Ngoài ra, phụ nữ đã từng bị bạo lực do chồng gây ra thường có nguy cơ mẹ mình cũng đã từng bị cha đánh đập cao gấp hai lần so với những phụ nữ khác. Nguy cơ này tăng gấp ba lần nếu họ có mẹ chồng bị bố chồng đánh đập hoặc bản thân chồng cũng bị đánh đập khi còn nhỏ. Trải nghiệm thời thơ ấu của người chồng là một yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến việc trở thành người gây nên bạo lực trong đời sống sau này.

Chiến lược đối phó của phụ nữ và phản ứng đối với bạo lực

Qua điều tra khảo sát ghi nhận có một nửa số phụ nữ đã từng bị chồng gây bạo lực nhưng chưa từng nói với ai về vấn đề mà mình phải hứng chịu. Bên cạnh việc xấu hổ và kỳ thị khiến cho người phụ nữ giữ im lặng, nhiều phụ nữ nghĩ vấn đề bạo lực trong quan hệ vợ chồng là chuyện bình thường và phụ nữ phải làm quen, phải chịu đựng những gì đang diễn ra vì hạnh phúc gia đình.

Trong thực tế, nếu người phụ nữ có tiết lộ cho ai đó biết vấn đề mình bị bạo lực thì thường là một thành viên trong gia đình. Thật không may về đặc điểm hiện nay trong mạng lưới của xã hội gần kề chỉ làm tăng thêm sự xấu hổ và kỳ thị bằng việc đưa ra những quan điểm đổ lỗi cho người phụ nữ và có lời khuyên người phụ nữ nên chịu đựng. Hơn nữa, việc nói cho người khác biết mình bị bạo lực cũng có thể là nguy cơ làm tăng thêm sự bạo lực.

Hầu hết phụ nữ bị bạo lực với tỷ lệ khoảng 87% chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống hoặc từ những người có thẩm quyền. Nếu phụ nữ có tìm kiếm sự hỗ trợ khi tình trạng bạo lực đã xảy ra nghiêm trọng và người họ tìm đến thường là lãnh đạo của địa phương. Thực tế người phụ nữ cảm thấy họ không được hỗ trợ bởi vì chính những người lãnh đạo địa phương cho rằng bạo lực gia đình là một vấn đề thuộc phạm vi gia đình. Có khoảng 1/5 số phụ nữ bị bạo lực đã từng rời khỏi nhà ít nhất là một đêm. Thực tế người phụ nữ gần như không có một sự chọn lựa nào khác, không biết đi đâu, về đâu nên họ thường đành quay về nhà vì gia đình.

Qua khảo sát ghi nhận khoảng 60% người phụ nữ đã từng bị bạo lực thể xác và bạo lực tình dục do chồng gây ra có nghe nói đến Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhưng họ không biết được chi tiết của luật, thậm chí ngay cả các cấp chính quyền địa phương cũng không nắm được một cách cụ thể về Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Khuyến nghị

Bạo lực gia đình đối với phụ nữ khá phổ biến, đặc biệt là bạo lực tinh thần và những tác động nghiêm trọng của vấn đề bạo lực với trẻ em, với phụ nữ. Vấn đề bạo lực hiện nay đã được bình thường hóa, thực tế người phụ nữ phải chịu đựng và chấp nhận bạo lực, phải giữ im lặng về những điều mà họ phải hứng chịu. Đây là một vấn đề xã hội cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, đúng bản chất của nó. Cần cấp bách phá vỡ sự im lặng, nâng cao nhận thức của người dân với quan điểm bạo lực đối với phụ nữ, bạo lực đối với gia đình là vấn đề không thể chấp nhận được trong một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Đồng thời cũng cần có những hành động cấp bách để ngăn ngừa và đối phó tình trạng bạo lực đối với phụ nữ một cách có hiệu quả.

Các biện pháp cần được triển khai thực hiện để phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em là tăng cường cam kết và hành động quốc gia, tăng cường ngăn ngừa ban đầu, xây dựng các giải pháp đối phó phù hợp; đồng thời hỗ trợ việc nghiên cứu, thu thập dữ liệu, hợp tác về vấn đề mang tính xã hội cấp bách này.

 

 

Ngày 13/02/2012
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn triển khai Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với phương châm “Nỗ lực hết mình vì người bệnh”


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích