Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 06/02/2025
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Web Sites & Commerce Chuyên đề
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Finance & Retail Góc thư giản
Thế giới đó đây
Góc nhìn văn hóa
Cười 24h
Góc thơ

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 9 3 5 4 6 2
Số người đang truy cập
7 6 9
 Góc thư giản Góc nhìn văn hóa
(ảnh minh họa)
Một số thổ lộ của phụ nữ bị bạo lực gia đình

Ở các nước trên thế giới kể cả nước ta, bạo lực gia đình đối với phụ nữ là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Trong nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Bến Tre; đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam với chủ đề tế nhị “Khảo sát quốc gia về sức khỏe phụ nữ và kinh nghiệm sống” đã ghi nhận được một số lời thổ lộ của phụ nữ bị bạo lực qua công tác điều tra, khảo sát. Từ những lời thổ lộ này, tất cả mọi người cùng suy ngẫm đến một vấn đề xã hội mang tính cấp bách nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3.

Bạo lực thể xác

Một phụ nữ bị bạo lực tại Hà Nội thổ lộ: “Đánh mình xong, ông ấy lôi mình như một con chó, tóc tai rũ rượi, lôi từ ngõ lôi vào... Ôi giời, ông ấy cầm ghế - cái ghế con để ngồi ăn cơm hoặc là ông ấy cầm gạch (để đánh)... Ông ấy rút ngay cái dép phang vào mặt, đau ơi là đau. Tôi chạy nhưng không chạy kịp, ông ấy mới cầm cái ghế ông ấy quăng vào tôi. Tôi nấp sau cửa nhà thì cái ghế nó đập vào cửa rơi bụp xuống, thế là hàng xóm người ta nghe thấy, người ta chạy sang. Họ giữ tay ông ấy lại, rồi bảo tôi ‘mày chạy đi’. Tôi lách người qua cửa chạy đi thì ông ấy ném gạch theo...”.

Một phụ nữ khác bị bạo lực ở Bến Tre cũng thổ lộ: “Ông ấy (chồng) uýnh em quá tàn nhẫn, uýnh vô đầu và bụng đó. Em về em viết tấm giấy đưa lên xã, thế là ổng ấy làm ầm ĩ với em. Ông vô bê nguyên cây dừa ổng uýnh lại... Ba em thấy thế mới bảo em đi về nhà (ngoại) chứ em đâu có định về, em đâu có dám. Bà chị dâu đánh em nữa cho nên ba em mới xuống (đến nhà). Bà chị dâu đánh, mẹ chồng cũng đánh”.

Bạo lực tình dục

Một phụ nữ bị bạo lực tại Thừa Thiên Huế thổ lộ: “Bọn chị đi gặt phải một tuần mới xong, mà trong một tuần ngày nào anh cũng đòi hỏi, hôm nay không được thì mai anh lại đòi, liên tục như vậy. Thôi thì mình phải nhắm mắt xuôi tay để chiều anh ấy, vì là vợ chồng nên cũng phải chiều. Những ngày nhàn rỗi thì anh ấy không thích, những ngày vất vả anh ấy lại đòi hỏi thì thôi mình cũng phải chiều, mình phải đáp ứng vì đấy là chồng mình rồi... Đấy, mình biết tính chồng mình, không đáp ứng mà ngày mai vẫn vui vẻ thì có khả năng mình vẫn từ chối được; nhưng hôm nay mình không đáp ứng được mà ngày mai công việc đình trệ, hoặc là ăn uống không vui vẻ thì tốt nhất là ta cứ làm cho nó xong”.

Bạo lực tinh thần và kinh tế

Một phụ nữ bị bạo lực tại Hà Nội thổ lộ: “Trong cái quá trình ăn uống ông ấy bắt ghi sổ cơ, mà ghi sổ ông ấy còn không tin ở sổ. Ví dụ chị ghi 500 tiền hành thì ông ấy bảo là tại sao không sang hành xóm xin mà lại phải mua”.

Thương tích do bạo lực

Một phụ nữ bị bạo lực ở Hà Nội thổ lộ: “Bị bầm dập thì không nói làm gì (không cần phải mua thuốc) nhưng anh ta còn đánh vào đầu. Ví dụ anh ta dùng giầy đánh vào đầu tôi. Mà giầy của anh ta thì rất nặng. Khi anh ta đánh vào đầu tôi, tôi tưởng vỡ óc. Tôi bị đau khắp vùng xương sọ này. Tôi bảo mẹ tôi là sao con đau quá. Lúc đó còn có 20 ngày nữa là Tết. Mẹ tôi bảo con nằm mà nghỉ ngơi đi. Nhưng lúc đó là mùa buôn bán cho nên tôi không thể nghỉ được. Mẹ tôi lại bảo hay con đi chụp X quang. Nhưng chụp X quang đắt quá nên tôi không làm. Thành ra chỗ vết thương của tôi phải đau mất hơn một tháng, cho mãi gần đây bó mới hết đau”.

Bạo lực thể xác hoặc tình dục với hậu quả về sức khỏe

Một phụ nữ bị bạo lực ở Bến Tre thổ lộ: “Đứa này bị đánh nên sinh non này. Còn đứa trước ổng đánh đến ngày sinh luôn”.

Bạo lực đối với trẻ em, khía cạnh liên thế hệ

Một phụ nữ bị bạo lực ở Hà Nội thổ lộ: “Ngày hay đêm, hễ anh ta về nhà là trống ngực tôi lại dồn dập và kéo dài hàng giờ. Cô con gái tôi (10 tuổi) đang chơi ở nhà và đôi khi có cả bạn của nó ở đấy nữa, nhưng anh ta không quan tâm; mỗi khi về nhà là anh ta đè nghiến tôi xuống và giật tung quần áo tôi ra. Tôi không thể chống cự hoặc làm gì khác. Tay anh ta to thế giữ chặt người tôi khiến tôi không thể làm gì, ngay cả khi có mặt con gái tôi ở đó”. Một câu hỏi được hỏi tiếp “Anh ta làm thế trước mặt con gái chị?”. “Vâng, ngay trước mắt con gái tôi. Nó thấy xấu hổ và nó không thích những gì mà nó chứng kiến, nó chạy đến và bật đèn lên. Anh ta tát cho nó mấy cái thật đau nên nó sợ và im luôn. Con trai lớn của tôi (20 tuổi) chạy ra khỏi nhà khi chứng kiến cảnh này nhưng con gái tôi không hiểu điều gì đang xảy ra, nó chỉ không thích hành vi mà nó thấy giữa hai vợ và chồng và nó khóc. Nhưng rồi cũng phải nín sau khi bị chồng tôi tát cho mấy cái, nó sợ không dám nói một lời. Tôi đành phải chịu đựng”.

Một phụ nữ bị bạo lực ở Hà Nội cũng thổ lộ: “(Mẹ chồng tôi nói)... Mẹ không thể cho con gì được, mẹ không thể ở đây với con và mẹ phải đi thôi”. Con trai lớn tôi hỏi bà: “Bà sẽ đi đâu?”. Bà trả lời: “Bà đi đây, cháu không được theo bà...”. “Bà đã uống thuốc chuột để tự vẫn. Bà đã nói trước với tôi mà tôi không thể làm gì được... Bà đã quá chán nản và quyết định tự tử. Cô em chồng cũng ra sông tự vẫn”.

Đối phó của phụ nữ và phản ứng trước bạo lực

Một phụ nữ bị bạo lực ở Hà Nội thổ lộ: “... còn cái quan hệ tình dục ấy, mà ép em như thế thì em không kể cho mọi người ta nghe... Em nghĩ rằng là những cái câu chuyện như thế mình kể ra em thấy xấu hổ lắm, thế nên em không muốn kể, có ai hỏi thì em mới nói ra thôi, còn đâu người ta không hỏi tự nhiên mình cứ kể những cái ý ra em thấy nó ngượng lắm, em không dám nói”.

Một phụ nữ bị bạo lực ở Bến Tre cũng thổ lộ: “Em cũng không la, la có ai tới đâu mà la, tại ở dưới dó ghét mình, làm hại mình cho thằng chồng về đánh mình, họ đâu có ngó ngàng tới mình”.

Một phụ nữ khác bị bạo lực ở Hà Nội thổ lộ: “Bố mẹ chị là người đầu tiên khuyên chị nên chịu đựng. Mẹ chị bảo ‘đồng nát thì về cầu Lôm, con gái nỏ mồm về ở với cha”.

Một phụ nữ bị bạo lực ở Bến Tre thổ lộ: “Hàng xóm lại thì nó nói chuyện vợ chồng của nó, để nó giải quyết, đừng có ai xen vô nên người ta đâu có dám; lúc trước người ta còn mời công an chứ lúc này người ta không có dám. Nó nhậu về nó muốn làm gì thì làm, người ta cũng không can thiệp vô nữa; can thiệp vô nó nói, nó chửi luôn người ta thì sao; nó vậy đó nên người ta kệ nó”.

Một phụ nữ khác bị bạo lực ở Bến Tre cũng thổ lộ: “Khi mà bị anh hăm dọa mình thấy chịu không nổi phải nhờ ấp can thiệp thì có bảo trưởng ấp thì ổng cũng không nghe mình, ông ấy nói ‘Chuyện gia đình này, mày làm gì thì làm’.”

Khuyến nghị

Một phụ nữ bị bạo lực ở Hà Nội đã có sự khuyến nghị với lời thổ lộ: “Chị nghĩ là nếu bị bạo lực thì nên lên tiếng và nhờ sự giúp đỡ của tập thể hoặc tư vấn, tùy từng trường hợp chứ không phải ai cũng giống ai; nhưng mà không nên chịu nhịn, bởi vì chịu nhịn là chết đấy”.

Cần có sự can thiệp kịp thời

Ở nước ta cũng như một số nước khác trên thế giới, tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ tương đối khá phổ biến, đặc biệt là bạo lực tinh thần và những vấn đề nghiêm trọng của bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ. Trên thực tế, qua sự thổ lộ của một số phụ nữ bị bạo lực được khảo sát từ kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 cho thấy vấn đề bạo lực dường như đã được bình thường hóa, người phụ nữ phải chịu đựng và chấp nhận bạo lực, phải giữ im lặng về những điều mà họ đang phải hứng chịu. Vấn đề mang tính xã hội nhức nhối này cần được nhìn nhận đúng bản chất của nó và cần có sự can thiệp kịp thời, có những hành động cấp bách để ngăn ngừa và đối phó của tất cả mọi người, của nhiều cơ quan chức năng, các đoàn thể xã hội có liên quan nhằm hướng đến sự bình đẳng giới trong một tương lai gần ở một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Ngày 27/02/2012
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn triển khai Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với phương châm “Nỗ lực hết mình vì người bệnh”


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích