![](../upload/info/image/1362996373578_200.jpg) |
Cấp cứu một nạn nhân của bom mìn.(nguồn ảnh: danviet.vn) |
Thảm họa do bom mìn, nỗi đau còn đó
Chiến tranh đã qua đi và lùi về quá khứ nhưng thảm họa do bom mìn xảy ra ở một số địa phương trong thời gian qua gây nên nhiều nỗi đau cho bản thân, gia đình và cộng đồng với những trường hợp bị tử vong hoặc tàn phế; đặc biệt là ở trẻ em. Vì vậy cần chủ động ngăn ngừa thảm họa tai nạn thương tích do bom mìn còn sót tại sau chiến tranh ở một số vùng có nguy cơ này. Đặc điểm của bom mìn Bom mìn là một loại vật liệu nổ thường được sử dụng trong chiến tranh, khi có sự kích động chúng sẽ nổ và gây nên sự tàn phá, sát thương ở khu vực chung quanh nó. Bom do một thiết bị nổ tạo ra và giải phóng năng lượng một cách cực kỳ nhanh chóng thành một vụ nổ và sóng xung kích mãnh liệt mang tính phá hủy. Phần lớn các loại bom không chứa nhiều năng lượng hơn nhiên liệu thông thường. Một quả bom thường được thiết kế với hình thức một thùng chứa nhồi đầy vật liệu nổ, khi được kích hoạt chúng sẽ nổ và gây nên sự phá hủy. Chúng cấu tạo gồm thân bom chứa thuốc nổ hoặc vật nhồi, ngòi nổ và cánh ổn định. Bom chưa nổ ẩn náu lâu ngày dưới mặt đất có thể có đặc tính tương tự như mìn. Mìn cũng là một vật liệu nổ được bố trí tại một vị trí cố định và được kích hoạt nhờ tác động trực tiếp hay gián tiếp của chính ngay nạn nhân bị vướng vấp phải. Mìn có lợi thế về quân sự, nhưng rất khó thu hồi. Sau chiến tranh, đất đai bị xáo trộn, bản vẽ những bãi mìn bị thất lạc hoặc không có. Việc gỡ mìn rất tốn thời gian, tiền của, kể cả tính mạng của người rà phá. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã gây nên những thảm họa khá lớn và lâu dài. Việc tìm kiếm mìn chưa nổ thường đi kèm với việc tìm kiếm các đầu đạn chưa nổ và những quả bom cỡ lớn có sự sát thương rất đáng sợ. Các tổn thương do bom mìn Tính chất và mức độ tổn thương do bom mìn phụ thuộc vào lượng thuốc nổ, loại thuốc nổ, cách cấu tạo của từng loại, mật độ, vị trí và khoảng cách của cơ thể nạn nhân đối với tâm điểm nổ, tính chất của môi trường dẫn truyền và vật cản... Ngoài ra còn bị ảnh hưởng của thời gian tác động của yếu tố sát thương bom mìn trên cơ thể. Các tổn thương do bom mìn có đặc điểm là gây nên nhiều tổn thương ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Thương tổn thường gặp phổ biến ở chi dưới như bàn chân, cổ chân, cẳng chân và ở mặt trước của cơ thể; trong đó tổn thương ở xương khớp hay gặp nhiều nhất. Các vết thương gây ra do bom mìn nổ rất đa dạng như tổn thương cơ học tiên phát tạo nên vết thương kín, vết thương hở, bỏng và tổn thương thứ phát do đất đá bắn vào, đụng dập, ngã bổ... Tình trạng sốc chiếm tỷ lệ khá cao do mất máu, bị tổn thương trên diện rộng, nhiều và nặng ở các bộ phận của cơ thể; sự đau đớn, thoát huyết tương ở phần chi bị cắt cụt tự nhiên hoặc bị dập nát gây mất máu nhiều và nhanh. Hiện tượng rối loạn lưu thông máu ở bàn chân và cẳng chân bị tổn thương do rỉ máu từ các ổ xương gãy, sự tụ máu, phù nề phát triển dưới các lớp cân cơ của bàn chân, cẳng chân gây nên hội chứng chèn ép trong; từ đó gây ra tình trạng thiếu nuôi dưỡng, thiếu ôxy ở các lớp tế bào, dẫn đến hoại tử chi. Các vết thương do bom mìn lúc đầu bị ô nhiễm do dị vật và các mảnh văng từ mặt đất lên nên dễ xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn kỵ khí, hoại thư sinh khí. Hiện tượng nhiễm khuẩn nặng kèm theo hoại tử chi bị tổn thương còn dẫn đến biến chứng suy thận cấp sau chấn thương. Lực nén và sóng kích động tạo nên bởi sóng nổ truyền qua vật rắn tới phần cơ thể trực tiếp tiếp xúc với vật rắn đó thường gây ra các tổn thương kín. Vùng bàn chân và cổ chân bị phù, sưng to, có nốt phồng; bị rối loạn tuần hoàn, mạch máu mu bàn chân không đập, chi lạnh tím, có tổn thương xương khớp; về sau có hiện tượng thưa xương nếu nạn nhân qua khỏi, không bị tử vong. Dạng tổn thương kín này được gọi là bàn chân mìn hoặc bàn chân bị tổn thương kín do sóng nổ của mìn. Ngoài ra, còn gặp các thương tổn khác như gãy xương đốt sống lưng, thắt lưng; gãy ụ ngồi và xương chậu; sai khớp, giãn toác rộng đường liên khớp cổ chân. Với những đặc điểm bệnh lý do bom mìn gây ra đã nêu ở trên, phổ biến nhất là tình trạng nạn nhân bị cắt cụt chi tự nhiên; vì vậy các tổn thương do bom mìn thường gây nên tỷ lệ tàn phế khá cao. Trên thực tế ghi nhận một số cơ quan, bộ phận khác trên cơ thể cũng có thể bị tổn thương do bom mìn như mắt, sọ não, bụng, tiết niệu, sinh dục... Mắt thường bị tổn thương cả hai bên, nhiều bộ phận của mắt cũng bị tổn thương; khi khám kỹ thấy có nhiều vết thương, nhiều dị vật nhỏ ở trên nhãn cầu. Sọ não bị thương tổn do mảnh phá gây vỡ, rạn nứt lớn và dài ở hộp sọ; có hiện tượng bỏng da và xương sọ khi bom mìn nổ kề sát. Bụng có thể bị chấn thương kín ở các tạng trong ổ bụng như bị vỡ, rạn, gây chảy máu, viêm phúc mạc. Ngoài ra cơ quan tiết niệu, sinh dục cũng có thể bị tổn thương do bom mìn như dương vật, tinh hoàn; bàng quang có thể bị thủng dập... Cách xử trí các tổn thương do bom mìn Với đặc điểm đã nêu ở trên, các tổn thương do bom mìn cần được sơ cấp cứu sớm ngay tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn bằng cách băng bó, cầm máu, cố định và dùng thuốc giảm đau. Sau đó phải vận chuyển thật tốt và nhanh về cơ sở y tế nơi gần nhất có đủ khả năng cấp cứu hồi sức và phẫu thuật xử trí điều trị phù hợp. Điều quan trọng nhất là việc cứu sống tính mạng nạn nhân phải được đặt lên hàng đầu ở trong tất cả các biện pháp cứu chữa. Muốn thực hiện được vấn đề này, cần phải điều trị chống sốc sớm, toàn diện, bổ sung dịch thể đủ, kịp thời và dùng thuốc giảm đau hiệu quả. Chú ý đề phòng việc chống sốc trước, trong và sau khi mổ. Cần phải khám xét tỷ mỉ không để sót tổn thương, nhất là tổn thương ở các tạng. Cần lưu ý đến các chấn thương kín và các vết thương do mảnh phá. Kịp thời rạch mở rộng các lớp cân cơ ở bàn chân và cẳng chân để giải phóng trình trạng chèn ép trong do hiện tượng thoát huyết tương và rỉ máu tiếp tục. Cần điều trị dự phòng sự nhiễm khuẩn nhất là nhiễm khuẩn kỵ khí. Nếu bị tổn thương ở các nội tạng kết hợp cũng phải được phát hiện và xử trí theo các quy định của điều lệ xử trí vết thương chiến tranh. Đối với các chi bị cắt cụt tự nhiên, phải dùng ngay garô hoặc băng to bảng chắc băng ép chặt để cầm máu ngay trên phần chi bị cắt cụt; xoắn chặt đến khi không còn thấy máu chảy ra ở dưới mỏm chi cụt, không được nới garô với các mỏm cụt tự nhiên. Sau đó phải điều trị chống sốc do mất máu trước, tiếp đến cũng cần chóng sốc trong và sau khi phẫu thuật để xử trí cắt cụt hoặc tháo khớp chi bị cắt cụt tự nhiên do thương tổn. Việc xử trí các tổn thương do bom mìn gây nên phải được thực hiện tại các bệnh viện có đủ bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ và phương tiện cấp cứu hồi sức, phẫu thuật ngoại khoa phù hợp sau khi nạn nhân được sơ cấp cứu ban đầu từ nơi xảy ra tai nạn được vận chuyển đến bệnh viện. Ngoài những tổn thương thực thể có thể thấy được, nạn nhân bị tai nạn bom mìn luôn luôn bị đe dọa tính mạng một cách nghiêm trọng bằng những biến chứng kèm theo có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy cộng đồng xã hội cần quan tâm đến vấn đề này mặc dù chiến tranh đã lùi về quá khứ mấy chục năm nhưng nỗi đau do thảm họa bom mìn vẫn còn đó. Việc truyền thông giáo dục người dân ở những vùng có nguy cơ để phòng tránh thảm họa do bom mìn, đặc biệt ở đối tượng trẻ em phải kết hợp với các dự án rà phá bom mìn có quy mô hiệu quả trong một thời gian nhất định nhằm bảo đảm sự an toàn cho cộng đồng người dân trong lao động sản xuất và sinh hoạt.
|