Bạn biết gì về chiến tranh khủng bố sinh học
Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, vũ khí sinh học đã được các nhà quân sự sử dụng, sau đó được dùng trong chiến tranh Triều Tiên nhưng chưa đạt được hiệu quả cao. Thời gian qua với sự phát triển của khoa học, môn sinh học phân tử đã giúp cho các nhà khoa học tạo ra các chủng vi sinh vật đột biến bằng cách can thiệp vào gen di truyền và tạo nên các chủng vi sinh vật mới kháng lại thuốc kháng sinh, có khả năng chống lại kháng thể do vaccine tiêm phòng và có độc lực cao. Vì vậy ngoài chiến tranh vũ trang, hạt nhân, hóa học... các quốc gia cần cảnh giác vấn đề khủng bố sinh học với những hậu quả khó lường. Đặc điểm của các loại vũ khí sinh học Thực tế trên thế giới trong thời gian qua, một số quốc gia đã triển khai nghiên cứu các loại vũ khí sinh học và những biện pháp phòng chống căn cứ vào kết quả thực hiện của các viện nghiên cứu sản phẩm sinh học, vi sinh vật học, động vật học, thực vật học, di truyền học, độc học, bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm... Các nhà nghiên cứu vũ khí đã đánh giá thực tiễn về kinh tế ghi nhận nếu dùng vũ khí thông thường để tạo ra sự sát thương cho dân cư sống trong một khu vực có diện tích 1 km2 phải cần đến 2.000 USD, nếu dùng vũ khí hạt nhân phải cần đến 800 USD, nếu dùng vũ khí hóa học dạng khí độc thần kinh phải tốn 600 USD; còn nếu dùng vũ khí sinh học thì chỉ mất 1 USD. Mỹ là một quốc gia sản xuất nhiều loại vũ khí phục vụ cho chiến tranh, ở đây có Viện Nghiên cứu phòng chống vũ khí sinh học. Các binh sĩ Mỹ đều được huấn luyện các biện pháp phòng chống vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học; mỗi quân nhân được cấp một tài liệu hướng dẫn cách phòng vệ bản thân trước cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học. Quân đội Mỹ cũng đã nghiên cứu các chất liệu dùng trong chiến tranh sinh học, cách phòng vệ chiến tranh sinh học, phòng chống các chất hóa học và phòng vệ chiến tranh hạt nhân. Các nhà nghiên cứu khoa học quân sự thông qua công nghệ di truyền đã làm thay đổi cấu trúc gen để tạo ra các vi sinh vật vốn không gây bệnh trở thành có khả năng gây nên bệnh mới hoặc các vi sinh vật gây bệnh có khả năng kháng thuốc kháng sinh mạnh, có độc lực cao để sử dụng trong chiến tranh khủng bố sinh học. Hiện nay các nghiên cứu đã thử nghiệm nuôi cấy một số loại độc tố vào gen của một số trực khuẩn gây viêm cơ hoại thư để tăng khả năng sát thương, gây các thể bệnh nguy hiểm nhằm làm suy giảm lực lượng và sức chiến đấu của đối phương. Những vi sinh vật này đã trở thành các vũ khí mới được gọi là vũ khí gen, vũ khí di truyền, vũ khí ADN... | Các nhân viên an ninh Mỹ kiểm tra một gói hàng nghi ngờ chứa vi khuẩn bệnh than sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 - Ảnh: Reuters |
Các yêu cầu của vũ khí sinh học Đứng trên quan điểm về quân sự, vũ khí sinh học phải đạt các yêu cầu sau đây: - Vi sinh vật làm vật phẩm của vũ khí sinh học dùng trong hoàn cảnh chiến tranh và điều kiện chiến thuật phải có khả năng gây sát thương bằng cách gây bệnh, các tổn thương, nhiễm độc... làm thiệt hại sinh lực của đối phương, gây tổn thất cả con người, động vật nuôi, cây quả, hoa màu, hư hại cơ sở vật chất kỹ thuật của quốc gia đối nghịch. - Các sinh vật phẩm được dùng trong chiến tranh sinh học phải có hiệu lực sát thương cao, thời gian ủ bệnh của các bệnh lây nhiễm ngắn; việc sản suất, bảo quản, vận chuyển phải thuận lợi; khả năng sản xuất được một số lượng lớn và giá thành của sinh vật phẩm không quá cao. - Sinh vật phẩm được sử dụng trong chiến tranh sinh học thường dùng ở nhiều dạng khác nhau như dạng bột, dạng chất lỏng, dạng bụi, dạng khí dung... Vi sinh vật xâm nhập để gây nhiễm bệnh, nhiễm độc thường tác động ảnh hưởng qua da, đường hô hấp và đường tiêu hóa nhưng đường xâm nhập có hiệu quả nhất và nhanh nhất là đường hô hấp vì liều lượng vi khuẩn hoặc độc tố gây bệnh, gây độc thường ít hơn so với khi bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc một cách tự nhiên. Nếu vi sinh vật phẩm dùng dưới dạng khí dung, các phần tử gây bệnh, gây độc chỉ có kích thước rất nhỏ khoảng từ 2 đến 4 micron dễ dàng xâm nhập qua đường hô hấp. Nếu gây nhiễm bệnh qua thực phẩm, nước uống bằng đường tiêu hóa; trước khi sử dụng thực phẩm được rửa sạch, nấu chín; nước được lọc kỹ, khử trùng bằng chloramin hoặc đun sôi thì hiệu quả gây bệnh của vi sinh vật sẽ không còn ảnh hưởng hoặc bị hạn chế nhiều. Nếu qua đường da, một số bào tử, vi khuẩn, độc tố của vi sinh vật có khả năng xâm nhập vào cơ thể bằng các ống lông, ống tuyến mồ hôi, tuyến bã đối với cả da lành bình thường để gây bệnh, gây độc. | Những nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm ra giải pháp hoàn hảo đối phó với khủng bố sinh học. |
Các vi sinh vật được lựa chọn để làm vũ khí sinh học Để sản xuất vũ khí sinh học, các nhà khoa học thường sử dụng các vi sinh vật như vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm, tối nguy hiểm; vi khuẩn đơn bào tồn tại tự do trong thiên nhiên dưới dạng bào tử; virus gây bệnh sống nhờ vào các tế bào sống để sinh sản qua sao chép di truyền; các rickettsia có đặc điểm của vi khuẩn và virus; chlamydia là vi sinh vật ký sinh bắt buộc trong các tế bào; nấm là các thực vật nguyên thủy; độc tố do vi sinh vật tiết ra hoặc được chiết tách từ các cơ thể sống. Vũ khí sinh học có mục đích tấn công khủng bố giết hại, gây tổn thất cho người, gia súc, hoa màu, cây quả... làm hoang mang cho xã hội, phá hoại cơ sở hạ tầng và môi trường sinh sống. Vì vậy việc sản xuất vũ khí sinh học đã chọn lựa một số tác nhân vi sinh học gây bệnh như trực khuẩn bệnh than (Bacillus anthracis), trực cầu khuẩn dịch hạch (Yersinia pestis coccobacillus), virus bệnh đậu mùa (Orthopox virus), tụ cầu có độc tố ruột B (Staphylococcus enterotoxin B) và các vi khuẩn, virus gây bệnh nguy hiểm khác như virus Ebola, virus Marburg, virus viêm não, virus sốt xuất huyết, trực cầu khuẩn Francisella tularensis, bệnh sốt Q; trực khuẩn tả, thương hàn... Ngoài ra, còn sử dụng một số độc tố có nguồn gốc sinh vật như botulinum là ngoại độc tố của trực khuẩn Clostridium botulinum, bufotoxin là độc tố lấy từ tuyến da cóc, saxitoxin là độc tố lấy từ loại hến Sasidomus gigantomus, batrakhotoxin là độc tó lấy từ da nhái Filobates bicolore, tetrodotoxin là độc tố lấy từ gan và trứng của loại cá độc Tetrodoise, ricin là chất độc chiết suất từ hạt cây Ricinus communis... Hiện nay có trên 50 loại vi khuẩn, virus và độc tố có nguồn gốc sinh vật được các nhà khoa học nghiên cứu và liệt kê trong danh mục của vũ khí sinh học dùng để tấn công khủng bố sinh học và chiến tranh sinh học. Đây là một hình thái thảm họa do con người gây ra để giết hại con người vì loại vũ khí sinh học này là những chủng mầm bệnh, các chất độc tố có độc lực mạnh gây bệnh nguy kịch với tỷ lẹ tử vong cao, có khả năng lây nhiễm qua nhiều đường như da, vết thương, hô hấp, tiêu hóa...; có khả năng phát tán rộng và xa qua thư bưu chính, bưu phẩm gửi đến nhiều quốc gia. Chúng thường được dùng dưới nhiều dạng như bột, dịch lỏng, dạng phun, dùng sinh vật mang bệnh, sinh vật truyền bệnh; dùng dạng vũ khí như bom, đạn rocket, tên lửa chứa mầm bệnh, độc tố... Nhân loại tiến bộ trên toàn cầu đã lên án khá gắt gao về các loại vũ khí hóa học, hạt nhân và sinh học vì tính năng hủy diệt con người hàng loạt. Vũ khí sinh học đã trở thành mối nguy cơ thảm họa đối với sức khỏe cộng đồng, vì vậy cần cảnh giác và cần biết cách phòng chống loại vũ khí nguy hại này; đồng thời cũng cần biết cách đáp ứng và xử trí, không để các cuộc tấn công sinh học trở thành một thảm họa sinh học gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đến cuộc sống của con người, của cộng đồng xã hội. Cảnh giác và chủ động đối phó thảm họa Công tác phòng chống khủng bố sinh học, vũ khí sinh học, thảm họa sinh học là công tác đặc biệt quan trọng của toàn xã hội và của cộng đồng người dân. Mỗi một cá nhân và tập thể đều có trách nhiệm tự bảo vệ, phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại, ứng phó kịp thời; bao vây, cô lập, cách ly ổ bệnh, mầm độc, thanh khử trùng, tẩy độc, làm sạch môi trường sống; không để lây lan, cứu chữa sớm, kịp thời và có hiệu quả những người mắc bệnh do các loại vũ khí sinh học gây nên. Những cơ quan chuyên môn có trách nhiệm điều tra, phân lập, xác định mầm bệnh, loại độc tố và tiến hành các biện pháp hữu hiệu để giải quyết hậu quả ảnh hưởng của vũ khí sinh học. Để chủ động phòng chống khủng bố sinh học, cần quan tâm đến các vấn đề sau đây: - Nâng cao ý thức cảnh giác, sự hiểu biết của từng người dân trong cộng đồng về vũ khí sinh học và cách phòng chống có hiệu quả. Tránh sự tò mò, chủ quan, coi thường; phải bình tĩnh, không hoang mang trong việc phòng chống thảm họa sinh học. - Khi nhận được bưu phẩm, thư tín từ người lạ gửi đến hoặc từ các nước ngoài gửi về; cần quan sát kỹ, không đước bóc mở khi nghi ngờ có nguồn bệnh sinh học mà nên cho vào các túi ny lông cả nguyên gói để giao lại cho cán bộ bảo vệ an ninh, công an hoặc các nhà chức trách có thẩm quyền để xác minh và xử lý. Cần đóng kín cửa các phòng có vật phẩm nghi ngờ mang mầm bệnh để chờ xử lý. - Bảo đảm an toàn thực phẩm như dùng nước sạch, uống nước đun sôi; các loại thịt nghi ngờ dịch bệnh không được sử dụng. Thức ăn phải nấu chín, không để ôi thiu và không bị ô nhiễm. - Bảo đảm bàn tay sạch, rửa tay bằng xà phòng sau khi làm việc, trước khi ăn; vệ sinh răng miệng. Nếu phải tiếp xúc với chất nghi ngờ có nguồn bệnh sinh học phải đeo khẩu tang, mang găng tay, mặc áo choàng công tác, đội mũ, đi giày, tránh hít thở tiếp xúc với các nguồn bệnh sinh học. Nếu trên da có vết trầy xướt, vết thương phải được bôi thuốc diệt khuẩn, băng kín và không cho tiếp xúc với nguồn bệnh sinh học. Nếu không được giao nhiệm vụ thì tuyệt đối không tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc chất mang nguồn bệnh sinh học. - Thực hiện đúng chế độ giám sát dịch bệnh, cách ly nguồn bệnh, tiệt trùng tẩy uế khu vực có mầm bệnh bằng dung dịch chloramin, nước Javel. Khử các vết nhiễm bệnh bằng cách đốt, khử trùng các vật liệu trang bị đã dùng bằng cách lau rửa với dung dịch khử khuẩn, dùng hấp nhiệt bằng nồi hấp hơi dưới áp suất hoặc hấp khô đạt nhiệt độ trên 121oC từ 20 phút đến 1 giờ để diệt các bào tử trực khuẩn bệnh than và các bệnh nguy hiểm khác. - Thực hiện công việc tiêm chủng phòng bệnh theo kế hoạch của cơ quan y tế, phòng bệnh than bằng tiêm vaccine liều 0,2 ml, tiêm tiếp theo sau 1 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng. Hàng năm tiêm nhắc lại 1 liều. - Công tác phòng chống tấn công sinh học là công tác của toàn xã hội do chính quyền các cấp từ cơ sở đến trung ương phải có trách nhiệm và chỉ đạo thực hiện. Các cơ quan chuyên môn triển khai công tác nghiệp vụ theo sự phân công chức trách và nhiệm vụ. Cơ sở y tế các cấp phải thực hiện chỉ thị khẩn trương triển khai công tác phòng chống vũ khí hóa học, vi trùng của Bộ Y tế. - Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur, các trung tâm y tế dự phòng, trung tâm và phòng thí nghiệm vi sinh vật, trung tâm sản xuất vaccine, cơ sở điều trị như khoa truyền nhiễm, khoa chống độc, khoa hồi sức điều trị tích cực; ngành dược... cần triển khai kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng y tế trong phòng chống tấn công sinh học, hóa học. - Phải kết hợp chặt chẽ các liên ngành, đặc biệt là kết hợp quân dân y trong phòng chống thảm họa sinh học. - Nếu bị nhiễm trực khuẩn bệnh than qua tiếp xúc với nguồn lây bệnh, phải uống ngay thuốc ciprofloxacin trong 4 tuần, tiêm thêm 1 liều vaccine. Thuốc điều trị bệnh than được sử dụng gồm các loại kháng sinh có hiệu lực tốt với bệnh.
|