|
Người dân vùng lũ rất dễ dễ dàng bị mắc các chứng rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm gan, viêm mắt đỏ, nấm kẽ chân.... Ảnh: Mạnh Hưng |
Một số bệnh phát sinh trong và sau lũ lụt
Hiện nay đã và đang vào mùa lũ lụt, cộng đồng người dân ở một số địa phương phải gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng do thiên tai thảm họa đem đến; trong đó có các loại bệnh phát sinh trong và sau lũ lụt. Thực tế ghi nhận ở các nơi bị lũ lụt, đặc biệt là sau lũ lụt kéo dài thường thấy một số bệnh xảy ra do điều kiện vệ sinh thực phẩm không an toàn, nước uống và sinh hoạt bị nhiễm bẩn, chất thải làm ô nhiễm môi trường nên người dân dễ dàng bị chứng rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy. Ngoài ra các bệnh thường hay gặp như viêm đường hô hấp cấp tính, viêm gan, viêm mắt đỏ, nấm kẽ chân... cũng đồng hành. Vì vậy, cần quan tâm đến việc thực hiện biện pháp giải quyết các loại bệnh này. Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy và các biến chứng Trong và sau lũ lụt, do không bảo đảm được an toàn về vệ sinh thực phẩm, nước uống và sinh hoạt, xử lý chất thải, đặc biệt là phân người và động vật... nên cộng đồng người dân thường dễ bị chứng rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy. Có nhiều tác nhân gây nên tiêu chảy như do nhiễm khuẩn bởi các loại vi khuẩn, do nhiễm ký sinh trùng, nhiễm virus và nhiễm nấm. Tiêu chảy do nhiễm khuẩn thường gặp, các loại vi khuẩn là tác nhân gây bệnh như Escherichia coli, Bacillus cereus, Clostridium, Staphylococcus aureus, Shigella, Vibrio cholerae, Salmonella typhi... Đồng còn gặp các trường hợp tiêu chảy do nhiễm ký sinh trùng như Entamoeba hystolitica... Tiêu chảy do nhiễm khuẩn (Bacterial diarrhoea) làm cho bệnh nhân bị đi tiêu chảy khoảng 3 lần trong vòng 24 giờ, phân lỏng. Hiện tượng tiêu chảy sẽ gây nên tình trạng mất nước của cơ thể với các mức độ khác nhau, mức nhẹ khi trọng lượng của cơ thể sụt giảm dưới 5%, mức vừa khi trọng lượng của cơ thể sụt giảm từ 5 đến 10%, mức nặng khi trọng lượng của cơ thể sụt giảm trên 10%. Các loại tiêu chảy này còn được gọi là hiện tượng nhiễm khuẩn - nhiễm độc thực phẩm (bacterial food poisoning). Tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn Escherichia coli thường do 5 type vi khuẩn gây nên. Type 1 gây bệnh đường ruột (entero pathogenic) thường gặp ở trẻ sơ sinh, thời gian ủ bệnh từ 2 đến 12 ngày, trẻ đi ngoài phân lỏng nước; thể nặng có thể gây tử vong cho trẻ nhỏ trong vòng 12 giờ. Type 2 gây độc cho ruột (entero toxigenic) thường gây bệnh tiêu chảy cho các du khách, người bệnh bị đi tiêu chảy phân lỏng như nước, chán ăn, khó chịu, đau quặn bụng kéo dài từ 1 đến 3 ngày; bệnh gây thương tổn ở niêm mạc ruột non. Type 3 gây xuất huyết đường ruột (entero hemorrhagic) có độc tố verocytoxin, khu trú ở đoạn trên của ruột non và bệnh kéo dài từ 1 đến 5 ngày; bệnh nhân bị tiêu chảy phân lỏng, khó chịu, chán ăn, đau quặn bụng, phân như nước có lẫn máu với các biến chứng như giảm tiểu cầu, nổi ban xuất huyết và hội chứng tăng urê huyết do huyết tán. Type 4 với vi khuẩn xâm nhập ruột (entero invasive) có thời gian ủ bệnh từ 1 đến 3 ngày, thời gian phát bệnh kéo dài từ 7 đến 10 ngày; gây sốt, khó chịu, đau các cơ, mót đi ngoài, đau quặn bụng, làm tổn thương ở niêm mạc đại tràng; xét nghiệm phân thấy có nhiều bạch cầu đa nhân. Típ 5 gây bám dính ruột (antero adherent) có thể gây nên hiện tượng tắc nghẽn ruột. Tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn Bacillus cereus có độc tố ruột enterotoxin, bệnh gây nên do ăn cơm đã ôi thiu bị nhiễm khuẩn. Triệu chứng tiêu chảy thường kéo dài trong khoảng thời gian từ 1 đến 6 giờ. Tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn Clostridium thường có hai loại gây nên. Nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra tình trạng nhiễm độc - nhiễm khuẩn từ thức ăn, vi khuẩn tiết ra một độc tố thần kinh (neurotoxin botulinus toxin) gây liệt cơ do ức chế xung chuyển đại thần kinh tại các bảng cuối vận động. Bệnh nhân bị nhiễm loại vi khuẩn này từ các thức ăn như thịt, cá, đồ hộp, hoa quả, rau... Các triệu chứng thường gặp như buồn nôn, nôn, đi tiêu chảy nhưng có khi không bị tiêu chảy, khó chịu tại vùng bụng; sau từ 12 đến 24 giờ các triệu chứng thần kinh xuất hiện như nhìn quáng gà, thấy hai hình, mỏi các cơ, khó nuốt, khó thở do liệt cơ hô hấp; bệnh có thể diễn biến nặng dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời; giải phẫu bệnh lý thấy có hiện tượng ứ máu ở nhiều tạng, nhất là ở hệ thần kinh trung ương; ngoài ra còn ghi nhận sự thoái hóa các tế bào gan, thận. Nhiễm vi khuẩn Clostridium perfingens thường do ăn phải các loại thực phẩm như thịt, tôm, cua, rau sống... bị nhiễm loại vi khuẩn này; bệnh nhân bị tiêu chảy do vi khuẩn tiết ra độc tố enterotoxin gây triệu chứng nôn nao, khó chịu, đau bụng, đi tiêu chảy kéo dài từ 9 đến 15 giờ. Tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus thường gây nên triệu chứng tiêu chảy do độc tố enterotoxin của vi khuẩn, bệnh có thể kéo dài từ 2 đến 4 giờ. Cần cho bệnh nhân nằm yên, theo dõi triệu chứng nhiễm độc - nhiễm khuẩn, bổ sung dịch, rửa dạ dày, thụt tháo đại tràng; dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống liệt hô hấp, hô hấp hỗ trợ, kháng độc tố... Tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn Shigella được gọi là bệnh lỵ trực trùng, vi khuẩn này thuộc họ Entero bacteriaceae. Bệnh gây tiêu chảy do người bị nhiễm khuẩn qua đường tiêu hóa. Có 4 loài vi khuẩn được ghi nhận là Shigella dysenteriae, Shigella flexneri, Shigella boydii và Shigella sonnei. Vi khuẩn tiết ra độc tố shigatoxin gây bệnh ở đại tràng, làm tổn thương các tế bào biểu mô niêm mạc, gây các vết loét rất nhỏ, tiết dịch viêm lẫn máu. Nếu có biến chứng nặng, có thể gây thủng thành đại tràng. Bệnh lỵ do trực khuẩn Shigella dysenteriae nếu không được điều trị sớm và đúng có thể dẫn đến tử vong do hội chứng urê máu tăng vì huyết tán, gây hậu quả nghiêm trọng như thiếu máu do huyết tán, suy thận cấp, giảm tiểu cầu, nhiễm trùng huyết, viêm khớp phản ứng, natri máu giảm thấp, suy tủy xương... Các nhà khoa học đã ghi nhận bệnh lỵ trực khuẩn do nhiễm Shigella dysenteriae và Shigella flexneri gây nên triệu chứng sốt, mệt mỏi, không muốn ăn, đau bụng, mót đi đại tiện; phân lòng có lẫn chất nhầy và máu tươi, xét nghiệm có fibrin, mucus, hồng cầu, bạch cầu; khối lượng phân thải ra không nhiều. Bệnh lỵ trực khuẩn do nhiễm Shigella boydii và Shigella sonnei thường gây ra triệu chứng tiêu chảy lỏng như nước. Nói tóm lại, bệnh lỵ trực khuẩn là bệnh dễ lây lan, con người chỉ cần nhiễm vi khuẩn lỵ qua đường tiêu hóa với số lượng từ 10 đến 100 con vi khuẩn thì có thể bị nhiễm bệnh ngay; vì vậy rất dễ dàng chuyển thành dịch bệnh. Tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn Vibrio cholerae được gọi là bệnh tả (cholera). Đây cũng là một bệnh dễ lây lan và chuyển thành dịch bệnh, chúng thường là loại 0:1 biotype Eltor có ngoại độc tố cholera toxin. Độc tố này gồm 2 thành phần A và B tác động ảnh hưởng đến các tế bào biểu mô niêm mạc ruột non dẫn đến tăng tiết nước và chất chlorid; đồng thời làm giảm sự hấp thụ nước, chlorid, natri ở niêm mạc ruột non; do đó số lượng nước trong phân thải ra do tiêu chảy có thể hơn 1 lít mỗi giờ. Hậu quả trong các trường hợp nặng là cơ thể sẽ mất nước và các chất điện giải một cách trầm trọng. Trên lâm sàng ghi nhân sau thời gian ủ bệnh từ 1 đến 2 ngày, bệnh nhân thấy đau bụng, tiêu chảy phân lỏng với số lượng lớn, đi ngoài nhiều lần, nôn, đau cơ, mệt mỏi, hõm mắt, da và niêm mạc khô, mạch nhanh, huyết áp giảm thấp, nhịp thở nhanh, giọng nói yếu... Nếu người bệnh không được cứu chữa kịp thời sẽ dễ dàng dẫn đến tử vong. Ngoài các loại vi khuẩn gây rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy đã nêu trên, vi khuẩn Salmonella typhi cũng xâm nhập qua đường tiêu hóa gây bệnh sốt thương hàn. Bệnh khu trú ở đoạn cuối ruột non làm tổn thương niêm mạc ruột tại các đám Peyer và các hạch mạc treo của ruột. Vi khuẩn còn xâm nhập vào gan, lách, tủy xương. Hai độc tố của vi khuẩn là chất lipopolysaccharide của thành màng tế bào vi khuẩn và chất polysaccharide ở bao vi khuẩn là một kháng nguyên antigen. Hội chứng sốt do viêm ruột còn gọi là bệnh phó thương hàn do vi khuẩn Salmonella enteritidis với 2 type là paratyphi A và paratyphi B. Nguồn lây nhiễm bệnh là phân người có mang vi khuẩn Salmonella typhi gây bệnh thương hàn hoặc Salmonella enteritidis gây bệnh phó thương hàn. Thời gian ủ bệnh từ 8 đến 28 ngày, sau đó bệnh khởi phát bằng các triệu chứng như sốt cao, rét run, nhức đầu nhiều, mất ngủ, mệt mỏi, chảy máu cam, đau bụng, bụng hơi chướng; da có vết hồng ban, lưỡi khô đỏ, mạch chậm hoặc phân ly với tăng nhiệt độ cơ thể; thận và lách to, số lượng bạch cầu máu ngoại vi giảm thấp. Một số bệnh nhân có biểu hiện tinh thần thờ ơ hoặc cuồng sảng hay hôn mê. Các biến chứng có thể xảy ra như chảy máu dạ dày - tá tràng, thủng ruột gây viêm phúc mạc, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết; nếu không được điều trị sớm và đúng có thể gây tử vong. Tiêu chảy cũng còn do ký sinh trùng Entamoeba histolytica gây bệnh lỵ amíp ở đường ruột và cả một số phủ tạng trong cơ thể. Bệnh bị nhiễm qua đường tiêu hóa như thức ăn, nước uống bị nhiễm amíp từ phân người mắc bệnh, chúng có khả năng phá hủy các mô. Bệnh thường khu trú ở đại tràng và gây các triệu chứng như đau bụng phần đại tràng, tăng nhu động ruột, thành bụng hơi căng, mót đi đại tiện, phân có lẫn máu; xét nghiệm phân thấy có amíp, có vài bạch cầu đa nhân hoặc không có bạch cầu đa nhân. Thể bệnh lỵ amíp nặng diễn biến chớp nhoáng gây triệu chứng sốt, tiêu chảy nhiều lần, đau quặn bụng, số lượng bạch cầu ở máu ngoại vi cao, có thể huyết áp giảm thấp; gây biến chứng thủng ruột già, hoại tử thành ruột già, bị áp xe gan do amíp. Nếu thể lỵ amíp mạn tính kéo dài có thể gây nên khối u ở đại tràng phải. Ngoài ra, thể áp xe gan do amíp có thể gây biến chứng viêm phúc mạc; thể lỵ amíp phế mạc - phổi cũng là một biến chứng của áp xe gan do amíp. Trong một số trường hợp có thể gặp viêm màng ngoài tim, viêm nhiễm sinh dục - tiết niệu, tổn thương da, áp xe não do amíp. Các biến chứng này có thể làm cho bệnh nhân bị tử vong. Viêm đường hô hấp cấp tính Viêm đường hô hấp cấp tính bao gồm cảm lạnh, ho, sốt, viêm họng, viêm khí - phế quản, viêm phế quản - phổi... thường phát sinh trong và sau lũ lụt vì bị nhiễm lạnh do điều kiện sống khi sơ tán đến các lán trại, lều tạm trú, nhà tạm bợ và hay gặp ở trẻ em, người già, người yếu sức, người mắc những bệnh mãn tính về hô hấp. Cảm lạnh thường do nhiễm virus mũi họng, niêm mạc đường hô hấp trên bị viêm xuất tiết làm chảy nước mũi, ho, có thể sốt, có khi kèm theo viêm mắt đỏ; người khó chịu, mệt mỏi. Viêm họng thường kèm theo viêm tuyến amigdale gây đau họng, sốt, ho, khó nuốt, sưng hạch cổ. Có khi kèm theo viêm thanh quản làm khó thở, nghẹt thở tiến triển. Viêm phế quản cấp tính thường xảy ra sau chứng cảm lạnh hoặc viêm họng, viêm thanh quản với các triệu chứng như sốt, ho khan, sau đó ho ra đờm, có thể gây khó thở; nghe phổi phát hiện các ran phế quản. Viêm phổi, viêm phế quản - phổi, viêm các niêm mạc phế quản và các phế nang do nhiễm tụ cầu khuẩn staphylococcus, phế cầu khuẩn pneumococcus, haemophilus influenza, mycoplasma..., cũng có khi do pneumocystis carinii. Ngoài ra có thể do bị nhiễm virus như loại corona virus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng lây truyền (SARS). Các triệu chứng thường ghi nhận bệnh nhân bị sốt cao trên 39oC, ho có đờm, đau vùng ngực, khó chịu, mệt mỏi, rối loạn hô hấp, thở nhanh trên 50 lần/phút, thở khò khè, tím môi - niêm mạc; nghe vùng phổi phát hiện các ran bệnh lý. Trường hợp diễn biến nặng dẫn đến suy hô hấp, có thể gây tử vong, nhất là trẻ nhỏ, người già, người yếu. Viêm gan, viêm mắt đỏ, nhiễm nấm kẻ chân Sau lũ lụt, người dân có thể bị viêm gan do nhiễm virus viêm gan A (HAV) thuộc họ Ficornaviridae cũng qua đường ăn các loại thực phẩm, uống nước bị nhiễm loại virus này có trong phân các người bệnh thải ra môi trường. Thời gian ủ bệnh khoảng 4 tuần. Sau đó bệnh khởi phát với các triệu chứng như người mệt mỏi, khó chịu, biếng ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng khu trú ở phía bên phải phần bụng trên; sốt, nhức đầu, đau các cơ. Đi ngoài phân lỏng, vàng da, nước tiểu sẫm màu. Diễn biến bệnh nặng khi bệnh nhân bị suy gan cùng với các biến chứng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tâm thần thể hiện não bị bệnh; bạch cầu giảm nhưng một số trường hợp lympho bào tăng. Viêm mắt đỏ gồm viêm kết mạc cấp tính do nhiễm vi khuẩn, virus, các chất kích thích hoặc phản ứng quá mẫn. Viêm kết mạc có thể dẫn đến viêm giác mạc - kết mạc làm ảnh hưởng đến thị lực. Triệu chứng ghi nhận là kết mạc mắt bị viêm, đỏ tấy, đau, nhìn chói mắt và sợ ánh sáng nhưng thị lực vẫn nguyên vẹn, có thể có nhiều dịch rỉ mắt; nếu không được điều trị tốt có thể viêm dịch có mủ. Nấm kẽ chân cũng thường xảy ra sau lũ lụt do bàn chân luôn lội nước và ngâm trong bùn lầy. Do không giữ được vệ sinh nên đôi chân thường bị viêm da các kẽ ngón chân và bị nhiễm bệnh nấm kẽ chân. Các kẽ chân ngứa, viêm đỏ, phần thượng bì da kẽ chân bị viêm loét, gây đau và hay bị bội nhiễm thứ phát làm sưng tấy, dịch có mùi hôi, nổi hạch bẹn, sốt... Ở các vùng bị lũ lụt, người dân kể cả những cơ sở y tế cần quan tâm đến đến một số bệnh thường hay gặp trong và sau lũ lụt đã nêu ở trên để chủ động phòng ngừa, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng để sớm khắc phục hậu quả của thiên tai thảm họa mang đến, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất.
|