Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 7 3 7 3
Số người đang truy cập
2 3 9
 Chuyên đề Sinh học phân tử
Nguồn ảnh: https://www.wiltsglosstandard.co.uk/
Mất gen Pf-HRP2/3 và ký sinh trùng kháng thuốc là hai trong ba mối đe dọa sinh học trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét trên toàn cầu

Trong toàn văn báo cáo Sốt rét thế giới năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra đáp ứng đối với các mối de dọa sinh học trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét gồm mất gen Pf-HRP2/3 (Pf-HRP2/3 gen deletions), ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc (drug-resistant malaria parasites) và véc tơ sốt rét kháng hóa chất diệt côn trùng (insecticide-resistant malaria vectors). Trong phần này xin giới thiệu rõ hơn về đáp ứng mất gen Pf-HRP2/3 và ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc của Tổ chức Y tế thế giới.

Mất gen Pf-HRP2/3

HRP2 (histidine-rich protein-2, HRP-2) là kháng nguyên đích của 412 triệu test chẩn đoán nhanh (RDTs) phát hiện P. falciparum được bán ra hàng năm. Những ký sinh trùng không còn biểu hiện kháng nguyên đích HRP2 có thể không được phát hiện bằng các test chẩn đoán nhanh dựa vào HRP2 (HRP2-based RDTs), và những ký sinh trùng không còn biểu hiện HRP2 và HRP3 thì hoàn toàn vô hình đối với các test chẩn đoán nhanh này. Mất các gen pfHRP2 và pfHRP3 lần đầu tiên được các nhà nghiên cứu xác định vào năm 2010 ở lưu vực sông Amazon của Peru khi mô tả các mẫu máu âm tính khi xét nghiệm bằng test chẩn đoán nhanh (HRP2-RDTs) nhưng dương tính khi xét nghiệm bằng kính hiển vi. Trong những năm gần đây, ký sinh trùng sốt rét mất gen pfHRP 2/3 đã được báo cáo ở bên ngoài khu vực Nam Mỹ gồm Đông, Trung, Tây và Nam Phi, châu Á và Trung Đông. Ước tính tỷ lệ mất gen thay đổi rất lớn cả trong một quốc gia cũng như giữa các quốc gia. Ví dụ như ở Eritrea và Peru là những nơi mà tỷ lệ mất cả hai gen pfHRP2 và pfHRP3 trong số các bệnh nhân có triệu chứng lên đến 80%, điều này chứng minh rằng các ký sinh trùng này có thể trở nên chiếm ưu thế trong quần thể, gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng trên toàn cầu đối với các bệnh nhân và đối với việc tiếp tục sử dụng test chẩn đoán nhanh dựa vào kháng nguyên đích HRP2.


Hình 1. Bản đồ phát hiện mất gen pfHRP 2/3
trên thế giới (WHO, 2019)

Tổ chức Y tế thế giới đã xuất bản hướng dẫn điều tra các trường hợp nghi ngờ mất gen pfHRP2/3, và khuyến nghị các quốc gia có báo cáo mất gen pfHRP 2/3 hoặc các quốc gia giáp với các nước có báo cáo mất gen nên tiến hành các điều tra cơ bản điển hình trong số các ca sốt rét nghi ngờ, để xác định xem liệu tỷ lệ phổ biến của mất gen pfHRP2/3-nguyên nhân dẫn đến kết quả chẩn đoán nhanh âm tính giả đã đạt đến ngưỡng để làm thay đổi test chẩn đoán nhanh (mất gen pfHRP2 >5% dẫn đến kết quả xét nghiệm chẩn đoán nhanh âm tính giả). Các lựa chọn test chẩn đoán nhanh (RDT) thay thế (ví dụ: dựa vào phát hiện lactate dehydrogenase của ký sinh trùng [pLDH]) bị hạn chế; đặc biệt là thiếu các xét nghiệm kết hợp đủ điều kiện không dựa vào kháng nguyên đặc hiệu HRP2 để có thể phát hiện và phân biệt giữa P. falciparumP. vivax.

Tổ chức Y tế thế giới đang theo dõi các báo cáo được công bố về mất gen pfHRP 2/3sử dụng công cụ lập bản đồ Malaria Threat Map và đang khuyến khích một biện pháp tiếp cận hài hòa đối với lập bản đồ và báo cáo mất pfHRP 2/3 thông qua các hướng dẫn điều tra có sẵn công khai. Cho đến nay, có 28 quốc gia đã báo cáo mất pfHRP2 nhưng do các phương pháp khác nhau trong việc lựa chọn mẫu và phân tích labo nên quy mô và phạm vi mất pfHRP 2/3có ý nghĩa lâm sàng chưa được làm rõ hoàn toàn. Kế hoạch đáp ứng toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới đối với mất pfHRP 2/3phác thảo một vài khu vực để hành động ngoài việc mở rộng giám sát; kế hoạch bao gồm phát hiện các chỉ điểm sinh học mới và cải thiện hiệu quả của các test chẩn đoán nhanh không dựa vào kháng nguyên đích HRP2, cũng như dự báo thị trường và tăng cường mạng lưới labo để hỗ trợ các yêu cầu về đặc tính phân tử nhằm loại bỏ sự hiện diện các mất đoạn gen này.

Ký sinh trùng kháng thuốc – Tình hình hiệu lực của thuốc chống sốt rét (2010–2018)

Ký sinh trùng kháng thuốc sốt rét là một trong những thách thức định kỳ chính trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét. Giám sát hiệu lực của thuốc chống sốt rét hỗ trợ phát hiện sớm những thay đổi đối với hiệu quả của các liệu pháp điều trị khuyến nghị; điều này cho phép hành động nhanh chóng để giảm thiểu bất cứ tác động nào của kháng thuốc và ngăn chặn sự lây lan của tình trạng này. Các nghiên cứu hiệu lực thuốc (Therapeutic efficacy studies-TESs) cung cấp thước đo các kết quả bệnh nhân về mặt lâm sàng và ký sinh trùng học, và là nguồn dữ liệu chính để cho các chương trình phòng chống sốt rét quốc gia dựa vào để đưa ra các quyết định liên quan đến liệu pháp điều trị khuyến nghị. Ở những khu vực đang thực hiện các hoạt động loại trừ sốt rét, hệ thống giám sát thường quy có thể theo dõi việc điều trị và các bước theo sau của tất cả các ca bệnh sốt rét và sử dụng dữ liệu có được để giám sát hiệu lực thuốc phối hợp (Integrated drug efficacy surveillance-iDES). Thông tin từ TESs và iDES được bổ sung bởi thông tin về sự phổ biến và lan truyền các chỉ điểm phân tử - thay đổi di truyền trong ký sinh trùng – điều này được phát hiện liên quan đến kháng thuốc. Đột biến PfKelch13 đã được xác định như chỉ điểm phân tử của kháng artemisinin từng phần. Đột biến PfKelch13 liên quan đến kháng artemisinin đang lan rộng ở khu vực Tiểu vùng Sông Mê Kông (GMS) ở Đông Nam Á, và cũng được phát hiện với tỷ lệ lưu hành đáng kể (> 5%) ở Guyana, Papua New Guinea và Rwanda.

Cơ sở dữ liệu toàn cầu về hiệu lực của thuốc sốt rét và tình trạng kháng thuốc sốt rét chứa dữ liệu từ các nghiên cứu hiệu lực thuốc được thực hiện đối với P. falciparum,P. vivax,P. knowlesi, P. malaria P. ovale, cũng như các nghiên cứu chỉ thị phân tử của ký sinh trùng sốt rét P. falciparum kháng thuốc (PfKelch13, PfPlasmepsin 2-3, Pfmdr1 và Pfcrtin Mesoamerica). Các báo cáo tóm tắt được cập nhật thường xuyên và có sẵn trên trang website của Tổ chức Y tế thế giới. Ngoài ra, Bản đồ Các mối đe dọa sốt rét (Malaria Threats Maps) cung cấp một biểu trưng địa lý thể hiện dữ liệu kháng và hiệu lực của thuốc.


Hình 2. Bản đồ hiển thị tỷ lệ thất bại điều trị của thuốc sốt rét trên thế giới (WHO, 2019)

Tổ chức Y tế thế giới đã cập nhật tình hình hiệu lực của thuốc chống sốt rét ở các khu vực của WHO giai đoạn 2010-2018 như sau:

Khu vực châu Phi

Các liệu pháp điều trị đầu tay được sử dụng phổ biến ở các quốc gia châu Phi đối với P. falciparum là thuốc artemether-lumefantrine (AL) và artesunate-amodiaquine (AS-AQ), với một số quốc gia chính sách điều trị cũng có cho phép sử dụng dihydroartemisinin-piperaquine (DHA-PPQ). Giai đoạn 2010-2018, dữ liệu hiệu lực điều trị của thuốc AL đã có sẵn tại 28 quốc gia, đối với thuốc AS-AQ có sẵn tại 26 quốc gia và đối với DHA-PPQ có sẵn tại 14 quốc gia. Tỷ lệ hiệu lực trung bình chung của thuốc AL, AS-AQ và DHA-PPQ khi điều trị sốt rét P. falciparum lần lượt là 98%, 98,5% và 99,3%. Khi tỷ lệ thất bại điều trị của ba phương pháp này được phân tích riêng biệt theo năm, người ta phát hiện ra rằng hiệu lực điều trị cao của các phương pháp trên vẫn không thay đổi theo thời gian. Tỷ lệ thất bại điều trị được phát hiện trên 10% tại Gambia và Malawi trong năm 2010 là trường hợp ngoại lệ thống kê; các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng hầu hết tỷ lệ thất bại điều trị vẫn thấp. Tỷ lệ thất bại điều trị cao được báo cáo ở hai nghiên cứu tại Angola có thể là do vấn đề về phương pháp nghiên cứu. Đối với các loại thuốc sốt rét khác, tỷ lệ thất bại điều trị vẫn dưới 10%.

Ở châu Phi, kháng một phần artemisinin chưa được ghi nhận. Các cuộc điều tra đang phát hiện một số đột biến PfKelch13 khác nhau được công nhận và chưa được công nhận có mức độ lưu hành thấp, ngoại trừ Rwanda – nơi mà hiệu lực diệt sạch và hiệu lực điều trị của thuốc điều trị đầu tay AL dường như không bị ảnh hưởng. Đã có các báo cáo về trường hợp mắc sốt rét chưa rõ ràng từ những du khách trở về từ châu Phi và không đáp ứng như mong đợi khi điều trị. Trong trường hợp này bao gồm một người đàn ông Việt Nam trở về nước từ Angola trong năm 2013, người này mắc sốt rét nhưng không đáp ứng với thuốc artesunate, clindamycin hoặc DHA-PPQ tiêm tĩnh mạch. Một trường hợp khác được ghi nhận là một người đàn ông Trung Quốc, người này phát triển các triệu chứng sốt rét 8 tuần sau khi trở về từ Equatorial Guinea năm 2013. Bệnh nhân này đáp ứng với liệu pháp điều trị bằng DHA-PPQ nhưng có mật độ ký sinh trùng thấp vào ngày thứ 3 sau khi bắt đầu điều trị, và trường hợp này xác định ký sinh trùng có đột biến PfKelch13 M579I, đột biến này trước đây chỉ có một lần báo cáo ở Myanmar (44, 45). Ba đợt điều tra gần đây được thực hiện tại Equatorial Guinea không xác định được M579I trong tổng số 721 mẫu kiểm tra.

Có 11 trường hợp thất bại điều trị đã được báo cáo từ những du khách châu Âu trở về từ các địa phương khác nhau ở châu Phi và được điều trị bằng thuốc DHA-PPQ hoặc AL. Các bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng này không mang đột biến PfKelch13 và các chỉ điểm phân tử hoặc nồng độ trong máu của các loại thuốc phối hợp không thể xác nhận kháng thuốc. Kết hợp lại, những trường hợp này này không đưa ra bằng chứng thuyết phục cho sự hiện diện của kháng thuốc artemisinin hoặc các loại thuốc ACT ở châu Phi. Tuy nhiên, báo cáo về những trường hợp này là quan trọng bởi vì tình trạng kháng và thất bại điều trị ở những du khách có thể là những dấu hiệu cảnh báo cáo sớm, bổ sung thông tin thu thập ở các quốc gia lưu hành sốt rét. P. vivax là loài ký sinh trùng đặc hữu ở một vài quốc gia khu vực châu Phi. Nghiên cứu đánh giá hiệu lực thuốc chloroquine (CQ) được tiến hành ở Ethiopia, Madagascar và Mauritania. Ethiopia ghi nhận tỷ lệ thất bại điều trị cao đối với cả CQ và AL. Tỷ lệ thất bại cao của AL không có primaquine (PQ) có thể là do thời gian bán hủy ngắn của artemisinin, làm thất bại khi ngăn chặn sự tái phát đầu tiên. Madagascar đã giám sát hiệu lực của thuốc AS-AQ trong năm 2012 và 2013 và Mauritania đã theo dõi thuốc CQ vào năm 2012. Hiệu lực của các thuốc trong các nghiên cứu này là 100%.

Khu vực châu Mỹ

Thuốc điều trị đầu tay đối với P. falciparumin ở khu vực Amazon là AL và artesunate-mefloquine (AS-MQ). Hiệu lực điều trị cao đối với cả hai loại thuốc này. Trong một nghiên cứu hiệu lực thuốc AL được tiến hành ở Suriname, người ta phát hiện một ca thất bại điều trị trong số 11 bệnh nhân sốt rét. Ở Guatemala, Haiti, Honduras và Nicaragua, những nơi mà CQ là thuốc điều trị ưu tiên, các nghiên cứu chỉ điểm phân tử của Pfcrt được thực hiện để hỗ trợ TESs. Giai đoạn từ năm 2010 - 2018, tỷ lệ thấp đột biến Pfcrt được ghi nhận ở Haiti, Honduras và Nicaragua. Hầu hết các nghiên cứu hiệu lực thuốc luôn ghi nhận hiệu lực cao của thuốc CQ ở những quốc gia này.

Một nghiên cứu hồi cứu các mẫu của người dân Guyana được thu thập trong năm 2010 đã xác định có đột biến PfKelch13 C580Y ở 5 mẫu trong tổng số 98 mẫu, chiếm tỷ lệ 5,1%. Một đợt điều tra lớn hơn đã được thực hiện trong năm 2016-2017 đã phát hiện đột biến C580Y ở 14 mẫu trong tổng số 877 mẫu (chiếm 1,6%). Các nghiên cứu di truyền đã xác định những ký sinh trùng này không nhập khẩu từ khu vực Đông Nam Á; đúng hơn là đột biến đã xuất hiện trong ký sinh trùng này có nguồn gốc Nam Mỹ.

Chính sách điều trị ưu tiên đối với ký sinh trùng sốt rét P. vivax ở tất cả các quốc gia trong khu vực này là thuốc CQ. Giai đoạn 2010 - 2018, các nghiên cứu hiệu lực thuốc điều trị đối với P. vivax được thực hiện ở Bolivia, Brazil, Colombia, Peru và Venezuela. Tất cả các quốc gia đều tiến hành nghiên cứu P. vivax với thuốc CQ hoặc phối với giữa CQ và PQ. Một nghiên cứu được thực hiện tại bang Plurinational của Bolivia đã ghi nhận tình trạng kháng thuốc CQ. Ngoài ra, Brazil thực hiện các nghiên cứu đối với thuốc AS-AQ, AL+PQ và AS-MQ+PQ và kết quả cho thấy không có thuốc phối hợp nào cho tỷ lệ thất bại điều trị trên 10%.

Khu vực Đông Nam Á

Ở các quốc gia gồm Bhutan, Nepal và Timor-Leste, chính sách điều trị ký sinh trùng đầu tay đối với P. falciparum là AL. Các nghiên cứu đánh giá hiệu lực thuốc được thực hiện ở những quốc gia này trong giai đoạn 2010 – 2013 đã cho thấy hiệu lực điều trị cao với tỷ lệ thất bại điều trị dưới 10%. Indonesia gíam sát hiệu lực điều trị của thuốc DHA-PPQ trong giai đoạn 2010-2017. Tất cả các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thất bại điều trị dưới 10%. Ở Bangladesh, chính sách điều trị thuốc đầu tay bao gồm AL, AS-AQ, AS-MQ và DHA-PPQ. Bangladesh theo dõi thất bại điều trị trong năm 2010-2018 và phát hiện tỷ lệ thất bại điều trị trong hai nghiên cứu là trên 10%, nhưng hai nghiên cứu này có số lượng bệnh nhân ít. Chính sách điều trị thuốc đầu tay của Ấn Độ gồm AL và AS-SP. Ấn Độ đã mở rộng giám sát hiệu lực của thuốc AS-SP và phát hiện tỷ lệ thất bại điều trị khoảng từ 0% đến 21,4%. Tỷ lệ thất bại điều trị trên 10% ở khu vực Đông bắc của Ấn Độ dẫn đến chính sách điều trị sốt rét thay đổi sang sử dụng thuốc AL. Tất cả các nghiên cứu thực hiện đối với thuốc AL ở Ấn Độ trong giai đoạn 2011 – 2017 đã ghi nhân tỷ lệ thất bại điều trị dưới 10%. Chính sách điều trị thuốc sốt rét ưu tiên của Thái Lan là AS-MQ cho đến khi tỷ lệ thất bại điều trị bắt đầu gia tăng dần. Thuốc điều trị đầu tay đã được thay đổi thành DHA-PPQ trong năm 2015. Thất bại điều trị đối với DHA-PPQ đã được giám sát từ năm 2014 đến năm 2017, và tỷ lệ thất bại điều trị lên đến 92,9% (13/14) được phát hiện vào năm 2017 ở Đông Bắc của Ấn Độ, có lẽ do sốt rét ngoại nhập từ Campuchia. Kết quả là từ lúc đó thuốc điều trị đầu tay đã được chuyển sang artesunate-pyronaridine (AS-PY) ở miền Đông của Thái Lan. Chính sách điều trị thuốc sốt rét ưu tiên của Myanmar gồm có thuốc AL, AS-MQ và DHA-PPQ. Tỷ lệ thất bại điều trị ít hơn 10% mặc dù tỷ lệ kháng một phần artemisinin cao. Ngoài ra, Myanmar đã theo dõi hiệu lực của AS-PY ở 4 nghiên cứu trong năm 2017-2018, và phát hiện hiệu lực điều trị là 100%. Sự hiện diện của các chỉ điểm phân tử kháng artemisinin đã được báo cáo ở Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan. Ở Myanmar, người ta ghi nhận 7 đột biến khác nhau được công nhận và đột biến thường gặp nhất được xác định kể từ năm 2010 là F446I. Thái Lan ghi nhận 8 đột biến khác nhau được công nhận. Ở phía Tây của Thái Lan vẫn có thể xác định một loạt các đột biến K13 khác nhau, trong khi C580Y đang trở nên chiếm ưu thế ở phía Đông của Thái Lan. Ở Bangladesh, một đột biến C580Y đã được xác định ở một mẫu thu thập trong năm 2018. Gần đây, có hai bài báo báo cáo sự xuất hiện của kháng artemisinin ở Tây Bengal, Ấn Độ dựa vào kết quả từ nghiên cứu đánh giá hiệu lực của thuốc AS-SP được thực hiện trong giai đoạn 2014–2016. Trong số 226 bệnh nhân của nghiên cứu, thì có 10,6% (24/226) phát hiện có thời gian bán hủy làm sạch ký sinh trình hơn 5 giờ, 5,8% (13/226) được phát hiện có mang đột biến PfKelch13 G625R, và 0,9% (2/226) mang đột biến R539T. Tỷ lệ thất bại điều trị là 8% (18/226). Các kết quả này nên được giải thích một cách thận trọng. Dữ liệu này tương phản với các dữ liệu có sẵn khác về hiệu lực của thuốc từ Ấn Độ gồm cả Tây Bengal. Các đột biến PfKelch13 hiếm gặp ở Ấn Độ và đột biến G625R vẫn chưa được công nhận là dấu hiệu kháng artemisinin; cần điều tra thêm để xem xét vai trò của đột biến G625R trong việc làm trì hoản tiêu diệt ký sinh trùng. Các nghiên cứu hiệu lực của thuốc hiện đang tiến hành ở Tây Bengal nhằm đánh giá thời gian làm sạch ký sinh trùng và phân tích các đột biến PfKelch13. Khi mà vẫn chưa hoàn thành ngoại kiểm và công nhận phù hợp thì còn quá sớm để tuyến bố rằng kháng artemisinin đã xuất hiện ở Ấn Độ. Đối với P. vivax, CQ là thuốc điều trị ưu tiên ở Bangladesh, Bhutan, Hàn Quốc, Ấn Độ Myanmar, Nepal, Sri Lanka và Thái Lan. DHA-PPQ là thuốc điều trị đầu tay ở Indonesia, và AL ở Timor-Leste. Mặc dù hầu hết các nghiên cứu đã chứng minh hiệu lực cao của thuốc CQ trong điều trị sốt rét nhưng tỷ lệ thất bại điều trị cao với CQ cũng đã được ghi nhận tại Myanmar và Timor-Leste.

Khu vực Đông Địa Trung Hải

Các nghiên cứu được thực hiện ở Somalia và Sudan trong giai đoạn 2011 – 2015 đã phát hiện tỷ lệ thất bại điều trị cao đối với thuốc AS-SP, khoảng từ 12,3% đến 22,2%. Bằng chứng này đã thúc đẩy quyết định thay đổi chính sách điều trị thuốc ưu tiên mới thành AL. Do vậy, điều trị thuốc điều trị đầu tay đối với P. falciparum ở Afghanistan, Djibouti, Pakistan, Somalia và Sudan là AL. Hiệu lực của thuốc AL đã được theo dõi ở các quốc gia này, ngoài trừ Djibouti. Tất cả các nghiên cứu đánh giá hiệu lực thuốc cho thấy tỷ lệ thất bại điều trị của thuốc AL thấp (<5%). Đối với sốt rét do P. vivax, chính sách điều trị thuốc ưu tiên là thuốc AL ở Somalia và Sudan, và CQ ở Afghanistan, Djibouti, Iran, Pakistan, Saudi Arabia và Yemen. Các nghiên cứu đánh giá hiệu lực của thuốc AL đã được tiến hành ở Afghanistan và Sudan, và các nghiên cứu đánh giá hiệu lực của thuốc CQ được tiến hành ở Iran (Cộng hòa Hồi giáo) và Pakistan. Tất cả các nghiên cứu cho thấy hiệu lực điều trị cao. Một nghiên cứu được thực hiện tại Pakistan trong năm 2013 đối với thuốc DHA-PPQ đã phát hiện một trường hợp thất bại điều trị trong số 103 ca (1%).

Khu vực Tây Thái Bình Dương

Đối với ký sinh trùng sốt rét P. falciparum, thuốc AL nằm trong chính sách thuốc điều trị ưu tiên tại các quốc gia ngoài Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) cũng như ở CHDCND Lào. Tất cả các nghiên cứu được thực hiện bên ngoài GMS đều cho thấy tỷ lệ thất bại nhỏ hơn 10% khi điều trị với thuốc AL. Tại Lào, 3 trong số 9 nghiên cứu trong giai đoạn 2011-2017 cho thấy tỷ lệ thất bại điều trị trên 10%. Tuy nhiên, các nghiên cứu này không đạt được cỡ mẫu nghiên cứu đề nghị. Ở Campuchia, AS-MQ hiện là thuốc điều trị đầu tay. AS-MQ thay thế DHA-PPQ sau khi tỷ lệ thất bại điều trị cao được ghi nhận tại nước này. Trong số 17 nghiên cứu được thực hiện với AS-MQ kể từ năm 2014, tỷ lệ thất bại điều trị ít hơn 2%. Một nghiên cứu về thuốc AL cho thấy tỷ lệ thất bại điều trị là 5% (3/60). Các nghiên cứu với thuốc AS-PY gần đây nhất trong năm 2017 và 2018 cho thấy hiệu lực điều trị trên 95%. Tỷ lệ thất bại điều trị đối với AS-AQ khoảng 13,8% đến 22,6%.

Ở Việt Nam, chính sách thuốc điều trị đầu tay là DHA-PPQ. Trong số 42 nghiên cứu hiệu lực của DHA-PPQ được thực hiện trong giai đoạn 2010 – 2017 cho thấy có 5 nghiên cứu đã phát hiện tỷ lệ thất bại điều trị từ 14,3% đến 46,3% từ năm 2015 đến 2017. Các nghiên cứu này tập trung tại miền Nam ở các tỉnh tiếp giáp nhau là Đăk Nông và Bình Phước. Gần đây nhất, người ta cũng quan sát thấy tỷ lệ thất bại điều trị cao với DHA-PPQ ở tỉnh thứ ba là Đăk Lắk. Việt Nam cũng đã theo dõi hiệu lực của thuốc AL và AS-PY, với hiệu lực chung lần lượt là 100% và 95,5%. Papua New Guinea đã giám sát hiệu lực của DHA-PPQ, và Malaysia đã giám sát AS-MQ và cả hai quốc gia đều ghi nhận hiệu quả điều trị là 100% đối với các loại thuốc này. Tình trạng kháng Artemisinin đã được ghi nhận ở Campuchia, CHDCND Lào và Việt Nam thông qua một vài nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn 2001-2018. Giai đoạn 2010 - 2018, có 8 đột biến PfKelch13 được xác định ở Campuchia và CHDCND Lào. C580Y phổ biến nhất, khoảng 71,7% kiểu gen mang đột biến này. Ở Việt Nam, 6 đột biến PfKelch13 được xác định và C580Y cũng là đột biến phổ biến nhất, xuất hiện trung bình ở 33,3% kiểu gen. Đột biến PfKelch13 C580Y đã được xác định hai lần tại Papua New Guinea: Lần thứ nhất là trong một điều tra được thực hiện vào năm 2017, trong đó có 2,3% (3/132) mẫu mang đột biến (tỷ lệ này cao hơn trong năm 2018) và lần thứ hai là ở một du khách. Các nghiên cứu được thực hiện ở Malaysia, Philippines, Solomon Islands hoặc Vanuatu không phát hiện các chỉ điểm phân tử được công nhận về kháng artemisinin. Thuốc điều trị ưu tiên đối với P. vivax ở CHDCND Lào, Malaysia, Papua New Guinea, Solomon Islands và Vanuatu là AL. Tỷ lệ thất bại điều trị cao của thuốc AL được ghi nhận ở Papua New Guinea (35% trong năm 2011), Solomon Islands (31,6% năm 2011), và Vanuatu (12,1% năm 2013). Tỷ lệ cao này ở những khu vực xuất hiện tái phát sớm có thể được giải thích do thời gian bản hủy ngắn của thuốc lumefantrine. Ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, thuốc điều trị đầu tay đối với P. vivax là CQ. Trung Quốc và Việt Nam đã thực hiện các nghiên cứu đánh giá hiệu lực của thuốc CQ; chỉ có Việt Nam phát hiện tỷ lệ thất bại điều trị trên 10% trong năm 2015. Ở Philippines, thuốc điều trị ưu tiên cho P. vivax là AL và CQ. Tất cả 9 nghiên cứu ở Philippines được thực hiện đối với CQ trong giai đoạn 2010-2016 đều cho thấy tỷ lệ thất bại điều trị dưới 10%. Ở Campuchia, thuốc điều trị đầu tay đối với P. vivax là AS-MQ. Có 3 nghiên cứu đánh giá hiệu lực thuốc AS-MQ gần đây được thực hiện ở Campuchia cho thấy hiệu lực điều trị là 100%. Hiệu lực của AS-MQ cũng được theo dõi tại Lào và Malaysia trong giai đoạn 2012-2018. Cả hai nghiên cứu cho thấy hiểu quả điều trị là 100%. Hiệu lực của DHA-PPQ được theo dõi ở Campuchia, Papua New Guinea và Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2015. Tất cả các nghiên cứu đều phát hiện tỷ lệ thất bại điều trị dưới 10%. 

Ngày 17/06/2020
TS. Đỗ Văn Nguyên
Biên dịch từ Báo cáo sốt rét thế giới 2019 (World malaria report 2019), từ trang 68 to 71.
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích