Hệ thống thông tin báo cáo điện tử và vai trò của chiến lược giám sát “1-3-7”trong giai đoạn loại trừ sốt rét_Phần 2
Tiếp theo Phần 1:
Tại Campuchia,chiến lược “1-3-7” đã áp dựng thì điểm tại huyện Sampov Loun, tỉnh Battambang, phía Đông Campuchia từ tháng 7 năm 2015 đến tháng 1 năm 2017. Tỷ lệ các THB được báo cáo trong vòng 24 giờ đã tăng từ 50% vào tháng 7 năm 2015 lên 100% vào tháng 1 năm 2017. Trong cùng khoảng thời gian, tỷ lệ THB được điều tra trong vòng ba ngày đã tăng từ 20 lên 100% và tỷ lệ điều tra, đáp ứng với ổ bệnh đã tăng từ 35% lên gần 100%. Kết quả phân loại THB cho thấy, tất cả đều là sốt rét ngoại lai, cho thấy sự gián đoạn lan truyền tại địa phương.Từ tháng 7 năm 2015 đến tháng 1 năm 2017, 11% trường hợp ngoại lai trong huyện là từ Thái Lan, trong khi 89% là từ các nơi khác trong Campuchia. Trong số 89% này, 31% có nguồn gốc từ các tỉnh lân cận, trong khi 69% có nguồn gốc từ các khu vực lây truyền cao khác, chủ yếu ở phía đông Campuchia. Để đáp ứng với 408 THB chỉ điểm được xác định trong thời gian thí điểm này, 1.377 người từng tiếp xúc đã được sàng lọc (900 thành viên trong gia đình, 395 người đi cùng và 82 thành viên hộ gia đình xung quanh), và xác định 14 ca dương tính (09 P. falciparum và 05 P. vivax). Tất cả THB phát hiện thêm đều ở nhóm người có tiền sử đi cùng với THB chỉ điểm; không có trường hợp nào được phát hiện trong các thành viên hộ gia đình của THB chỉ điểm hoặc các thành viên hộ gia đình xung quanh. Tổng cộng có 2.492 cá nhân được giáo dục sức khỏe và 242 màn tẩm hoá chất tồn lưu lâu đã được phân phát. Tỷ lệ thực hiện DOT giảm dần từ 86% (171/200) từ tháng 7-12/2015 xuống 77% (99/128) từ tháng 01-06/2016 và 64% (51/80) từ tháng 07/2016-01/2017 do mất theo dõi ở một số người nhóm di biến động và di chuyển xuyên biên giới.Bên cạnh đó, ứng dụng chiến lược “1-3-7” đã làm giảm tỷ lệ mắc ký sinh trùng hàng năm (API) từ 3,21 trên 1000 dân xuống 1,06 trên 1000 dân . Sampov Loun cũng đã chứng kiến sự sụt giảm đều đặn về số THB nhiễm P. falciparum và các THB nhiễm hỗn hợp P. falciparum/các loài khác. Việc tích hợp công nghệ y tế di động đã cho phép báo THB trong ngày đầu tiên qua tin nhắn SMS và giúp cải thiện các nỗ lực giám sát theo thời gian thực. Trên thực tế, các hoạt động điều tra, can thiệp ổ bệnh thường được tiến hành đồng thời, dẫn đến thời gian thực nhanh hơn thời gian quy định nên các quan chức địa phương đã gọi là mô hình “1-2-2” hoặc mô hình “1-3-3” thay vì mô hình “1-3-7” [12],[14],[18]. Trong điều tra, can thiệp ổ bệnh sẽ chủ yếu dựa vào hoạt động tái phát hiện ca bệnh chủ động (RACD), tỷ lệ dương tính trong RACD ở Campuchia là 0,90%. Các nghiên cứu khác cũng đặt câu hỏi tương tự về hiệu quả của RACD trong môi trường lan truyền thấp [28] hoặc trong nhóm hàng xóm của THB chỉ điểm hoặc nhóm có tiền sử đi cùng THB chỉ điểm [12] và các nghiên cứu cũng đề xuất rằng, cần có thiết kế các phương pháp mới để tối ưu hóa hiệu quả của RACD. Ở Campuchia, kết quả cho thấy rằng việc tập trung các nỗ lực RACD vào những người đồng hành với THB chỉ điểm và nơi làm việc trong rừng sẽ hiệu quả hơn so với thử nghiệm sàng lọc rộng rãi hơn. Tương tự như vậy, các cuộc điều tra THB cũng cho thấy rằng, sự nguồn gốc lây truyền nội địa hiếm khi xảy ra trong huyện. Điều này gợi ý rằng, các chiến lược ngăn chặn sự lây truyền xung quanh hộ gia đình, chẳng hạn như phun thuốc tồn lưu trong nhà (IRS), có thể không mang lại kết quả LTSR. Cuối cùng, cách tiếp cận “1-3-7” đã cho phép ứng dụng vào việc phát triển các bản đồ chi tiết về các THBSR, cũng như cho phép xác định các điểm nóng lan truyền sốt rét làm mục tiêu cho các hoạt động trong tương lai [18]. Hình 6. Hệ thống thông tin báo cáo sốt rét DHIS2 cho chiến lược “1-3-7”tại Campuchia
Một số thách thức đã được xác định trong quá trình thực hiện tại Campuchia. Đầu tiên, chương trình đã khiến nhân viên y tế giảm động lực theo đuổi điều tra THB và xét nghiệm sàng lọc, đặc biệt là vào cuối tuần và ngày lễ. Duy trì động lực của nhân viên y tế, cũng như sự hợp tác với các đơn vị y tế tư nhân là rất quan trọng để nỗ lực LTSR thành công. Ngoài ra, trong bối cảnh hầu hết các THB là ngoại lai bên ngoài huyện, các hoạt động đáp ứng ở cấp huyện có thể không hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan. Do đó, liên kết các hoạt động truyền thông và giám sát với các đội phản ứng sốt rét các huyện khác là cần thiết để giải quyết đầy đủ các nguồn lây nhiễm bên ngoài[14],[20]. Giảm gánh nặng sốt rét ở các huyện lân cận cũng có tác động lan tỏa tích cực do nguy cơ tái phát bệnh giảm. Tăng cường hợp tác xuyên biên giới cũng cần thiết để đảm bảo bao phủ đầy đủ các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán và điều trị sốt rét cho người di biến động [17]. Các ứng dụng chiến lược “1-3-7” ở trên chủ yếu tập trung tại các vùng có SRLH thấp, vậy trong bối cảnh SRLH trung bình và cao thì hiệu quả sẽ như thế nào? Với sự thành công của chiến lược “1-3-7” tại Trung Quốc và sáng kiến WHO-T3, các nhóm nghiên cứu của Trung Quốc và Tanzania đã cùng phát triển một phương pháp tiếp cận mới để giám sát và ứng phó với bệnh sốt rét tại Tanzania. Phương pháp sàng lọc và đáp ứng dựa vào cộng đồng “1,7-mRCTR” (1,7-malaria reactive community-based testing and response), hoạt động ở cấp thôn/bản từ tháng 9 năm 2015 đến tháng 6 năm 2018. Chiến lược này cũng bắt buộc báo cáo bất kỳ trường hợp sốt rét nào đã được phát hiện tại các cơ sở y tế trong vòng 24 giờ, kết hợp với việc theo dõi vào tuần tiếp theo bao gồm điều trị tập trung tại các làng có ổ bệnh để ngăn chặn sự lây truyền. Cách tiếp cận có mục tiêu này phù hợp với sáng kiến có tác động cao của WHO đối với các quốc gia có mức độ lây truyền trung bình và cao [32], điều chỉnh kinh nghiệm của Trung Quốc và sáng kiến của WHO-T3 vào bối cảnh địa phương của Tanzania. Kết quả sau 85 vòng 1,7-mRCTR, đã làm giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm sốt rét 66% (ORHiệu chỉnh=0,34, KTC 95%:0,26-0,44, p < 0001) sau khi loại trừ tác dụng của các chương trình PCSR tiêu chuẩn. Tỷ lệ hiện mắc sốt rét ở các điểm can thiệp giảm 81%, từ 26% (KTC 95%:23,7-7,8) xuống 4,9% (KTC 95%:4,0-5,9). Ở những ngôi làng nhận được can thiệp “1,7-mRCTR”, tỷ lệ mắc mới hàng tuần giảm hơn 15,7% (p>0,05). Từ 2 đến 5 + tuần sau khi điều trị tại làng, tỷ lệ mắc mới khác nhau giữa các tuần nhưng chủ yếu thấp hơn trong tuần đầu tiên thực hiện điều trị. Mô hình “1,7-mRCTR” làm giảm đáng kể gánh nặng sốt rét trong cộng đồng ở những khu vực có đặc điểm lan truyền sốt rét từ trung bình đến cao ở đông nam Tanzania. Việc giảm đáng kể ở các điểm can thiệp (81%) so với các khu vực kiểm soát (52%) đã tạo ra bằng chứng rõ ràng và thực tế nhấn mạnh tính hữu ích của can thiệp 1,7-mRCTR, được củng cố bởi phân tích đa biến cho thấy rằng việc giảm tỷ lệ hiện mắc sốt rét (66%) nếu đã loại trừ tác động của LLINs [24]. Điều quan trọng là các biện pháp can thiệp sốt rét hiện tại, bao gồm cả những biện pháp tiên tiến nhất sử dụng phương pháp tiêm chủng mới, chỉ báo cáo hiệu quả 30-50% so với việc sử dụng LLINs [23]. Hình 7. Mô hình 1,7-mRCTR giảm gánh nặng bệnh tật tại Tanzania
Cách tiếp cận “1,7-mRCTR” phù hợp với địa phương đã được triển khai thành công ở Nam Tanzania hứa hẹn sẽ thúc đẩy các nỗ lực kiểm soát và LTSR ở khu vực châu Phi, với một chiến lược giám sát phù hợp với địa phương có thể dẫn đến thành công trong việc giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và do đó đẩy nhanh các nỗ lực loại trừ sốt rét. Các bài học rút ra từ việc thực hiện phương pháp tiếp cận “1,7-mRCTR” với việc xây dựng năng lực dựa vào cộng đồng và củng cố hệ thống y tế địa phương đang định hình các nỗ lực viện trợ của Trung Quốc để hỗ trợ các nước châu Phi đẩy nhanh việc kiểm soát và loại trừ bệnh sốt rét [24]. Trước đó vào năm 2013, Tanzania cũng đã phát triển sớm hệ thống báo cáo điện tử để hỗ trợ cho các chiến lược giám sát và ứng phó nhanh để hướng tới chuyển đổi từ kiểm soát sốt rét sang loại trừ sốt rét ở cấp địa phương. Tanzania đã phát triển hai hệ thống báo cáo điện từ hàng tuần và hàng tháng tại quốc gia này. Các nền tảng báo cáo điện tử hàng tháng sử dụng Hệ thống Thông tin Y tế Huyện version 2 (DHIS2) đã được giới thiệu. Báo cáo hàng tuần được thực hiện thông qua nền tảng Ứng phó và Giám sát Dịch bệnh Tích hợp (eIDSR) dựa trên điện thoại di động và dần dần được nhân rộng từ 67 lên 7.471 (100%) cơ sở y tế công từ năm 2013 đến năm 2020 [16]. Kể từ khi thiết lập các nền tảng báo cáo điện tử, tính đầy đủ và kịp thời của báo cáo đã được cải thiện đáng kể. Ngoài lần thử nghiệm đầu tiên vào năm 2013, tính đầy đủ của báo cáo hàng tháng trên DHIS2 được cải thiện nhanh chóng theo thời gian và kể từ năm 2017, cả tính đầy đủ và tính kịp thời của báo cáo tổng thể đều nhất quán trên 90%. Sau khi báo cáo hàng tuần trên eIDSR được phủ sóng trên toàn quốc, mức độ đầy đủ của báo cáo tổng thể là 90,2% vào năm 2020 và 93,9% vào năm 2021. Mức độ đầy đủ của báo cáo hàng tháng trên DHIS2 là 98,9% vào năm 2020 và 98,7% vào năm 2021 [16]. Một nghiên cứu đánh giá tại Senegal về chất lượng dữ liệu của hệ thống báo cáo DHIS2 từ năm 2014-2017 cho thấy, trái ngược với các cơ sở công lập có 92,7% báo cáo dữ liệu trong hệ thống DHIS2 trong thời gian nghiên cứu, chỉ có 15,3% cơ sở tư nhân sử dụng hệ thống báo cáo. Ở cấp quốc gia, mức độ đầy đủ của cơ sở báo cáo đã tăng từ 84,5% năm 2014 lên 97,5% năm 2017. Tỷ lệ các ca sốt rét dự kiến được báo cáo tăng từ 76,5% năm 2014 lên 94,7% năm 2017. Trong giai đoạn nghiên cứu, tỷ lệ các ca sốt rét được báo cáo ở tất cả các huyện trung bình cao hơn 7,5% (p <0,01) trong mùa mưa so với mùa khô. Tỷ lệ hoàn thành báo cáo giữa các bệnh viện thấp hơn so với các trung tâm y tế và trạm y tế. Tỷ lệ các giá trị ngoại lệ trung bình và cực đoan lần lượt là 5,2 và 2,3%. Số ca mắc sốt rét được xác nhận đã tăng 15% trong khi số ca nghi ngờ và các xét nghiệm được tiến hành tăng hơn gấp đôi từ năm 2014 đến 2017 có thể là do sự thay đổi chính sách đối với xét nghiệm toàn cầu đối với các trường hợp sốt ở trẻ em [25].
(Còn tiếp Phần 3)
Tài liệu tham khảo 1.Bộ Y tế (2016), Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét, 1-20. 2.Bộ Y tế (2021), Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét, 1-19. 3.Nguyễn Công Trung Dũng, Hồ Văn Hoàng, Nguyễn Duy Sơn (2020), "Thực trạng hệ thống giám sát và các yếu tố ảnh hưởng trong chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên năm 2018", Tạp chí Phòng chống bệnh sốt rét và các bệnh ký sinh trùng. 1(115), 3-9. 4.Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn (2019), Số liệu công tác phòng chống và loại trừ sốt rét khu vực miền Trung -Tây Nguyên, năm 2019, Khoa Dịch tễ. 5.Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn (2020), Số liệu công tác phòng chống và loại trừ sốt rét khu vực miền Trung -Tây Nguyên, năm 2020, Khoa Dịch tễ. 6.Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn (2022), Tổng kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét năm 2021, 1-15. 7.Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn (2023), Tổng kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét năm 2022, 1-15. 8.Viện Sốt rét KST-CT TW (2020), Quyết định về việc công nhận 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt tiêu chí loại trừ sốt rét, 1-10. 9.Viện Sốt rét KST-CT TW (2022), Tổng kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét năm 2021, 1-10. 10.Viện Sốt rét KST-CT TW (2023), Tổng kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét năm 2022, 1-30. 11.P. P. Aung (2020), "Challenges in early phase of implementing the 1-3-7 surveillance and response approach in malaria elimination setting: A field study from Myanmar", Infect Dis Poverty. 9(1), 18. 12.M. Bannister-Tyrrell (2019), "Households or Hotspots? Defining Intervention Targets for Malaria Elimination in Ratanakiri Province, Eastern Cambodia", J Infect Dis. 220(6), 1034-1043. 13.P. K. Bharti (2020), "Demonstration of indigenous malaria elimination through Track-Test-Treat-Track (T4) strategy in a Malaria Elimination Demonstration Project in Mandla, Madhya Pradesh", Malar J. 19(1), 339. 14.J. Cox (2014), "Novel approaches to risk stratification to support malaria elimination: an example from Cambodia", Malar J. 13, 371. 15.F. Huang (2022), "Establishing and applying an adaptive strategy and approach to eliminating malaria: practice and lessons learnt from China from 2011 to 2020", Emerg Microbes Infect. 11(1), 314-325. 16.J. J. Joseph (2022), "Improvements in malaria surveillance through the electronic Integrated Disease Surveillance and Response (eIDSR) system in mainland Tanzania, 2013-2021", Malar J. 21(1), 321. 17.S. T. Kheang (2018), "Malaria Case Detection Among Mobile Populations and Migrant Workers in Myanmar: Comparison of 3 Service Delivery Approaches", Glob Health Sci Pract. 6(2), 384-389. 18.S. T. Kheang (2020), "Malaria elimination using the 1-3-7 approach: lessons from Sampov Loun, Cambodia", BMC Public Health. 20(1), 544. 19.Augusta Soninour Kolekang (2022), "Challenges with adherence to the ‘test, treat, and track’ malaria case management guideline among prescribers in Ghana", Malaria Journal. 21(1), 332. 20.A. M. M. Kyaw (2018), ""Alert-Audit-Act": assessment of surveillance and response strategy for malaria elimination in three low-endemic settings of Myanmar in 2016", Trop Med Health. 46, 11. 21.G. Lu (2016), "Challenges in and lessons learned during the implementation of the 1-3-7 malaria surveillance and response strategy in China: a qualitative study", Infect Dis Poverty. 5(1), 94. 22.S. Ma (2016), "Effectiveness of Implementation of Electronic Malaria Information System as the National Malaria Surveillance System in Thailand", JMIR Public Health Surveill. 2(1), e20. 23.B. Maher (2008), "Malaria: the end of the beginning", Nature. 451(7182), 1042-6. 24.Y. P. Mlacha (2020), "Effectiveness of the innovative 1,7-malaria reactive community-based testing and response (1, 7-mRCTR) approach on malaria burden reduction in Southeastern Tanzania", Malar J. 19(1), 292. 25.P. Muhoza (2022), "A data quality assessment of the first four years of malaria reporting in the Senegal DHIS2, 2014-2017", BMC Health Serv Res. 22(1), 18. 26.P. Sudathip (2021), "A foci cohort analysis to monitor successful and persistent foci under Thailand's Malaria Elimination Strategy", Malar J. 20(1), 118. 27.P. Sudathip (2022), "Assessing Thailand's 1-3-7 surveillance strategy in accelerating malaria elimination", Malar J. 21(1), 222. 28.A. M. van Eijk (2016), "What is the value of reactive case detection in malaria control? A case-study in India and a systematic review", Malar J. 15, 67. 29.D. Wang (2017), "Adapting the local response for malaria elimination through evaluation of the 1-3-7 system performance in the China-Myanmar border region", Malar J. 16(1), 54. 30.D. Wang (2022), "Could China's journey of malaria elimination extend to Africa?", Infect Dis Poverty. 11(1), 55. 31.WHO (2012), Test. Treat. Track: Scaling up diagnostic testing, treatment and surveillance for malaria., Geneva: World Health Organisation. 32.WHO RBM Partnership to End Malaria (2019), High burden to high impact: a targeted malaria response, Geneva, World Health Organization. 33.WHO (2015), Strategy for Malaria Elimination in the Greater Mekong Subregion (2015-2030). 34.WHO (2017), A framework for malaria elimination. 35.WHO (2017), Regional Action Framework for Malaria Control and Elimination in the Western Pacific (2016–2020). 36.WHO (2017), Regional action plan 2017-2030 towards malaria-free South-East Asia Region. 37.WHO (2018), Malaria surveillance, mornitoring and evaluation: a reference manual.
|