|
Bộ gien muỗi Anopheles Gambiae.(Ảnh st) |
Tạo ra các loài muỗi biến đổi gen để chống bệnh sốt rét
Theo các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Johns Hopkins, việc này hoàn toàn là thực tiễn, ít ra là ở trong phòng thí nghiệm. Mặc dù các công trình nghiên cứu trước đây đã đề cập tới việc tạo ra những loài muỗi chống bệnh sốt mẹ, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học đã cho thấy ưu thế sinh sản của những sinh vật biến đổi gen- một yêu cầu quan trọng nếu muốn sử dụng các loại muỗi này để làm một chiến lược thực tiễn chống lại căn bệnh sốt rét. Bệnh sốt rét gây tử vong cho 1 triệu người trên thế giới mỗi năm, phần lớn là trẻ em ở vùng cận Sahara, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết. Bệnh này do ký sinh trùng Plasmodium, một loài nguyên sinh động vật truyền từ người này sang người khác bởi muỗi cái Anophel. Các nhà khoa học đã đề xuất một phương pháp để kiểm soát sự lan truyền căn bệnh này bằng cách đưa vào các loài muỗi không thể truyền được ký sinh trùng, nhưng các mô hình máy tính cho thấy rằng để ngăn chặn được chu trình lan truyền, các loài muỗi chống sốt rét phải thay thế gần như toàn bộ các loài muỗi thuỷ tổ. Trong một công trình nghiên cứu gần đây, Marcelo Jacobs- Lorena và các đồng nghiệp ở trường đại học Johns Hopkins đã đưa những số lượng ngang bằng các loài muỗi chống sốt rét và muỗi thông thường vào trong một chiếc lồng và cho chúng hút máu của con chuột bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Tiếp đó, họ thu lấy trứng của những côn trùng này, nuôi trứng trưởng thành lên thành muỗi và cho phép chúng hút máu của con chuột đã bị nhiễm bệnh. Sau 9 thế hệ, 70% số muỗi sinh ra đều là những loài muỗi chống bệnh sốt rét, có nghĩa là những con muỗi biến đổi gen đã vượt trội hơn những con muỗi không kháng bệnh. Trái lại, những con muỗi nào hút mấu của chuột không bị nhiễm bệnh đều không thể hiện bất kỳ sự khác biệt nào về tính thích ứng, tức là khả năng truyền gen lại cho thế hệ sau. Các nhà nghiên cứu đã đăng phát minh của mình trong Proceedings of the National Academy of Science online đầu tháng 3/2007. Ở một công trình trước đây, Hillary Hurd, nhà ký sinh trùng học ở trường đại học Keele, Anh, đã chứng minh rằng sự lây nhiễm Plasmodium gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Những con muỗi nào được bảo vệ khỏi sự lây nhiễm phải có ưu thế hơn so với những con không được bảo vệ. Kết quả của nhóm nghiên cứu ở trường đại học Johns Hopkins đã ủng hộ kết luận này. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra các loài muỗi chống sốt rét khác nhau bằng cách can thiệp vào chu trình phát triển của ký sinh trùng Plasmodium. Sau khi muỗi tiêu hoá ký sinh trùng trong máu con vật bị nhiễm, ký sinh trùng này tấn công vào ruột của muỗi và tạo ra kén. Cuối cùng, kén này vỡ giải phóng các bào tử vào thân muỗi rồi di trú vào tuyến nước bọt. Những con muỗi này khi cắn người thì đồng thời truyền ký sinh trùng sang cho người bị muỗi cắn. Jacobs-Lorena và các cộng sự đã áp dụng kỹ thuật gen cho muỗi để nó sản ra peptide có tên là SM1, phong toả không cho ký sinh trùng này tấn công vào ruột muỗi, do vậy làm ngừng sự phát triển của ký sinh trùng. Vì là peptide không phát sinh một cách tự nhiên, nên SM1 không kích hoạt hệ miễn dịch của muỗi. Đây là một chiến lược rất khác so với các nhóm hiện đang nghiên cứu để kiểm soát sự lan truyền của bệnh sốt rét.
|