Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học Việt Nam đến năm 2020
Mục tiêu của việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) ở Việt Nam là: xây dựng công nghiệp sinh học trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất được các sản phẩm chủ lực, thiết yếu và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Tập trung nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư đối với CNSH, hình thành và phát triển thị trường CNSH. Đến năm 2020, CNSH của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực thiết yếu đạt trình độ, tiêu chuẩn quốc tế. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa ký quyết định phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020”. Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung phát triển và ứng dụng CNSH chủ yếu trong các lĩnh vực: nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, y - dược và bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Đồng thời, Chính phủ sẽ có nhiều hỗ trợ cho các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển CNSH nhằm xây dựng và phát triển thị trường này. Tạo lập thị trường CNSH Theo quyết định, từ nay đến năm 2010 tập trung xây dựng một số doanh nghiệp CNSH và tạo lập thị trường thuận lợi, thông thoáng để các doanh nghiệp này sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đạt hiệu quả tốt nhất. Giai đoạn 2011 – 2015, xây dựng được một số trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển CNSH đạt tiêu chuẩn khu vực ASEAN. Xây dựng được ngành công nghiệp sinh học phát triển, bảo đảm sản xuất được các sản phẩm chủ lực có chất lượng và sức cạnh tranh cao, phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Trong tầm nhìn đến năm 2020, phải đào tạo đủ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về CNSH; xây dựng được một số trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về CNSH tiên tiến, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho kế hoạch này, trong giai đoạn 2006 – 2010 phải đào tạo được trên 8.000 cán bộ khoa học có trình độ đại học và sau đại học về CNSH, trong đó có 200 tiến sĩ, 800 thạc sĩ, gửi đi đào tạo ở nước ngoài khoảng 100 lượt người; đào tạo ở trong nước được 3.000 kỹ thuật viên. Giai đoạn 2011 – 2015 cần đào tạo được trên 12.000 cán bộ khoa học có trình độ đại học và sau đại học về CNSH, trong đó có: 300 tiến sĩ, 1.200 thạc sĩ, gửi đi đào tạo ở nước ngoài khoảng 300 lượt người; đào tạo ở trong nước được 4.500 kỹ thuật viên. Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành Yêu cầu xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp sinh học ở Việt Nam đến năm 2020, trong đó chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực: công nghiệp chế biến sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp, y - dược. Hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; sản xuất rượu, bia, nước giải khát, nước chấm; sản xuất các axit amin, axit hữu cơ, enzym công nghiệp, phụ gia thực phẩm; sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, vaccine thú y, vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, vaccine cúm gia cầm, thuốc chữa bệnh, kháng sinh và các loại dược phẩm khác; sản xuất các chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải, nước thải, khí thải, làm sạch nước sinh hoạt và các sự cố môi trường. Quyết định cũng nêu rõ cần tạo lập thị trường thông thoáng, thuận lợi, phát triển thêm các ngành công nghiệp phụ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp sinh học. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống cũng như đầu tư phát triển ngành công nghiệp sinh học ở Việt Nam; chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy, hải sản đầu tư phát triển CNSH; chính sách thu hút và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển CNSH; chính sách ưu đãi cán bộ khoa học kỹ thuật và trọng dụng nhân tài về CNSH. Xây dựng chính sách về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gien, một chương quan trọng của Luật Đa dạng sinh học và các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chương này. Xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, vay vốn, hỗ trợ chuyển giao, nhập khẩu công nghệ và bí quyết công nghệ, phát triển thị trường công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực... cho các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển ngành công nghiệp sinh học. 10 chương trình,quy hoạch, đề án và dự án trọng điểm 1. Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về phát triển và ứng dụng các công nghệ nền của CNSH do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, phê duyệt theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện. 2. Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng. 3. Đề án phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) chủ trì xây dựng. 4. Đề án phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020 do Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì xây dựng. 5. Đề án phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực y tế đến năm 2020 do Bộ Y tế chủ trì xây dựng. 6. Đề án phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng. 7. Quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển CNSH và ngành công nghiệp sinh học đến năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng. 8. Quy hoạch mạng lưới và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các viện, trung tâm nghiên cứu và các phòng thí nghiệm về CNSH đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng. 9. Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp sinh học ở Việt Nam đến năm 2020 do Bộ Công thương chủ trì xây dựng. 10. Dự án Luật Đa dạng sinh học, trong đó có chương về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gien và các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Chương này do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng.
|