|
Bênh nhân đang chờ xét nghiệm tại phòng khám của Viện |
Sán lá gan lớn không còn “nóng” về thuốc nhưng vẫn “nóng” về bệnh và biện pháp phòng chống
Bệnh sán lá gan lớn thường phát hiện ở động vật ăn cỏ (cừu, bò, trâu) nhưng lại xuất hiện ở người như như một bệnh ký sinh trùng mới nổi trong vài năm gần đây. Theo số liệu thống kê từ 2005 bệnh sán lá gan lớn ở nước ta thật sự đáng báo động với gần 10.000 ca mắc mới ở 47/64 tỉnh thành hầu hết tập trung ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Theo thống kê của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn số ca mắc mới sán lá gan lớn tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2006 là 3.543/3.838 chiếm 92,31%, năm 2007 là 1.862/2.196 chiếm 84,79% so với cả nước; trong đó tại Phòng khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện từ 2004 đến nay đã có trên 5000 ca được phát hiện và điều trị. Các tỉnh có tỷ lệ nhiễm SLGL cao tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên như Bình Định: 1.434 ca (2006), 428 ca (2007); Quảng Ngãi: 791 ca (2006), 284 ca (2007); Gia Lai: 528 ca (2006), 23 ca (2007); Khánh Hòa: 262 ca (2006), 38 ca (2007); Quảng Nam: 194 ca (2006), 124 ca (2007); Phú Yên: 168 ca (2006), 151 ca (2007); Đà Nẵng: 86 ca (2006), 118 ca (2007); Phòng Khám Viện Quy Nhơn: 2.737 ca (2006), 672 ca (2007), số bệnh nhân được phát hiện và điều trị cũng tập trung ở các tỉnh nêu trên. Các tỉnh miền bắc nhiễm SLGL ở mức độ thấp hơn như Nghệ An: 76 ca (2006), 58 ca (2007); Hà Nội: 44 ca (2006), 42 ca (2007); Hà Tây: 30 ca (2006), 28 ca (2007); Hà Tĩnh: 26 ca (2006), 25 ca (2007); Thanh Hóa: 19 ca (2006), 25 ca (2007). Các tỉnh miền Nam số ca sán lá gan lớn chỉ xuất hiện rải rác. | Siêu âm phát hiện bệnh sán lá gan ở người | Hiện nay tình hình nhiễm sán lá gan lớn ở Việt Nam vẫn có xu hướng gia tăng với số bệnh nhân phát hiện mỗi tháng từ 150-200 người, mỗi năm ước tính khoảng 1.800-2500 người. Tại Phòng khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn trong 5 tháng đầu năm 2008 đã tiếp nhận điều trị 371 ca sán lá gan lớn/1.872 số ca tới khám bệnh (chiếm 20%); thời điểm nhiễm bệnh cao vào các tháng mùa hè như tháng 3 (84 ca), tháng 4 (121 ca), tháng 5 (91 ca); các nơi có bệnh nhân nhiễm bệnh cao vẫn là Bình Định, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa...; nguy cơ mắc bệnh sán lá gan lớn không chỉ có dân nghèo mà còn với tất cả các đối tượng trong xã hội. Thời điểm bệnh sán lá gan lớn tăng cao (2006-2007) vấn đề cung cấp thuốc đặc hiệu (Egaten) để điều trị bệnh sán lá gan lớn lại vô cùng nan giải, mặc dù trên thế giới đã có sử dụng, nhưng thị trường Việt Nam lại chưa được phép nhập về. Trong lúc khó khăn về thuốc điều trị, rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh phải dùng các thuốc không đặc hiệu, bệnh tiến triển kéo dài, thậm chí có trường hợp biến chứng dẫn đến tử vong. Hiện nay thuốc điều trị đặc hiệu sán lá gan lớn (Egaten) không còn là vấn đề đáng lo ngại, vì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hỗ trợđảm bảo điều trị bệnh nhân ngay từ tuyến cơ sở. Tuy nhiên trước sự bùng phát của bệnh sán lá gan lớn, việc giải quyết bệnh không chỉ đơn thuần dựa vào thuốc điều trị, trong khi vấn đề giáo dục truyền thông phòng chống bệnh sán lá gan lớn cho cho cộng đồng còn quá ít ỏi và nhận thức của người dân còn thấp; công tác chẩn đoán phát hiện và điều trị tại các tuyến vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều tuyến y tế cơ sở còn lúng túng trong việc chẩn đoán và điều trị hoặc chẩn đoán nhầm sang bệnh khác gây phiền hà cho bệnh nhân. Việc nghiên cứu dịch tễ học của sán lá gan lớn liên quan giữa động vật và người chưa được đề cập ở Việt Nam; việc xác định nguyên nhân nhiễm bệnh, thành phần loài, phân bố dịch tễ học sán lá gan lớn trên phạm vi cả nước chưa được hoàn chỉnh. Đặc biệt các số liệu về nguồn nhiễm, mùa nhiễm bệnh, vật chủ trung gian thích hợp truyền bệnh, các yếu tố tự nhiên và xã hội ảnh hưởng đến bệnh chưa được nghiên cứu. Vấn đề chẩn đoán, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và giải phẫu bệnh lý cũng như mô hình truyền thông phòng chống bệnh vẫn còn đang bỏ ngỏ. Nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao bệnh sán lá gan lớn lại gia tăng bột phát trong một số năm gần đây ? tại sao khu vực miền Trung-Tây Nguyên tình hình nhiễm bệnh sán lá gan lớn lại cao hơn các khu vực khác trong nước ? ngoài loài sán lá gan lớn đã xác định là Fasciola gigantica liệu ở Việt Nam có mặt Fasciola hepatica hay không ? liệu xu hướng lai tự nhiên giữa hai loài này như một số nghiên cứu trong nước đã đề cập có liên quan gì đến sự bùng phát bệnh sán lá gan lớn trong thời điểm hiện nay hay không ? tất cả những vấn đề này đều chưa có câu trả lời chính xác và thuyết phục. Là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm nghiên cứu, chỉ đạo phòng chống các bệnh ký sinh trùng và các bệnh do véc tơ truyền ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên; Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo các tỉnh thực hiện và trực tiếp khống chế bệnh này với hàng ngàn ca điều trị khỏi giúp Bộ Y tế có cơ sở chỉ đạo phòng chống bệnh kịp thời; thời gian qua Viện cũng đã đề xuất nghiên cứu với Ban chủ nhiệm chương trình trọng điểm cấp Nhà nước đề tài nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và biện pháp phòng chống bệnh sán lá gan lớn ở Việt Nam với mong muốn tìm ra các căn cứ khoa học, cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn để đưa ra quy mô phòng chống có hiệu quả trên phạm vi cả nước. Với sự quan tâm của Nhà nước, của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế; hy vọng trong tương lai không xa bệnh sán lá gan lớn ở nước ta sẽ được kiểm soát một cách triệt để để đem lại sức khỏe cũng như sức lao động cho người dân các vùng có nguy cơ nhiễm bệnh.
|