Home TRANG CHỦ Thứ 2, ngày 25/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 2 0 9 6 3 8
Số người đang truy cập
2 1 7
 Chuyên đề Sán lá gan
Cá giếc và một số cá thuộc họ cá chép-món ăn vị thuốc và trung gian truyền bệnh sán lá gan nhỏ

          Họ cá chép (danh pháp khoa học: Cyprinidae, được đặt tên theo từ Kypris trong tiếng Hy Lạp, tên gọi khác của thần Aphrodite), bao gồm cá chép và một số loài có quan hệ họ hàng gần như cá giếc, cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá trôi, cá ngão, cá mè, cá tuế,…. Đặc trưng các loài cá trong họ này có lẽ có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, châu Phiđại lục Á-Âu. Loài có kích thước lớn nhất đã biết trong họ này là cá hô (Catlocarpio siamensis), có thể dài tới 3m. Loài lớn nhất tại Bắc Mỹ là Ptychocheilus lucius dài tới 1.83m. Ngược lại, nhiều loài nhỏ hơn 5cm và loài cá nước ngọt nhỏ nhất là Danionella translucidaMyanma cũng thuộc họ này, chỉ dài tối đa 12 mm. Tất cả các loài trong họ này đều là cá đẻ trứng và hành visinh sản của phần lớn các loài là không bảo vệ trứng, tuy nhiên, có một số ít loài làm tổ và / hoặc bảo vệ trứng.

 Về mặt y học, cá giếc có nhiều giá trị về sinh dưỡng cũng như đóng vai trò trong thực phẩm chức năng, hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt. Song, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra cá giếc cũng như một loài cá trong họ cá chép là vật trung gian thứ 2 truyền bệnh sán lá gan nhỏ, khá nguy hiểm nếu chúng ta không thực hiện vệ sinh ăn uóng một cách hợp lý thì nguy cơ mắc bệnh cũng không phải là nhỏ. Bên cạnh đó, y học bằng chứng cũng đã xác định có mối liên quan giữa bệnh sán lá gan nhỏ với ung thư đường mật trong 10 năm qua và ghi nhận qua nhiều ca bệnh.

Phân loại họ cá chép

 
Họ này là họ cá nước ngọt lớn nhất, với khoảng 2.420 loài cá dạng cá chép trong khoảng 220 chi. Đề cập đến các chi, hiện tại vẫn tồn tại các tranh cãi về việc có bao nhiêu phân họ tồn tại trong họ này và các chi thuộc về phân họ nào.

Tên theo danh pháp khoa học và các tên gọi khác

 
Cá giếc một loại thức ăn, vị thuốc.
Cá giếc thuộc đại gia đình cá chép, nhưng tên khoa học của cá vẫn chưa được các nhà ngư học đồng ý với nhau. Một số nhà ngư học cho rằng cá giếc là một dạng biến đổi của Crucian Carp (Carassius carassius); thân thu hẹp, thuôn hơn cá vàng (Carassius auratus) nên được gọi phân biệt là C.Carassius var. Humili (theo Banarescu, 1964). Một khuynh hướng khác lại cho rằng cá giếc, được gọi là Prussian Carp, là một dạng cá vàng hoang hay Carassius Auratus Gibelio (tương đương C.Gibelio vì cá giếc có màu ánh bạc trong khi đó Crucian carp lại chỉ có màu vàng đồng. Song nhìn chung, đến nay tạm chấp nhận với Carassius gibello thuộc gia đình cá Cyprinidae. Tên Prussian Carp, Silver Crucian Carp (tiếng Anh), Crassin Vulgaire, Gibelle, Gibèle (tiếng Pháp) và tiếng Đức gọi là Giebel, Silberkarausche.

Những điểm đặc biệt nhất của cá giếc, khác với cá vàng là cá giếc không có râu; vi lưng và vi hậu môn có gai, cá vàng có 21 đến 36 lằn vảy dọc, trong khi đó cá giếc có từ 27-35.
Hiện nay, các nhà ngư học đang tạm đồng ý xem cá giếc là một loại cá vàng hoang và gọi chung là Prussian Carp: dạng cá hoang này đã được đưa từ Á Châu sang Đức khoảng thế kỷ 16-17 (khoảng năm 1780), nay cá đã đến khắp Âu châu. Tại một số quốc gia, cá Giếc đang được xem là loại cá gây tác hại cho sự cân bằng của môi sinh vì cá tăng trưởng nhanh, sinh sản mạnh và cạnh tranh thực phẩm và khoảng không gian sinh hoạt với cá nội địa gây trở ngại cho sự phát triển của các loài cá có gía trị kinh tế cao hơn.

Đặc tính phân bố, hình thái học và sinh học

Cá giếc thuộc loại cá nước ngọt nhiều xương, phân bố rất rộng tại Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và khu vực Đông Nam Á. Tại châu Âu,cá xuất hiện quanh vùng Biển Đen và Vịnh Caspia đến các nước Đông Âu như Rumani, Bulgari, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Việt Nam, cá được nuôi khá phổ biến trong các ao, hồ cạn, ruộng nước, sông có dòng nước chảy chậm. Cá ít gặp ở sông, loài sống tại vùng đồng bằng thường lớn hơn loài sống tại các vùng cao nguyên và cá hồ lại lớn hơn cá ruộng.

 
Cá có thân hai bên dẹt, cân đối dài 15-25 cm (có thể đến 45cm) nặng đến 2-3 kg (trung bình cá dài 20 cm, nặng 250 gram trong 5 năm đầu); ngực hơi tròn, đầu và đuôi thuôn, miệng hướng lên, mắt có viền đỏ, lưng nhô cao. Miệng nhỏ không râu. Thân phủ vảy lớn. Vây lưng dài, nhỏ dần về phía đuôi, vây hậu môn ngắn. Vây đuôi chia làm 2 thùy nhọn xiên bằng nhau. Toàn thân có màu ánh bạc, bụng nhạt hơn lưng. Các vi lưng, vi bụng và ngực đều màu xám. Cá giếc khi nhỏ, ăn các sinh vật phù du, nhưng khi lớn ăn tạp (động vật nhỏ như giun, nhuyến thể, thực vật thủy sinh, chất bã hữu cơ). Cá lúc mới sinh thường có màu vàng nhưng sau đó chuyển dần sang màu xanh bạc rồi trắng bạc (màu sắc này cũng thay đổi tùy theo từng vùng, địa phương).

Mùa sinh sản của cá là quanh năm, nhưng cao điểm vào các tháng 4 và tháng 8. Cá trưởng thành khi được 3-4 tuổi và có thể sống đến 13 năm. Cá sinh sản theo kiểu gynogenesis (tiến trình chỉ tạo ra sự sinh sản cá mái). Trong thiên nhiên tỷ lệ cá mái chiếm đến 99.3%. Trứng cần đến tinh trùng của cá đực để khởi động sự phát triển, nhưng khi bào thai được tạo ra thì nhiễm sắc của cá đực bị loại.

Giá trị dinh dưỡng và giá trị chữa bệnh trong y học

Họ cá chép là họ cá thực phẩm có tầm quan trọng cao, chúng được đánh bắt và nuôi thả tại nhiều quốc gia ở châu Âuchâu Á. Tại các quốc gia không có biển, cá dạng cá chép thường là các loài cá thực phẩm chủ yếu, mặc dù sự thịnh hành các dạng cá đông lạnh không quá đắt tiền đã làm giảm tầm quan trọng của cá dạng cá chép so với trước đây. Tuy nhiên, trong một số khu vực thì chúng vẫn là phổ biến trong việc cung cấp thực phẩm cũng như để câu cá giải trí và vì thế chúng đã được nuôi thả trong các ao hồ một cách có chủ định trong nhiều thế kỷ vì các lý do này.

 
Cá giếc thuộc nhóm cá nhiều xương. Trong 100 gram cá (bỏ xương ) chứa nhiều chất dinh dưỡng, vi chất và vikhoáng. Tổng số calori từ 279- 305; chất đạm 14-20.77 g, chất béo toàn phần 12-15.70g; acid béo bão hòa 3.25 g, acid béo chưa bão hòa mono 6.58 g; acid béo chưa bão hòa poly 4.02g; cholesterol 95 mg; chất bột (carbohydrate) 12.33g; chất xơ 0.8 g; calcium 78 mg; đồng 0.10 mg; sắt 2.18 mg; magnesium 37 mg; phospho 451 mg; kali 373 mg; natri 547 mg; kẽm 1.79 mg; vitamin A; vitamin C 1.3 mg; vitamin B6 0.197 mg; vitamin B12 1.5 mcg; vitamin E (alphatocopherol) 0.78 mg; folate toàn phần 28 mcg; folic acid 9 mcg; niacin 2. 6 gram; riboflavin 0.152 mg; thiamin 0.224 mg.

Cá giếc do có nhiều xương nên không được ưa chuộng tại các quốc gia châu Âu, ngoại trừ các nước Đông Âu như các loại cá nạc khác. Về phương diện dinh dưỡng, cá được xem là loại cá ít chất béo, cung cấp một số lượng chất đạm tương đối cao. Cá chứa nhiều vitamin nhất là B12 và niacin cùng các vitamin nhóm B, tốt cho máu và hệ thần kinh. Tại châu Âu, các loại cá chép, trước khi chế biến thành món ăn, được làm sạch, bỏ lòng, sau đó rửa sạch và ngâm nước pha dấm để khử mùi tanh. Cá có thể nướng, nhồi, chiên giòn hay hấp với rượu vang trắng, với bia.
Người ta rất ưa chuộng cá chép (kể cả cá giếc) và dùng cá theo truyền thống, trong dịp lễ Giáng Sinh. Cá ngon nhất được đánh bắt từ hồ Svet (vùng phía Nam Bohemia). Hai món cá nổi tiếng nhất của Tiệp Khắc (cũ) là Karp Vaspiku (Carp in Aspic) với cá ướp gia vị chưng dấm và Kapr Smazeny với cá bọc bột và ruột bánh mì, chiên giòn.

Nhắc đến các món ăn cá đồng, chúng ta không thể không kể đến con cá tràu, con giếc. Cá giếc nhỏ chừng hai ngón tay thường được dùng làm món gỏi sống. Một tay bấm vào đầu cá chấm nguyên con vào chén mắm ớt, một tay bốc đậu phụng rang cùng rau thơm, cà tây sống. Tất cả đưa vào miệng trở thành một món ăn khoái khẩu lạ thường. Sau khi nhai hết miếng cá, tợp hớp rượu tăm, ai đã thử một lần sẽ nhớ mãi. Loại cá giếc lớn bằng ba bốn ngón tay trở lên không làm gì ngon bằng nấu canh rau răm. Làm cá giếc để nấu canh không được sử dụng dao mà phải dùng cật tre. Đụng dao bằng kim loại vào, xương cá trở nên cứng và thịt không ngon. Người làm cá phải dùng tay bấm đuôi, bấm vi, móc mang, nặn nhớt và dùng cật tre cạo sạch phần bên ngoài con cá, không làm vảy. Chuẩn bị một nồi nước nấu sôi, cho cá vào rồi nêm mắm muối tiêu hành, tiếp theo cho lọn rau răm rửa sạch xắt nhỏ vừa phải vào chừng vài ba phút và nhắc xuống. Có thể nói đây là bát canh cá giải cảm, làm mát, chữa trị bệnh lý tiêu hóa rất tốt.

Riêng cá tràu (miền Nam gọi là cá lóc) có mấy loại. Tràu chó (hay còn gọi là cá tràu cẩng) không lớn, con nào lớn nhất chỉ bằng cán rựa, có tật hay cắn. Cá tràu chuối lớn con, nhiều con lâu năm nặng hàng ký. Có lẽ thịt tràu ngon nhất khi chúng lớn bằng bắp tay trở lại. Những con quá lớn thịt dai, ít ngọt, chỉ quý ở bộ đồ lòng.  Dân nhậu Nam bộ thích nướng trui cá lóc bằng lửa rơm, dân miền Trung chuộng giống tràu bởi thịt ngon nên ít nướng nhậu mà thường được các bà phân loại để sử dụng theo mục đích. Con nhỏ thì kho nấu hoặc nướng, chiên để ăn cơm; con nào trộng hơn một chút được nấu canh chua bắp chuối. Những con tràu lớn thường được để dành nấu ám, nấu cháo hoặc để nấu nước lèo ăn mì. Chuyện nấu nướng nếu kể hết thật cầu kỳ. Có điều dù nấu kiểu gì, con cá bao giờ cũng được làm sạch, chiên sơ cho thịt khỏi bể khi bày ra trông đẹp mắt...

Món canh cá giếc gồm có tất bát, súc sa nhân, trần bì, hồ tiêu, ớt ngâm mỗi thứ 10g, cá giếc to 1000 g, tỏi 2 nhánh, hành, muối, xì dầu, dầu ăn mỗi thứ lượng vừa đủ. Đánh vẩy cá giếc, bỏ mang và ruột, rửa sạch, cho trần bì, súc sa nhân, tất bát, tỏi, ớt, hành, muối, xì dầu, hạt tiêu vào bụng cá. Cho dầu ăn vào nồi đun sôi, cho cá vào nồi nấu chín, thêm nước vừa đủ, hầm thành canh là ăn được. Công dụng là tỉnh tì ấm vị, chữa tiêu chảy mạn tính, lỵ mạn tính do tì vị hư hàn.

 
Món bào ngư hải sâm hầm cá giếc
cũng không kém phần dinh dưỡng. thành phần nhãn nhục 2 chỉ (8g), bào ngư 2 lạng (80g), cá giếc 1 con khoảng 1kg, táo tàu đỏ 4 quả, gừng sống 4 lát, một ít muối bột. Cá đem cho vào nước ấm để cá bài tiết ra hết chất bẩn, sau đó sẽ cạo rửa, mổ bụng bỏ hết ruột gan, rửa lại thật sạch, để ráo. Bào ngư, hải sâm, nhãn nhục, táo tàu đem rửa sạch để ráo, bào ngư được cắt thành miếng, hải sâm cắt thành khoanh, táo tàu xẻ bỏ hột, gừng đem gọt sạch vỏ, cắt lấy 4 lát (mỗi lát dày 2 ly). Cách hầm là lấy 1 cái thố sạch, xếp cá nằm gọn vào thố, kế đó xếp bào ngư hải sâm, táo tàu, nhãn nhục, gừng sống chung quanh, đổ vào thố độ 1 chén nước, đậy kín nắp Thố đem chưng cách thuỷ độ 4 giờ, lấy thố thức ăn ra nêm vào chút muối và dùng nóng. Bài thuốc có công dụng bổ âm, dưỡng nhan sắc làm cho da mặt tươi hồng, thường dùng món này sẽ bổ thận, ngăn được đuôi mắt xếp chân chim và nơi khéo mũi không bị nếp nhăn, sức khoẻ ổn định.

Nếu cơ thể bị hư nhược do gan, thận âm hư đã lâu không được bồi bổ sinh ra mất ngủ, cổ họng bị khô, tai thường ù mắt hoa, nhức đầu, tâm trí không yên luôn bị bứt rứt, cao huyết áp, tiểu đường, viêm thận mãn tính đều nên dùng món này để chữa trị.

Canh cá giếc nấu với vừng đen là một trong những món ăn ổn định huyết áp: cá giếc 1 con (300 g), vừng đen 15 g, hành tiêu, gừng, gia vị. Cá làm sạch, lọc lấy thịt cho vào nấu với vừng đen; thêm hành tiêu, gừng gia vị.

Một vài loài cá dạng cá chép đã được đưa vào các vùng nước bên ngoài khu vực phân bố tự nhiên của chúng nhằm mục tiêu cung cấp thực phẩm, thể thao, hay kiểm soát sinh học đối với một số loài dịch hại. Chẳng hạn, cá chépcá trắm cỏ là quan trọng nhất trong số này tại khu vực Florida. Trong một số trường hợp, chúng lại trở thành loài xâm hại và cạnh trranh với các loài cá bản địa hay hủy hoại môi trường, ví dụ cá chép có thể sục sạo tại các bờ ao hồ, làm giảm độ trong của nước và gây khó khăn cho sự phát triển của các loài thực vật thủy sinh.

Một loạt các loài cá dạng cá chép là các loài cá cảnh quan trọng trong các bể cảnh, trong đó đáng chú ý có cá vàng, được nhập khẩu lần đầu tiên vào châu Âu khoảng năm 1728 nhưng đã được người Trung Quốc nuôi trước đó rất lâu. Các loại cá cảnh phổ biến khác còn có cá đòng đong (Puntius spp.), cá ngựa vằn (Danio spp.) và cá lòng tong (Rasbora spp.). Cá ngựa vằn (Danio rerio) là động vật nghiên cứu tiêu chuẩn trong các hoạt động nghiên cứu di truyền học phát triển.

Giá trị cá giếc trong y học cổ truyền

Dược học cổ truyền Việt Nam và Trung Hoa dùng cá giếc (cả các bộ phận của cá) làm thuốc, phổ biến hơn cả cá chép. Cá được gọi là Tức Ngư, được xem là có vị ngọt, tính bình với các tác dụng 'tư bổ, lợi thủy' 'ôn trung, kiện vị, kiện tỳ'.

Dược học cổ truyền Việt Nam

Theo Tuệ Tĩnh (trong Nam Dược Thần Hiệu): Tức Ngư (cá giếc) có vị ngọt, tính ấm, không độc có công dụng điều khí hòa trung, rất bổ ích, chữa trĩ, đại tiện ra máu, ói mửa, buồn nôn và đau mắt đỏ và theo Hải Thượng Lãn ông (Lĩnh Nam Bản Thảo) cho biết Tức Ngư có vị ngọt, ấm, không độc, bổ ích nhiều, phiên vị, tràng phong, đau mắt đỏ. Trừ luôn trĩ, lỡ, vị tỳ điều'. Tại Việt Nam, theo các bài thuốc dân gian, thịt cá giếc được xem là một thức ăn bổ dưỡng, nấu với hoàng kỳ, gừng hay nấu với rượu vang đễ giúp bổ huyết, dưỡng da.

 
Dược học cổ truyền Trung Hoa

Dược học cổ truyền Trung Hoa phân chia công dụng của cá giếc tùy theo bộ phận sử dụng. Trứng cá giếc (Tức Ngư tử) có tác dụng điều trung, bổ can khí; đầu cá (Tức Ngư đầu) có tính ấm, trị ho, kiết lỵ, trẻ em bị lở miệng, mụn lở chảy nước vàng. Dùng bằng cách sao tồn tính (1-2g). Dùng ngoài bằng đốt tồn tính, tán thành bột, rắc trên vết thương; xương cá (Tức Ngư cốt) đốt thành than, tán mịn, rắc vết thương trị lở; mật cá (Tức Ngư đảm) vị đắng, tính lạnh, sát trùng, trị đau; óc cá (Tức Ngư não) chữa bệnh điếc (?)

Cũng theo dược học cổ truyền Trung Hoa, cá giếc được xem là một vị thuốc dùng để bình gan, thấp dương. Các danh y (cổ) của Trung Hoa, qua nhiều thời đại, đã ghi nhận nhiều tác dụng của cá giếc như: Trần Tang Khí (đời Đường ) trong 'Thập Di Bản Thảo' cho biết cá giếc hợp cùng ngũ vị nấu ăn chữa được chứng 'hư lao' gầy còm, ốm yếu. Hàn Bảo Thăng (đời Đường) trong 'Thục Bản Thảo' cho biết cá giếc chữa được 'hạ lỵ, tràng phong trĩ lậu'. Tô Cung (đời Đường) trong 'Tân Tu Bản Thảo' có đề cập cá giếc chữa được ác sang, đầu độc, tràng ung. Cù Hy Ưng (đời Minh) trong 'Bản Thảo Kinh Sơ' là cá giếc, bẩm thụ được khí của hành Thổ mà sinh sống, cho nên cá có vị ngọt (cam), khí ấm; do đó cá đi vào tạng vị, chữa được vị suy: ăn khó tiêu và đi vào Đại Tràng chữa được chứng lỵ (đi tiêu ra máu, đàm nhớt) và tràng ung (sưng, đau ruột). Hoàng Cung Tú (đời Thanh) trong 'Bản Thảo Cầu Chân': cá Giếc vị cam (ngọt), khí ôn. Trong khi đa số các loài cá thuộc hành Hỏa, chỉ cá Giếc thuộc hành Thổ, nên có công dụng 'hòa' được vị kinh 'thật' được tràng, hành Thủy chữa được các chứng 'tràng phong, hạ huyết.' Vương Sĩ Hùng (đời Thanh) trong ‘Tùy Tức Cư Ẩm Thực': cá Giếc vị cam, khí bình có đặc tính khai vị, điều khí, sinh tân (dịch), tiêu thực, khu phong, thanh nhiệt, sát trùng, giải độc, làm tiêu được các chỗ sưng đau, lở loét. Những người đang ngoại cảm, không nên ăn cá giếc vì cá giếc, nhất là cá chiên gây ra 'động' hỏa. Dùng cá cả vảy có thêm tính chỉ huyết. Không nên dùng chung với gan heo (?).

Khoa dinh dưỡng trị liệu mới của Trung Hoa không phân biệt giữa cá giếc (Prussian Carp) và cá giếc vàng (Crucian Carp), dùng cá đã đánh vảy, bỏ nội tạng và mang để làm thuốc: thịt cá rửa sạch được xem là có vị ngọt, tính bình và có tác động vào kinh mạch thuộc tỳ và vị, có các tác dụng bổ tỳ, tái tạo sự ăn ngon miệng, trừ thủng và tiêu thấp. Để trị ăn mất ngon, mệt nhọc, ói mửa do tỳ và vị suy yếu: dùng cá giếc hấp chung với tiêu, gừng khô và vỏ cam (vỏ quít). Để trị phù thủng, đi tiểu gắt do tỳ suy: dùng cá giếc nhồi với sa nhân và cam thảo, hấp chín và ăn mỗi tuần.

Cá giếc là loài cá trắng nhỏ sống ở hồ ao, to nhất cũng chỉ khoảng 300g, rất phổ biến ở các tỉnh phía Bắc. Thịt cá giếc lành, ngọt và thơm chỉ tội cái hơi nhiều xương. Cá giếc đi ăn theo đàn, kiếm mồi sát đáy, tăm cá giếc nhỏ li ti rất dễ nhận ra. Đàn cá giếc thường từ 28 đến 32 con, do vậy, hễ được một con thì phải nhanh tay vì có cả một đàn dưới đó. Cá giếc thích ăn mồi giun đỏ (trùng huyết theo cách gọi trong Nam), khi ăn mồi đầu chúc xuống đớp, ngậm mồi rồi bơi ngược lên để nuốt mồi nên bao giờ cũng làm bềnh phao.

Vai trò truyền bệnh sán lá gan của họ cá chép nói chung và cá giếc nói riêng

Cá là vật chủ trung gian thứ 2 của sán lá gan nhỏ. Yoshimuca (1965) thong báo có 9 họ với 80 loài cá là vật chủ trung gian của Clonorchis sinensis. Trong đó 71 loài thuộc họ Cyprinidaer, 2 loài thuộc họ Electridae và mỗi họ có một loài, đó là họ Bagridae, Cyprinodontidae, Clupeidae, Osmeridae, Cichlidae, Ophiocephalidae Gobiidae. Tại Trung Quốc, Triều tiên, nhật Bản, Đài Loan có 88 loài cá nước ngọt thuọc 10 họ là vật chủ trung gian thứ 2 của C.sinensis. Ngoài ra, một số loài tôm cũng là vật chủ trung gian thứ 2 của C.sinensis như Caridinia nilitica gracilipes, Macrobrachium superbum Palemonetes sinensis (Tang và cộng sự., 1963). Năm 1994, tác giả Rim đã thông báo có đến 113 loài cá nước ngọt là vật chủ trung gian thứ 2 của C.sinensis.

 
Riêng Trung Quốc đã có đến 70 loài thuộc 5 họ cá nước ngọt là vạt chủ trung gian thứ 2 của C.sinensis. trong đó loài nhiễm nhiều nhất là Pseudorasbora parva, Ctenopharyngodon aethiops, Rhodeus ocellatus, Mylopharyngodon aethiops và Cultriculus kneiri. Tại Perkins và Honan, các loài cá này nhiễm ấu trùng sán lá gan trên 90%. Tại Honan, một cá P.parva nhiẽm tới 3429 ấu trùng metacercariae và cá này chỉ nặng 0.2kg. Tại vùng Kwantung, mỗi gam cá cớ tới 6548 metacercariae (Rim và cs., 1982).

Tại Đài Loan, 14 loài cá nước ngọt thuộc họ Cyprinidae, OphiocephalusCichlidae là vật chủ trung gian của C.sinensis. trong đó, Pseudorasbora parvaHemiculter kneiri là loài nhiễm chủ yếu. (Muto., 1938). Nhưng loài Tilapia mossambicaOphiocephalus maculatus thường dùng ăn sống thì lại có tỷ lệ nhiễm thấp hơn (Kim và Kuntz., 1964).

Tại Nhật Bản, trên 22 loài cá nước ngọt thuộc họ Cyprinidae OsmeridaeElectridae là vật chủ trung gian của C.sinensis (Yashimura và cs., 1965). Trong đó loài nhiễm chính là P.parva, Sarcocheilichthys variegatus, acheilognathus lanceolata Tribolodon Hakonensis (Komiya và Suzuki., 1964).

Tại Triều Tiên, có trên 36 loài cá nước ngọt thuộc họ Cyprinidae, BagridaeClupeidae là vật chủ trung gian của C.sinensis. trên cá P.parva nhiễm tới hàng trăm hoặc hàng ngàn metacercariae và có con nhiễm tới 31.516 metacercariae (Kim., 1974). Trên 1 gam cá nhiẽm cao nhát có thể tới 6.090 metacercariae (tại Goyang Gun, Kyonggi Do). Các nơi khác nhiễm trung bình 46.7-189.4 metacercariae/ cá P.parva (Kim 1974). Tỷ lệ nhiễm dao động từ 29.5-90.3%.

Bệnh sán lá gan nhỏ loại Clonorchis sinensis tại Trung Quốc, người ăn gỏi cá nhiễm C.sinensis, có nơi ăn tôm sóng cũng bị nhiễm sán lá gan (Tang và cộng sự., 1963; Chung và cộng sự., 1979). Tại Nhật Bản, thường ăn gỏi cá loài cá giếc Caprinus carpio hoặc cá giếc Carassius carassius hoặc Tribolodon hakonensis (Komiya., 1966). Tại Triều Tiên, cũng như ở Nhật Bản, họ ăn gỏi cá trên và tỷ lệ nhiễm ở nam cao hơn ở nữ, người lớn cao hơn trẻ em và nhóm tuổi nhiễm cao nhất là 30-50.

Tài liệu tham khảo

1.Nguyễn Văn Đề (2004). Sán lá gan. Nhà xuất bản y học.

2.Helfman G et al., (1997). The Diversity of Fishes Blackwell Publishing, ISBN 0-86542-256-7

3.Freshwater Fishes of Iran, Species Accounts-Cyprinidae (Brian Cod)

4.Fishbase: Prussian carp (Website:www.fishbase.org)

5.USDA Nutrition Database: Fish

6.Nelson Joseph S. (2006). Fishes of the World. John Wiley & Sons, Inc. ISBN 0471250317

7.Florida's Exotic Freshwater Fishes. Bang Florida (2007)

Ngày 09/04/2009
Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang
(Biên dịch và tổng hợp)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích