Sán lá gan gây bệnh gan mật
Nhiều loại bệnh về gan mật đã được đề cập đến rất nhiều như viêm gan, xơ gan, ung thư gan, viêm túi mật, sỏi mật, ung thư túi mật ... Một bệnh có liên quan đến gan mật cũng cần được chú ý là bệnh sán lá gan do ký sinh trùng gây nên. Bệnh được phát hiện ở nhiều địa phương trong nước và đang có khả năng lây lan rộng do tập quán ăn uống các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh nên dễ bị mắc bệnh. Sán lá gan có mấy loại ? Sán lá gan là loại ký sinh trùng ký sinh ở hệ thống gan mật, chúng có hai loài là sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Sán lá gan nhỏ là loài sán có kích thước nhỏ, còn gọi là sán đông phương ở châu Á gồm Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini và Opisthorchis felineus. Sán phân bố và gây bệnh chủ yếu ở châu Á trong đó có Việt Nam, phổ biến là loài Clonorchis sinensis được phát hiện ở một số tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ như Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng ... Gần đây vào năm 1992 đã phát hiện thêm loài Opisthorchis viverrini tại xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên và một số tỉnh của miền Trung. Riêng loài Opisthorchis felineus chưa có điều tra đầy đủ để phát hiện ở Việt Nam. Sán lá gan lớn gồm hai loài là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica, nó phân bố rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam. Người bị mắc bệnh sán lá gan nhỏ qua đường tiêu hóa do ăn các loại thức ăn như cá sống, cá chưa nấu chín kỹ, cá hun khói ... Ở những nơi người dân có tập quán ăn gỏi cá, nuôi cá bằng phân người sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh sán lá gan nhỏ lưu hành. Người bị mắc bệnh sán lá gan lớn do có sở thích ăn sống các loại rau thủy sinh mọc hoặc trồng ở dưới nước bị nhiễm nang sán như rau ngổ, rau cải xoong, rau cần, rau muống, ngó sen ... Nếu ăn gan sống của các động vật ăn cỏ như trâu, bò chưa được nấu chín kỹ hoặc uống nước lã có nang sán không được đun sôi cũng có thể bị nhiễm bệnh sán lá gan lớn. Sán lá gan nhỏ gây bệnh gan mật | Sán lá gan gây tổn thương gan | Sán lá gan nhỏ có vật chủ chính là người hoặc chó, mèo ... Người hoặc chó, mèo ăn cá sống, chưa nấu chín kỹ có nang ấu trùng sán, khi vào đến tá tràng ấu trùng thoát nang, sau 15 giờ ấu trùng đi ngược lên đường dẫn mật hoặc đường dẫn tụy; sau 1 tháng phát triển thành sán trưởng thành và ký sinh ở đó. Trong cơ thể người, sán lá gan nhỏ có thể sống được từ 15-25 năm. Sán ký sinh ở ống mật, ống tụy và gây nên phản ứng viêm, làm tăng sinh các tổ chức liên kết, thành ống mật, ống tụy dày lên gây tắc nghẽn, dẫn đến xơ cứng, có thể bị ung thư. Người bị nhiễm sán lá gan nhỏ thường biểu hiện các triệu chứng lâm sàng nặng nhẹ tùy thuộc vào số lượng ký sinh trùng bị nhiễm nhiều hay ít và biến chứng nhiễm trùng thứ phát. Nếu bị nhiễm ít sán, bệnh tiến triển một cách thầm lặng, ít hoặc không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Nếu bị nhiễm nhiều sán, khoảng 100 sán trở lên thì triệu chứng lâm sáng xuất hiện rõ ràng hơn. Trên thực tế trong đường dẫn mật của người bị nhiễm bệnh, số lượng sán có thể từ hàng trăm hoặc hàng ngàn con. Vị trí ký sinh của sán lá gan nhỏ thường thấy ở đường dẫn mật, còn ở đường dẫn tuỵ ít gặp hơn nhưng một số trường hợp sán có thể vừa ký sinh ở cả đường mật và đường tụy. Biểu hiện lâm sàng của bệnh sán lá gan nhỏ rất đa dạng, thường có những triệu chứng không đặc trưng như mệt mỏi, kém ăn, đau vùng rốn, đi tiêu chảy hoặc táo bón xen kẽ, có thể có biểu hiện dị ứng, nổi mề đay, lên cơn hen ... Xét nghiệm máu thấy bạch cấu ái toan tăng cao từ 25-25%. Triệu chứng thường gặp được ghi nhận là viêm túi mật, viêm đường dẫn mật mạn tính, vàng da-niêm mạc, chảy máu cam, đau vùng gan, đau bụng, đi tiêu chảy, gan sưng to ... Nếu sán ký sinh ở đường dẫn tụy gây nên viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính ... Khi sán ký sinh ở cả đường mật và đường tụy thì biểu hiện của bệnh khá phức tạp, đa dạng, có thể bị xơ gan, cổ trướng, suy mòn cơ thể ... Bệnh nhân thuờng không bị tử vong do sán lá gan nhỏ mà bị tử vong vì nhiễm trùng do sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút.
Sán lá gan lớn cũng gây bệnh gan mật Sán lá gan lớn thường gây bệnh chủ yếu ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu ... Người không phải là vật chủ thích hợp nhưng nếu ăn sống các loại rau thủy sinh mọc hoặc trồng ở dưới nước hay uống nước lã có ấu trùng sán sẽ bị nhiễm bệnh sán lá gan lớn. Khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể, 1 giờ sau thoát kén và xuyên qua thành ruột, sau 2 giờ xuất hiện trong ổ bụng và thoát qua màng bụng để vào gan. Vào ngày thứ 6 ở gan, ấu trùng tiếp tục thoát kén và di chuyển đến ký sinh tại đường mật. Trong cơ thể người, sán lá gan lớn có thể sống được từ 9-14 năm. Sán chủ yếu ký sinh ở gan, một số trường hợp ghi nhận ký sinh lạc chỗ như ở dưới da, đường tiêu hóa, tim, mạch máu, phổi, màng phổi, ổ mắt, thành bụng, ruột thừa, tụy, lách, hạch bẹn, hạch cổ, cơ, xương, mào tinh hoàn ... Tình trạng bệnh lý của người bị bệnh sán lá gan lớn cũng tuỳ thuộc vào số lượng sán nhiễm, thời gian nhiễm bệnh, vị trí sán ký sinh và phản ứng của bệnh nhân. Khi nang ấu trùng sán xuyên qua thành ruột hoặc tá tràng làm xuất huyết và viêm, tổn thương gây nên triệu chứng không rõ rệt. Sán ký sinh ở gan làm tiêu hủy các tổ chức gan lan rộng, gây chảy máu và phản ứng viêm; khi chết nó tạo ra tổ chức hoại tử, vùng gan tổn thương có thể để lại sẹo. Nếu ký sinh ở đường mật, sán có thể sống được vài năm, gây viêm nhiễm, xơ hóa, dày lên, giãn rộng và chảy máu. Triệu chứng lâm sàng thường gặp ở bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn là đau hạ sườn phải, sốt, sụt cân, ậm ạch bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, đau thương vị, mẩn ngứa ... Sán có thể di chuyển lạc chỗ ra ngoài gan để chui ra khớp gối, dưới da ngực, gây áp xe đại tràng, áp xe bụng bắp cơ chân ... Phòng bệnh sán lá gan | nên ăn chín uống sôi, không nên ăn gỏi cá sống hoặc cá chưa nấu chín kỹ | Muốn phòng bệnh sán lá gan nhỏ có hiệu quả, tuyệt đối không nên ăn gỏi cá hoặc cá chưa được nấu chín kỹ. Khi phát hiện được bệnh nhân, cần điều trị triệt để cho người bệnh để tiêu diệt nguồn lây, quản lý phân thải một cách chặt chẽ, không nuôi cá bằng phân người, bảo vệ nguồn nước uống trong sạch và bảo đảm an toàn vệ sinh ăn uống. Bệnh sán lá gan nhỏ có nguồn bệnh là người, chó, mèo và nó có ổ bệnh thiên nhiên nên cần chủ động khống chế những điều kiện thuận lợi để bệnh lưu hành.
Muốn phòng bệnh sán lá gan lớn, biện pháp hữu hiệu nhất là tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ để cộng đồng nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, thay đổi tập quán, sở thích ăn sống các loại rau thủy sinh mọc hoặc trồng ở dưới nước như rau ngổ, rau cải xoong, rau cần, rau muống, ngó sen ... đồng thời kết hợp với việc phát hiện, điều trị bệnh nhân mắc bệnh sán lá gan lớn bằng thuốc đặc hiệu. Chẩn đoán và điều trị bệnh | Thuốc đặc trị Egaten viên 250mg |
Để chẩn đoán bệnh sán lá gan, ngoài việc khai thác yếu tố dịch tễ có liên quan đến tập quán, sở thích ăn uống và các triệu chứng lâm sàng đã được mô tả ở trên; cần có sự hỗ trợ của các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm phân, xét nghiệm công thức máu, X quang, siêu âm chẩn đoán, thử nghiệm Elisa chẩn đoán, chụp CT scanner, chụp cộng hưởng từ MRI ... Khi đã chẩn đoán xác định bệnh, nên điều trị kịp thời bằng thuốc đặc hiệu. Theo phác đồ điều trị được áp dụng hiện nay, bệnh sán lá gan nhỏ sử dụng thuốc Praziquantel (Distocide) viên 600mg, dùng liều 75mg/kg cân nặng trong 1 ngày, chia làm 3 lần, uống cách nhau từ 4-6 giờ; bệnh sán lá gan lớn sử dụng thuốc Triclabendazol (Egaten) viên 250mg, dùng liều duy nhất 10mg/kg cân nặng. Uống thuốc khi no bụng và phải có sự chỉ định, hướng dẫn, giám sát của thầy thuốc.
|