Phát triển chăn nuôi gia súc có liên quan đến tỷ lệ nhiễm bệnh sán lá gan lớn ở người ?
Sự bùng nổ của bệnh sán lá gan lớn ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong một số năm gần đây đã đặt ra một câu hỏi: tại sao bệnh sán lá gan lớn lại gia tăng ở khu vực này ? tại sao những năm gần đây bệnh sán lá gan lớn lại có sự tăng vọt hẳn lên so với trước kia ? Sự phát triển chăn nuôi gia súc ở khu vực này có phải là điều kiện thuận lợi để bệnh sán lá gan lớn gia tăng và phát triển ? Việt Nam có khoảng 462.000 héc ta (ha) cát ven biển, 87.800 ha trong số này là các đụn cát, đồi cát lớn di động. Trong các vùng bị sa mạc hóa xâm nhập, hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận được xem là vùng có tốc độ sa mạc hóa nhanh nhất cả nước với diện tích hoang mạc hóa ở Ninh Thuận đã lên gần 90.000 ha và Bình Thuận là 81.000 ha. Hình ảnh hiện tượng hoang mạc hóa biểu hiện cát bay, cát trượt lở, đá lộ lăn lở, đất cằn sạn sỏi, bạc màu thoái hóa. Ninh Thuận một tỉnh cực Nam Trung Bộ với gió cát mênh mông, nhưng ẩn chứa những tiềm năng không phải nơi nào cũng có. Đây là vùng đất của nho và sản xuất rượu vang, ngoài ra còn là nơi chăn nuôi cừu số một của Việt Nam. Cây nho vốn là đặc sản của Ninh Thuận, tổng diện tích trồng nho của tỉnh Ninh Thuận hiện nay khoảng 2.500 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, với nhiều loại giống nho mới năng suất chất lượng cao, sản lượng hàng năm ổn định từ 60-65 ngàn tấn. | Miền Trung: chăn nuôi gia súc tăng mạnh | Tỉnh Ninh Thuận với nhiều vùng ngoài chăn nuôi gia súc hoặc vật nuôi chung (như trâu, bò) như một số tỉnh thành trong khu vực, miền Trung và Tây Nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Lăk) thì có một số khu vực của tỉnh Ninh Thuận có kế hoạch nhiều năm liền nuôi cừu để lấy thịt và một số mục đích khác, nhiều nhất vẫn là huyện Ninh Phước, Thuận Bắc, Ninh Hải và Ninh sơn với số dê, cừu nuôi lên đến hàng trăm đàn và số con lên đến trên 10.000 con mỗi năm. Các lão nông ở đây cho biết: con cừu ở vùng đất “hạn nhất nước” này có nguồn gốc từ Ấn Độ, chúng xuất hiện lần đầu tiên ở Ninh Thuận cách nay gần 100 năm do cộng đồng người Chăm ở địa phương nuôi.
Đặc biệt, cừu thích nghi khá tốt trong vùng thảo nguyên khô hanh và chịu đựng nắng, gió tốt hơn bất cứ gia súc nào ở Việt Nam, do vậy con cừu chỉ phát triển tốt ở tỉnh Ninh Thuận và đặc biệt 2 nơi nuôi cừu nhiều nhất tỉnh là huyện Ninh Phước và huyện Ninh Sơn vì có nhiều vùng thảo nguyên. Những đàn cừu được chăn nuôi theo hình thức quản canh trong các buôn, làng và không phải ngạc nhiên khi ai đó gọi Ninh Thuận là “thủ phủ” của cả nước về dê, cừu. Theo thống kê, tổng đàn cừu ở Ninh Thuận có khoảng 80.000 con được nuôi trong hơn 150 trang trại. Các chủ trang trại phần lớn là những nông dân trẻ mới phất lên khi thực hiện mô hình kinh tế trang trại vừa trồng trọt kết hợp chăn nuôi cừu. Hiện toàn tỉnh có trên 20 chủ trang trại chuyên chăn nuôi cừu có quy mô từ 400 con trở lên.Ninh Thuận là một tỉnh nghèo, hạn hán quanh năm, làm đa số diện tích đất không sản xuất nông nghiệp, người dân thiếu vốn sản xuất, những năm bị hạn tỉnh Ninh Thuận thường bị thiếu đói. Chính vì vậy, tỉnh ưu tiên hỗ trợ khai thác mọi tiềm năng có thể giúp người nông dân thoát khỏi đói nghèo, đó là lý do các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận trợ giúp nông dân về vốn và đất để trồng cỏ chăn nuôi, cho nhập hai giống cừu chất lượng của Úc là Dorper và White Suffolk về lai tạo với giống cừu địa phương để tạo ra một giống mới có thể trọng cao hơn, lông cừu dày hơn, khả năng sinh sản tốt. Giải pháp này đã giúp cho người nông dân cải thiện giống cừu và có khả năng phát triển các đàn cừu với quy mô ngày càng lớn. Đây cũng là một hướng phát triển khả quan trong chương trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất trong thời gian qua ở vùng đất hạn Nình Thuận này. Gần đây, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận nhập khoảng 3.000 con cừu từ các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất để lai tạo đàn cừu nội tỉnh. Sau khi nhập về Ninh Thuận, số cừu giống này được nuôi cách ly 45 ngày để thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh, sau đó chuyển giao cho nông dân nhập bầy đàn nội tỉnh. Cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn người nuôi cừu kỹ thuật chăn dắt loài cừu mới và phương pháp phối lai. Cừu - là một trong những vật chủ chính của bệnh sán lá gan lớn của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là châu Âu, Bắc Âu, châu Úc hoặc đặc biệt tại Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Thỗ Nhĩ Kỳ, Iran, Úc và Newzealand, …gây thiệt hại rất nhiều về kinh tế nông nghiệp và chăn nuôi do sản lượng thịt kém (trâu, bò, cừu) và sản lượng sữa (bò) giảm đáng kể khi chưa có nhiều biện pháp phòng chống hiệu quả và chưa bao phủ toàn vẹn các khâu của chương trình. Cách nay khoảng 10 năm, bệnh sán lá gan ở vật nuôi và trên người vẫn được xem là vấn đề y tế lớn tại các quốc gia nói trên, một số chủ trang trại phải chuyển nghề vì bản thân bệnh sán lá nói chung và bệnh sán lá gan lớn nói riêng trên vật nuôi gây thiệt hại kinh tế của họ rất lớn. Diễn biến và thực trạng người nhiễm sán lá gan lớn tại việt Nam kể từ năm 2004 đến 2009 quả thật rất thời sự, dịch tễ học với hơn 47/64 tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt bệnh đã có mặt và bao phủ trên diện 15/15 tỉnh khu vực miền Trung Tây Nguyên mà Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đang đảm trách về mảng chuyên ngành này. Ninh Thuận là một tỉnh thuộc khu vực và tình hình sán lá gan lớn trên người tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận với thực trạng nhiễm và đồng thời với một số bệnh ký sinh trùng khác đang được các cơ quan chức năng quan tâm, bước đầu ghi nhận số ca nhiễm sán lá gan lớn ở người được phát hiện, nhâp viện điều trị tại các bệnh viện, nhiều nhất là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh và phòng khám Viện Sốt rét KST-CT Quy Nhơn sơ bộ cho thấy số ca nhiễm sán lá gan lớn trên người ở tỉnh Ninh Thuận không nhiều. Theo nghiên cứu và tổng hợp số liệu chưa đầy đủ cho thấy bệnh nhân tập trung sán lá gan lớn tập trung chính ở thành phố Phan Rang Tháp Chàm, huyện Ninh Phước và Ninh Sơn. 59 bệnh nhân điều trị sán lá gan chủ yếu tập trung tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (36 trường hợp), huyện Ninh Phước (12 trường hợp), huyện Ninh Sơn (6 trường hợp) và huyện Ninh Hải (5 trường hợp),…phần lớn bệnh nhân có yếu tố dịch tễ học liên quan đến tiếp xúc gần với chăn nuôi và chăm sóc cừu, dê, bò, trâu, ăn rau sống tự trồng trong các vườn trong gia đình.hoặc mua ở các chợ địa phương hoặc hy hữu có trường hợp ăn gan bò sống với mục đích chữa bệnh (!?) Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho biết vấn đề nhiễm bệnh sán lá gan lớn trên gia súc và vật nuôi có thể liên đới đến khâu giao thương quốc tế vềthực phẩm và nhập khẩu các giống gia súc, vật nuôi lai tạo giữa các quốc gia có lưu hành bệnh với quốc gia chưa có lưu hành bệnh. Mặt khác gần đây dựa trên y học bằng chứng, các nhà khoa học đã ghi nhận nhiều bệnh động vật truyền sang người, trong đó có sán lá gan lớn được xem là vấn đề y tế lớn. Liên quan giữa tình hình sức khỏe và nhiễm bệnh ký sinh trùng trên người và gia súc (dê, trâu, bò, cừu) đến nay vẫn chưa nghiên cứu đầy đủ taị các vùng trong khu vực, đặc biệt tại các vùng lưu hành nặng bệnh sán lá gan lớn ở người và vùng mới xuất hiện các ca bệnh mới tại Việt Nam trong thời gian qua. Có lẽ đây cũng là vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu y tế và thú y nên quan tâm để sớm làm rõ về thực trạng nhiễm loài sán lá gan lớn trên cả gia súc và người, đồng thời đề ra các biện pháp phòng chống phù hợp với hoàn cảnh cũng như điều kiện ở Việt Nam. Trong bài viết trên, chúng tôi có ghi nhận và tham khảo cũng như trích dẫn một số thông tin và ảnh trong các tạp chí, trên internet đề cập đến tình hình chăn nuôi dê, cừu và phát triển nông thôn của tỉnh,…đăng tải trong thời gian 5 năm qua.
|