Để phòng tránh nhiễm giun đầu gai (Gnathostoma) nên ăn lươn nuôi an toàn hơn lươn đồng
Viện Y học Nhiệt đới và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát từ năm 2005-2007 đã thông báo ít nhất hai nơi ở miền Nam là Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh; Đức Huệ, Long An có lươn đồng hoang dã bị nhiễm ấu trùng giun đầu gai có thể lây truyền bệnh sang cho người. Loại lươn nuôi chưa phát hiện được bị nhiễm loại giun này. Vì vậy cần quan tâm đến mối đe dọa sức khỏe tiềm ẩn từ bệnh giun đầu gai ở loài lươn đồng hoang dã. Đặc điểm của bệnh giun đầu gai Giun đầu gai có tên khoa học là Gnathostoma, phân bố nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Philippine, Indosesia, Việt Nam ... Hiện nay giun đầu gai có ít nhất 12 loài được phát hiện ở các loại động vật khác nhau trên thế giới, trong đó có 5 loài có thể gây bệnh cho con người. Giun đầu gai có nhiều giống như Gnathostoma spinigerum, Gnathosthoma hispidum, Gnathosthoma turgidum ... Trong đó, ấu trùng giun đầu gai Gnathosthoma thường gây bệnh cho người. Trước đây, việc phát hiện bệnh giun đầu gai bị bỏ sót và lãng quên nhưng hiện nay nhờ những kỹ thuật miễn dịch chẩn đoán nên bệnh được phát hiện nhiều. | Lươn đồng |
Giun đực dài 11-25 mm, giun cái dài 25-54 mm; trứng giun nhỏ và không cân đối, có một đầu phồng to lên. Giun chắc, mập, hai đầu cong lại phía bụng. Nửa thân trước có những gai hình lá, gai gần cổ có kích thước rộng hơn. Chân gai có 3 răng, những gai ở giữa thân hẹp hơn và chỉ có 1 răng; nửa thân sau không có gai phủ. Đầu có 4 hàng gai chạy theo chiều ngang, gai to, thô, miệng gồm 2 môi. Giun đầu gai Gnathosthoma spinigerum trưởng thành ký sinh ở thực quản, dạ dày, ruột của các vật chủ chính như chó, mèo, hổ, báo ...; nó cũng có thể ký sinh ở loài cò, gà, vịt... và tạo thành các u bướu ở đó. Giun đầu gai trưởng thành đẻ trứng, trứng chưa có phôi theo phân ra ngoài ngoại cảnh, một tuần sau đó nở thành trứng có phôi và rơi vào nước; trứng nở ra ấy trùng giai đoạn 1. Ấu trùng này bơi tự do trong nước và bị các cyclops là vật chủ phụ thứ nhất nuốt. Trong cơ thể cyclops, ấu trùng tiếp tục phát triển thành ấu trùng giai đoạn 2, sau đó thành ấu trùng giai đoạn 3 sớm. Khi các cyclops nhiễm ấu trùng bị các loài cá, rắn, ếch, nhái, lươn ... là vật chủ phụ thứ hai ăn phải; ấu trùng sẽ phát triển thành ấu trùng giai đoạn 3 muộn, ký sinh ở các thớ cơ, kết nang ở vật chủ phụ thứ hai này. Các động vật như chó, mèo, hổ, báo hoặc gà, vịt ... ăn phải thịt các vật chủ phụ thứ hai này; ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành, tạo nên các u nang ở thành dạ dày, ruột. Nếu người tình cờ ăn thịt các loại vật chủ phụ thứ hai như ếch, nhái, cá, rắn, lươn ... và các thực phẩm được chế biến từ những động vật này, kể cả nước mắm ... chưa nấu chín kỹ sẽ bị nhiễm ấu trùng và mắc bệnh. Trong cơ thể người, ấu trùng giun không phát triển đến giai đoạn trưởng thành mà chỉ tồn tại ở giai đoạn ấu trùng. Ấu trùng thường di chuyển khắp các cơ quan trong cơ thể người, gây nên hội chứng ấu trùng di chuyển ngoài da và nội tạng. Người cũng có thể bị nhiễm bệnh do ấu trùng xâm nhập chui qua da tay khi đánh vảy cá, làm thịt ếch, nhái, rắn, lươn ... Bệnh gây nên do giun đầu gai Ấu trùng giun đầu gai Gnathosthoma spinigerum khi xâm nhập vào cơ thể người thường gây bệnh với biểu hiện lâm sàng gồm hai hội chứng là hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da và hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng. Triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất là nổi mề đay mạn tính, nổi u cục có kích thước to, nhỏ không đều, đôi khi kèm cảm giác đau. Tiếp theo sau đó là sưng đau cơ, thường gặp sưng đau cơ chân, tay, mặt, ngực ... Trường hợp bị sưng đau cơ ngực, người bệnh có cảm giác khó thở; cảm giác này biến mất sau khi đáp ứng với thuốc điều trị đặc hiệu. Triệu chứng sưng đau cơ có thể khu trú hay kết hợp với nhiều vị trí khác nhau cùng một lúc. Bệnh có thể gây nên tổn thương ở da, tổ chức dưới da do ấu trùng ký sinh dưới da gây bội nhiễm, tạo thành các ổ áp xe có đặc điểm giống như các bọc mủ, ung nhọt hoặc tạo ra những đường hầm dưới da, hông, vùng ngực, vú, thái dương; thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu giun chui vào cơ quan trọng yếu như não. Hiện tượng ấu trùng di chuyển có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm và kết thúc khi ấu trùng chui ra khỏi cơ thể từ các ổ áp xe dưới da. | | giun đầu gai | Gnathosthoma spinigerum |
Nếu người bị nhiễm qua đường tiêu hóa, ấu trùng thường đến ký sinh ở gan, cũng có thể di chuyển lạc đến xoang bụng tạo thành khối u hoặc đến hệ thần kinh trung ương gây viêm màng não cấp tính; sưng cơ vùng mang tai giống bệnh quai bị hay chui vào mắt gây viêm mống mắt, viêm tiền phòng và cần phải can thiệp bằng phẩu thuật. Cảnh báo loài lươn đồng hoang dã nhiễm giun đầu gai Từ năm 2005-2007, Viện Y học Nhiệt đới và Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, khảo sát bằng hai giai đoạn trên 4.871 con lươn mua ở chợ và lươn đồng hoang dã mua từ những người làm nghề câu lươn tại 9 chợ đồng bằng sông Cửu Long và 6 chợ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lươn thu thập chia làm hai nhóm là lươn nuôi, lươn đồng hoang dã với số lượng bằng nhau và được định danh là loài lươn Monopterus alba. Phát hiện ấu trùng giun đầu gai ở lươn với phương pháp mổ lươn tại phòng thí nghiệm để tìm nang ấu trùng ký sinh tại cơ và gan bằng kính hiển vi. Ấu trùng giun đầu gai được định danh bằng phương pháp so sánh đặc điểm hình thể các chủng loại Gnathostoma spinigerum và phương pháp sinh học phân tử. Trong giai đoạn 1, đã khảo sát 2.041 con lươn gồm 1.020 lươn nuôi và 1.021 lươn đồng hoang dã, không phát hiện được lươn nhiễm ấu trùng giun đầu gai. Tuy nhiên vào tháng 9/2006 đã phát hiện trường hợp nhiễm ấu trùng giun đầu gai đầu tiên ở lươn tại Long An và Hóc Môn. Trong giai đoạn 2, chỉ khảo sát 2.830 con lươn đồng hoang dã thu thập được từ Long An và Hóc Môn. Như vậy từ tháng 9/2006 đến tháng 8/2007, đã có 3.851 con lươn đồng hoang dã đã được khảo sát tại Long An và Hóc Môn. Tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đầu gai Gnathostoma spinigerum ở lươn dao động theo tháng từ 0,8% đến 19,6% tại Hóc Môn và 1,4% đến 8% tại Long An. Tỷ lệ tăng cao nhất vào các tháng mùa mưa và giảm dần vào các tháng mùa khô. Mặc dù lươn nuôi được bày bán tại các chợ ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long qua nghiên cứu khảo sát hầu như không bị nhiễm ấu trùng giun đầu gai nhưng tại Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh và Đức Huệ, Long An bước đầu phát hiện được lươn đồng hoang dã đã bị nhiễm ấu trùng loại giun này. Trước đây, bệnh giun đầu gai Gnathostoma spinigerum được xem là bệnh hiếm gặp ở Việt Nam do chưa có phương tiện chẩn đoán và bị bỏ sót, lãng quên. Ngày nay, với sự phát triển của nền y học hiện đại, bệnh có thể phát hiện được một cách dễ dàng. Các thông tin được cung cấp cảnh báo mối nguy cơ đe dọa tiềm ẩn đến sức khỏe của người dân ở miền Nam nếu ăn các thức ăn được chế biến từ loại lươn đồng hoang dã không được nấu chín kỹ vì đây là một món ăn khá phổ biến, được nhiều người ưa thích. Các địa phương khác cũng cần quan tâm đến vấn đề này. Để bảo đảm sự an toàn vệ sinh thực phẩm trong việc phòng bệnh giun đầu gai, mọi người nên chọn ăn loài lươn nuôi, không nên ăn loài lươn đồng hoang dã do những người đi câu lươn bắt được và lẽ dĩ nhiên dù lươn nuôi hay lươn đồng hoang dã, thức ăn được chế biến từ lươn cần phải được nấu chín kỹ.
|