Tại sao tỷ lệ mắc bệnh giun đũa chó/mèo (Toxocara spp.) theo chẩn đoán huyết thanh ELISA lại cao như hiện nay
Trong thời gian gần 2 năm qua, dường như trên 85% số người đến khám và nhập viện hoặc kiểm tra xét nghiệm bộ chẩn đoán các loại giun sán (gồm ELISA cho sán lá gan lớn Fasciolae spp. , ấu trùng sán lợn Cysticercosis, giun đầu gại Gnathostoma spinigerum, giun lươn Strongyloides stercoralis, giun đũa chó/mèo Toxocara spp. ngẫu nhiên tại viện, bệnh viện và cơ sở điều trị tư nhân trong cả nước, cho thấy phần lớn dương tính với giun đũa chó, mèo Toxocara spp. Và sau đó bất luận có kết hợp triệu chứng lâm sàng trên bệnh nhân hay không, thông số bạch cầu eosin tăng cao hay không? Các thông số khác về sinh hóa, huyết học,...(nghĩa là liệu có đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán một ca bệnh giun đũa chó, mèo hay không?) thì các bác sĩ điều trị vẫn kê đơn như một bài học thuộc lòng là Albendazole 42 viên, 28 viên, rồi lại 14 viên, rồi đâu lại vào đó, có trường hợ bệnh nhân dùng đến tổng cộng 168 viên albendazole 400mg....mà bệnh nhân thì vẫn cứ ngứa, cứ nổi mề đay, cứ xuát hiện dát mảng đỏ, dữ dội. Thậm chí bệnh nhân biểu hiện lâm sàng rất rõ một ca bệnh biểu hiện lâm sàng là dát mảng đỏ, đôi chỗ phỏng nước trên da do bỏng lân tinh từ một loại bướm tại một khu ký túc xá bay vào cũng không nhận ra mà cứ cho điều trị bệnh nhân theo phác đồ điều trị giun đũa chó với Albendazole 74 viên thì khi kiểm tra lại cho thấy giảm bạch cầu nghiêm trọng và tổn thương nhiễm trùng da lan tỏa; hoặc có trường hợp là biểu hiện một viêm da tiết bả nhờn, vảy nến cũng chẩn đoán do giun đũa chó (vì xét nghiệm ELISA Toxocara spp dương tính 1/1600) nên cứ thế điều trị và theo dõi 6 tháng, đến khi qua khám tại Bệnh viện Phong và da liễu Trung ương Quy Hòa mới té ngửa ra là vảy nến,...và còn nhiều ca bệnh khác dẫn đến kết cục không hay “tiền mất mà tật vẫn mang”. Vậy nguyên nhân do đâu mà dẫn đến hiện tượng người người nhiễm giun đũa chó, người người điều trị giun đũa chó như vậy. Thực hư tình trạng nhiễm/ bệnh giun đũa chó / mèo như thế nào hiện nay? Đó cũng là câu hỏi mà bạn đọc cũng như nhiều đồng nghiệp hoặc người thân gia đình đi xét nghiệm với kết quả Toxocara spp. dương tính và một túi thuốc trên tay-tại sao ai cũng mắc giun đũa chó vậy? Các bác sĩ trong thành phố Hồ Chí Minh thì thận trọng hơn và đã khuyên bệnh nhân không cần thiết điều trị nếu chỉ có mỗi xét nghiệm dương tính cầm trên tay mà không hề có thêm triệu chứng nào khác, họ đưa ra lời giải thích thấu đáo và lời khuyên hợp lý và phù hợp với cảm nhận của cộng đồng. Theo nhận xét chủ quan của chúng tôi - đó mới chính y đức và y đạo khi đã phàm đã làm nghề y cứu người. Dưới đây, chúng tôi muốn chia sẻ với tất cả bệnh nhân và đồng nghiệp về các khả năng cũng như các dẫn liệu dựa trên y học bằng chứng cho thấy phần nào tỷ lệ dương tính huyết thanh giun đũa chó cao đến như vậy và các thầy thuốc cứ thế mà cho thuốc là điều không nên. Thứ nhất, một công trình nghiên cứu rất tuyệt vời của nhóm tác giả Mustafa Kaplan, Ahmet Kalkan, Salih Kuk, Kutbeddin Demirdag, Mehmet Ozden, and S. Sirri Kilic đang công tác tại đại học y khoa, khoa ký sinh tùng y học, khoa vi trùng học cùng tiến hành và đăng trên tạp chí Yonsei Med J Vol. 49, No. 2, 2008 cho biết: bệnh giun đũa chó mèo (Toxocariasis) là một bệnh gây ra bởi Toxocara canis và T. cati, vật chủ chính của tác nhân gây bệnh là chó, mèo, chúng thải trứng ra phân. Sau 1-3 tuần, trứng trở thành dạng đóng phôi và có tính nhiễm. Người nhiễm bệnh do tiêu hóa đường miệng bởi các trứng giai đoạn nhiễm. Trứng đẻ ra trong ruột và ấu trùng xuyên thành và di chuyển đến gan và phổi. Trong quá trình lưu hành trong cơ thể chúng đi đến các mô khác nhau và gây ra ít nhất 3 triệu chứng ở người: hội chứng ấu trùng di chuyển trong tạng (visceral larva migrans syndrome), hôi chứng ấu trùng di chuyển trong cơ quan mắt (ocular larva migrans syndrome) và bệnh giun đũa chó / mèo ẩn không triệu chứng (covert toxocariasis). Một tỷ lệ huyết thanh dương tính cao với Toxocara đã được báo cáo tại nhiều quốc gia đang phát triển-nơi mà thời tiết ở đó ẩm, ấm thích hợp cho trứng sống sót và phát triển trong đất. Bệnh giun đũa chó mèo thường gặp ở những nơi mà quần thể chó lớn nhưng tình trạng vệ sinh kém. Quần thể nhiễm bệnh cao bao gồm trẻ em, người chủ nuôi chó, người đang sống tại các vùng nông thôn và người có hội chứng pica. Có một mối liên quan chặt chẽ giữa lối sống và nguy cơ nhiễm bệnh Toxocara được ghi nhận. Ngoài ra, nhiễm Toxocara có thể tăng trên những đối tượng trí tuệ phát triển chậm hoặc bệnh lý thần kinh khi họ không thực hiện đầy đủ vệ sinh. Điển hình, các bệnh nhân bị tâm thần phân liệt vệ sinh kém và kỹ năng chăm sóc bản thân kém. Mục đích trong nghiên cứu của họ là điều tra tỷ lệ huyết thanh dương tính với giun đũa chó mèo trong số các bệnh nhân tâm thần phân liệt và so sánh chúng với nhóm người khỏe mạnh tại Thỗ Nhĩ Kỳ. Với đánh giá xét nghiệm huyết thanh học: mẫu máu (5 mL) được lấy và phân tách mẫu huyết thanh rồi lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ -20 cho đến khi phân tích. Các kháng thể IgG và/hoặc IgM Anti-Toxocara được phân tích, đánh giá trên tất cả trường hợp đưa vào nghiên cứu. T. canis IgG/M ELISA kit (Novum Diagnostica, Germany) chứa các kháng nguyên tiết tinh khiết đặc hiệu Toxocara canis từ giai đoạn ấu trùng. Thử nghiệm ELISA được tiến hành theo quy trình của nhà sản xuất. Bước sóng hấp phụ 450nm để đánh gia và đo với ngưỡng hiệu giá kháng thể đọc. Huyết thanh được pha loãng 5 µL huyết thanh trong 500 μL của mẫu pha loãng. Ngưỡng giá trị cuối cùng (cut-off value) được tính theo giá trị háp phụ trung bình của hai chứng âm cùng với hằng số f (0.25) và cao hơn 10% giá trị cuối được xem là dương tính. Nếu giá trị hấp phụ của bệnh nhân phát hiện trong ngưỡng khoảng 10% trên đến 10%(vùng xám) dưới của cut-off thì nên lấy một mẫu máu mới khác làm lại sau 2 - 4 tuần. Nếu kết quả sau lần xét nghiệm thứ 2 cũng rơi vào trong vùng xám, khi đó được xem là âm tính. Chẩn đoán bệnh giun đũa chó mèo hiện tại dựa vào các xét nghiệm huyết thanh học sử dụng các kháng nguyên tiết (excretory-secretory antigens) từ ấu trùng giai đoạn 2 của T. canis (TES), vì chúng thật khó phát hiện một ấu trùng Toxocara giai đoạn nhiễm trên mẫu sinh thiết. ELISA và Western-blott là các xét nghiệm thường được sử dụng nhất để xác định kháng thể kháng Toxocara. Chúng ta cũng nên biết xét nghiệm ELISA hiện đang làm phổ biến, không đắt tiền và đặc biệt chúng được khuyến cáo rất nhiều trong nghiên cứu đánh giá về mặt dịch tễ học. Các xét nghiệm ELISA có sử dụng kháng nguyên TES thì cho độ đặc hiệu cao (86 - 100%) và độ nhạy cũng vậy (80 - 100%). Phản ứng dương tính chéo đã được báo cáo rất nhiều trong các chuyên san về xét nghiệm huyết thanh học ở nhiễm trùng giun sán như dương tính chéo với 14 loại bệnh giun sán khác nahu: giun chỉ brugiasis, loiasis, giun xoắn trichinellosis, giun lươn strongyloidiasis, giun đầu gai gnathostomiasis, giun mạch angiostrongylosis, bệnh do ký sinh trùng anisakiasis, giun đũa ascariasis, giun móc ancylostomiasis, sán máng schistosomiasis, sán lá phổi paragonimiasis, sán lá gan lớn fascioliasis, sán nhái sparganosis và bệnh spirometriasis) khi sử dụng các kháng nguyên TES để xét nghiệm tìm kháng thể mặc dù đã sử dụng kháng nguyên tái tổ hợp. Thứ hai, các bạn cũng cần lưu ý đến các kít chẩn đoán huyết thanh học hiện nay xem thử loại kháng nguyên cài đặt là loại kháng nguyên thân hay kháng nguyên tiết để chúng ta mới có khả năng đánh giá gần chính xác trên bệnh nhân để đưa ra quyết định điều trị; Thứ ba, việc chẩn đoán xác định và đưa ra quyết định điều trị còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố chứ không chỉ đơn thuần chỉ mỗi xét nghiệm dương tính ELISA vì chúng không phải là “chuẩn vàng” (gold standard) trong chẩn đoán bệnh giun đũa, điều này các bác sĩ đã từng làm trong chuyên ngành ký sinh trùng nắm rất rõ. Thứ tư, hiện nay các phòng xét nghiệm phần lớn chỉ dừng lại đọc kết quả dương tính dạng hiệu giá kháng thể 1/800; 1/1600; 1/3200; 1/6400 chứ chưa áp dụng các phương pháp đo quang (OD) như một số cơ sở, trung tâm chẩn đoán ký thuật cao (BV bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, TT chẩn đoán y khoa Hòa Hảo) nên kết quả xét nghiệm còn chưa chính xác trong cảm quan đánh giá giữa âm tính và dương tính. Nói tóm lại, thực tế xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán (serodiagnosis) hiện nay đánh giá tỷ lệ dương tính của giun đũa chó (seroprevalence) để từ đó làm cơ sở cho điều trị và theo dõi diễn tiến bệnh là chưa đúng. Các thầy thuốc lâm sàng, nhất là các thầy thuốc chuyên điều trị giun sán nên có thái độ thận trọng và cân nhắc trong khi đặt bút chẩn đoán cũng như điều trị vì sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh cũng như ảnh hưởng lên sức khỏe bệnh nhân vì thuốc albendazole không phải là thuốc bổ và tất nhiên chúng có những tác dụng phụ nhất định. Tài liệu tham khảo 1.Nathwani D, Laing RB, Currie PF. Covert toxocariasis Toxocara Seroprevalence in Schizophrenic Patients in Turkey Yonsei Med J Vol. 49, No. 2, 2008. a cause of recurrent abdominal pain in childhood. Br J Clin Pract 1992;46:271. 2.Kaplan M, Kuk S, Kalkan A. Examination of Toxocara spp. in different playgrounds in Elazig. Firat Univ J Health Sci 2002;16:277-9. 3.Park HY, Lee SU, Huh S, Kong Y, Magnaval JF. A seroepidemiological survey for toxocariasis in apparently healthy residents in Gangwon-do, Korea. Korean J Parasitol 2002;40:113-7. 4.Ishida MM, Rubinsky-Elefant G, Ferreira AW, Hoshino-Shimizu S, Vaz AJ. Helminth antigens (Taenia solium, Taenia crassiceps, Toxocara canis, Schistosoma mansoni and Echinococcus granulosus) and cross-reactivities in human infections and immunized animals. 5.Acta Trop 2003;89:73-84. 6.Malla N, Aggarwal AK, Mahajan RC. A serological study of human toxocariasis in north India. Natl Med J India 2002;15:145-7. 7.Yamasaki H, Araki K, Lim PK, Zasmy N, Mak JW, Taib R, et al. Development of a highly specific recombinant Toxocara canis second-stage larva excretory- secretory antigen for immunodiagnosis of human toxocariasis. J Clin Microbiol 2000;38:1409-13. 8.Kaplan M, Kuk S, Kalkan A, Demirdağ K, Ozdarendeli A. Fasciola hepatica seroprevalence in the Elaziğ region. Bull Microbiol 2002;36:337-42. 9.Alonso JM, Bojanich MV, Chamorro M, Gorodner JO. Toxocara seroprevalence in children from a subtropical city in Argentina. Rev Inst Med Trop Sao Paulo 2000; 42:235-7.
|