Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 2 6 7 5
Số người đang truy cập
2 4 8
 Chuyên đề Sán lá gan
Sự bùng nổ của bệnh sán lá gan lớn và những giải pháp can thiệp y tế

               Với điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, đồng bào địa phương có nhiều tập quán lạc hậu, ý thức vệ sinh phòng bệnh hạn chế lại phải thường xuyên đối mặt với bão lụt kéo dài nên miền Trung-Tây Nguyên không chỉ là trọng điểm sốt rét mà còn là trọng điểm của các bệnh ký sinh trùng & côn trùng truyền bệnh, trong đó bệnh sán lá gan lớn được coi là căn bệnh ký sinh trùng mới nổi, phát triển mạnh ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên và trở thành điểm nóng của cả nước. Nhìn lại những diễn biến phức tạp của bệnh sán lá gan lớn trong năm 2009 để từ đó đưa ra các biện pháp phòng chống có hiệu quả trong năm năm 2010 là hết sức cần thiết nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của căn bệnh này.

 

Sự bùng nổ của bệnh sán lá gan lớn

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ trong năm 2009 bệnh sán lá gan lớn tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên có sự gia tăng nghiêm trọng với 3.905 ca nhiễm mới (Phòng khám chuyên khoa của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn 2.200 ca, Bình Định 800 ca, Quảng Ngãi 400 ca, Quảng Nam 150 ca, Phú Yên 100 ca, Gia Lai 100 ca, Khánh Hòa 50 ca, Đà Nẵng 40 ca, Thừa Thiên-Huế 50 ca, Đắc Lắc 10 ca, Quảng Trị 5 ca); nếu ước tính cả số bệnh nhân phát hiện không được báo cáo từ các địa phương thì số mắc mới sán lá gan trong năm 2009 khoảng 6.000 ca, trong khi đó các tỉnh miền Bắc tỷ lệ nhiễm SLGL ở mức độ thấp hơn và các tỉnh miền Nam bệnh SLGL chỉ xuất hiện rải rác. Thực trạng bệnh SLGL đang gây bức xúc cho người dân cả nước nói chung và miền Trung- Tây Nguyên nói riêng, ngành y tế đã và đang nỗ lực ngăn chặn sự phát triển bệnh. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề lớn này không chỉ đơn thuần khám điều trị cho người bệnh mà đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể là nghiên cứu dịch tễ học bệnh SLGL và xây dựng mô hình phòng chống lâu dài, bền vững.

Như vậy từ năm 2004 đến nay bệnh sán lá gan lớn (SLGL) ở Việt Nam thật sự đáng báo động với sự bùng phát trên diện rộng và ngày càng có xu hướng gia tăng, trong đó trên 80% số bệnh nhân SLGL tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Theo số liệu thống kê không đầy đủ số ca mắc mới SLGL tại khu vực này so với cả nước năm 2006 là 3.543/3.838 ca chiếm 92,31%, năm 2007 là 1.862/2.196 ca chiếm 84,79%, năm 2008 là 1.812/2000 ca chiếm 90% và năm 2009 là 3.905/4.300 ca chiếm 90,81%; trong đó riêng tại Phòng khám của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn từ 2006 đến nay đã có gần 10.000 ca được phát hiện và điều trị.

 

 Bệnh nhân đang điều trị bệnh sán lá gan lớn tại Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét - Ký sinh trùng
- côn trùng Quy Nhơn

Hiện nay tình hình nhiễm SLGL ở Việt Nam vẫn có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Hàng tháng số bệnh nhân có nhu cầu khám và điều trị ở các tuyến cơ sở vẫn nhiều. Những triệu chứng lâm sàng cấp tính của bệnh đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của người dân; sự lan rộng của bệnh đã gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng. Nguy cơ mắc bệnh SLGL không chỉ có dân nghèo mà còn tất cả các đối tượng trong xã hội. Vấn đề giáo dục truyền thông về bệnh SLGL cho cộng đồng còn quá ít ỏi; nhận thức của người dân còn thấp. Công tác chẩn đoán phát hiện và điều trị tại các tuyến vẫn còn gặp nhiều khó khăn; nhiều tuyến y tế cơ sở chưa chú trọng về bệnh, còn lúng túng trong việc chẩn đoán và điều trị; thậm chí còn chẩn đoán nhầm sang bệnh khác gây phiền hà cho bệnh nhân. Việc nghiên cứu dịch tễ học của sán lá gan lớn liên quan giữa động vật và người chưa được đề cập; việc xác định nguyên nhân nhiễm bệnh, thành phần loài, phân bố trên phạm vi cả nước chưa được hoàn chỉnh. Đặc biệt các số liệu về nguồn nhiễm, mùa nhiễm bệnh, các yếu tố tự nhiên và xã hội ảnh hưởng đến bệnh chưa được nghiên cứu; vấn đề chẩn đoán, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và giải phẫu bệnh lý cũng như mô hình truyền thông phòng chống bệnh vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Trước tình hình bệnh sán lá gan lớn ngày càng phát triển, gia tăng và trở thành căn bệnh ký sinh trùng mới nổi làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sự tăng vọt số ca nhiễm mới sán lá gan lớn ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong năm 2009 so với những năm trước đây; Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế, đồng thời đề nghị cho phép các cơ sở y tế được chủ động cung ứng thuốc điều trị đặc hiệu Triclabendazole (Egaten 250 mg) và xây dựng đề án nghiên cứu phòng chống bệnh sán lá gan lớn ở các tỉnh có tỷ lệ nhiễm bệnh cao.

 

 Bác sỹ  khám cho bệnh nhân tại Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét - Ký sinh
trùng - côn trùng Quy Nhơn

Nguyên nhân gia tăng bệnh sán lá gan lớn và những khó khăn tồn tại

Bệnh SLGL ngày càng gia tăng là do hiện nay không còn là bệnh ký sinh trùng hiếm gặp, người không còn là vật chủ tình cờ mà đã trở thành vật chủ thích nghi của sán lá gan lớn. Nguyên nhân của sự gia tăng bệnh có thể là do phát triển nghề chăn nuôi và trồng trọt, nhất là nuôi bò lai lấy sữa nhiều vùng bằng chứng là tỷ lệ nhiễm sán lá gan lớn ở các tỉnh miền Trung rất cao (40-50%), sự đào thải trứng sán lá gan lớn trước đây chủ yếu ở động vật ăn cỏ nay cộng thêm trứng sán lá gan lớn ở người bài xuất ra đã làm cho điều kiện nhiễm bệnh ngày càng thuận lợi hơn; yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh sán lá gan lớn liên quan đến tập quán ăn rau sống dưới nước như­ rau ngổ, rau cải xoang, rau dăm, rau đắng hoặc uống nước lã có ấu trùng và thói quen ăn uống hết sức phức tạp của người dân; đặc biệt nhiều nơi ng­ười dân thường có thói quen ăn sống rau thuỷ sinh, thậm chí có nơi dùng rau ngổ sống giã vắt lấy nư­ớc uống để chữa bệnh làm cho việc phòng chống bệnh sán lá gan lớn cho cộng đồng gặp nhiều khó khăn

Sự bộc phát và lây lan nhanh của bệnh đang là mối quan tâm, lo lắng của người bệnh cũng như các nhà chuyên môn vì bệnh SLGL không chỉ ký sinh gây bệnh ở người mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ ngư­ời dân với những triệu chứng tại chỗ (ở gan) và toàn thân một cách rầm rộ. Đứng trước thực trạng của bệnh sán lá gan lớn ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, những câu hỏi đặt ra cần phải giải đáp:

1.Tại sao khu vực miền Trung-Tây Nguyên lại có bệnh sán lá gan lớn bùng phát trong những năm gần đây ? Tại sao bệnh chỉ tập trung cao ở một dải 7 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Gia Lai; trong đó Bình Định, Quảng Ngãi có thể được coi là trung tâm của ổ bệnh sán lá gan lớn ?

2.Nguyên nhân bệnh sán lá gan lớn gia tăng và phát triển mạnh có phải do nhập đàn bò lai mang nguồn bệnh sán lá gan lớn từ nước ngoài vào không ? Tại sao khu vực miền Bắc và miền Nam cũng nhập bò lai nhưng tỷ lệ bệnh sán lá gan lại không cao như ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên ?

 

 Bệnh nhân đang điều trị bệnh sán lá gan lớn tại Phòng khám chuyên khoa Viện
Sốt rét - Ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn

3.Vấn đề truyền bệnh sán lá gan lớn có liên quan đến tập quán ăn uống của người dân miền Trung hay không ? Sự phân bố loài sán lá gan lớn ở khu vực miền Trung như thế nào ? Sự nhiễm bệnh sán lá gan lớn có liên quan đến mùa truyền bệnh hay không ? Các loại vật chủ trung gian truyền bệnh ở các địa phương này có vai trò như thế nào?

4.Thực trạng nhiễm bệnh sán lá gan lớn ở các động vật ăn cỏ và mối liên quan truyền bệnh giữa động vật và người ra sao ? Vấn đề kết hợp giữa ngành Y tế và ngành Thú y thế nào để phòng chống bệnh sán lá gan lớn đạt hiệu quả ?

5.Công tác chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan lớn ở các tuyến ? Sự nhận thức và hiểu biết của người dân về bệnh sán lá gan lớn ? Các hình thức truyền thông giáo dục và mô hình phòng chống bệnh ?

 

Labo xét nghiệm sinh hóa-huyết học tại Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét -
Ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn

Những câu hỏi này chưa có lời giải đáp thỏa đáng vì công tác phòng chống bệnh sán lá gan lớn trong những năm qua chủ yếu tập trung vào khâu phát hiện và điều trị bệnh nhân mà chưa có một phương án phòng chống khả thi.

Để có những thông tin và dẫn liệu chính xác cần phải có Dự án tổng thể phòng chống bệnh sán lá gan lớn tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Kết quả nghiên cứu của Dự án vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn không chỉ hạ thấp tỷ lệ bệnh sán lá gan lớn ở những tỉnh có tỷ lệ nhiễm cao mà còn giúp Bộ Y tế hoạch định phương án phòng chống bệnh lâu dài và bền vững.

Những giải pháp can thiệp y tế

Từ năm 2003-2005

Ngay từ khi thấy xuất hiện tình hình nhiễm bệnh sán lá gan lớn ở người, Viện Sốt rét-ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã có những cuộc điều tra khảo sát tại cộng đồng xác định tỷ lệ nhiễm bệnh khoảng 6%, thực hiện đề tài cấp Bộ về nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ học sán lá gan lớn ở một số điểm của hai tỉnh miền Trung, phối hợp với Viện Sốt rét-ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương nghiên cứu đánh giá hiệu quả của Triclabendazole (Egaten 250 mg) điều trị bệnh nhân sán lá gan lớn.

Từ năm 2006-2008

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sán lá gan lớn, trong năm 2006 Viện Sốt rét-ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã chủ động báo cáo Bộ Y tế, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan lớn; tham mưu cho Bộ Y tế xây dựng và ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan lớn”; đề xuất với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam về nhu cầu cung ứng thuốc đặc hiệu và Bộ Khoa học-Công nghệ đề tài trọng điểm cấp Nhà nước nhằm giải quyết có hệ thống vấn đề sán lá gan lớn; tổ chức tập huấn và cung cấp thuốc đặc hiệu cho các tuyến y tế thuộc các tỉnh có tỷ lệ nhiễm bệnh cao ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Tuy nhiên các đề xuất của Viện chưa được đáp ứng hoàn toàn, những năm qua việc phát hiện, điều trị bệnh nhân sán lá gan lớn vẫn chỉ tập trung ở một số bệnh viện tỉnh và các Viện chuyên ngành dựa vào nguồn thuốc đặc hiệu do WHO cung cấp, công tác truyền thông giáo dục, giải quyết môi trường và các hoạt động can thiệp khác vẫn còn bỏ ngỏ do chưa có nguồn kinh phí và chưa có chương trình phòng chống cụ thể.

Đầu năm 2009 đến nay

Trong năm 2009 bệnh sán lá gan lớn ngày càng phát triển cùng tình trạng khan hiếm thuốc đặc trị nghiêm trọng, mặc dù Viện Sốt rét-ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương đã chuyển giao cho Viện Sốt rét-ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn 6.500 viên Egaten 250 mg từ nguồn thuốc của WHO để cung cấp cho các tỉnh có tỷ lệ nhiễm sán lá gan lớn cao trong khu vực nhưng do số bệnh nhân tăng đột biến so với các năm trước đây nên số thuốc được cấp không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, trong khi bệnh nhân vẫn tiếp tục gia tăng nên vấn đề thiếu thuốc đặc trị đã gây nhiều khó khăn cho các cơ sở y tế ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên do gia tăng áp lực điều trị.
 

Labo ký sinh trùng đường ruột tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn 

Để chủ động về nguồn thuốc điều trị sán lá gan lớn, Viện Sốt rét-ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã báo cáo Bộ Y tế cho phép được mua thuốc đặc hiệu từ nguồn nhập khẩu của các công ty dược phẩm đồng thời cho chủ trương về nguồn kinh phí mua thuốc, hình thức phân phối thuốc, bán thu hồi kinh phí hay cấp thuốc miễn phí thuốc Egaten điều trị cho bệnh nhân và các giải pháp phòng chống khác thay vì phải bị động trông chờ vào nguồn thuốc cấp của WHO như trước đây. Trên cơ sở đề nghị của Viện, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cho phép Viện và các cơ sở khám chữa bệnh được phép mua thuốc điều trị bệnh sán lá gan lớn để điều trị cho người bệnh theo phác đồ điều trị do Bộ Y tế an hành vì bệnh sán lá gan lớn không thuộc danh mục bệnh dịch tối nguy hiểm được cấp miễn phí và việc thanh toán thuốc được thực hiện thông qua chính sách thu viện phí, bảo hiểm y tế như các loại bệnh thông thường khác.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện Sốt rét-ký sinh trùng-Côn trùng đã gửi thông báo chủ trương của Bộ đến các cơ sở y tế liên quan đồng thời xúc tiến các thủ tục đấu thầu mua thuốc để kịp thời phục vụ người bệnh. Có thể nói việc chủ động được nguồn thuốc đặc hiệu trong điều trị bệnh sán lá gan lớn, Viện không chỉ giúp các địa phương trong khu vực giải quyết được những khó khăn về tình trạng khan hiếm thuốc như trước đây, người bệnh được điều trị kịp thời bằng giá thuốc quy định mà còn giúp Bộ Y tế bình ổn được giá thuốc trên thị trường. Cùng với việc điều trị bệnh nhân, Viện còn tăng cường chỉ đạo công tác chẩn đoán & điều trị bệnh sán lá gan lớn tại các cơ sở y tế trong khu vực, đồng thời đề nghị Bộ Y tế cho phép xây dựng đề án phòng chống và kinh phí thực hiện các biện pháp can thiệp khác như truyền thông giáo dục, giải quyết môi trường và các hoạt động phòng chống tại cộng đồng; xây dựng chương trình hoặc dự án phòng chống bệnh sán lá gan lớn cụ thể ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên nơi có lưu hành bệnh cao nhất cả nước nhằm giảm thiểu áp lực bệnh nhân và khống chế sự gia tăng của bệnh sán lá gn lớn một cách bền vững, tổ chức Hội nghị liên ngành y tế-thú y và các cơ quan hữu quan để phối hợp phòng chống bệnh SLGLở người và gia súc nhiễm bệnh nhằm giảm thiểu sự nhiễm bệnh tiến tới thanh toán cơ bản căn bệnh này đem lại sức khỏe và sức lao động của người dân.

 

 

Ngày 22/02/2010
TS. Triệu Nguyên Trung  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích