|
giun móc Ancylostoma duodenale |
Thiếu máu do giun móc
Biểu hiện lâm sàng của bệnh giun móc Ancylostoma duodenale và giun mỏ Necator americanus có nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như bị nhiễm giun nhiều hay ít, đang sống ở trong vùng hay ngoài vùng có bệnh lưu hành hoặc do chế độ ăn uống... Thông thường, nếu cường độ nhiễm giun thấp, biểu hiện lâm sàng không rõ rệt. Nếu bị nhiễm nhiều giun có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng đáng kể, làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và khả năng lao động của người bệnh. Giun móc hay giun mỏ, thường được gọi chung là giun móc, khi xâm nhập vào cơ thể người có thể gây nên bệnh do ấu trùng giun chui qua da và qua phổi. Khi trưởng thành trong ống tiêu hóa, giun cũng có khả năng gây bệnh bằng cách dùng răng ngoạm vào thành ruột để hút máu gây nên những biểu hiện lâm sàng toàn thân, rối loạn tiêu hóa, rối loạn về máu và tuần hoàn, rối loạn thần kinh... Trong đó, bệnh thiếu máu do giun móc là một vấn đề cần được quan tâm, nhất là đối tượng trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh thiếu máu do giun móc phụ thuộc vào các yếu tố như hàm lượng chất sắt trong khẩu phần thức ăn hàng ngày, tình trạng dự trữ chất sắt trong cơ thể, cường độ và thời gian nhiễm bệnh. Những yếu tố này thay đổi tùy theo từng quốc gia, từng khu vực nhưng cần phải được đánh giá đúng mức và trong từng trường hợp cụ thể. Theo nghiên cứu của một số nhà khoa học tại nước Nigeria, lượng sắt trong khẩu phần thức ăn của người dân khá cao, từ 21 đến 30mg mỗi ngày nên ở đây chỉ gi nhận trường hợp bị nhiễm bệnh nặng khi số lượng giun bị nhiễm trên 800 con giun móc trưởng thành ở 1 người mới có biểu hiện thiếu máu nhược sắc. Trái lại ở Maritius, lượng chất sắt trong khẩu phần thức ăn của người dân hàng ngày rất thấp, khoảng từ 10 đến 20mg nên ở đây khi bị nhiễm giun móc ở mức độ nhẹ hoặc trung bình cũng có thể gây nên tình trạng bị thiếu máu nặng. Quan niệm về vị trí trong thành ruột bị giun móc trưởng thành ký sinh và hút máu nhưng tại nơi đó vẫn tiếp tục chảy máu sau khi giun đã di chuyển đi nơi khác không được các nhà nghiên cứu mô học ủng hộ; các nhà khoa học cho rằng máu sẽ ngừng chảy sau khi giun di chuyển khỏi vị trí ký sinh để hút máu. Hiện nay vẫn chưa có cơ sở khoa học để chứng minh độc tố của giun móc gây ức chế cơ quan tạo máu dẫn đến thiếu máu. Qua nghiên cứu bằng chất phóng xạ kép, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận một phần lượng chất sắt của cơ thể bị giun móc trưởng thành ăn rồi bài tiết ra ở tá tràng và phần trên của ruột non đã được tái hấp thu lại trong ống tiếu hóa, tỷ lệ tái hấp thu tăng lên khi người bệnh bị thiếu chất sắt. Ở một số vùng nhiệt đới, thường có tình trạng thiếu máu do giun móc kèm theo thiếu acid folic. Tình trạng thiếu acid folic thường bị che khuất do tình trạng thiếu máu nhược sắc nặng. Bệnh sinh của thiếu acid folic ở bệnh giun móc có thể do nhiều yếu tố khác nhau như kém hấp thu acid folic hoặc do thiếu acid folic trong khẩu phần ăn hàng ngày hay do nhu cầu acid folic tăng ở bệnh giun móc. Với cơ chế gây bệnh đã nêu trên, nguyên tắc điều trị bệnh giun móc cần kết hợp điều trị đặc hiệu với điều trị thiếu máu, thiếu sắt, thiếu acid folic và protein máu. Cũng cần kết hợp việc điều trị với điều chỉnh chế độ ăn và dinh dưỡng, bảo đảm việc cung cấp đủ chất sắt, vitamin... Thuốc điều trị đặc hiệu thường sử dụng phổ biến là loại mebendazole, nó có tác dụng điều trị giun móc, ít độc và có khả năng tẩy được nhiều loại giun khác như giun đũa, giun tóc... Tuy nhiên, liều lượng dùng để điều trị giun móc thường cao hơn liều lượng điều trị nhiễm giun phối hợp. Để điều trị bệnh giun móc có hiệu quả, các nhà khoa học khuyến cáo nên sử dụng liều lượng thuốc mebendazole 200mg/ngày, chia làm 2 lần, uống 6 ngày liên tiếp, không cần dùng kèm với loại thuốc tẩy. Sau khi ngừng thuốc khoảng từ 8 đến 10 ngày vẫn có thể thấy giun móc trưởng thành còn bị đào thải ra theo phân. Ngoài thuốc mebendazole thông dụng, thuốc albendazole hiện nay cũng được xem là một trong những loại thuốc có hiệu lực để điều trị bệnh giun móc.
|