|
TS. Nguyễn Văn Chương-Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-KST-CT Quy nhơn đang khám cho bệnh nhân tại Phòng Khám Viện |
Bệnh sán lá gan lớn và các bệnh ký sinh trùng mới nổi-vấn đề cần được quan tâm giải quyết
Trong vài năm gần đây bệnh sán lá gan lớn ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã trở thành điểm nóng của cả nước liên quan đến tập quán ăn uống và vệ sinh môi trường, diễn biến bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sức sản xuất của nhân dân. Cùng với sán lá gan lớn, một số bệnh giun sán mới nổi như giun đũa chó/mèo, giun lươn, giun đầu gai, sán dây, sán lá gan nhỏ, ấu trùng sán lợn... với hàng chục ngàn ca mắc mỗi năm đang được dư luận hết sức quan tâm. Bệnh giun sán đã để lại những tác hại không nhỏ trong nhân dân như suy dinh dưỡng, gây thiếu máu và hạn chế khả năng lao động, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người như bệnh ấu trùng sán lợn, sán lá phổi, sán lá gan lớn…Tuy nhiên hiện nay bệnh giun sán vẫn được coi là “căn bệnh bị lãng quên” do triệu chứng bệnh diễn biến âm thầm, dễ bị che lấp bởi nhiều bệnh cấp tính khác nên không được quan tâm đúng mức và chưa có quy mô phòng chống. Bệnh sán lá gan lớn Bệnh sán lá gan lớn (Fasciolasis) trước đây chủ yếu gây bệnh ở động vật ăn cỏ, được xem như ký sinh lạc chủ khi nhiễm bệnh ở người do người ăn phải các loài rau thủy sinh sống có ấu trùng sán lá gan lớn. | ThS. Huỳnh Hồng Quang-trưởng khoa nghiên cứu Lâm sàng & Điều trị- Viện Sốt rét-KST-CT Quy nhơn đang khám cho bệnh nhân tại Phòng Khám Viện | Trong vòng 5 năm nay (2006-2010) bệnh sán lá gan lớn ở nước ta thật sự đáng báo động với trên 15.764 ca nhiễm mới; tuy nhiên đáng lưu ý là 93% số ca nhiễm này tập trung chủ yếu ở 7 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên là Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Khánh Hòa, TP. Đà Nẵng và Gia Lai; trong đó Phòng khám của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn phát hiện và điều trị trên 10.000 ca. Thực trạng bệnh sán lá gan lớn gây nhiều bức xúc cho người dân ở các vùng lưu hành bệnh, ngành y tế đã và đang nỗ lực ngăn chặn sự phát triển bệnh, nhưng để giải quyết vấn đề này không chỉ đơn thuần khám điều trị cho người bệnh mà đòi hỏi phải có mô hình phòng chống lâu dài, bền vững. Cho đến nay bệnh sán lá gan lớn ở người không còn là bệnh ký sinh trùng hiếm gặp, trong khi tỷ lệ nhiễm sán lá gan lớn ở động vật ăn cỏ (trâu, bò) ở các tỉnh miền Trung rất cao (50-60%) tạo môi trường nhiễm bệnh cho người ngày càng thuận lợi hơn; nhất là các vùng có tập quán ăn rau thủy sinh sống như rau ngổ, rau cải xoang, rau dăm, rau đắng hoặc uống nước lã có ấu trùng làm cho việc phòng chống bệnh sán lá gan lớn cho cộng đồng gặp nhiều khó khăn.
Diễn biến tình hình bệnh sán lá gan lớn trong 5 năm gần đây (2006-2010) Năm | Tổng số ca nhiễmtrong cả nước | Số ca nhiễm phát hiện ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên | Tổng số ca | Tỷ lệ so với cả nước | 2006 | 3.838 | 3.543 | 92% | 2007 | 2.196 | 1.862 | 84% | 2008 | 2.000 | 1.812 | 90% | 2009 | 4.500 | 4.200 | 92% | 2010 | 3.230 | 3.097 | 95% | Tổng cộng | 15.764 | 14.514 | 93% |
Hiện nay tình hình nhiễm sán lá gan lớn vẫn tiếp tục gia tăng ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, hàng tháng số bệnh nhân có nhu cầu khám và điều trị ở các cơ sở y tế dao động khoảng vài trăm ca, nguy cơ mắc bệnh sán lá gan lớn không chỉ có dân nghèo mà còn tất cả các đối tượng trong xã hội. Mặc dù bệnh sán lá gan lớn đã trở thành vấn đề “nóng” như vậy, nhưng công tác giáo dục truyền thông về bệnh sán lá gan lớn cho cộng đồng còn quá nghèo nàn, do đó hiểu biết phòng chống bệnh này của người dân còn rất thấp. Công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị tại các tuyến vẫn còn gặp nhiều khó khăn; nhiều tuyến y tế cơ sở còn lúng túng trong việc chẩn đoán và điều trị, thậm chí chẩn đoán nhầm sang bệnh khác gây phiền hà cho bệnh nhân. Các nghiên cứu liên quan dịch tễ học giữa động vật và người của sán lá gan lớn chưa được đề cập, đặc biệt là cơ sở nguồn nhiễm, mùa nhiễm bệnh, các yếu tố tự nhiên và xã hội ảnh hưởng đến bệnh cũng như mô hình truyền thông phòng chống bệnh sán lá gan lớn vẫn còn đang bỏ ngỏ. | TS. Hồ Văn Hoàng-Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-KST-CT Quy nhơn đang khám cho bệnh nhân tại Phòng Khám Viện | Để khống chế bệnh sán lá gan lớn, những năm qua Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã có nhiều nỗ lực trong phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân tại Phòng khám chuyên khoa của Viện; tham mưu Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan lớn ở người” và cho phép được nhập thuốc đặc trị bệnh sán lá gan lớn (Triclabendazole 250mg) giải quyết được tình trạng khan hiếm thuốc tại các cơ sở điều trị, thực hiện nhiều nghiên cứu đánh giá tình hình nhiễm bệnh và biện pháp can thiệp; đặc biệt là tìm kiếm dự án quốc tế (Bỉ) hỗ trợ đầu tư phòng chống bệnh sán lá gan lớn lâu dài ở Việt Nam.
Kế hoạch trong 5 năm tới (2011-2015), ưu tiên xây dựng mô hình thí điểm phòng chống sán lá gan lớn trong quy mô huyện, kết hợp với ngành thú y trong các hoạt động phòng chống ở người và động vật ăn cỏ. Điều tra phỏng vấn người dân về nhận thức, hiểu biết và hành vi phòng chống bệnh sán lá gan lớn; nâng cao năng lực cán bộ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh (Viện, tỉnh, huyện) về xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan lớn ở người và động vật ăn cỏ (trâu, bò, cừu…). Nghiên cứu nội dung thông điệp truyền thông và kênh truyền thông có hiệu quả, sản xuất và cung cấp các vật liệu truyền thông cho các tuyến; tổ chức truyền thông giáo dục phòng chống bệnh sán lá gan lớn cho cộng đồng để hạn chế tỷ lệ nhiễm bệnh. Tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh sán lá gan lớn trong nước và quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp can thiệp có hiệu quả. Cung cấp thuốc đặc hiệu (Triclabendazole) điều trị bệnh sán lá gan lớn và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống bệnh sán lá gan lớn tại các tuyến Viện, tỉnh (máy siêu âm, ELISA, KIT thử). Một số bệnh giun sán mới nổi khác Ngoài bệnh sán lá gan lớn một số bệnh ký sinh trùng mới nổi khác đang được dư luận và cộng đồng hết sức quan tâm như giun đũa chó/mèo, giun đầu gai, giun lươn, ấu trùng sán lợn, sán dây, sán lá gan nhỏ… có thể gây ra những triệu chứng cấp tính và toàn thân rầm rộ để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người, thậm chí nhiều ca dẫn đến tử vong do biến chứng của các bệnh giun sán. Theo số liệu điều tra tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên bệnh giun sán ở khu vực này rất đáng báo động, trong 5 năm (2005-2010) có 79.535 bệnh nhân đến Phòng khám Viện khám và điều trị các bệnh giun sán mới nổi, thì năm 2010 số bệnh nhân là 44.010 ca chiếm 50% so với các năm trước đây; trong đó phát hiện 4.908 bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun đũa chó (11,15%), 2.640 bệnh nhân nhiễm giun lươn (6%), 1.941 bệnh nhân nhiễm giun đầu gai (4,41%), 1.612 bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn (3,66%), 882 bệnh nhân nhiễm amip (2%)... Hầu hết các bệnh nhân này đều có những triệu chứng cấp tính đã điều trị ở nhiều cơ sở y tế trong nước không khỏi mới chuyển về Phòng khám Viện để được khám và điều trị. Như vậy rõ ràng những bệnh giun sán mới nổi này không chỉ gây tác hại thầm lặng như quan niệm trước đây nữa, mà thực sự tấn công mạnh mẽ tới sức khỏe cũng như sức sản xuất của con người; bệnh giun sán liên quan chặt chẽ đến tập quán sinh hoạt, chế độ ăn uống, lứa tuổi, nghề nghiệp và điều kiện vệ sinh môi trường nên nguy cơ nhiễm bệnh lan rộng ở cộng đồng là rất lớn; đặc biệt là cộng đồng các dân tộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên nơi có những điều kiện kinh tế khó khăn, thường xuyên phải gánh chịu hậu quả của thiên tai bão lụt kéo dài. Tuy nhiên, trước thực trạng bệnh giun sán mới nổi ngày càng gia tăng như vậy, sự nhân thức và hiểu biết của người dân về các bệnh này vẫn còn mơ hồ và thấp kém; hệ thống phòng chống các bệnh ký sinh trùng chưa được tổ chức đầy đủ và đồng bộ, thiếu sự quan tâm của các cấp, các ngành; không có nguồn kinh phí thực hiện và không có quy mô phòng chống. Kế hoạch trong 3 năm tới (2011-2013), Viện xây dựng Dự án nghiên cứu phòng chống với mục tiêu giảm tỷ lệ nhiễm, giảm tác hại của các bệnh giun sán mới nổi; đồng thời với nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong công tác kiểm soát các bệnh ký sinh trùng. Định hướng điều tra đánh giá phân bố dịch tễ học vùng nhiễm bệnh và xác định nguyên nhân gây bệnh, để có cơ sở đề xuất biện pháp phòng chống hiệu quả. Đào tạo, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế các tuyến có đủ khả năng phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh ngay từ cơ sở.
|