Lưu ý bệnh amíp ngoài đại tràng
Khi nói đến bệnh amíp, thường chỉ nghĩ đến bệnh lỵ amíp ở đại tràng vì chúng xảy ra khá phổ biến tại đây. Thực ra bệnh amíp không những chỉ xảy ra tại đại tràng mà còn hiện diện ở cả gan, phổi, não và các phủ tạng khác nên được gọi là bệnh amíp ngoài đại tràng. Cần lưu ý vấn đề này để tránh sơ sót trong phát hiện, chẩn đoán và điều trị. Bệnh amíp ngoài đại tràng Bệnh amíp do ký sinh trùng đơn bào Entamoeba histolytica gây nên. Ngoài gây bệnh phổ biến tại đại tràng đã được đề cập nhiều, chúng còn có thể gây bệnh ngoài đại tràng với thương tổn là các áp xe ở những cơ quan, tổ chức khác ngoài ruột già như gan, phổi, não, da, màng ngoài tim...; trong đó áp xe gan do amíp là bệnh thường hay gặp nhất. Bệnh áp xe gan do amíp thường xuất hiện thứ phát sau khi bị mắc bệnh lỵ amíp. Có nhà khoa học cho rằng khoảng 51% người bị áp xe gan có tiền sử mắc bệnh lỵ amíp nhưng cũng có nhà khoa học khác lại thấy có khoảng 50% người bị áp xe gan do amíp mà không có tiền sử về bệnh lỵ amíp hoặc không tìm thấy được kén của amíp trong phân. Vấn đề này có thể giải thích người bệnh áp xe gan do amíp có mắc bệnh lỵ amíp nhẹ nhưng bệnh nhân không chú ý hoặc có thể amíp khi qua thành ruột sẽ xâm nhập ngay vào máu và lên gan để gây bệnh. Thực tế đường xâm nhập vào gan của amíp chủ yếu là từ thành ruột. Từ đây amíp chui qua các tĩnh mạch đã bị phân hủy rồi theo hệ thống tĩnh mạch để về gan. Tuy nhiên amíp cũng có thể xâm nhập theo những con đường thứ yếu khác như qua màng bụng rồi về gan hoặc đến gan qua hệ thống mạch bạch huyết. Áp xe gan do amíp có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu. Bệnh áp xe phổi do amíp thường gặp sau áp xe gan. Có loại áp xe phổi nguyên phát do amíp theo máu lên phổi để gây bệnh, có loại áp xe phổi thứ phát sau áp xe gan do mủ của áp xe gan vỡ ra tràn qua cơ hoành và màng phổi rồi xâm nhập vào phổi. Bệnh áp xe não do amíp hiếm gặp hơn trong thực tế nhưng khi bị mắc, bệnh thường rất nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh áp xe da do amíp có thể gặp ở chung quanh vùng hậu môn hoặc ở những chỗ rò mủ tại thành ngực do áp xe gan tạo nên. Ngoài ra, trong một số trường hợp có thể gặp bệnh áp xe do amíp tại cơ quan khác như ở màng ngoài tim... Chẩn đoán xác định bệnh Để xác định bệnh amíp ngoài đại tràng thường căn cứ vào việc chẩn đoán giống như bệnh lỵ amíp ở đại tràng như dựa trên triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm ký sinh trùng học, điều trị thử bằng thuốc đặc hiệu, chẩn đoán huyết thanh miễn dịch và siêu âm chẩn đoán. Giá trị chẩn đoán của từng phương pháp phụ thuộc vị trí gây bệnh của amíp vào thời điểm chẩn đoán xác định bệnh. Về lâm sàng, bệnh amíp ngoài đại tràng như áp xe gan, áp xe phổi, áp xe não hoặc bệnh ở các phủ tạng khác do amíp gây ra nếu chỉ dựa vào triệu chứng rất khó chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác cũng gây nên áp xe. Như trên đã nêu, bệnh áp xe gan do amíp thường gặp trên thực tế lâm sàng nhiều hơn áp xe do amíp ở các cơ quan khác, vì vậy cần quan tâm đến thể bệnh này trong chẩn đoán. Triệu chứng lâm sàng của áp xe gan do amíp thường biểu hiện sốt cao, đau tức hạ sườn phải, gan sưng to, bạch cầu ái toan tăng cao, chụp phim X quang thấy cơ hoành nhô lên cao. Chọc dò gan thấy có mủ, đặc điểm mủ của áp xe gan do amíp có màu sôcôla; trong một số trường hợp cũng hay gặp mủ có màu trắng hoặc màu xanh. Nếu dựa vào lâm sàng, có 4 căn cứ để chẩn đoán xác định áp xe gan do amíp gồm: gan to và đau với dấu hiệu rung gan dương tính, điều trị bằng thuốc chống amíp đáp ứng có hiệu quả, xét nghiệm công thức máu, chụp phim X quang và siêu âm có tính chất gợi ý, chọc dò gan rút ra được mủ có màu sôcôla. Phương pháp ký sinh trùng học dùng để xét nghiệm chẩn đoán bệnh amíp ngoài đại tràng ít có giá trị. Trong một số trường hợp có thể tiến hành xét nghiệm sau khi đã xử trí bằng phẫu thuật hoặc bằng giải phẫu thi thể nhưng nhiều khi cũng không có kết quả mong muốn. Vì vậy phương pháp này không giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh sớm. Phương pháp điều trị thử bằng thuốc đặc hiệu là một trong những phương pháp có giá trị giúp cho việc chẩn đoán bệnh amíp ngoài đại tràng. Phương pháp này đã được các bác sĩ ứng dụng khi có nghi ngờ về bệnh mà các phương pháp chẩn đoán khác gặp nhiều khó khăn. Phương pháp huyết thanh miễn dịch dùng để chẩn đoán bệnh amíp ngoài đại tràng đều cho kết quả dương tính cao, vì vậy được xem như tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh khá chính xác. Hiện nay có nhiều phương pháp huyết thanh miễn dịch được nghiên cứu và ứng dụng để chẩn đoán bệnh amíp có giá trị gồm các phương pháp: điện di miễn dịch ngược chiều, ngưng kết hồng cầu gián tiếp, kháng thể huỳnh quang gián tiếp, phản ứng men Elisa (enzyme linked immuno sorbant assay)... được thực hiện một cách rộng rãi vì có độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Đối với bệnh lỵ amíp ở đại tràng, trong những trường hợp bệnh mới mắc hoặc thể bệnh nhẹ thì phương pháp này cho kết quả hạn chế do hiệu giá kháng thể trong huyết thanh của bệnh nhân thấp. Phương pháp siêu âm cũng giúp cho việc phát hiện và chẩn đoán bệnh khá dễ dàng trong điều kiện hiện nay khi có trang thiết bị ở cơ sở y tế. | Áp xe gan do amíp thường phổ biến trong bệnh amíp ngoài đại tràng (ảnh minh họa) |
Xử trí điều trị và phòng bệnh Bệnh amíp ngoài đại tràng cũng như bệnh lỵ amíp ở đại tràng khi điều trị phải bảo đảm các nguyên tắc như: dùng thuốc đặc hiệu phù hợp, điều trị sớm và đủ liều, điều trị triệt để với việc xét nghiệm phân nhiều lần để không còn kén amíp, điều trị kết hợp với kháng sinh để diệt vi khuẩn và loại trừ điều kiện thuận lợi cho amíp phát triển. Thuốc điều trị đặc hiệu thường được sử dụng gồm: các dẫn xuất của asen, các dẫn chất của iốt, các dẫn chất của quinolein không có iốt, emetin, dehydroemetin, metronidazol, 5-nitroimidazol, holanin, các dược liệu thảo mộc khác... Việc điều trị phải do bác sĩ chỉ định sau khi được chẩn đoán xác định và kê đơn thuốc, liều lượng thuốc sử dụng theo nhóm tuổi và trọng lượng cơ thể quy định cho từng loại thuốc phù hợp để bảo đảm an toàn, hiệu quả. Việc phòng bệnh cần chú ý đến các vấn đề có liên quan đến cộng đồng và cá nhân. Đối với người bệnh bị mắc bệnh lỵ amíp cấp tính hoặc mãn tính phải được điều trị triệt để, phải xét nghiệm phân cho tới khi thấy không còn amíp cả thể kén và các thể hoạt động của amíp. Cần chủ động kiểm tra phân phát hiện những người lành mang trùng có thể thải ra kém amíp để điều trị; đặc biệt chú ý đến những người làm nghề nấu ăn, cấp dưỡng, chế biến thực phẩm, sản xuất bánh kẹo, cô giáo nuôi dạy trẻ.... Chế độ kiểm tra phân đối với các đối tượng này nên thực hiện định kỳ mỗi 6 tháng một lần. Giải quyết tốt việc quản lý và sử dụng phân người như dùng các loại hố xí hợp vệ sinh, phải xử lý đúng quy cách nguồn phân thải trước khi đưa ra sử dụng trong nông nghiệp, tuyệt đối không được dùng phân tươi để bón ruộng. Phải quản lý nguồn nước sử dụng bảo đảm vệ sinh như nước ăn uống, nước sinh hoạt; nếu bị ô nhiễm nên xử lý lọc, đánh phèn, dùng thuốc sát trùng... Phòng ngừa ô nhiễm thức ăn bằng cách phải che đậy cẩn thận; sử dụng các biện pháp hiệu lực để diệt ruồi, gián, chuột... Thực hiện việc nhúng bát đĩa vào nước sôi trước khi ăn ở những môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh. Phát động và duy trì phong trào vệ sinh cộng đồng và cá nhân trong việc phòng bệnh. Đối với cá nhân, không được phóng uế bừa bãi, không uống nước chưa đun sôi, không ăn rau quả sống nếu không bảo đảm an toàn vệ sinh; đồng thời thực hiện việc rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh trở thành thói quen, tập quán trong sinh hoạt.
Amíp ngoài đại tràng thường xuất hiện thứ phát sau bệnh lỵ amíp ở đại tràng (ảnh minh họa)
Lời khuyên của thầy thuốc Như trên đã nêu, bệnh amíp ngoài đại tràng thường xuất hiện thứ phát sau khi bị mắc bệnh lỵ amíp ở đại tràng nhưng cũng có trường hợp xuất hiện nguyên phát do mầm bệnh sau khi qua thành ruột đã xâm nhập ngay vào máu để đến một số cơ quan khác ngoài đại tràng mà không cần có tiền sử về bệnh lỵ amíp. Thực tế bệnh amíp ngoài đại tràng có thể xảy ra ở nhiều cơ quan khác nhau nhưng bệnh áp xe gan do amíp khá phổ biến, vì vậy cần được quan tâm để phát hiện, chẩn đoán với nhiều phương pháp xác định và điều trị sớm bằng thuốc đặc hiệu để chủ động ngăn ngừa những hậu quả biến chứng xấu.
|