Trách nhiệm phòng chống sốt xuất huyết của cộng đồng
Năm nay dịch bệnh sốt xuất huyết không chỉ bùng nổ ở Tây Nguyên mà còn tiếp tục lan rộng ra nhiều tỉnh/thành phố ven biển miền Trung và Nam bộ, cả hệ thống chính trị đã phải vào cuộc với nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh này. Tuy nhiên, mỗi lần dịch bệnh nổ ra hầu như trách nhiệm đều quy về ngành y tế trong khi các hoạt động cốt lõi lại phải dựa vào cộng đồng. Vậy trách nhiệm của cộng đồng thế nào trong phòng chống sốt xuất huyết ?Phòng chống sốt xuất huyết là trách nhiệm của cộng đồngTheo thống kê tròn số, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2016 cả nước ghi nhận gần 50.000 ca mắc sốt xuất huyết ở gần 50 tỉnh/thành phố, trong đó có gần 20 trường hợp tử vong. Hiện nay dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang hoành hành và lan rộng, nếu không kiềm chế kịp thời thì số mắc và tử vong sốt xuất huyết sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh của ngành y tế, các biện pháp điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành chỉ là giải pháp tình thế vì hiện nay chưa có thuốc đặc trị và chưa có vaccine phòng bệnh, điều trị bệnh nhân chủ yếu là giải quyết triệu chứng và biến chứng; phun hóa chất diệt muỗi cũng chỉ nhằm mục đích hạn chế lan truyền khi có dịch chứ không có tác dụng lâu dài vì ngay sau đó bọ gậy tiếp tục phát triển thành muỗi để duy trì dịch bệnh, hơn nữa phun hóa chất cũng tạo nên nguy cơ muỗi kháng hóa chất do đó diệt lăng quăng/bọ gậy được coi là giải pháp bền vững và tiềm năng trong phòng chống sốt xuất huyết nhưng giải pháp này khó trở thành hiện thực nếu không có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Chính vì vậy, ngành y tế thường xuyên phát động mô hình diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng với thông điệp “không có bọ gậy, không có muỗi sốt xuất huyết” nhằm nâng cao ý thức người dân chủ động diệt lăng quăng/bọ gậy trong nhà và môi trường xung quanh nhà. Nhận thức rõ vai trò phòng chống sốt xuất huyết của cộng đồng, Công điện 1388/CĐ-TTg ngày 5/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất, đặc biệt tại các công trường xây dựng, các dụng cụ chứa nước, khu vực tập trung dân cư; yêu cầu người dân khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà”; Công điện số 782/BYT-DP ngày 5/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ rõ“vận động người dân tiến hành các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải như lốp xe, vỏ lon, đồ hộp, gáo dừa, chai, lọ…để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; đậy kín các dụng cụ chứa nước mưa, nước sinh hoạt, thường xuyên thay nước bình hoa để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước nếu có thể được để cá ăn loăng quăng/bọ gậy”.Lốp xe hỏng vứt ngoài trời là môi trường thích hợp cho bọ gậy/lăng quăng phát triểnSở dĩ trách nhiệm của cộng đồng luôn được nâng cao như vậy vì cộng đồng là môi trường dễ lây lan bệnh dịch nhưng cũng được coi là cơ sở bền vững trong kiểm soát dịch bệnh, muốn ngăn chặn được dịch bệnh trước hết phải kiểm soát được dịch bệnh trong cộng đồng (vai trò của nhân viên y tế) và cộng đồng phải chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh cũng như có ý thức tự bảo vệ không bị nhiễm bệnh (vai trò của cộng đồng). Theo đó, mô hình diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết phải được cộng đồng chủ động thực hiện thường xuyên, mọi nơi, mọi lúc hơn là chỉ tham gia trong một vài đợt phát động chiến dịch nào đó rồi lại tiếp tục buông xuôi.Thùng chứa nước mưa cũng là nơi muỗi đẻ và môi trường ưa thíc của bọ gậy muỗi sốt xuất huyếtCộng đồng chưa có trách nhiệm trong phòng chống sốt xuất huyết Mặc dù phòng chống sốt xuất huyết đòi hỏi phần trách nhiệm quan trọng của cộng đồng như vậy nhưng dường như họ vẫn thờ ơ như người ngoài cuộc vì cho rằng đó không phải việc của minh mà là nhiệm vụ của ngành y tế. Trong vụ dịch năm nay rất nhiều nguyên nhân phát sinh dịch bệnh được Bộ Y tế đưa ra, trong đó đáng chú ý có nguyên nhân do “ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là xem thường bệnh sốt xuất huyết, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không thực hiện việc diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy”. Sở dĩ có nhận định này là vì kết quả điều tra giám sát y tế cho thấy rất nhiều ổ lăng quăng/bọ gậy muỗi sốt xuất huyết vẫn tồn tại trong nhà dân ở các vật dụng chứa nước trong nhà, lọ hoa bàn thờ, lọa hoa cảnh, các bát nước bẫy kiến dưới chân chạn bát hoặc các ổ bọ gậy ngoài trời như bể chứa nước mưa, chum vại và các vật dụng đọng nước, chậu hoa cây cảnh có nước; nước đọng trên máng xối, nách lá cây, bẹ chuối, hốc cây hoặc nước đọng trong các vật phế thải như lốp xe cũ không sử dụng, bát cũ, chai lọ, vỏ hoa quả;bọ gậy muỗi sốt xuất huyết cũng được phát hiện nhiều ở các vũng nước đọng thuộc các công trường xây dựng... là môi trường thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và lăng quăng/bọ gậy sinh sôi phát triển.
Ở Việt Nam, muỗi Aedes aegypti là thủ phạm (vector chính) truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết thường sinh sôi ở những khu vực đô thị đông đúc hoặc làng mạc có nhiều kênh rạch, vũng nước tù đọng. Trong môi trường phát triển thuận lợi, muỗi Aedes đẻ trứng vào những vật dụng chứa nước trong nhà và xung quanh nhà, sau khoảng 7 - 10 ngày trứng phát triển thành bọ gậy, quăng và trở thành muỗi trưởng thành có thể đốt máu người và tìm nơi đẻ trứng để tiếp tục vòng đời của chúng. Trứng muỗi có thể chịu được điều kiện khô hạn trong nhiều tháng, muỗi cái Aedes đẻ tới 5 lần, mỗi lần hàng chục trứng. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở xó xỉnh và những chỗ tối trong nhà như gầm giường, tủ, quần áo treo móc trên tường vách, rèm che…). Với đặc điểm sống như vậy, chỉ trong vòng 7-10 ngày, một lứa muỗi Aedes trưởng thành có thể đốt máu và truyền bệnh cho người khác mà môi trường thích hợp cho chúng sinh sản và phát triển lại nằm trong cộng đồng, nếu cộng đồng không chung tay thì không bao giờ diệt được tận gốc nguồn phát sinh bọ gậy muỗi sốt xuất huyết. Cộng đồng hiểu biết về sốt xuất huyết nhưng thái động và thực hành phòng chống chưa cao
Theo một số kết quả đánh giá kiến thức, thái độ và hành vi (KAP) phòng chống sốt xuất huyết của cộng đồng thì với sự tuyên truyền rộng rãi của ngành y tế cùng phương tiện thông tin đại chúng rầm rộ hiện nay (đài, báo, phát thanh truyền hình, phương tiện nghe nhìn…) thì 95% người dân hiểu rõ nguyên nhân truyền bệnh và tác hại của bệnh sốt xuất huyết nhưng chuyển sang thái độ phòng chống sốt xuất huyết chỉ còn 60% và thực hành phòng chống sốt xuất huyết không đầy 30%. Như vậy, vấn đề truyền thông giáo dục cộng đồng hiện nay không nhất thiết phải đặt nặng về làm rõ kiến thức (K) nữa mà phải làm sao để họ có thể chuyển sang thái độ (A) và thực hành (P) đúng mức với thực tế lan truyền dịch bệnh hiện nay.
Thay cho lời kết Cùng với nỗ lực của ngành y tế trong phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, giám sát và khoanh vùng dập dịch kịp thời thì cộng đồng cần chủ động vệ sinh môi trường làm sạch nơi muỗi đẻ mới có thể ngăn chặnkhông cho muỗi Ae. aegypti tiếp xúc với người và đẩy lùi được dịch bệnh này. Theo đó, mỗi người dân cần tự giác và tích cực diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng mọi lúc, mọi nơi chứ không chỉ làm theo kiểu chiếu lệ từng đợt khi xảy ra dịch.
Thông điệp truyền thông “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết” chỉ thực sự hiệu quả khi tất cả mọi người, mọi nhà luôn luôn chủ động thực hiện mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh sốt xuất huyết một cách bền vững.
|