|
(ảnh minh họa) |
Đề phòng sốt xuất huyết gia tăng mùa nắng nóng
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm virút cấp tính do muỗi truyền và có thể bùng phát thành dịch lớn làm cho nhiều người mắc bệnh với nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và xử trí điều trị kịp thời. Tại nước ta, dịch bệnh lưu hành mang tính địa phương, xảy ra phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ và vùng ven biển miền Trung. Bệnh thường gia tăng vào mùa nắng nóng, tương ứng với điều kiện khí hậu và thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển để lây lan bệnh. Cần biết đặc điểm này để thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Sốt xuất huyết thường gia tăng mùa nắng nóng Thực tế do đặc điểm địa lý, khí hậu khác biệt ở mỗi vùng tại nước ta mà bệnh sốt xuất huyết lưu hành, phát triển vào những thời điểm khác nhau. Ở miền Nam và miền Trung, bệnh thường xuất hiện quanh năm do khí hậu nóng ẩm; ở miền Bắc và Tây Nguyên, bệnh xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Riêng ở miền Bắc vào những tháng có thời tiết lạnh, ít mưa là điều kiện không thích hợp cho sự sinh sản và phát triển hoạt động của muỗi truyền bệnh nên sốt xuất huyết hạn chế. Dù bất cứ ở vùng nào, trong năm bệnh sốt xuất huyết thường phát triển nhiều nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10; thời điểm có nắng nóng kèm theo các cơn mưa giông với độ ẩm cao tạo điều kiện thuật lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản, phát triển để thực hiện vai trò lây nhiễm bệnh. Sự biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến mùa bệnh. Tác nhân gây bệnh được xác định do người bệnh bị nhiễm virút Dengue thuộc nhóm Flavivirus, họ Flaviviridae với 4 type huyết thanh gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Khi virút từ muỗi truyền bệnh xâm nhập vào người qua vết chích đốt máu, sau thời gian ủ bệnh 3 - 14 ngày, trung bình 5 - 7 ngày thì bệnh khởi phát với các triệu chứng lâm sàng. Có thể nói bệnh nhân là nguồn lây nhiễm bệnh trong thời kỳ có sốt, nhất là trong 5 ngày đầu của sốt vì đây là giai đoạn trong máu có nhiều virút. Muỗi bị nhiễm virút thường 8 - 12 ngày sau khi hút máu là có thể đảm nhận được vai trò truyền bệnh và có khả năng truyền bệnh suốt đời. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt máu người bệnh có mang virút rồi sau đó truyền mầm bệnh cho người lành để gây bệnh qua vết đốt. Ở nước ta có hai loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết được xác định là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó quan trọng nhất là Aedes aegypti; chính loài muỗi này cũng là thủ phạm truyền bệnh sốt Zika đã được đề cập đến trong thời gian vừa qua. Muỗi Aedes aegypti chủ yếu đẻ trứng ở môi trường gần nhà tại những nơi chúng ưa thích như chum vại chứa nước đặt trong nhà hay ngoài nhà, ống máng nước, kẽ lá, ống tre nứa, lốp xe hỏng, vỏ đồ hộp, chậu cây cảnh...; tất cả những loại dụng cụ điển hình này thường chứa nước tương đối trong. Muỗi Aedes albopictus cũng là loài muỗi quan trọng truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do virút khác, chúng cũng thích đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước tạm thời nhưng vẫn có tập tính ưa đẻ trứng tự nhiên ở trong rừng tại các hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, vỏ dừa, vườn cây; việc đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước tạm thời trong nhà có mức độ ít hơn. Muỗi Aedes chủ yếu đốt máu vào buổi sáng hoặc buổi chiều, phần lớn muỗi đốt máu và đậu nghỉ ở ngoài nhà nhưng ở các thành phố lớn muỗi Aedes aegypti thường đẻ trứng, đốt máu, đậu nghỉ ở trong nhà và chung quanh nhà. Các nhà khoa học ghi nhận muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus đều có mặt ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn, chúng hoạt động phổ biến từ 5 - 19 giờ, cao nhất từ 5 - 7 giờ sáng và 17 - 19 giờ tối; từ 19 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau không thu thập được cả hai loài muỗi này. Với những đặc điểm đã nêu ở trên, có thể nói mùa nắng nóng là mùa có nhiều điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết phát triển và gia tăng với nguy cơ bùng phát dịch bệnh gây tử vong cho nhiều người, đặc biệt là đối với trẻ em. Thời tiết, khí hậu nắng nóng sẽ giúp cho muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus sinh đẻ, gia tăng mật độ hoạt động truyền bệnh khi trong mùa này thường có những cơn mưa giông tạo nên nhiều ổ nước đọng, nước tụ lại ở các vật dụng và phế liệu chung quanh nhà với độ ẩm cao để muỗi đẻ trứng, phát triển nhiều muỗi truyền bệnh. Đồng thời do mùa nắng nóng, khô hạn nên gia đình đã phát sinh thêm những nơi dự trữ, chứa đựng nước ở trong nhà và chung quanh nhà để sử dụng, tạo điều kiện cho muỗi có nhiều nơi để đẻ trứng. Ngoài ra cũng do nắng nóng, người dân không sử dụng màn chống muỗi khi ngủ, đặc biệt là vào ban ngày nên tạo cơ hội cho muỗi tấn công chích đốt máu và lây nhiễm bệnh. Hiện nay do sự biến đổi khí hậu, mùa truyền bệnh sốt xuất huyết có thể thay đổi nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở những tháng mùa nắng nóng cùng với những loại dịch bệnh khác do muỗi truyền; vì vậy cần quan tâm đến vấn đề này.
Dùng màn chống muỗi cho trẻ trong giờ nghỉ trưa để phòng ngừa sốt xuất huyết (ảnh minh họa)
Biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết gia tăng mùa nắng nóng Bệnh sốt xuất huyết thường gia tăng trong mùa nắng nóng với những đặc điểm, nguyên nhân được xác định. Vì vậy cần tổ chức triển khai các biện pháp can thiệp để chủ động phòng ngừa, khống chế nguy cơ bệnh bùng phát thành dịch bệnh làm cho nhiều người mắc và gây các trường hợp tử vong. Hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh sốt xuất huyết mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng của các nhà khoa học để tìm ra loại vắcxin này; các loại vắcxin nghiên cứu có triển vọng chỉ đang còn trong thời gian thử nghiệm. Bệnh sốt xuất huyết cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy vậy đối với những bệnh nhân có hội chứng sốc cần được nhanh chóng truyền dịch, huyết tương và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn để xử trí can thiệp triệu chứng, biến chứng.Trong mùa nắng nóng, biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là làm giảm mật độ của muỗi truyền bệnh Aedes aegypti còn gọi là muỗi vằn và Aedes albopictus còn gọi là muỗi hổ châu Á. Biện pháp lâu dài, bền vững và có giá trị kinh tế nhất là làm hạn chế những nơi muỗi truyền bệnh đẻ trứng trên diện rộng bằng cách san lấp những ổ nước đọng nơi muỗi thường đẻ trứng trong tự nhiên hay nhân tạo, đặc biệt là những ổ nước đọng sau các cơn mưa giông; đốt và tiêu hủy, chôn lấp các loại rác rưởi hữu cơ; làm lưới che chắn, đậy kín các loại dụng cụ chứa nước ăn và sinh hoạt; lắp đặt ống dẫn nước kín, thường xuyên vệ sinh máng nước, tránh nước mưa đọng lại trên máng nước mái nhà, thay nước bình cắm hoa tươi hàng ngày... Nếu những biện pháp này không thực hiện được một cách triệt để, phải áp dụng phương pháp diệt bọ gậy muỗi bằng các loại hóa chất an toàn và hiệu quả. Chiến lược làm giảm nguồn gây bệnh cho cộng đồng là cần tổ chức các biện pháp giáo dục y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe một cách rộng khắp và lâu dài trên cơ sở của khẩu hiệu hành động “không có bọ gậy, không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Một vấn đề cũng cần được quan tâm thực hiện là vận động cộng đồng người dân áp dụng các biện pháp tự bảo vệ cá nhân để chống muỗi chích đốt máu vào ban ngày bao gồm việc sử dụng màn ngủ ngay cả ban ngày, mặc áo quần dài phòng hộ, dùng thuốc xua muỗi và lưới chống muỗi. Ngoài những phương pháp dùng các loại chất hóa học thông thường để xua diệt muỗi chống đốt như phun hóa chất diệt muỗi ở trong nhà, có thể phòng chống muỗi chích đốt máu ban ngày bằng hương xua diệt muỗi, vợt điện diệt muỗi, dùng màn ngủ tẩm hóa chất diệt côn trùng hoặc lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ... Trong trường hợp dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, cần vận động cộng đồng người dân tăng cường áp dụng tích cực các biện pháp đã nêu ở trên, đồng thời phải thực hiện biện pháp khẩn cấp với mục đích làm giảm nhanh mật độ hoạt động của quần thể muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus trưởng thành bằng cách phun không gian hóa chất diệt côn trùng phù hợp theo phương pháp phun sương. Việc phun hóa chất diệt muỗi thường được tiến hành ở những khu vực của thị xã, thành phố có nhiểu ổ bọ gậy muỗi với nguy cơ phát sinh ra nhiều muỗi trưởng thành tấn công chích đốt máu người để truyền bệnh. Có thể phun hóa chất không gian để diệt muỗi truyền bệnh bằng bình phun đeo vai, máy phun mù xách tay, máy phun sương đặt trên xe ô tô hoặc máy bay. Thực tế phương pháp phun hóa chất tồn lưu diệt muỗi lên tường vách không đạt hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết vì muỗi truyền bệnh thường trú đậu ở trong nhà trên những diện tích không thuận tiện cho việc phun tồn lưu như tấm rèm hoặc vải vóc, quần áo. Lưu ý địa phương thường có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cần phải dự trữ hóa chất diệt muỗi với cơ số cần thiết để sử dụng kịp thời trong những trường hợp khẩn cấp.
|