|
Xử trí xuất huyết nặng trong sốt xuất huyết Dengue là vấn đề cần được quan tâm (ảnh minh họa) |
Xử trí xuất huyết nặng trong sốt xuất huyết Dengue
Sốt xuất huyết Dengue có đặc điểm là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương. Bệnh có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng; nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Trong các biến chứng trầm trọng, việc xử trí xuất huyết nặng trong sốt xuất huyết là vấn đề cần được quan tâm.
Trong giai đoạn sốt, da có biểu hiện sung huyết với chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần nhưng còn trên 100.000/mm3 máu, nghiệm pháp dây thắt dương tính. Trong giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, dấu hiệu xuất huyết xuất hiện rõ như: xuất huyết dưới da với nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím; xuất huyết ở niêm mạc với chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn; xuất huyết nội tạng ở hệ tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng; xét nghiệm máu thấy số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm3; trường hợp nặng có rối loạn đông máu. Trong giai đoạn hồi phục thường sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và đi tiểu nhiều, số lượng tiểu cầu dần trở về bình thường. Thực tế tiểu cầu giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình cầm máu, đông máu; người bình thường có số lượng khoảng 150.000 đến 400.000 tiểu cầu trong 1 mm3 máu và tiểu cầu lưu hành trong máu khoảng 9 đến 12 ngày, sau đó chết do các đại thực bào của lách phá hủy. Khi bị mắc sốt xuất huyết với số lượng tiểu cầu giảm, bệnh nhân rất dễ bị xuất huyết như xuất huyết dưới da, niêm mạc, tiêu hóa, đặc biệt khi tiểu cầu giảm nhiều bệnh nhân dễ có nguy cơ bị xuất huyết não, đây là biến chứng rất nặng dễ dẫn đến tử vong. Tình trạng xuất huyết nặng được biểu hiện với triệu chứng chảy máu cam nặng, rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng thường kèm theo sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô tế bào và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng; nếu người bệnh dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm như aspirin (acetylsalicylic acid), ibuprofen hoặc corticoid, có tiền sử loét dạ dày - tá tràng, viêm gan mạn tính... cũng có thể gây nên tình trạng xuất huyết nặng. Trong những trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue bị xuất huyết nặng, nếu người bệnh có hiện tượng sốc cần phải tiến hành xét nghiệm xác định nhóm máu để truyền máu khi cần. Có thể truyền khối hồng cầu hoặc máu toàn phần sau khi đã bù đầy đủ dịch nhưng tình trạng sốc vẫn không được cải thiện, dung tích hồng cầu hematocrit giảm xuống nhanh mặc dù còn trên 35% và có dấu hiệu xuất huyết nặng. Phải truyền tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu giảm xuống nhanh dưới 50.000/mm3 máu kèm theo xuất huyết nặng, nếu số lượng tiểu cầu dưới 5.000/mm3 mặc dù chưa có dấu hiệu xuất huyết có thể chủ động truyền tiểu cầu tùy theo từng trường hợp cụ thể. Một số trường hợp cần xem xét truyền huyết tương tươi đông lạnh, tủa lạnh khi người bệnh có rối loạn đông máu dẫn đến xuất huyết nặng. Quá trình điều trị phải theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở, da, niêm mạc; tìm khả năng của tình trạng xuất huyết nội để chỉ định truyền máu kịp thời. Cần thận trọng khi tiến hành thủ thuật tại các vị trí khó cầm máu như tĩnh mạch cổ, tĩnh mạch dưới xương đòn gánh. Trong các trường hợp có tổn thương gan, suy gan cấp tính phải điều chỉnh rối loạn đông máu và xuất huyết tiêu hóa bằng huyết tương tươi đông lạnh 10 - 5 ml/kg cân nặng; nếu xuất huyết tiêu hóa và fibrinogen dưới 1g/L điều trị bằng tủa lạnh 1 đơn vị/6kg cân nặng; nếu xuất huyết tiêu hóa và số lượng tiểu cầu dưới 50.000/mm3 máu điều trị bằng tiểu cầu đậm đặc; sử dụng thêm vitamin K1, có thể điều trị và phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa với ranitidine hoặc omeprazole. Lưu ý chỉ cho bệnh nhân xuất viện khi người bệnh hết sốt được 2 ngày, tinh thần tỉnh táo, mạch và huyết áp bình thường và số lượng tiểu cầu trên 50.000/mm3 máu.
|