Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 8 2 4 9 0
Số người đang truy cập
6 6 6
 Chuyên đề Giun
Hình ảnh trứng giun (ảnh sưu tầm)
Nhiễm giun truyền qua đất: Thông tin cập nhật về phân bố, tỷ lệ nhiễm , sự lan truyền, triệu chứng và các khuyến nghị của WHO

Những thông tin chính về nhiễm giun truyền qua đất (Soil-transmitted helminth infections)

+ Nhiễm giun truyền qua đất nguyên nhân do các loài giun ký sinh khác nhau.

+ Chúng được lan truyền thông qua trứng giun có mặt trong phân vật chủ được thải ra ngoài làm ô nhiễm đất ở những khu vực vệ sinh kém.

+ Khoảng 1,5 tỷ người nhiễm giun truyền qua đất trên toàn thế giới.

+ Trẻ em nhiễm giun sẽ làm suy giảm về mặt thể chất và dinh dưỡng.

+ Phòng chống nhiễm giun truyền qua đất dựa vào tẩy giun định kỳ để loại trừ nhiễm giun, giáo dục sức khỏe để ngăn chặn tái nhiễm và cải thiện vệ sinh để làm giảm ô nhiễm đất từ trứng giun.

+ Có sẵn các loại thuốc điều trị hiệu quả và an toàn để phòng chống nhiễm giun truyền qua đất.

Nhiễm giun truyền qua đất là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất trên thế giới và ảnh hưởng đến các cộng đồng nghèo nhất và thiếu thốn nhất. Bệnh lây truyền qua trứng có trong phân người thải ra ngoài, từ đó làm ô nhiễm đất ở các khu vực có điều kiện vệ sinh kém.

Các loài giun chính gây bệnh cho người gồm giun tròn (Ascaris lumbricoides), giun đũa (Trichuris trichiura) và giun móc (Necator AmericanusAncylostoma duodenale). Những loài giun truyền qua đất này thường được đưa vào một nhóm bởi vì các quy trình chẩn đoán các loài giun này giống nhau và chúng đáp ứng với cùng loại thuốc.

Riêng giun lươn (Strongyloides stercoralis) là một loại giun đường ruột có các đặc điểm riêng biệt: ký sinh trùng này đòi hỏi các phương pháp chẩn đoán khác với các loại giun truyền qua đất khác. Ngoài ra, ký sinh trùng này không nhạy cảm với thuốc albendazole hoặc mebendazole và do đó không bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch điều trị dự phòng quy mô lớn nhằm vào các loại giun truyền qua đất khác.

Phân bố và tỷ lệ nhiễm trên toàn cầu

Trên thế giới có hơn 1,5 tỷ người, tương đương 24% dân số thế giới bị nhiễm giun truyền qua đất. Nhiễm giun truyền qua đất phân bố rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, tập trung lớn nhất ở khu vực châu Phi cận Sahara, châu Mỹ, Trung Quốc và Đông Á.

Có hơn 267 triệu trẻ em trước độ tuổi đến trường và hơn 568 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường sống ở những khu vực mà các loài ký sinh trùng này lan truyền mạnh mẽ và cần được điều trị và can thiệp để phòng ngừa nhiễm bệnh.

Tuy nhiên ước tính có hơn 600 triệu người trên toàn cầu nhiễm giun lươn, vì ký sinh trùng này cũng lây truyền ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém, cho nên phân bố địa lý của loài này giống với các loài giun truyền qua đất khác.

Sự lan truyền

Giun truyền qua đất lây truyền do trứng được đào thải qua phân người nhiễm bệnh. Giun trưởng thành sống trong ruột và chúng đẻ hàng ngàn quả trứng mỗi ngày. Ở những khu vực thiếu vệ sinh, những trứng giun này được phát tán ra ngoại cảnh sẽ làm ô nhiễm đất. Sự lan truyền có thể xảy ra theo nhiều cách:

+ Trứng giun dính vào rau củ chưa nấu chín hoặc rửa, gọt không sạch và được con người ăn vào;

+ Trứng được đưa vào cơ thể khi uống nước bị nhiễm trứng;

+ Trứng được đưa vào cơ thể trẻ con khi chúng chơi ở khu vực đất bị nhiễm trứng rồi đưa tay vào miệng mà chưa rửa tay sạch sẽ.

Ngoài ra, trứng giun móc nở trong đất, giải phóng ấu trùng và phát triển thành một dạng có thể chủ động xâm nhập vào da. Người bị nhiễm giun móc chủ yếu do đi bằng chân trần trên vùng đất bị nhiễm trứng.

Không có sự lây truyền trực tiếp từ người sang người, hoặc nhiễm từ phân tươi, bởi vì trứng thải ra từ phân cần khoảng 3 tuần để trưởng thành trong đất trước khi có khả năng gây nhiễm.

Giun đũa, giun tóc và giun móc không nhân lên trong vật chủ (con người), tái nhiễm chỉ xảy ra do tiếp xúc với các giai đoạn lây nhiễm trong môi trường. Giun lươn có thể sinh sản ở vật chủ (trứng tự nở trong lồng ruột) và ở những người bị suy giảm miễn dịch, sự nhân lên không kiểm soát của nó có thể gây tử vong.

Những ảnh hưởng về mặt dinh dưỡng

Nhiễm giun truyền qua đất làm suy giảm tình trạng dinh dưỡng của những người mà chúng lây nhiễm theo nhiều cách khác nhau:

+ Giun ăn các mô của vật chủ gồm cả máu, dẫn đến mất chất sắt và protein.

+ Ngoài ra giun móc còn gây mất máu đường ruột mãn tính có thể dẫn đến thiếu máu.

+ Giun làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, giun đũa có thể cạnh tranh giành vitamin A trong ruột.

+ Một số giun truyền qua đất cũng gây ra chán ăn, do vậy làm giảm lượng dinh dưỡng và suy giảm thể lực. Đặc biệt, giun tóc có thể gây tiêu chảy và kiết lỵ.

Tỷ lệ nhiễm bệnh và các triệu chứng

Tỷ lệ nhiễm bệnh liên quan đến số lượng giun có trong cơ thể vật chủ. Những người nhiễm giun với cường độ nhẹ (vài con giun) thường không biểu hiện bệnh. Còn những người nhiễm nặng hơn có thể gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm các biểu hiện đường ruột (tiêu chảy và đau bụng), suy dinh dưỡng, suy nhược và suy yếu cơ thể và phát triển thể chất.

Nhiễm giun cường độ rất cao có thể gây ra tắc nghẽn đường ruột, do vậy cần được điều trị bằng phẫu thuật.

Giun lươn có thể gây ra bệnh lý da liễu và dạ dày-ruột và cũng được biết là có liên quan đến suy dinh dưỡng mãn tính ở trẻ em. Trong trường hợp giảm khả năng miễn dịch của vật chủ, ký sinh trùng có thể gây ra hội chứng tăng nhiễm/nhiễm lan tỏa gây tử vong bất cứ lúc nào nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời và thường gây tử vong mặc dù đã được chữa trị.

Chiến lược kiểm soát của Tổ chức Y tế thế giới

Năm 2001, các đại biểu tại Hội đồng Y tế thế giới nhất trí thông qua nghị quyết (WHA54.19) kêu gọi các nước lưu hành bắt đầu nghiêm túc xử lý các loại giun, đặc biệt là bệnh sán máng (schistosomiasis) và giun truyền qua đất.

Chiến lược kiểm soát nhiễm giun truyền qua đất là kiểm soát tỷ lệ nhiễm bệnh thông qua việc tẩy giun định kỳ cho những người có nguy cơ sống ở các vùng lưu hành. Những người có nguy cơ là:

+ Trẻ em trước độ tuổi đi học.

+ Trẻ em trong độ tuổi đi học.

+ Phụ nữ trong độ tuổi mang thai (bao gồm cả phụ nữ mang thai trong 3 tháng giữa thai kỳ và 3 tháng cuối thai kỳ và phụ nữ cho con bú).

+ Những người trưởng thành làm một số ngành nghề có nguy cơ cao như công nhân mỏ hoặc những công nhân hái trà.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị điều trị bằng thuốc định kỳ (tẩy giun) mà không cần chẩn đoán trước đối với tất cả những người có nguy cơ sống ở những vùng lưu hành. Biện pháp can thiệp này làm giảm tỷ lệ nhiễm thông qua đó giảm gánh nặng giun. Ngoài ra:

+ Giáo dục vệ sinh và sức khỏe làm giảm lan truyền và tái nhiễm bằng cách khuyến khích các hành vi lành mạnh.

+ Cung cấp phương tiện vệ sinh đầy đủ cũng rất quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được ở những vùng có nguồn lực kém.


Hình 1. Số trẻ em trong độ tuổi và trước độ tuổi đến trường được điều trị và sự tiến bộ về độ bao phủ
hóa điều trị dự phòng, 2003-2017 (WHO, tháng 01/2020)

Mục tiêu tẩy giun định kỳ nhằm giảm tỷ lệ và cường độ nhiễm và để bảo vệ những người có nguy cơ nhiễm bệnh.

Hoạt động tẩy giun có thể dễ dàng kết hợp với các ngày sức khỏe trẻ em hoặc các chương trình bổ sung cho trẻ mẫu giáo hoặc phối hợp với các chương trình y tế học đường. Năm 2018, có hơn 676 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường được điều trị bằng thuốc tẩy giun ở các quốc gia lưu hành, tương đương 53% trong tổng số trẻ em có nguy cơ mắc bệnh.

Trường học là một nơi tiếp nhận đặc biệt tốt cho các hoạt động tẩy giun, vì chúng cho phép các hoạt động giáo dục sức khỏe và vệ sinh được diễn ra dễ dàng, chẳng hạn như khuyến khích rửa tay và cải thiện điều kiện vệ sinh.

Tổ chức Y tế thế giới đã bổ sung nội dung kiểm soát tỷ lệ mắc bệnh do giun lươn là mục tiêu cho năm 2030. Điều này sẽ khả thi vì thuốc ivermectin dự kiến có sẵn với chi phí phải chăng. Phân phối thuốc ivermectin được dự kiến thông qua các nền tảng được sử dụng để kiểm soát các bệnh do giun truyền qua đất khác. Các biện pháp can thiệp thí điểm hiện đang được áp dụng để điều chỉnh chiến lược và đánh giá tác động của nó.

Các loại thuốc được WHO khuyến cáo

Các loại thuốc tẩy giun được WHO khuyến cáo gồm albendazole (400 mg) và mebendazole (500 mg) là những thuốc có hiệu quả, rẻ tiền và dễ quản lý bởi các cán bộ không liên quan đến y tế (ví dụ: giáo viên). Các loại thuốc này đã trải qua thử nghiệm an toàn trên diện rộng và đã được hàng triệu người sử dụng với rất ít tác dụng phụ.


Hình 2. Tình hình hóa điều trị dự phòng bệnh giun truyền qua đất trên toàn cầu năm 2018
(WHO, tháng 02/2020)

Cả thuốc albendazole và mebendazole đều đã được tài trợ cho Bộ Y tế các nước thông qua Tổ chức Y tế thế giới ở tất cả các quốc gia lưu hành để điều trị cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường.

Dự kiến thuốc Ivermectin cho công tác phòng chống giun lươn sẽ có sẵn với giá phải chăng từ năm 2021.

Mục tiêu toàn cầu

Có 6 mục tiêu toàn cầu vào năm 2030 đối với các bệnh giun truyền qua đất:

1.Đạt được và duy trì công tác loại trừ nhiễm giun truyền qua đất ở trẻ mẫu giáo và trẻ em trong độ tuổi đi học.

2.Giảm số viên thuốc cần thiết trong hóa điều trị dự phòng đối với nhiễm giun truyền qua đất.

3.Tăng hỗ trợ tài chính trong nước cho hóa điều trị dự phòng đối với nhiễm giun truyền qua đất.

4.Xây dựng một chương trình phòng chống bệnh giun truyền qua đất hiệu quả ở thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai và cho con bú.

5.Xây dựng một chương trình phòng chống bệnh giun lươn hiệu quả ở trẻ em trong độ tuổi đi học.

6.Đảm bảo người dân được tiếp cận ít nhất là các điều kiện vệ sinh cơ bản vào năm 2030 tại các khu vực lưu hành bệnh giun truyền qua đất.


Tài liệu tham khảo:

1.https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/soil-transmitted-helminth-infections

2.https://www.who.int/neglected_diseases/preventive_chemotherapy/PC_Update.pdf

3.https://www.who.int/publications/i/item/9789240000315

 

Ngày 07/07/2020
ThS. Trần Phương Duyên
(Biên dịch)
(Nguồn: www.who.int)
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.



• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích