Nhận diện rệp giường hút máu
Theo thông tin, vừa qua tại khách sạn ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã phát hiện loại rệp giường hút máu một người khách nước ngoài đến lưu trú. Vai trò truyền bệnh của loại rệp giường chưa được các nhà khoa học xác định, nó chỉ gây mối phiền hà trong sinh hoạt do chích đốt máu, gây dị ứng, ngứa, khó chịu và mất ngủ. Rệp giường có thể phát tán từ nước này qua nước khác, từ vùng này qua vùng khác theo hành lý, quần áo, chăn màn... Rệp giường thuộc chi Cimex, họ rệp Cimicidae. Vai trò truyền bệnh của loại rệp giường chưa được xác định rõ ràng. Nó chỉ làm phiền hà cho sinh hoạt của con người vì khi chích đốt máu gây cảm giác khó chịu, đặc biệt là mất ngủ ban đêm, lâu ngày làm suy giảm sức khỏe. Vì vậy, cần nhận diện loại rệp giường gây phiền hà để phát hiện, có biện pháp xử lý phù hợp. Rệp phát triển qua 3 giai đoạn: trứng, thanh trùng và rệp trưởng thành. Cơ thể của rệp trưởng thành gồm 3 phần: đầu, ngực và bụng. Toàn bộ cơ thể được bao bọc bằng một lớp kitin, có màu nâu hoặc nâu đen. Đầu rệp hơi vuông, gắn vào đốt ngực thứ nhất, đốt này lõm vào thành một hố, phần đầu chỉ nhô ra từ mắt. Hai bên đầu có 2 mắt kép to, phía trước đầu có 2 râu. Mỗi râu có 4 đốt , giữa hai râu có vòi hút máu. Ngực rệp có hai cánh thoái hóa, có 3 đôi chân rất phát triển, trên chân có nhiều lông cứng. Bàn chân có 4 đốt, đối cuối có móng nhọn sắc. Bụng rệp có 8 đốt. Ở rệp đực, đốt thứ tám phát triển thành cơ quan sinh dục. Ở rệp cái, phần cuối bụng tròn lại, trên đốt thứ bảy nhìn rõ khe âm đạo, hai bên rìa đốt thứ tư có 2 hố nhỏ. Rệp trưởng thành có tuyến hôi tiết ra chất có mùi hôi rất đặc thù nằm ở gốc đôi chân thứ ba nhưng ở thanh trùng tuyến này nằm ở mặt lưng từ đốt bụng thứ ba đến đốt bụng thứ năm. Rệp trưởng thành có 2 đôi lỗ thở ở ngực và 7 đôi lỗ thở ở bụng. Cơ quan tiêu hóa của rệp gồm: vòi hút máu, thực quản nhỏ hình ống và dạ dày; trước dạ dày có hai tuyến nước bọt đổ vào; sau dạ dày là ruột và trực tràng. Cơ quan bài tiết có ống Malpighi đổ vào ruột và trực tràng. Cơ quan sinh dục của rệp cái có hai buồng trứng, mỗi buồng trứng có dây trứng đổ vào ống dẫn trứng, Hai ống dẫn trứng này nhập làm một trước khi đổ vào âm đạo. Trứng rệp hình bầu dục, màu trắng đục. Trứng nở ra thanh trùng và phát triển thành rệp trưởng thành. Cả thanh trùng và rệp trưởng thành đều hút máu, thường vào ban đêm. Khi dọn dẹp nhà cửa, phòng ở, cần thận trọng kiểm tra, phát hiện và nhận diện sự có mặt của loại rệp giường để xử lý bằng biện pháp vệ sinh giường ngủ, đồ dùng, diệt trừ bằng nước sôi pha xà phòng, phơi nắng... Sử dụng hóa chất diệt côn trùng ít có hiệu quả đối với rệp vì nó có vỏ kitin dày bảo vệ. Mặc dù vai trò truyền bệnh của loài rệp hút máu chưa rõ ràng nhưng nó có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác theo hành lý, áo quần, chăn màn... của những người khách đến lưu trú để phát tán, trú ẩn, phát triển, chích đốt máu, gây mối phiền hà cho sinh hoạt của người khác sau đó. Trường hợp rệp hút máu một người khách nước ngoài lưu trú tại khách sạn ở quận Hai Bà Trưng, Hà Hội có thể ở trong tình huống này. Cần tăng cường công tác kiểm dịch y tế quốc tế để chủ động kiểm soát mầm bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, côn trùng... ngoại nhập vào nội địa.
|