|
Loài bọ chó truyền nhiễm bệnh chết người đang gây hoang mang ở Trung Quốc. Ảnh: Internet. |
Cần biết các bệnh do ve truyền
Vừa qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin tại hai tỉnh Hà Nam, Sơn Đông, Trung Quốc đã có hàng trăm người mắc bệnh nghi ngờ do một loài ve truyền và làm cho 31 trường hợp bị tử vong. Loài ve nghi ngờ truyền bệnh rất giống loại ve chó. Cần biết các bệnh do ve truyền để phòng bệnh. Đặc điểm của loài ve Ve là loài chân đốt hút máu người và động vật. Chúng có mặt ở khắp nơi trên thế giới, đóng vai trò vật truyền bệnh của nhiều loại bệnh. Những bệnh do ve truyền gây bệnh cho người được biết rõ là sốt hồi quy do ve, sốt đốm vùng núi đá, sốt Q và bệnh Lyme. Ve cũng là vật truyền bệnh cho động vật nuôi và có thể gây nên nhiều thiệt hại về kinh tế. Có hai họ ve có thể phân biệt rõ ràng là ve thân cứng (Ixodiae) gồm khoảng 650 loài và ve thân mềm (Argasidae)gồm khoảng 150 loài. Ve không phải là côn trùng, chúng có thể dễ dàng nhận biết vì ve trưởng thành có 4 đôi chân và thiếu sự phân đốt rõ ràng của cơ thể. Ve có vòng đời gồm một giai đoạn ấu trùng 6 chân và một hoặc nhiều giai đoạn thiếu trùng 8 chân. Các giai đoạn thiếu trùng giống với ve trưởng thành và ở mỗi một giai đoạn nó cần phải hút máu trước khi phát triển giai đoạn tiếp theo. Ve trưởng thành sống được vài năm, trong trường hợp không có thức ăn nó có thể nhịn đói và cũng sống được vài năm. Cả ve đực và ve cái đều đốt máu, ve đực không đốt máu thường xuyên bằng ve cái và cả ve đực, ve cái đều có thể là vật truyền bệnh. Mầm bệnh từ ve không những chỉ truyền bệnh từ người này sang người khác qua máu khi bị ve đốt mà ve cái cũng có thể truyền lại tác nhân gây bệnh cho thế hệ sau. Các loại ve thường gặp Loại ve thân mềm trưởng thành có đặc điểm bên ngoài dẹt, hình bầu dục, cơ thể dài, nhăn nheo. Phần phụ miệng nằm ở phía dưới cơ thể và không nhìn thấy từ phía trên. Trứng được đẻ ở những chỗ ve trưởng thành trú ẩn như các khe hở, kẽ nứt trên tường nhà, sàn nhà, và ngay cả trong đồ dùng. Cả ấu trùng, thiếu trùng và ve trưởng thành đều có hoạt động tìm vật chủ để đốt máu, sau thời gian đốt máu khoảng 30 phút, chúng rơi xuống đất. Hầu hết các loài ve đều có thể sống được hơn một năm giữa hai lần đốt máu và một vài loài có thể sống hơn 10 năm. Ve thân mềm sống cách biệt với vật chủ và thấy phổ biến nhất ở các tổ và nơi ở của động vật mà chúng đốt máu. Một số loài như ve gà, ve bồ câu... có thể đốt máu người khi không có vật chủ ưa thích. Những loài ve thân mềm thường đốt máu người được phát hiện ở chung quanh làng mạc và ở trong nhà. Tập tính của chúng gần giống với rệp là thường rời khỏi vị trí trú ẩn vào ban đêm để đi tìm đốt máu người và động vật. Một số loài thường ở trên đường đi của các nhà nghỉ, những nơi cắm trại, các hang động, khe, kẽ... | Ảnh: Internet. | Loại ve thân cứng trưởng thành có hình bầu dục, dẹt và dài khoảng 3 đến 23 mm tùy thuộc từng loài. Có thể nhìn thấy phần phụ miệng ở phía trước cơ thể, khác với loại ve thân mềm. Ve thân cứng có một tấm hình khiên gọi là scutum ở sau đầu kéo dài về phần thân và cấu trúc này chỉ có ở giai đoạn thiếu trùng. Trứng được đẻ vào đất với số lượng lớn. Ấu trùng rất nhỏ, dài từ 0,5 đến 1,5 mm; chúng bò lên cây cỏ, đợi khi một vật chủ thích hợp đi qua, nó bò bám vào vật chủ, tấn công đốt máu ở những chỗ ưa thích như tai và mi mắt. Sau một vài ngày khi đã hút no máu, chúng rơi xuống đất, tìm nơi trú ẩn và lột xác thành thiếu trùng. Thiếu trùng lại đi tìm vật chủ đốt máu, khi no máu sẽ lột xác thành ve trưởng thành. Ve cái trưởng thành bò lên cây cỏ, đợi vật chủ thích hợp đi qua sẽ bò bám để đốt máu; nó ở lại trên vật chủ từ 1 đến 4 tuần, sau đó rơi xuống đất, tìm chỗ trú ẩn dưới các khe đá, lá cây và đẻ trứng. Hầu hết các loại ve thân cứng đốt 3 loại vật chủ khác nhau như vật chủ ở giai đoạn ấu trùng, giai đoạn thiếu trùng và ve trưởng thành. Tuy nhiên, một vài loài ve chỉ đốt một hoặc hai vật chủ. Vì chúng bám vào vật chủ để đốt máu một vài ngày nên ve thân cứng có thể được mang đi rất xa. Sự kết hợp giữa việc đốt máu những vật chủ khác nhau với việc phát tán đi khá xa nên một phần nào giải thích được tầm quan trọng trong vai trò truyền bệnh của loại ve thân cứng này.
| Loài bọ chó truyền nhiễm bệnh chết người đang gây hoang mang ở Trung Quốc. Ảnh: Internet. | Khả năng truyền bệnh của ve
Ve đốt máu gây rất đau ở chỗ vết đốt, có nhiều trường hợp bị viêm nhiễm nặng, kể cả người và động vật; có thể làm thiếu máu. Chúng có tầm quan trọng, ảnh hưởng đối với sức khỏe của cộng đồng với một số bệnh do ve truyền sau đây: - Sốt hồi quy: do bị nhiễm vi khuẩn thuộc giốngBorrelia được lây truyền bởi ve thân mềm hút máu thuộc giống Ornithodoros. Bệnh gây nên các cơn sốt xen kẽ với thời gian không sốt và tỷ lệ tử vong khoảng 2-10% nếu không được phát hiện, điều trị. - Hội chứng liệt: do loại ve thân cứng truyền nước bọt có độc tố vào cơ thể người qua chỗ vết đốt máu. Một số độc tố có thể gây nên hội chứng ở người và động vật được gọi là hội chứng liệt. Bệnh xuất hiện từ 5 đến 7 ngày sau khi bị ve đốt máu, gây tê liệt ở chân,ảnh hưởng đến khả năng nói, nuốt và thở. Bệnh có thể xảy ra ở khắp nơi trên thế giới và phổ biến, nguy hiểm nhất đối với trẻ em dưới 2 tuổi. - Sốt Rickettsia: nhóm bệnh này có liên quan chặt chẽ đến vi khuẩn Rickettsia do lây truyền bởi ve đốt máu hoặc qua xác ve chết, phân ve...; chủ yếu là các bệnh sốt phát ban, bệnh sốt Q. Sau khi người bị ve đốt, triệu chứng được phát hiện là đột nhiên sốt kéo dài vài tuần lễ, cảm giác khó chịu, đau nhức cơ khớp; đau đầu dữ dội và ớn lạnh. Đôi khi bị phát ban toàn thân. Tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 15-20% nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị. - Bệnh Lyme: là bệnh phát ban kinh niên, bệnh nặng và thường gây suy nhược cơ thể do xoắn khuẩn Borrelia burgdorfrei gây nên. Bệnh chủ yếu do loài ve thân cứng truyền, phổ biến vào mùa hè. Các loài gậm nhấm nhỏ, đặc biệt là chuột đóng vai trò nguồn bệnh, còn các loài thú lớn chủ yếu đóng vai trò vật chủ nuôi dưỡng các quần thể ve. Ấu trùng ve nhiễm bệnh trong khi đốt máu chuột và thiếu trùng hoặc ve trưởng thành có thể truyền xoắn khuẩn trong những lần đốt máu tiếp theo. Thể bệnh cấp tính giống bệnh cúm, có đặc điểm nốt ban đỏ lan rộng, kèm theo sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ khớp. Vài tuần hoặc vài tháng sau khi bị ve đốt có thể thấy sưng và đau ở các khớp lớn như đầu gối, khuỷu tay, viêm não, liệt mặt, tổn thương mắt và viêm cơ tim... Có thể vài năm sau đó bị mòn sụn, viêm khớp và rối loạn chức năng thần kinh cơ. - Bệnh Tularaemia: còn gọi là bệnh sốt thỏ, sốt ruồi hươu, bệnh Ohara do mầm bệnh Francisella tularensis gây nên. Triệu chứng bệnh thay đổi tùy thuộc phương thức tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể như gây đau đầu, ớn lạnh, sốt, sưng hạch bạch huyết... - Bệnh viêm não virus: là nhóm bệnh do virus gây nên viêm não cấp, viêm tủy sống và màng não. Các triệu chứng thay đổi tùy theo dạng nhiễm bệnh. Trường hợp nặng có thể gây đau đầu dữ dội, sốt cao, buồn nôn, hôn mê và tử vong. Ngoài ra, ve còn có thể là vật truyền bệnh của một số bệnh do virus khác như bệnh rừng Kyasamur, bệnh xuất huyết Omsk, bệnh sốt ve Colorado, bệnh sốt xuất huyết Crimean Congo... Các biện pháp phòng, chống ve đốt máu Các biện pháp phòng chống ve đốt máu thường được áp dụng là tự bảo vệ cá nhân và bảo vệ cộng đồng. Biện pháp tự bảo vệ cá nhân gồm sử dụng hóa chất xua, quần áo bảo hộ, quần áo tẩm chất xua, lấy ve ra khỏi chỗ đốt, dùng hóa chất diệt ve đối với động vật nuôi, phun hóa chất diệt ve ở trong nhà và nơi ở của động vật, dùng màn ngủ tẩm hóa chất... Biện pháp bảo vệ cộng đồng gồm phun hóa chất ở diện rộng, quản lý thảm thực vật, quản lý vật chủ, sử dụng vật liệu dùng làm tổ được tẩm hóa chất diệt... Muốn phòng, chống loại ve đốt máu có khả năng truyền bệnh; cần áp dụng nhiều biện pháp phối hợp; trong đó biện pháp hữu hiệu nhất là tránh xa những nơi có ve trú ẩn, hoạt động; phòng tránh không cho ve đốt máu và phòng chống ve truyền bệnh bằng các phương pháp khác nhau. Hiện nay, các chuyên gia của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) tại Trung Quốc tạm thời đặt tên cho dịch bệnh nghi ngờ do loài ve truyền tại hai tỉnh Hà Nam và Sơn Đông phát hiện vừa qua đã làm cho 31 trường hợp bị tử vong là “Hội chứng sốt giảm tiểu cầu”. Vấn đề này đang được các nhà nghiên cứu của Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục khảo xác, xác định để có kế hoạch, biện pháp chủ động kiểm soát, phòng chống dịch bệnh lây lan một cách hiệu quả .
|