Cập nhật thông tin về bọt xít hút máu tại Việt Nam
Bọ xít hút máu người ở Việt Nam không truyền bệnh ngủCục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế hôm qua đã ra thông báo cho biết, bọ xít hút máu người phát hiện ở một số địa phương trong thời gian gần đây đã được các chuyên gia phân loại bọ xít của Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật định loại là Triatoma rubrofassiata (khác với loài bọ xít Triatoma dimidiata phổ biến ở Trung Mỹ và loài Triatoma infestans phổ biến ở vùng Nam Mỹ có thể truyền bệnh Chagas - còn gọi là bệnh ngủ). Cho đến nay, chưa có tài liệu nào công bố có bệnh Chagas ở VN. Đồng thời, chưa có tài liệu nào công bố giống bọ xít Triatoma tại VN có khả năng truyền bệnh Chagas. Kết quả xét nghiệm máu của 19 người bị bọ xít đốt không phát hiện ký sinh trùng gây bệnh Chagas. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người bị bọ xít đốt nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt, nếu vết đốt sưng nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng. Phát hiện ổ bọ xít hút máu người tại TP.HCMSáng ngày 24.9, một ổ bọ xít hút máu người có thể lên đến cả trăm con đã được phát hiện tại nhà số 91 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Đây là kho chứa giấy tờ, hồ sơ chứng từ lưu trữ của Công ty CP thương mại dịch vụ quốc tế Thiên Phú. Nhận được tin báo phát hiện bọ xít hút máu người, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM lập tức cử người xuống kiểm tra. Chỉ trong khoảng 15 phút, đã có hơn 20 con bọ xít được phát hiện. Do là kho chứa giấy tờ nên không gian trong kho tối, ẩm thấp và bốc mùi mốc. | Bắt bọ xít hút máu người - Ảnh: Nguyên Mi |
Anh Mai Đình Thắng (Phòng Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM), người trực tiếp tiếp nhận và nghiên cứu, theo dõi các trường hợp phát hiện bọ xít hút máu người, cho biết: "Đây là môi trường thuận lợi cho bọ xít sinh sôi. Với số lượng bọ xít vừa bắt được cũng như môi trường tại kho này, đánh giá ban đầu có thể xác nhận đây là một ổ bọ xít hút máu người lớn, có thể lên đến hàng trăm con". “Ngoài loài bọ xít hút máu người đã được xác định và phát hiện tại TP.HCM trong những ngày gần đây, ổ bọ xít này còn có thêm nhiều chủng loại bọ xít khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để xác định xem những loài này có hút máu người hay không", anh Thắng thông tin thêm. Anh Nguyễn Vĩnh Phú, nhân viên của công ty, người phát hiện ra bọ xít hút máu người trong kho, kể lại: "Tôi vào kiếm hồ sơ cũ thì tình cờ đạp trúng một con bọ xít, thấy máu từ trong thân con bọ xít này xịt ra rất nhiều. Nhìn con bọ xít rất giống hình loài bọ xít hút máu người được đăng trên báo nên liền gọi điện báo cho Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng". Hướng xử lý đối với ổ bọ xít lớn này là phải dọn dẹp tất cả các đồ đạc ra ngoài, bắt bọ xít, diệt trứng của chúng, làm vệ sinh hết căn phòng. Hiện nay, bọ xít vẫn phải bắt thủ công. Bên cạnh đó, với ổ bọ xít lớn có thể sử dụng thuốc diệt côn trùng phun với nồng độ cao, anh Thắng hướng dẫn. Loài bọ xít hút máu người ở Việt Nam hiện nay được xác định là loài Triatoma Rubrofossiata. Những mẫu bọ xít hút máu người phát hiện tại TP.HCM trong những ngày vừa qua được Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM gửi ra Hà Nội xác nhận cho kết quả cùng loài với bọ xít hút máu người được phát hiện tại Hà Nội. | Ảnh: Nguyên Mi |
Bọ xít hút máu: Chưa truyền bệnh vì thiếu vật chủ? Gần đây, dư luận xôn xao về việc phát hiện loài bọ xít hút máu người có thể gây bệnh. Nhiều người hoang mang lo sợ bọ xít sẽ gây bệnh cho cộng đồng nếu không biết phòng tránh, vậy thực hư chuyện này như thế nào? Bọ xít mà người dân phát hiện thực ra không phải loài mới du nhập vào Việt Nam mà đã có từ lâu ở nước ta. Tất cả những ai từng sống ở nông thôn hoặc tỉnh lẻ đều dễ dàng nhận biết loài côn trùng này. Chúng có mùi hôi đặc trưng, sống trên tường đất hoặc mái tranh, ở giường chiếu bẩn. Loài này có tên khoa học là Triatoma (thuộc họ Triatominae), là loài bọ xít hút máu người và động vật. Có 138 loài bọ xít thuộc họ Triatominae phân bố ở châu Mỹ và châu Phi có thể truyền bệnh như Triatoma barberi ở Mexico, Triatoma brasiliensis ở Brazil, Triatoma infestans ở Bolivia, Rhodnius prolixus, Panstrongylus megistus... Loài này là vật trung gian truyền bệnh Chagas, một bệnh do ký sinh trùng Trypanosoma cruzi gây ra. Bệnh này hoành hành ở khu dân cư kém vệ sinh, nhà tranh vách đất, vùng ngoại ô nghèo... Ở Việt Nam từ trước đến nay chưa phát hiện bệnh do Trypanosoma cruzi gây ra, nghĩa là ký sinh trùng Trypanosoma cruzi chưa hiện diện ở người Việt Nam. Do đó, bọ xít ở Việt Nam nếu có hút máu người cũng không lan truyền được bệnh này vì không có ký sinh trùng gây bệnh ở vật chủ. Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng có một số loài ký sinh trùng Trypanosoma spp gây bệnh ở động vật, vấn đề chúng có khả năng gây bệnh cho người qua vật trung gian là bọ xít hay không thì cần được nghiên cứu thêm. Mặt khác, hiện nay do điều kiện kinh tế xã hội thay đổi, làn sóng du lịch, di cư xảy ra toàn cầu nên chúng ta cũng cần quan tâm đến mầm bệnh Trypanosoma cruzi có thể du nhập vào nước ta do du khách đến từ châu Phi, Nam Mỹ. Nếu những du khách này du lịch sinh thái vào các vùng nông thôn, rừng núi ở Việt Nam và bị bọ xít hút máu thì viễn cảnh mầm bệnh lan rộng ở Việt Nam là điều có thể. Điều cần thiết hiện nay là phòng tránh bị bọ xít cắn và không nên hoang mang vì vẫn chưa chứng minh được bọ xít ở Việt Nam có mang mầm bệnh Chagas.
|