|
Hình ảnh tổn thương vùng da mặt do L.tropica. Nguồn ảnh:http://hoanmysaigon.com |
Muỗi cát (Phlebotomus) truyền bệnh gì ?
Muỗi truyền bệnh có nhiều loại khác nhau. Trong thời gian qua, muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, giun chỉ bạch huyết... đã được nói đến nhiều. Riêng loài muỗi cát ít khi được đề cập. Ở nước ta có loài muỗi này không và nó có khả năng truyền bệnh gì? Đặc điểm của loài muỗi cát và vai trò truyền bệnh Muỗi cát có tên khoa học là Phlebotomine sandflies hoặc Phlebotomus, chúng nhỏ khoảng 3mm, màu vàng trắng; trên chân, cánh, thân đều có lông. Cánh muỗi hình bầu dục, đầu mút cánh hình mũi mác. Mắt to, đen, nổi rõ, rất dễ nhận biết. Loài muỗi này có chân dài với một kiểu bay nhảy khá đặc biệt như bay một đoạn ngắn rồi lại đậu. Trái với tất cả các loại côn trùng hai cánh chích đốt khác, hai cánh của loài muỗi cát không khép vào thân khi đậu nghỉ mà dựng đứng trên thân tạo thành hình chữ V. Anten dài 16 đốt phủ đầy lông. Trứng muỗi màu đen, dài và thon ở hai đầu. Ấu trùng hình con sâu, thân chia đốt, đuôi có lông dài. Thanh trùng màu vàng, đầu hình tam giác, bụng chia đốt và uốn cong. Vòng đời của muỗi cát trải qua 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, thanh trùng và muỗi trưởng thành. Sau khi hút no máu khoảng 30 đến 36 giờ, muỗi đẻ trứng vào các khe kẽ tối, ẩm ở các bãi hoang, số lượng từ 30 đến 50 trứng. Sau 6 đến 12 ngày, trứng nở ra ấu trùng. Qua 4 lần lột xác mất khoảng thời gian 25 đến 30 ngày, chúng phát triển thành thanh trùng và sau 10 ngày nở thành muỗi trưởng thành. Thời gian hoàn thành vòng đời của muỗi cát mất từ 5 đến 9 tuần. Tuổi thọ trung bình của muỗi từ 14 đến 15 ngày. Muỗi cát sống hoang dại, trú ẩn ở các hốc cây, kẽ đá... đặc biệt hay gặp ở các tổ mối. Muỗi cát có loài trú ẩn ở trong nhà như Phlebotomus papatasi, có loài trú ẩn ở chuồng gia súc như Phlebotomus argentipes, có loài gặp nhiều ở trong rừng như Phlebotomus sergenti. Chỉ có muỗi cái mới hút máu người và các loại động vật. Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã điều tra ghi nhận tại nhiều nơi có loài muỗi cát hoạt động nhưng chỉ phân bố trong vùng rất hẹp của một địa phương. Qua nghiên cứu đã phát hiện muỗi cát ở Cẩm Bình (Hải Dương), Ghềnh (Ninh Bình), Đức Phổ (Quảng Ngãi)... Tại nước ta, loài muỗi cát chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, các nhà khoa học đang quan tâm đến vấn đề này. Muỗi cát thường đốt máu sau khi trời tối nhưng cũng có thể đốt mồi vào ban ngày ở trong rừng khi có mây che phủ. Đa số các loài muỗi cát đốt mồi ở ngoài nhà nhưng cũng có một số ít đốt mồi ở trong nhà. Do muỗi có vòi ngắn nên chúng không thể đốt máu người xuyên qua quần áo được.. Muỗi cát cái là trung gian truyền bệnh Leishmania cho súc vật thuộc các loài gậm nhấm như chuột, loài có nanh như chó, mèo, cáo... và nhiều loại động vật có vú, trong đó có cả con người. Loài muỗi này có 2 chi và 10 loài khác nhau. Ngoài vai trò truyền bệnh của muỗi cát, bệnh Leishmania còn có thể lây truyền bằng nhiều con đường khác như dùng chung kim tiêm, truyền máu có mầm bệnh, bị nhiễm bẩm sinh do mẹ truyền sang cho con qua nhau thai, sinh hoạt tình dục không an toàn, nhân viên y tế bị mắc phải trong phòng xét nghiệm, truyền từ người sang người... Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, có hệ động vật thuộc loài gậm nhấm, loài có nanh, động vật có vú và quần thể muỗi cát phong phú; thêm vào đó có số người bị suy giảm miễn dịch mắc phải như nhiễm HIV hoặc do dùng thuốc kéo dài ngày càng tăng nên khả năng tỷ lệ bị nhiễm bệnh Leishmania là vấn đề có thể xảy ra và càng gia tăng nếu không có kế hoạch phát hiện, kiểm soát và biện pháp phòng chống. Sự lây truyền bệnh Leishmania Muỗi cát đốt máu người và các loại động vật có mang mầm bệnh Leishmania vào dạ dày. Ở tại dạ dày muỗi, ký sinh trùng từ thể không roi Leishmania biến thành thể có roi Leptomonas rồi xâm nhập vào các tế bào dạ dày của muỗi cát. Tại đây, Leishmania sinh sản vô tính, đạt tới mức số lượng lớn, phá hủy tế bào dạ dày, di chuyển tới họng và vòi muỗi. Khi muỗi cát đốt người và động vật, chúng sẽ truyền các thể ký sinh trùng có roi vào người và động vật. Tại vật chủ mới, các thể ký sinh trùng có roi sẽ chuyển thành thể ký sinh trùng không roi ký sinh và gây bệnh. | Chu trình gây bệnh Leishmaniasis ở người Nguồn ảnh:http://hoanmysaigon.com |
Khi ký sinh trùng xâm nhập vật chủ mới như người, chó, mèo, cáo và những loại động vật ăn thịt khác; Leishmania ký sinh ở trong tế bào thuộc hệ thống võng mạc nội mô của các phủ tạng như gan, lách, hạch bạch huyết, tủy xương... và trong các bạch cầu đơn nhân. Trong các tế bào, Leishmania sinh sản vô tính, khi đạt đến số lượng lớn, Leishmania phá vỡ các tế bào ký sinh rồi lại xâm nhập vào các tế bào khác. Cứ như thế, Leishmania phát triển, đồng thời gây tổn thương cho các cơ quan, nội tạng của vật chủ ký sinh. Ký sinh trùng Leishmania lấy các chất dinh dưỡng từ mô tế bào của vật chủ, carbonhydrate... chủ yếu là chất dextrose rất cần thiết cho sự phát triển của ký sinh trùng. Mọi sự chuyển hóa của Leishmania theo đường ái khí, chúng sử dụng oxygen từ chất dextrose. Bệnh gây nên do nhiễm Leishmania Nguồn bệnh là người hoặc động vật có xương sống khác như chó, chuột, chồn, cáo, động vật ăn thịt, động vật gậm nhấm... Leishmania có ổ bệnh thiên nhiên lưu hành. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính trên thế giới có khoảng 12 triệu người bị nhiễm ký sinh trùng Leishmania trong số 350 triệu người ở trong vùng có nguy cơ cao và hàng năm có khoảng 600.000 người bị nhiễm mới. Qua một số nghiên cứu cho thấy bệnh do Leishmania gây ra thường hay gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải như nhiễm HIV. Thời kỳ ủ bệnh trung bình khoảng 3 tháng, ngắn nhất là 3 tuần, dài nhất là 18 tháng. Ký sinh trùng Leishmania có 3 thể loại và 3 chủng loại, mỗi chủng loại Leishmania gây ra một loại bệnh phủ tạng với các đối tượng bị nhiễm bệnh và các địa phương khác nhau như: - Bệnh Kala-azar: gọi là bệnh sốt đen, còn gọi là thể Ấn Độ. Mầm bệnh là loại ký sinh trùng Leishmania donovani. Nguồn bệnh là người, tất cả mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nhưng tỷ lệ bệnh được ghi nhận cao hơn ở người lớn. Bệnh thường có biểu hiện với các triệu chứng lâm sàng như sốt cao từ 39oC đến 40oC, sốt có dạng làn sóng. Gan, lách sưng to nhanh trong khoảng từ 3 đến 6 tháng. Da bệnh nhận có màu sẫm, tóc giòn. Bạch cầu, hồng cầu giảm nhiều. Sau khi bị mắc bệnh, nếu bệnh nhân thoát chết, trên da người bệnh xuất hiện những nốt mụn gọi là thể Leishmaniod, trong nốt mụn chứa rất nhiều ký sinh trùng Leishmania. | Một số biểu hiện bệnh Kala-Azar ảnh: http://hocvienquany.vn | - Bệnh Kala-azar trẻ em: còn gọi là thể Địa Trung Hải. Mầm bệnh là loại ký sinh trùng Leishmania donovani infantum. Bệnh thường gặp ở trẻ em. Ngoài nguồn bệnh là người, còn có các loại động vật khác như chó, chuột, sóc, chồn, cáo... Bệnh thường được biểu hiện sớm với các vết loét ở da có đường kính khoảng 2cm; sau đó xuất hiện các triệu chứng như bệnh Kala-azar ở người lớn như sốt cao, sốt có dạng làn sóng; gan, lách sưng to, da bị sẫm màu... nhưng ở vào giai đoạn sau không xuất hiện các nốt mụn Leishmaniod như thể bệnh ở người lớn.
- Bệnh Leishmania phủ tạng Đông Phi: còn gọi là thể châu Phi. Mầm bệnh là loại ký sinh trùng Leishmania donovani archibadi. Nguồn bệnh là người và các loại động vật có vú hoang dại, động vật ăn thịt và động vật gậm nhấm. Bệnh xuất hiện những nốt mụn ở trên da, sau trở thành vết loét. Bệnh nhân bị sốt, gan, lách sưng to, da sẫm màu; có thể có những nốt mụn Leishmaniod ở da sau khi bệnh lùi. | | Leishmania sp. Nguồn ảnh:http://hoanmysaigon.com | Hình ảnh tổn thương vùng da mặt do L.tropica Nguồn ảnh:http://hoanmysaigon.com |
Chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh Chẩn đoán bệnh do nhiễm Leishmania dựa vào các biệu hiện triệu chứng lâm sàng điển hình như sốt có dạng làn sóng, gan, lách sưng to; da sẫm màu, vết loét ở trên da hoặc có các nốt mụn Leishmaniod. Việc chẩn đoán ký sinh học cần căn cứ vào xét nghiệm máu, dịch vết loét... để làm tiêu bản nhuộm giemsa, soi phát hiện Leishmania có thể amastigote. Ngoài ra, có thể sinh thiết hạch, gan, lách, tủy xương tìm thể ký sinh trùng amastigote của Leishmania; nuôi cấy trong môi trường NNN (Novy MacNeal Nicolle) làm tiêu bản soi phát hiện thể proamastigote. Việc chẩn đoán bằng các phương pháp huyết thanh miễn dịch như phản ứng ngưng kết hạt trực tiếp, miễn dịch men, miễn dịch huỳnh quang... rất có ý nghĩa trong những trường hợp không có điều kiện thực hiện phương pháp trực tiếp như bị nguy cơ gây chảy máu lớn; xét nghiệm này có thể gây phản ứng chéo với sốt rét, Toxoplasma, lao kê, thương hàn... Phương pháp sinh học phân tử PCR (Polymerase Chain Reaction) cũng được sử dụng để chẩn đoán và xác định loại ký sinh trùng gây bệnh. Điều trị bệnh Leishmania bằng cách sử dụng các loại thuốc có dẫn chất của antimoine như stibophen, fuadrin, neoantimosan, stibosanune... hoặc diamidine. Thuốc Amphotericin B cũng cho tác dụng tốt, dùng liều lượng 1mg/kg trọng lượng cơ thể trong 24 giờ, cách nhật 1 ngày; truyền tĩnh mạch trong 1 tháng với tổng liều 450mg. Nếu bị mắc bệnh do nhiễm ký sinh trùng Leishmania không được điều trị sẽ có tỷ lệ tử vong cao trong vòng từ 3 đến 20 tháng; ở người lớn tỷ lệ tử vong chiếm 90 đến 95%, ở trẻ em tỷ lệ tử vong có thể chiếm tới 75 đến 85%. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong giảm xuống dưới 10%. Phòng bệnh có hiệu quả nhất là cần phát hiện sớm người bệnh để điều trị. Loại trừ nguồn bệnh ở các loại động vật bị nhiễm mầm bệnh. Phải có biện pháp diệt muỗi và phòng, chống loại muỗi cát. Việc phòng, chống muỗi cát rất khó vì muỗi thường phân bố trong một vùng rất hẹp, khó xác định được. Biện pháp thường dùng là sử dụng các loại hóa chất xua diệt côn trùng để xua diệt muỗi cát nhưng hiệu quả kém. Cần có các biện pháp cụ thể để phát hiện các loại động vật bị nhiễm bệnh Leishmania để phòng bệnh. Ngày nay, các nhà khoa học đã sản xuất được vaccine phòng bệnh do ký sinh trùng Leishmania gây ra. Khuyến cáo Mặc dù loài muỗi cát và vai trò truyền bệnh do nhiễm ký sinh trùng Leishmania, gây bệnh Kala-azar, bệnh Leishmania đã được phát hiện, xác định tại một số nơi trên thế giới nhưng những thông tin về loài muỗi truyền bệnh này ở Việt Nam còn hạn chế, chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ. Trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, phát triển du lịch một cách khá phổ biến và rộng rãi; nguồn bệnh, mầm bệnh từ nước này có thể xâm nhập vào nước khác; tại địa phương đã có sẵn trung gian truyền bệnh phù hợp và khối cảm thụ, bệnh sẽ có cơ hội lây truyền và phát triển dù là bệnh hiếm gặp hoặc chưa được phát hiện tại nước ta. Vì vậy, ngành y tế cần cảnh giác về loài muỗi cát truyền bệnh để có kế hoạch chủ động phòng, chống khi bệnh chớm xuất hiện.
|