|
sán dây lợn (Taenia solium) |
Phân biệt sán dây lợn và sán dây bò
Sán dây có thân dài, được hợp thành bởi những đốt tương tự như nhau và nối với nhau tạo thành một dải dài. Tất cả các giai đoạn của chu kỳ phát triển sán dây đều sống ký sinh. Sán dây trưởng thành ký sinh ở ống tiêu hóa của người hoặc của các loại động vật có xương sống khác. Ấu trùng sán dây sống trong mô của động vật có xương sống, đôi khi trong mô của người. Bệnh sán dây phổ biến ở khắp nơi trên thế giới và thường có hai loại là sán dây lợn và sán dây bò. Đặc điểm bệnh sán dây lợn và sán dây bò Bệnh sán dây lợn (Taenia solium) phổ biến ở khắp nơi trên thế giới nhất là ở những nơi có tập tục ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín. Ngoài ra việc quản lý phân thải chưa tốt bằng cách sử dụng các loại hố xí hợp vệ sinh, chưa có chế độ quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm chặt chẽ cũng làm bệnh có thể lưu hành. Những người theo đạo Hồi giáo, Do thái giáo không có tập tục ăn thịt lợn sống nên không mắc bệnh sán dây lợn. Trước đây thường quan niệm người bị bệnh sán dây lợn chỉ nhiễm đơn độc một sán, hiện nay có những trường hợp nhiễm từ 2 đến 5 sán; cá biệt có người bị nhiễm đến 17 sán. Theo thống kê ghi nhận có khoảng 10% bệnh nhân sán dây lợn bị nhiễm từ 2 sán trở lên. Ở Việt Nam, bệnh sán dây lợn cúng khá phổ biến ở một vài vùng. Sự phân bố bệnh sán dây lợn không đồng đều. Thường thấy ở những nơi có tập quán nuôi lợn thả rong, cho lợn ăn phân người và những nơi có phong tục ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín. Bệnh sán dây bò (Taenia saginata) thường phổ biến hơn sán dây lợn. Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 39 triệu người bị nhiễm sán dây bò. Theo thống kê của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng, vào thời điểm năm 2004 ở Việt Nam đã có 49 tỉnh, thành phố phát hiện được bệnh nhân mắc bệnh sán dây bò. Sán dây bò cũng phân bố rộng rãi ở những nước trên thế giới. Trâu bò bị mắc bệnh sán dây bò do ăn cỏ có trứng sán. Ở những cánh đồng cỏ hai bên bờ sông bị ngập nước, trứng sán dây bò vẫn có thể sống lâu hơn 8 tuần lễ. Bê dưới 1 tuổi dễ bị nhiễm bệnh sán dây bò, bò lớn hơn đã có miễn dịch một phần. Các xứ sở theo đạo Hồi giáo như Ấn Độ... rất hiếm bị bệnh sán dây bò vì người dân kiêng cử ăn thịt bò. | Chu kỳ sinh phát triển của sán dây lợn |
Phân biệt sán dây lợn và sán dây bò Sán dây lợn và sán dây bò được phân biệt căn cứ vào đặc điểm hình thể của sán trưởng thành, trứng sán, nang ấu trùng sán, vật chủ trung gian và hình thức nhiễm sán. Sán dây lợn trưởng thành có đầu với 2 vòng móc, chiều dài khoảng 2 đến 3 mét; có từ 800 đến 1.000 đốt sán. Đốt sán già có chiều dài khoảng 10 đến 12 mm, tử cung chia nhánh 6 – 8 – 12. Các đốt sán thường rụng thành từng khúc; đốt sán già ngắn, có 5 đến 6 đốt liền nhau theo phân ra ngoài. Trứng sán có hình cầu, đường kính 35 đến 36 µm. Nang ấu trùng được gọi là nang sán gạo lợn, tên khoa học là Cysticercus cellulosae dễ nhận biết. Vật chủ trung gian của sán dây lợn là lợn, đây là điều kiện bắt buộc; ngoài ra người, lợn rừng, chó... cũng có thể là vật chủ trung gian truyền bệnh. Hình thức nhiễm sán dây lợn là do ăn thịt lợn sống có ấu trùng sán, ăn phải trứng sán hoặc đã có nhiễm sẵn sán rồi bị nôn đốt sán già từ ruột non lên dạ dày. Sán dây bò trưởng thành ở đầu không có vòng móc, chiều dài khoảng 4 đến 12 mét; có từ 1.2000 đến 2.000 đốt sán. Đốt sán già dài 18 đến 20 mm, tử cung chia nhánh 18 – 35. Các đốt sán già thường rụng thành từng đốt, tự động bò ra ngoài hậu môn không cần theo phân. Trứng sán có hình bầu dục với kích thước 30 – 40 µm x 20 – 30 µm. Nang ấu trùng còn gọi là nang sán gạo bò, có tên khoa học là Cysticercus bovis khó nhận biết. Vật chủ trung gian của sán dây bò là trâu, bò; đây là điều kiện bắt buộc; người cũng có thể là vật chủ trung gian truyền bệnh nhưng hiếm. Hình thức nhiễm sán dây bò là do ăn thịt bò, thịt trâu còn sống, chưa được nấu chín. | Chu kỳ sinh phát triển của sán dây lợn | Phòng bệnh sán dây lợn và sán dây bò
Việc phòng bệnh sán dây lợn và sán dây bò được thực hiện với các biện pháp tương tự giống nhau. Cần tích cực phát hiện và điều trị người bị mắc bệnh; vệ sinh cá nhân và vệ sinh công cộng, không phóng uế bừa bãi, sử dụng hố xí đúng quy cách vệ sinh để quản lý nguồn phân thải. Đối với sán dây lợn, phòng bệnh bằng cách không nuôi lợn thả rong, không cho lợn ăn phân người. Kiểm soát việc giết mổ lợn tại lò mổ hoặc tại gia đình để kiểm tra phát hiện nang sán lợn hay “lợn gạo”. Dùng dao sắc cắt ngang miếng thịt lợn ở phần mông hay phần lưng, nếu có “lợn gạo”, chúng sẽ phòi ra ngay mặt cắt. Đồng thời phải vệ sinh an toàn việc ăn uống, không ăn thịt lợn còn sống như nem chua... Nếu muốn ăn thịt lợn sống thì phải ướp thịt ở nhiệt độ âm 10oC trong 4 ngày trước khi sử dụng. Đối với sán dây bò, việc phòng bệnh cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ bò, trâu tại các lò mổ hoặc tại gia đình để phát hiện trâu, bò bị bệnh. Vệ sinh ăn uống cũng là điều cần chú ý, không ăn thịt trâu, bò còn sống hoặc ăn tái, chưa nấu chín. Hiện nay ngành chăn nuôi thú y có xu hướng phòng bệnh cho trâu, bò bằng cách tiêm phòng vaccine; tạo cho trâu, bò không bị nhiễm sán dây bò. Kháng thể IgA được tạo lập trong cơ thể trâu hoặc bò cái sẽ chuyển đến tuyến vú của trâu, bò; con bê hoặc con nghé bú sữa có mang kháng thể IgA có khả năng chống lại nhiễm sán dây bò.
|