Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 6 7 9 1 1
Số người đang truy cập
5 1 2
 Chuyên đề Sán
Bệnh nhân nhiễm sán máng
Việt Nam chưa có bệnh sán máng nhưng cần cảnh giác

Sán máng còn được gọi là sán máu, có tên khoa học là Schistosoma. Tại khu vực Đông Nam châu Á, mặc dù nhiều vùng lưu vực ở phần thượng nguồn của các dòng sông chảy từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia là những vùng có bệnh sán máng lưu hành nhưng ở phần thượng nguồn chảy qua lãnh thổ Việt Nam chưa phát hiện được bệnh này. Tuy nhiên cũng cần cảnh giác để chủ động phát hiện và có kế hoạch phòng chống một loại bệnh ký sinh trùng đang còn có nguy cơ tiềm ẩn. 

Các loại sán máng ký sinh ở người

Theo các nhà khoa học, trên thế giới có rất nhiều loài sán máng nhưng có 4 loại sán máng ký sinh ở người: Sán máng Schistosoma japonicum phân bố chủ yếu ở các nước vùng Đông Á như Nhật bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Đài Loan, Philippine... Sán máng Schistosoma haematobium phân bố ở các nước châu Phi như Ai Cập, Senegan, Sudan, Angola, Madagasca...; các nước vùng Trung Đông như Ả Rập, Israel, Irak, Ấn Độ và Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... Sán máng Schistosoma mansoni phân bố ở các nước châu Phi thuộc lưu vực sông Nile như Ai Cập, Libi, Ethiopia, Somali, Yemen, Senegan, Congo, Sudan...; các nước châu Mỹ La Tinh như Braxin, Venezuela, Suriman, Haiti, Puertorico... Sán máng Schistosoma intercalatum phân bố ở các nước như Ai Cập, Congo, Gabon... Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã phát hiện thêm loài sán máng Schistosoma mekongi là một chủng sán máng phân bố ở phần lưu vực sông Mekong, một sông lớn chảy qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

 

 Một số loại sán máng.

Đặc điểm sán máng lưu hành ở khu vực Đông Á

Ở các nước ở khu vực Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Đài Loan, Philippine... bệnh sán máng lưu hành chủ yếu do loài Schistosoma japonicum gây nên. Đa số các dòng sông ở khu vực Đông Nam châu Á đều có phần hạ nguồn chảy qua lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên ở nước ta chưa phát hiện được bệnh sán máng mặc dù nhiều vùng khu vực phần thượng nguồn của các dòng sông chảy từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia là những vùng có bệnh sán máng lưu hành . Ở lưu vực sông Mekong, một con sông lớn chảy qua các nước này, các nhà khoa học đã phát hiện một chủng loại sán máng tương tự như loài sán máng Schistosoma japonicum nên được đặt tên khoa học là Schistosoma mekongi. Loài sán máng Schistosoma japonicum trưởng thành có con đực dài từ 6 đến 12mm, bề ngang từ 0,5 đến 0,8mm; con cái dài từ 12 đến 20mm, bề ngang từ 0,2 đến 0,3mm; thân phủ gai rất nhỏ. Trứng hình bầu dục, có gai rất nhỏ nằm ở bên cạnh khó nhận thấy được. Trứng sán có kích thước dài từ 60 đến 100µm, rộng từ 50 đến 80µm. Chúng ký sinh ở hệ thống tĩnh mạch cửa trong gan, tĩnh mạch mạc treo ruột trên. Sán máng cái đẻ khoảng 50 đến 300 trứng mỗi ngày, trứng theo phân thải ra môi trường bên ngoài. Sán máng trưởng thành đẻ trứng ở các mao mạch, từ đó trứng xâm nhập vào lòng ruột hoặc vào lòng bàng quang tùy theo từng loài. Giai đoạn di chuyển của trứng ở trong mô có tầm quan trọng đặc biệt về mặt bệnh học và giai đoạn này kéo dài khoảng từ 1 đến 2 tháng. Trứng xuyên qua thành ruột, thành bàng quang gây ra viêm thành ruột, thành bàng quang; dần dần liền sẹo, dày lên, ngăn cản trứng không qua được. Trứng bị tích lũy trong thành ruột, thành bàng quang và gây tổn thương tại chỗ. Đôi khi trứng theo máu vào gan, lách, cơ quan sinh dục... Trứng sán máng được người bệnh thải ra ngoại cảnh, rơi vào nước; sau vài giờ ấu trùng lông chui ra khỏi trứng, bơi lội tự do trong nước và tự tìm đến vật chủ phụ thích hợp là các loài ốc. Sán máng Schistosoma japonicum có vật chủ phụ là loài ốc Oncomelania như ốc Oncomelania nososphora ở Nhật Bản, ốc Oncomelania huppensis ở Trung Quốc, ốc Oncomelania auadrasis ở Phiplippine, ốc Oncomelania formosana ở Đài Loan. Ấu trùng lông xâm nhập vào ốc, trong cơ thể ốc từ một ấu trùng lông sẽ phát triển thành rất nhiều ấu trùng đuôi. Số lượng và nhịp độ phóng thích ấu trùng đuôi phụ thuộc vào điều kiện môi trường. Ở điều kiện tốt nhất, mỗi ngày một con ốc phóng thích ra hàng ngàn ấu trùng đuôi và trong nhiều tuần lễ liên tiếp. Trung bình từ một ấu trùng lông sẽ phát triển thành hàng trăm ngàn ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi bơi lội tự do ở trong nước, khi gặp người bôi lội dưới nước, ấu trùng đuôi đánh hơi và tìm mọi cách chui qua da người, bỏ lại phần đuôi. Nếu người nhúng chân vào nước có ấu trùng đuôi, chỉ cần một phút cũng có thể bị ấu trùng đuôi chui qua da. Nếu không gặp được người thì ấu trùng đuôi sẽ chết sau vài giờ. Khi vào cơ thể người, ấu trùng sán máng xâm nhập hệ tuần hoàn, lên phổi, về tim, theo hệ đại tuần hoàn đi khắp cơ thể; cuối cùng phát triển thành sán trưởng thành ở hệ thống tĩnh mạch cửa. Sau khi thụ tinh, sán máng di chuyển đến các vị trí thích hợp và đẻ trứng ở đó. Đời sống của sán máng thường tồn tại trong cơ thể người khoảng từ 20 đến 25 năm.

 

 Bệnh nhân  nhiễm sán máng

Bệnh lý do sán máng khu vực Đông Á gây nên

Sán máng gây bệnh cho con người ngay sau khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể. Chúng thường gây nên bệnh lý với các giai đoạn như phản ứng ở da, nhiễm độc máu và bệnh toàn phát. Phản ứng ở da là biểu hiện sớm nhất của bệnh khi ấu trùng chui qua da xâm nhập vào cơ thể con người. Người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, sau vài ngày sẽ nổi mẩn đỏ thành từng đám; có thể kèm theo sốt và cảm giác khó chịu. Các biểu hiện này sẽ mất đi trong vòng vài ngày. Các lần tái nhiễm về sau, triệu chứng bệnh lý xảy ra âm thầm, lặng lẽ hơn. Hiện tượng nhiễm độc máu xảy ra sau phản ứng ở da khoảng từ 1 đến 2 tháng. Bệnh nhân có biểu hiện tình trạng quá mẫn, nổi mề đay, hen suyển, sốt, gan và lách sưng, ngứa ở da, phù nề thoáng qua, nhức đầu, đau mỏi các cơ... Sau đó bệnh toàn phát tương ứng với giai đoạn sán máng cái vào mạch máu để đẻ trứng. Đối với loài sán máng lưu hành ở khu vực Đông Á Schistosoma japonicum, chúng thường gây bệnh ở gan, lách; đây là loài sán máng gây phản ứng mạnh nhất. Bệnh nhân có triệu chứng sốt, rét, nóng, đổ mồ hôi; có thể bị rối loạn tiêu hóa, gan và lách sưng to. Trứng sán ở gan gây nên những tổn thương xơ hóa, tuần hoàn tĩnh mạch bị tắc nghẽn. Lúc đầu gan sưng to, sau đó xơ hóa, teo nhỏ, tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Lách cũng sưng to, có thể bị cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ. Đôi khi trứng sán di chuyển vào những nhánh nối với tĩnh mạch tủy sống lên não, gây những phản ứng viêm, tắc, rối loạn tuần hoàn não; tiên lượng của bệnh nhân rất xấu.

Loài sán máng lưu hành ở lưu vực sông Mekong

Sông Mekong là một sông lớn chảy qua các nước như Trung Quốc, Lào, Thái lan, Campuchia và Việt Nam. Các nhà khoa học đã phát hiện một chủng loại sán máng phân bố ở lưu vực của sông này là Schistosoma mekongi. Hình thể loài sán Schistosoma mekongi tương tự như sán Schistosoma japonicum nhưng trứng của sán Schismatosoma mekongi hơi nhỏ hơn, tròn hơn, có kích thước dài khoảng 64µm, rộng khoảng 56µm. Vật chủ chính của sán Schistosoma japonicum là người, dê, chó, mèo, lợn, trâu, bò, chuột... Vật chủ chính của sán Schistosoma mekongi là người và chó; chó là vật chủ chính có lựa chọn. Mùa truyền bệnh của loài sán Schistosoma mekongi quanh năm nhưng có đỉnh cao vào mùa lễ té nước khoảng tháng 4, tháng 6 khi mức nước xuống thấp; người dân phải ra sông tắm rửa, giặt giũ, lấy nước chứa vào bể... tạo điều kiện thuận lợi cho ấu trùng đuôi của sán máng xâm nhập qua da. Vật chủ phụ của loài sán Schistosoma mekongi là loại ốc Lithoglyphopsis aperta. Các nhà khoa học đã xác định vị trí địa lý cư trú của loại ốc này ở khu vực tỉnh Ubon, Thái Lan; tỉnh Sachandon, Lào; tỉnh Krochie, Campuchia thuộc vĩ độ từ 15o14 đến 16o2, kinh độ từ 105o14 đến 105o51. Sán máng Schistosoma mekongi thường ký sinh ở hệ thống tĩnh mạch mạc treo ruột trên và tĩnh mạch cửa. Ở Việt Nam, các nhà khoa học chưa phát hiện được bệnh sán máng và chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào thông báo cụ thể về việc phát hiện được bệnh ký sinh trùng này nhưng luôn luôn được cảnh báo về những nguy cơ có thể.

Chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh

Chẩn đoán xác định bệnh sán máng thường căn cứ vào kết quả xét nghiệm tìm thấy trứng sán trong các bệnh phẩm như phân, nước tiểu hoặc trong mô khi sinh thiết. Trứng thường chỉ được tìm thấy trong giai đoạn toàn phát của bệnh; nếu cường độ nhiễm ít thì việc tìm thấy trứng rất khó khăn. Ngoài ra có thể căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm chẩn đoán miễn dịch. Điều trị bệnh sán máng trước đây thường sử dụng các loại thuốc có antimoan, dehydroemetin... nhưng hiện nay thuốc praziquantel được xác định là loại thuốc có tác dụng tốt nhất để điều trị bệnh sán máng. Đối với công tác phòng chống bệnh, do những đặc điểm về vòng đời sinh học của sán máng nên bệnh thường lưu hành ở những nơi có các loại ốc thích hợp và điều kiện thiên nhiên phù hợp cho ốc phát triển. Tình hình kinh tế, xã hội cũng có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sự lưu hành và lan truyền bệnh. Ở những nơi có tập quán sử dụng nguồn nước ao hồ, sông suối, phóng uế bừa bãi xuống nước... là yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh sán máng cho cả cộng đồng. Những người làm ruộng, cấy lúa nước, nghề chài lưới, đánh bắt thủy sản cũng dễ bị mắc bệnh này. Các biện pháp phòng bệnh cá nhân chỉ có thể áp dụng đối với những người đi qua vùng lưu hành bệnh sán máng trong một thời gian ngắn, không có nhu cầu sinh hoạt hoặc làm việc dưới nước. Đối với người dân ở vùng có bệnh lưu hành, các biện pháp phòng bệnh cá nhân như đi ủng, bôi lên da những loại thuốc để xua ấu trùng đuôi... rất khó áp dụng. Các chương trình phòng chống bệnh sán máng và các biện pháp phòng bệnh tập thể rất tốn kém vì phải điều trị bệnh hàng loạt, bảo đảm chương trình cung cấp nước sạch hợp vệ sinh, giải quyết triệt để nguồn phân thải bằng các loại hố xí đúng quy cách và khoa học...

Khuyến nghị

Mặc dù tại Việt Nam chưa phát hiện được bệnh sán máng nhưng nguy cơ tiềm ẩn bị nhiễm bệnh cần phải được cảnh giác đối với cộng đồng người dân vì nước ta nằm trong khu vực Đông Á, vùng lưu vực phần hạ nguồn sông Mêkong nên khả năng bệnh lan truyền qua nguồn nước là rất lớn. Phần thượng nguồn của các dòng sông, trong đó có sông Mekong chảy từ Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia đã được xác định những vùng lưu vực sông có bệnh sán máng lưu hành; vì vậy Việt Nam ở lưu vực phần hạ nguồn cũng có thể bị ảnh hưởng. Mầm bệnh có thể lan tỏa theo dòng sông, chỉ cần có loại ốc là loại vật chủ phụ phù hợp là bệnh sán máng có thể phát triển, gây bệnh, lây truyền và lưu hành. Cần cảnh giác để có biện pháp chủ động phòng chống bệnh sán máng trước khi quá muộn do sự chủ quan của các nhà khoa học, những nhà ký sinh trùng học. 

Ngày 27/06/2013
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích