Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 3 9 4 7
Số người đang truy cập
5 3 8
 Chuyên đề Bệnh do véc tơ truyền
Bọ xít hút máu phát hiện tại nước ta có tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh không ?

Theo các cơ quan thông tấn báo chí đã đưa tin, vừa qua bọ xít hút máu tái xuất hiện hoạt động trở lại với mật độ cao tại thành phố Hà Nội. Vậy tại nước ta, loài bọ xít này có tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người không ?

Những năm trước đây, bọ xít hút máu xuất hiện tại 20 tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn... Các nhà khoa học đã xác định bọ xít hút máu ở Việt Nam có mối liên hệ khá chặt chẽ với loài chuột. Sau khi kiểm tra máu dạ dày của 200 con bọ xít hút máu thì có đến 85 % máu của chuột; 7,5% cả máu chuột và máu người. Các nhà khoa học Việt Nam ghi nhận loài bọ xít hút máu ở nước ta thuộc chủng loại Triatoma rubrofasciata và phát hiện trong bộ phận tiêu hóa của chúng có chứa những ký sinh trùng đơn bào thuộc giống Trypanosoma nhưng chưa khẳng định cụ thể được loài. Hiện nay cũng chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về khả năng gây bệnh của loại ký sinh trùng này truyền từ bọ xít hút máu sang người. Tuy vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo cảnh giác về hoạt động của loài bọ xít hút máu, trong đó có loài hiện diện ở Việt Nam có thể có khả năng truyền ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma cruzi gây ra bệnh Chagas.

Các loại trùng roi Trypanosoma gây bệnh cho người

Theo các tài liệu khoa học, loại trùng roi Trypanosoma ký sinh ở máu và mô động vật có xương sống và người. Chúng cũng có thể ký sinh ở bộ máy tiêu hóa của động vật không xương sống như các loại côn trùng hút máu. Có ba loại trùng roi Trypanosoma ký sinh ở người và có thể gây bệnh là Trypanosoma gambiense, Trypanosoma rhodesienseTrypanosoma cruzi.

Trùng roi Trypanosoma gambiense

Trùng roi Trypanosoma gambiense gây bệnh ngủ (Sleeping sicknes) ở Trung và Tây châu Phi. Nguồn bệnh là người bệnh và một số loài động vật có vú nuôi trong nhà như chó, lợn, dê, cừu, trâu, bò, ngựa... Những động vật này thường chỉ là vật mang trùng và không bị hoặc ít khi bị mắc bệnh. Bệnh ngủ do trùng roi Trypanosoma gambiense gây nên chỉ giới hạn ở một số vùng của châu Phi như các nước Senegan, Angola, Tanzania, Congo... Đường lây truyền được thực hiện qua vật trung gian truyền bệnh là loại ruồi hút máu Glossina, còn được gọi là ruồi Tse-Tse gồm các loài Glossina palpalis, Glossina morsitans, Glossina tachinoides... Người là đối tượng cảm thụ và mọi lứa tuổi khi bị nhiễm loại nhiễm trùng roi này đều có thể bị mắc bệnh. Bệnh ngủ do trùng roi Trypanosoma gambiense gây ra là một bệnh có ổ bệnh thiên nhiên. Trùng roi được ruồi Glossina (Tse-Tse) cả con được và con cái truyền sang người khi hút máu. Chúng sinh sản tại nơi xâm nhập rồi từ đó phát tán theo đường máu và bạch huyết, cuối cùng chúng xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương và vào dịch não tủy. Khi trùng roi Trypanosoma gambiense ký sinh ở người, nhiều biểu hiện lâm sàng xảy ra một cách trường diễn sau thời gian ủ bệnh trung bình từ 6 đến 14 ngày. Biểu hiện lâm sàng chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 trùng roi chỉ có ở máu hoặc chủ yếu ở máu, lúc này bệnh nhân có các biểu hiện triệu chứng như sốt không đều, không vã mồ hôi, người cảm thấy khó chịu. Giai đoạn 2 trùng roi chủ yếu ở các hạch bạch huyết, khi đó có các biểu hiện triệu chứng như nổi hạch vùng cổ, vùng dưới xương đòn, vùng nách hay bẹn; hạch không đau và di động. Giai đoạn 3 trùng roi xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương với các biểu hiện triệu chứng lâm sàng như nhức đầu, thẩn thờ, ủ rũ, rối loạn cảm giác; có cảm giác kiến bò, chuột rút, sợ ánh sáng, tăng cảm giác đau, rối loạn giấc ngủ; lúc đầu là đảo lộn nhịp độ ngủ và dần dần có các cơn buồn ngủ xuất hiện, phát triển. Bệnh nhân có thể lăn ra ngủ ngay cả lúc đang ăn, đang đứng. Bệnh kéo dài vài năm và thường dẫn đến tử vong.

Việc phòng chống có hiệu quả là phải phát hiện, điều trị kịp thời cho người bị mắc bệnh bằng các dẫn chất của asen như thuốc tryparsamid, melarsen, suramin, pentamidin, furacine... Chú ý phát hiện trùng roi ở một số động vật nuôi. Chống ruồi đốt máu và truyền mầm bệnh bằng cách mặc áo quần che kín cơ thể, nằm màn ngủ, dùng các loại thuốc xua diệt côn trùng; có thể uống thuốc pentamidin để dự phòng khi đi vào trong vùng có bệnh ngủ lưu hành.

Trùng roi Trypanosoma rhodesiense

Trùng roi Trypanosoma rhodesiense có đặc điểm hình thể và sinh học giống như trùng roi Trypanosoma gambiense; bệnh lý gây ra cũng tương tự nhưng có diễn biến cấp tính hơn. Bệnh nhân bị sốt cao, phù nề, sút cân, suy nhược nhanh, viêm cơ tim là triệu chứng bệnh lý thường gặp. Đặc điểm cơ bản là bệnh do trùng roi Trypanosoma rhodesiense thường lưu hành ở miền Đông châu Phi. Việc chẩn đoán, điều trị, phòng chống bệnh do nhiễm trùng roi Trypanosoma rhodesiense cũng tương tự như bệnh nhiễm trùng roi Trypanosoma gambiense.

Trùng roi Trypanosoma cruzi

Trùng roi Trypanosoma cruzi còn gọi là Schizotrypanum cruzi gây bệnh Chagas lưu hành ở vùng Nam Mỹ, cận nhiệt đới thuộc các nước như Brasil, Arhentina, Bolivia, Paraguay, Uraguay... Các nhà khoa học ước lượng có khoảng 10 triệu người mắc phải bệnh này và bệnh thường gặp ở các nước đói nghèo, điều kiện sinh hoạt ở các nhà lá, vách đất vì những nơi này tạo điều kiện thuận lợi để côn trùng truyền bệnh dễ trú ẩn, sinh sản và phát triển. Nguồn bệnh là người, ngoài ra cũng có thể là các động vật khác như chó, mèo, chuột, khỉ... Đường lây nhiễm qua trung gian của loại bọ xít hút máu có tên khoa học là Triatoma và loại rệp truyền bệnh. Ngoài ra cũng có thể do truyền máu, nhiễm bệnh do tai nạn nghề nghiệp trong phòng thí nghiệm; qua sữa mẹ hoặc qua các mảnh ghép. Người ở mọi lứa tuổi là đối tượng cảm thụ nên đều có thể bị mắc bệnh.

Bệnh do trùng roi Trypanosoma cruzi gây ra bệnh Chagas vì được nhà khoa học Chagas phát hiện và mô tả lần đầu tiên với những biểu hiện lâm sàng với hai thể cấp tính và thể mạn tính. Thể cấp tính có thời gian ủ bệnh từ 5 đến 20 ngày. Sau thời gian ủ bệnh âm thầm, bệnh biểu lộ bằng phản ứng tại nơi xâm nhập của trùng roi Trypanosoma cruzi như triệu chứng phù nề do viêm, hạch ở trong vùng bị đốt máu sưng nổi lên, thường ở vùng mặt và có thể làm viêm mí mắt một bên. Các dấu hiệu này kéo dài khoảng 1 tháng, sau đó trùng roi theo máu phát tán khắp nơi trong cơ thể với các biểu hiện triệu chứng như sốt cao từ 38 đến 40oC, sốt không đều, sốt kéo dài khoảng 2 tuần. Bệnh nhân bị phù mặt, chi; điển hình là phù ở một bên mí mắt. Có dấu hiệu viêm cơ tim cấp tính với nhịp tim nhanh, tiếng tim nhỏ, huyết áp hạ, tim to ra. Gan, lách, hạch sưng to và có những dấu hiệu viêm màng não – não. Bệnh có thể dẫn đến tử vong sau từ 2 đến 4 tuần do các biến chứng trầm trọng. Thể mạn tính xảy ra nếu bệnh nhân vượt qua được giai đoạn cấp tính, các triệu chứng lâm sàng giảm dần nhưng không khỏi hẳn và chuyển sang thời kỳ mạn tính. Bệnh tiến triển âm thầm và kéo dài hàng chục năm. Trong thời gian này, bệnh có thể tái xuất hiện với những biến chứng, di chứng ở não, tim và hệ tiêu hóa. Di chứng ở tim thường gặp là bệnh nhân có hiểu hiện hồi hộp, đau vùng trước tim, to tim toàn bộ. Di chứng ở ruột được biểu hiện với thực quản và đại tràng bị phì đại.

Điều trị bệnh Chagas bằng các loại thuốc dẫn chất của asen không có hiệu quả như điều trị bệnh ngủ. Trái lại thuốc thuộc nhóm 8-aminoquinolein như primaquine tỏ ra có hiệu lực đối với việc điều trị bệnh Chagas. Ngoài ra, thuốc Nifurtimox (lampit) hoặc 2-nitroimidazole (radanil) có thể sử dụng để điều trị bệnh ở giai đoạn đầu. Phòng chống bệnh bằng cách phát hiện và điều trị bệnh nhân. Tiêu diệt bọ xít hút máu và rệp đốt bằng nhiều phương pháp khác nhau. Ngoài ra cần cải tạo điều kiện sống, vệ sinh môi trường; phá nơi trú ẩn, sinh sản và phát triển của bọ xít hút máu và rệp truyền bệnh.

Thực tế có một số người nhầm lẫn bệnh Chagas và bệnh ngủ, vì vậy cần chú ý đến vật trung gian truyền bệnh để phân biệt. Bệnh Chagas thường do loại bọ xít, rệp hút máu có mang mầm bệnh truyền; còn bệnh ngủ do loại ruồi hút máu truyền. Ngoài 3 chủng loại trùng roi Trypanosoma chủ yếu gây bệnh cho người đã nêu trên, có một loại trùng roi đường máu ở động vật sống gần người có thể gây bệnh cho người với tên khoa học là Trypanosoma lewisi. Đây là loại trùng roi ký sinh ở động vật gậm nhấm, chủ yếu là chuột. Vật chủ trung gian truyền bệnh là bọ chét Ceratophyllus fasciatus. Bệnh lây từ con chuột này sang con chuột khác do trùng roi từ phân bọ chét thải ra xâm nhập vào chuột qua vết đốt hoặc vết xước trên da chuột. Các nhà khoa học của Việt Nam đã xác định con người có khả năng mắc bệnh trùng roi Trypanosoma lewisi. Vào năm 1986, Bộ môn Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng của Học viện Quân y cùng với Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Quân y 103 đã phát hiện một bệnh nhân nữ, làm ruộng, ở xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây bị mắc bệnh trùng roi Trypanosoma lewisi vào viện điều trị với chẩn đoán sốt cao chưa rõ nguyên nhân. Bệnh nhân có triệu chứng sốt thất thường, có ngày sốt, có ngày không sốt; nhiệt độ dao động từ 37 đến 41oC; gan, lách sưng to. Ngoài ra có biểu hiện triệu chứng tâm thần như khóc, la hét, hoảng sợ, hoang tưởng, lo sợ bị chồng đầu độc. Người bệnh bị thiếu máu, hồng cầu 2 triệu/ml máu, bạch cầu từ 3.500 đến 4.000/ml máu. Xét nghiệm máu phát hiện được trùng roi Trypanosoma lewisi.

Những điều cần cảnh báo

Bọ xít hút máu tại nước ta xuất hiện trong những năm trước đây đã được các nhà khoa học phát hiện tại 20 tỉnh, thành phố. Tuy vậy năm 2013, bọ xít hút máu xuất hiện trở lại khá rầm rộ như vừa qua các cơ quan thông tấn báo chí đã đưa tin. Vật trung gian truyền bệnh được xác định là loại bọ xít hút máu có tên khoa học là Triatoma rubrofasciata nhưng trùng roi phân lập trong máu của các bọ xít bắt được chỉ mới dừng lại ở việc xác định sự hiện diện của giống trùng roi Trypanosoma, chưa xác định được loài cụ thể. Tuy vậy, các bọ xít hút máu bắt được ghi nhận có 85% là máu chuột; còn tỷ lệ cả máu chuột và máu người chiếm 7,5%. Mặc dù những người bị bọ xít hút máu trong thời gian qua ở các địa phương đã và đang được các nhà khoa học tiếp tục theo dõi nhưng chưa phát hiện được triệu chứng bệnh lý nào trầm trọng. Dù sao sự xuất hiện của bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata ở một số địa phương tại nước ta, đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn... với mật độ hoạt động cao; trong máu của các bọ xít bắt được có sự hiện diện của giống trùng roi Trypanosoma là điều cảnh báo vật trung gian truyền bệnh có thể có khả năng truyền bệnh cho người. Vì vậy vấn đề cần quan tâm cảnh báo là bệnh Chagas do trùng roi Trypanosoma cruzi có thể xảy ra hoặc bệnh do trùng roi đường máu Trypanosoma lewisi ở động vật sống gần người như chuột có thể gây bệnh cho người tại nước ta phải được các nhà khoa học tiếp tục theo dõi, phát hiện và khẳng định cho dù bệnh Chagas theo y văn mô tả chỉ phổ biến ở vùng Nam Mỹ, cận nhiệt đới. Cũng cần tránh nhầm lẫn và phân biệt bệnh Chagas do bọ xít và rệp hút máu truyền, bệnh ngủ do ruồi hút máu truyền.

  

Ngày 02/07/2013
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích