|
(anh minh họa) |
Người vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ của sán dây lợn
Trên thực tế các nhà khoa học đã phát hiện một số trường hợp bệnh nhân vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ của sán dây lợn. Người bệnh vừa mắc sán dây lợn trưởng thành ký sinh ở ruột non được xem là vật chủ chính, đồng thời cũng vừa mắc ấu trùng sán dây lợn ở các cơ và các mô khác được xem là vật chủ phụ. Khi đối diện với bệnh nhân mắc sán dây lợn trên lâm sàng, cần quan tâm đến vấn đề liên quan này. Khái niệm về vật chủ Vật chủ là những sinh vật mà ở đó ký sinh trùng sinh sản và phát triển để hoàn thiện chu kỳ phát triển hay vòng đời của chúng. Vật chủ chính là vật chủ mà ở đó ký sinh trùng sinh sản theo phương thức hữu tính nghĩa là có giống đực và giống cái hoặc ký sinh trùng sống ở giai đoạn trưởng thành. Vật chủ phụ còn gọi là vật chủ trung gian là vật chủ mà ở đó ký sinh trùng sinh sản theo phương thức vô tính nghĩa là không có giống đực và giống cái, nếu không sinh sản thì ở dạng ấu trùng chưa trưởng thành. Trên thực tiễn có loại ký sinh trùng ký sinh ở cả vật chủ chính và vật chủ phụ, có loại ký sinh trùng chỉ ký sinh ở một vật chủ và có thời gian sống ở ngoại cảnh, có loại ký sinh trùng ký sinh qua hai vật chủ phụ và có những loại ký sinh trùng ký sinh trên sinh vật vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ. Đối với sán dây lợn (Taenia solium), người có thể vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ vì có khả năng vừa nhiễm sán trưởng thành ký sinh trong ruột non vừa nhiễm ấu trùng sán ký sinh ở cơ và các mô khác của cơ thể. Ở đây cần phân biệt vật chủ phụ hay vật chủ trung gian với sinh vật trung gian truyền bệnh. Trung gian truyền bệnh là sinh vật mang ký sinh trùng và có khả năng truyền ký sinh trùng từ người này sang người khác. Vật chủ trung gian còn được gọi là vector sinh học khi ký sinh trùng có sự phát triển tăng trưởng về số lượng trong cơ thể vector như muỗi Anopheles là vector sinh học của ký sinh trùng sốt rét. Sinh vật trung gian truyền bệnh còn gọi là vector cơ học khi ký sinh trùng không có sự phát triển tăng trưởng về số lượng trong cơ thể vector như ruồi nhà là vector cơ học của ký sinh trùng Entamoeba hystolytica truyền bệnh lỵ a míp. | Chu kỳ phát triển của sán dây bò và sán dây lợn. Nguồn : CDC |
Sán dây lợn có vật chủ chính và vật chủ phụ là người Trong một số trường hợp, bệnh nhân vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ của sán dây lợn thực tế cũng đã gặp với bệnh cảnh lâm sàng ở mức độ nặng hơn, nguy hiểm hơn khi người bệnh ăn phải trứng sán dây lợn từ ngoại cảnh theo thực phẩm, rau quả sống, đặc biệt là thịt lợn gạo chứa nang ấu trùng sán còn sống theo đường tiêu hóa vào ruột và phát triển thành sán trưởng thành. Sán trưởng thành ký sinh ở ruột non nên người là vật chủ chính. Vì một lý do nào đó như bệnh nhân bị say tàu, say xe, say sóng, phụ nữ có thai, sốt cao... bị nôn ọe; những đốt sán dây lợn già rụng ra ở ruột non theo nhu động ruột đi ngược chiều lên dạ dày. Tại đây dưới tác dụng của dịch tiêu hóa, trứng sán từ các đốt sán dây già được giải phóng ra. Khi xuống đến đoạn đầu của ruột non gọi là tá tràng thì ấu trùng sán trong trứng sán thoát ra, chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn, sau đó theo các mạch máu đi chu du khắp cơ thể rồi lại vào các cơ, các mô tế bào khác và phát triển thành nang ấu trùng sán (cysticercus cellulosae) nên trong trường hợp này người được xem là vật chủ phụ. Người bệnh vừa là vật chủ chính vì có sán dây trưởng thành ký sinh ở ruột non, vừa là vật chủ phụ vì có nang ấu trùng ký sinh ở các cơ và các mô tế bào khác trong cơ thể. Sán dây lợn trưởng thành dài từ 2 đến 3 mét, có thể dài tới 8 mét và thường có khoảng 300 đến 900 đốt sán. Đầu sán nhỏ, hơi tròn, đường kính chừng 1mm, có bộ phận nhô lên ở giữa với hai vòng móc; mỗi vòng có từ 22 đến 32 móc, thường thấy từ 26 đến 28 móc; có bốn giác tròn ở bốn góc. Đốt sán ở cổ mảnh, dài từ 5 đến 10mm. Thân đốt non có bề ngang dài hơn bề dọc, đốt trưởng thành có hình vuông và đốt già có bề ngang nhỏ hơn bề dọc. Lỗ sinh dục mở ra ở bên cạnh đốt sán, khi ở bên trái, khi ở bên phải xen kẽ tương đối đều. Đốt sán già có tử cung chia thành nhánh ngang với 6, 8, 12 nhánh chứa đầy trứng. Nang ấu trùng sán có màu trắng đục, kích thước dài từ 17 đến 20mm, rộng từ 7 đến 10mm. Nang chứa nước và một đầu sán cùng với đốt cổ sán lộn vào bên trong; đầu sán có bốn giác và hai vòng móc. Triệu chứng lâm sàng Trong trường hợp bệnh nhân vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ của sán dây lợn nên triệu chứng lâm sàng gây nên do sán trưởng thành ký sinh ở ruột non và cả ấu trùng sán ký sinh ở các cơ, các mô tế bào khác. Sán dây lợn trưởng thành ký sinh ở ruột non không gây triệu chứng gì đặc biệt. Tùy theo sự phản ứng của cơ thể, người bị nhiễm sán có thể thấy đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, đau vùng thượng vị, đi tiêu lỏng từng đợt; có thể chán ăn, ăn không ngon... Ngược lại có khi đói cồn cào, ăn nhiều, sút cân. Những triệu chứng lâm sàng thường biểu hiện rõ khi sán ở giai đoạn đang trưởng thành. Khi bắt đầu xuất hiện rụng các đốt sán già theo phân thì biểu hiện lâm sàng giảm đi. Ấu trùng sán dây lợn thường hình thành nang ấu trùng có thể thấy ở bất cứ nơi nào trong cơ thể vật chủ của bệnh nhân. Tùy theo số lượng nang ấu trùng và vị trí của nang mà người bệnh có những biểu hiện lâm sàng nặng, nhẹ khác nhau hoặc có thể gây tử vong. Thực tế thường thấy nang ấu trùng ký sinh ở mô dưới da, não, cơ bắp, tim, gan, phổi, các hốc trong bụng... Nang ấu trùng ở dưới da tạo thành các nốt có thể sờ thấy được, di động, đôi khi gây ngứa; chẩn đoán xác định bằng cách sinh thiết và xét nghiệm giải phẫu bệnh học. Nang ấu trùng ở mô cơ ít khi được chẩn đoán, nếu bị nhiễm nhiều nang người bệnh có thể bị đau cơ; sau nhiều năm nang ấu trùng sẽ bị vôi hóa, lúc này có thể phát hiện bằng phim chụp X quang thấy vết mờ dọc theo các sợi cơ. Nang ấu trùng ở não gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng không đặc hiệu tùy theo vị trí, số lượng của nang ký sinh biểu hiện như một u nang ở trong não; những triệu chứng lâm sàng thường gặp là tăng áp lực trong sọ, có cơn động kinh, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần, bị liệt tùy vị trí của nang chèn ép, bạch cầu ái toan trong dịch não tủy tăng, có thể bị đột tử. Nang ấu trùng trong mắt có thể nằm trong hốc mắt, mí mắt, kết mạc, thủy tinh thể, tiền phòng; những rối loạn thị giác cũng rất đa dạng tùy theo vị trí của nang ấu trùng ở trong mắt, có thể giảm thị lực hoặc mù. Nang ấu trùng ở cơ tim có thể làm tim đập nhanh, tiếng tim biến đổi, người bệnh có dấu hiệu khó thở, ngất xỉu... Chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh Chẩn đoán bệnh sán dây lợn trưởng thành bằng cách tìm đốt sán hoặc các đoạn sán gồm 5 đến 6 đốt sán trong phân. Quan sát đốt sán trưởng thành thấy tử cung có từ 6 đến 12 nhánh ngang. Rất ít khi thấy được trứng sán dây lợn ở trong phân, chỉ thấy khi các đoạn sán bị vỡ vì một lý do nào đó. Chẩn đoán bệnh ấu trùng sán dây lợn dựa vào lâm sàng với các triệu chứng động kinh, giảm thị lực, mù, các nốt nang ấu trùng sán ở dưới da, bạch cầu ái toan tăng cao. Có thể dùng các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như sinh thiết, chụp X quang, chụp hình não thất, soi đáy mắt, chụt cắt lớp CT scanner, chụp cộng hưởng từ MRI (magnetic resonance imaging). Ngoài ra các phương pháp miễn dịch học cũng có giá trị chẩn đoán, tuy nhiên thường có phản ứng chéo với các loại sán dây khác nên kết quả không chắc chắn. Trong điều trị, trường hợp bệnh nhân vừa là vật chủ chính do nhiễm sán dây trưởng thành ký sinh trong ruột non, vừa là vật chủ phụ do nhiễm ấu trùng sán ký sinh ở các cơ, các mô tế bào khác thì phải xử trí điều trị bệnh sán trưởng thành và cả bệnh ấu trùng sán. Việc điều trị phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, hướng dẫn một cách cụ thể để mang lại hiệu quả tốt. Nguồn bệnh nguy hiểm nhất là người bị nhiễm sán dây lợn trưởng thành, đây là đối tượng gây ô nhiễm môi trường nên cần phải tích cực điều trị cho họ. Mục đích điều trị không những giải quyết tận gốc mầm bệnh lây lan ra môi trường mà còn là biện pháp tích cực nhất để phòng bệnh ấu trùng sán dây lợn. Xét về mặt kinh tế, điều trị một bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn khá đắc tiền, có thể tốn kém gấp 140 lần chi phí để điều trị một bệnh nhân mắc bệnh sán dây lợn trưởng thành. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn phải thịt lợn có nang ấu trùng sán thường được gọi là “ thịt lợn gạo” còn sống hay chưa nấu chí kỹ. Ở nước ta người dân thường có tập quán ăn nem chua, tại một số vùng miền núi đồng bào các dân tộc thiểu số còn có thói quen ăn lạp là món thịt sống và nhiều nơi vẫn còn phong tục ăn thịt lợn sống chưa nấu chín nên nguy cơ bị nhiễm bệnh sán dây là điều không thể tránh khỏi. Phòng bệnh bằng các biện pháp như tích cực phát hiện, điều trị người mắc bệnh; vệ sinh cá nhân, vệ sinh cộng cộng, không phóng uế bừa bãi, sử dụng hố xí đúng quy cách, không nuôi lợn thả rong, không cho lợn ăn phân người. Cơ quan thú y và kiểm dịch động vật phải tăng cường kiểm soát việc giết mổ lợn tại các lò mổ hoặc gia đình để phát hiện thịt lợn gạo và tiêu hủy bằng cách đơn giản là dùng dao sắc cắt ngang miếng thịt lợn ở phần mông hay lưng con lợn, nếu có ấu trùng sán gọi là “lợn gạo” sẽ thấy chúng phòi ra ở mặt cắt. Ngoài ra cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh ăn uống; không ăn nem chua, thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín kỹ. Nếu muốn ăn thịt lợn sống theo tập quán, thói quen ở một số vùng tại nước ta thì phải ướp thịt ở nhiệt độ âm 10oC trong 4 ngày.
|