Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 7 3 5 0 1
Số người đang truy cập
4 9 1
 Chuyên đề Bệnh do véc tơ truyền
Một bệnh nhân bị mắc bệnh mù lòa đường sông Onchocerciasis (ảnh internet)
Cảnh giác bệnh mù lòa đường sông khi lao động tại châu Phi

Thời gian qua, những người Việt Nam xuất khẩu lao động bất hợp pháp tại các nước châu Phi đã bị nhiễm bệnh sốt rét, một số trường hợp bị sốt rét ác tính gây tử vong sau khi trở về quê nhà được các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin. Bệnh mù lòa đường sông cũng là bệnh khá phổ biến, lưu hành ở châu Phi nên người dân cần cảnh giác để phòng ngừa mắc bệnh khi xuất khẩu lao động tại các quốc gia này.

Bệnh mù lòa đường sông còn gọi là bệnh o­nchocerciasis do loại ký sinh trùng giun chỉ có tên khoa học o­nchocerca volvulus gây nên. Bệnh được truyền từ người này sang người khác bởi loại ruồi vàng Simulium. Các nhà khoa học đã ghi nhận bệnh khá phổ biến tại một số nước châu Phi và Nam Mỹ. Tại nước ta chưa phát hiện được bệnh này nhưng loại ruồi vàng sống hoang dại ở vùng núi đá có nước suối chảy mạnh phân bố nhiều ở vùng Tây Bắc, đặc biệt là ở Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ, Yên Bái nên rất dễ có khả năng truyền bệnh nếu như có mầm bệnh nhập ngoại mang từ nơi khác về và lây lan.

 

Ruồi vàng Simulium (ảnh internet) 

Ruồi vàng truyền bệnh

Ruồi vàng trưởng thành có thân màu đen, lông phớt vàng, dài từ 2 đến 5mm, đầu dài, ăng ten có 11 đốt, pan có 5 đốt, vòi ngắn nhưng nhọn và khỏe; ngực to gồ về phía lưng, hai cánh trong suốt dài hơn thân. Ấu trùng ruồi vàng có hình con sâu, phần đầu có một chùm lông xòe ra hình cái quạt để vơ thức ăn; có một chân giả ở phía trước thân và cuối thân có một cái giác để bám. Thanh trùng ruồi vàng nằm trong kén hình chóp, không ăn, không hoạt động, thở bằng các khí quản.

Ruồi vàng phát triển qua 4 giai đoạn gồm trứng, ấu trùng, thanh trùng và con trưởng thành. Ruồi đẻ trứng ở những nơi có nước suối chảy mạnh, mỗi lần đẻ từ 300 đến 500 trứng. Nhiều ruồi vàng có thể đẻ trứng chung vào một chỗ tạo thành từng ổ trứng. Trứng ruồi vàng bám vào lá cây hoặc các tảng đá mấp mé mặt nước. Khoảng 10 ngày sau khi đẻ, trứng có thể nở ra ấu trùng, chúng có khả năng bám vào các tảng đá, cành cây hoặc lá cây ở dưới nước bằng giác bám ở phần cuối thân. Ấu trùng thở qua da và 3 màng thở ở hậu môn, sau 5 lần lột xác thì ấu trùng nhả tơ làm kén và thành thanh trùng. Sau một thời gian, thanh trùng cắn kén chui ra ngoài rồi phát triển thành ruồi vàng trưởng thành. Thời gian để hoàn thành chu kỳ phát triển hay vòng đời sinh học của ruồi vàng mất khoảng từ 15 đến 30 ngày; chúng thuộc nhóm côn trùng biến thái hoàn toàn.

Ruồi đực trưởng thành không hút máu, chỉ có ruồi cái mới hút máu người và động vật để đảm nhận vai trò sinh sản giống như loài muỗi. Thời gian hoạt động hút máu của ruồi cái thường xảy ra từ 6 đến 8 giờ sáng và từ 4 đến 6 giờ chiều. Vào buổi trưa nắng nóng, khi trời mưa, có gió mạnh trên 3mét/giây thì ruồi ngừng hoạt động đốt máu. Ruồi vàng có tập tính hoạt động ở khu vực chung quanh bờ suối là chủ yếu, ít xa bờ; nếu xa bờ suối trên 2.000 mét thì không phát hiện thấy ruồi vàng hoạt động. Tuy vậy nhưng ruồi vàng có khả năng bay xa được từ 1 đến 2 kilomét để hút máu người và các loại động vật, mỗi lần đốt máu phải mất từ 4 đến 5 phút mới no. Chúng chích đốt máu ít khi gây đau và khi ngừng đốt thường để lại giọt máu ở vết đốt.

 

 Chu kỳ phát triển của giun chỉ o­nchocerca volvulus

Khả năng gây bệnh

Ruồi vàng Simulium là vật truyền bệnh độc nhất để gây bệnh mù lòa đường sông cho con người do chúng có khả năng truyền ấu trùng giun chỉ o­nchocerca volvulus khi chích đốt máu. Bệnh gây ngứa da dữ dội, làm tổn thương ở mắt và có khả năng dẫn đến mù lòa. Các nhà khoa học đã ghi nhận bệnh phân bố tương đối khu trú, phát hiện ở khắp miền Tây Phi, Trung Phi và một số nơi ở Đông Phi; vùng nhiễm nặng nhất là các khu vực savan ở Tây Phi. Sự truyền bệnh cũng được phát hiện thấy ở Yemen, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Theo ước tính có khoảng hàng chục triệu người bị nhiễm bệnh này, trong đó có hàng trăm ngàn người bị khiếm thị nặng hoặc mù lòa. Thuật ngữ bệnh mù lòa đường sông được xuất phát từ các đặc điểm đã nêu trên.

Bệnh mù lòa đường sông được truyền từ người bị nhiễm ấu trùng giun chỉ o­nchocerca volvulus sang người khác qua vật trung gian truyền bệnh là ruồi vàng. Ruồi vàng đốt máu người bệnh có ấu trùng và phát triển thành ấu trùng giai đoạn có thể gây nhiễm hình thành trong cơ thể ruồi chỉ mất khoảng thời gian từ 6 đến 10 ngày. Khi ruồi vàng mang mầm bệnh đốt máu người lành, ấu trùng giun chỉ xâm nhập vào người qua vết đốt và phát triển thành giun trưởng thành ký sinh ở các mô dưới da. Giun đực, giun cái sống ký sinh, giao phối với nhau. Giun cái trưởng thành có thể sống trong cơ thể người đến 12 năm, đẻ trứng sau khi giao phối và phát triển ra hàng ngàn ấu trùng ký sinh thành các hạch xơ dưới da. Ấu trùng gây nổi mẩn ngứa mạnh, làm phù nề, thay đổi màu da; nếu xảy ra ở mắt thì ấu trùng có thể gây tổn thương mắt dẫn đến mù lòa.

Triệu chứng bệnh lý

Vết đốt máu của ruồi vàng nhanh chóng nổi mẩn đỏ ở chung quanh, có đường kính tới vài centimét, ngứa dữ dội, có khi chỗ đốt bị phù nề, càng gãi càng ngứa, chất độc của ruồi vàng có thể gây loét, nhiễm trùng, nổi hạch. Sau đó thường để lại vết sẹo đen, to, đôi khi nổi sẩn với cục cứng to bằng hạt ngô và kéo dài một vài năm.

Giun chỉ trưởng thành phát triển ở các hạch dưới da, có đường kính từ vài milimét đến vài centimét. Chúng thường tập trung ở những nơi da sát với xương. Phần lớn triệu chứng lâm sàng do ấu trùng gây nên khi chúng ký sinh từ các hạch dưới da di chuyển đến da và mắt. Triệu chứng gây khó chịu nhất là ngứa.

Khi bị mắc bệnh lâu ngày, da thường bị teo và mỏng. Tổn thương vĩnh viễn thường xảy ra ở mắt dẫn đến mù lòa, đây là tác hại nghiêm trọng nhất đối với những người mắc bệnh này. Chúng không những làm ảnh hưởng đến bản thân người bệnh mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng nông thôn, miền núi nơi có bệnh lưu hành.
 

Điều trị và phòng bệnh

Khi bị mắc bệnh mù lòa đường sông do nhiễm giun chỉ o­nchoserca volvulus, có thể điều trị bằng thuốc Ivermectin; đây là một loại thuốc có khả năng diệt được ấu trùng giun nhưng không diệt được giun trưởng thành. Tuy vậy, nếu người bệnh được tái điều trị hàng năm bằng một liều thuốc đặc hiệu thì cũng đủ để đề phòng biến chứng mù lòa. Hiện nay thuốc đang được sử dụng trên diện rộng nơi có bệnh lưu hành để điều trị người bệnh và ngăn ngừa sự phát triển của bệnh.

Phòng bệnh có hiệu quả nhất là phòng chống ruồi vàng đốt máu và tránh sự tiếp xúc với chúng khi sinh hoạt, lao động ở vùng có ruồi vàng hoạt động. Trên thực tế việc diệt ruồi vàng rất khó, ấu trùng ruồi có khả năng phát triển dọc theo ở những nơi sông suối nước chảy mạnh nhưng ruồi vàng trưởng thành thường hoạt động ở trong rừng. Phòng ruồi vàng đốt máu và truyền bệnh bằng cách mặc quần áo dày, đi tất, mang giày kín hoặc dùng các loại hóa chất xua côn trùng bôi vào chỗ da hở; hạn chế sinh hoạt ở gần suối vào các giờ có ruồi vàng hoạt động chích đốt máu. Nếu bị ruồi vàng đốt, phải nặn cho hết máu, bôi cồn 70o vào vết đốt và tranh gãi ngứa để phòng nhiễm trùng.

Khuyến nghị những người đi xuất khẩu lao động hợp pháp hoặc bất hợp pháp đến các nước ở châu Phi, ngoài việc cảnh giác có thể bị mắc bệnh sốt rét như các trường hợp đã xảy ra thời gian qua; cũng cần quan tâm đến khả năng mắc bệnh mù lòa đường sông do nhiễm loại ấu trùng giun chỉ o­nchocerca volvulus gây nên. Phòng bệnh ngoại nhập là vấn đề nên lưu ý trong thời kỳ mở cửa hợp tác, giao lưu quốc tế. Bệnh hiếm gặp không phải là không có bệnh khi chúng chưa được phát hiện ra, vì vậy cần cảnh giác.

Ngày 14/11/2013
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh  

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích