|
Một trẻ em bị bệnh sốt vàng tại châu Phi (ảnh internet) |
Tiêm phòng bệnh sốt vàng khi ra nước ngoài
Nước ta không có bệnh sốt vàng (yellow fever) lưu hành nhưng khi ra nước ngoài công tác, làm việc, du lịch hay xuất khẩu lao động thì các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế bắt buộc phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm chủng vaccine phòng bệnh này. Sốt vàng là một bệnh khá nguy hiểm nên người ra nước ngoài, đặc biệt đến các nước có dịch bệnh lưu hành cần phải được bảo vệ bằng tiêm phòng vaccine, đây là biện pháp tốt nhất nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng. Đặc điểm bệnh sốt vàng và sự phân bố Sốt vàng là một bệnh cấp tính do người bệnh bị nhiễm loại arbovirus gây nên và được lây truyền qua trung gian của loài muỗi truyền bệnh giống như bệnh sốt xuất huyết và bệnh viêm não. Bệnh thường xảy ra trong thời gian ngắn và có nguy cơ dẫn đến tử vong với tỷ lệ cao. Diễn biến bệnh khởi đầu bằng triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau khắp mình, có khi bị vàng da. Tiếp theo đó bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết nội tạng, nôn nhiều và người bệnh có thể bị tử vong khoảng 3 ngày sau khi mắc bệnh. Vì vậy đây là một bệnh tối nguy hiểm nên các cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế bắt buộc người đi ra nước ngoài, đến vùng có dịch bệnh lưu hành phải tiêm phòng vaccine bảo vệ. Trên thực tế, các nhà khoa học đã xác định virus gây bệnh sốt vàng chủ yếu được phát hiện ở các quần thể khỉ sống trong các vùng rừng rậm tại châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Bệnh được truyền từ con khỉ này sang con khỉ khác do các loài muỗi sống ở trong rừng. Ở châu Phi là loài muỗi Aedes như Aedes africanus, Aedes bromeliae; ở Trung Mỹ và Nam Mỹ là loài muỗi Haemagogus, muỗi Sabethes như Sabethes chloropterus. Các loài muỗi này đôi khi cũng đốt cả máu người khi họ vào rừng và có thể truyền virus có nguồn bệnh của khỉ sang người để gây bệnh. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng ở một số vùng có bệnh lưu hành, virus gây bệnh được lưu truyền ở các quần thể muỗi qua buồng trứng khi không có nguồn bệnh là loại động vật có xương sống. | Muỗi truyền virus bệnh sốt vàng từ người này sang người khác (ảnh internet) |
Thực tiễn tại châu Phi, đôi khi các loài khỉ bỏ rừng đi tìm chuối để ăn ở các trang trại gần bìa rừng bị các loài muỗi hoạt động tại địa phương như Aedes aegypti đốt máu và muỗi có thể nhiễm mầm bệnh virus sốt vàng từ khỉ. Sau đó loại muỗi Aedes aegypti tại địa phương đã bị nhiễm mầm bệnh virus đốt máu người đang sinh sống, làm việc và lao động ở các trang trại này để truyền bệnh tại chỗ. Người bị nhiễm bệnh trong rừng hoặc gần rừng có thể mang mầm bệnh virus đến các vùng nông thôn hoặc thành thì khác, nơi thường có loại muỗi Aedes aegypti hoặc loài muỗi tương cận với loài muỗi này đốt máu người bệnh và truyền sang cho người lành ở tại đây. Tình trạng này có thể gây ra các vụ dịch nghiêm trọng với nhiều người mắc bệnh và tử vong. Tại các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ, thực tế các vụ dịch sốt vàng xảy ra ở thành thị trước đây rất nặng nề và nghiêm trọng nhưng từ năm 1954 đến nay không được phát hiện. Tuy vậy trên thực tế các yếu tố nguy cơ để bệnh lưu hành vẫn còn đó và hàng năm vẫn có những thông báo một số trường hợp người dân tại đây đi làm việc trong rừng bị mắc bệnh sốt vàng. Tại các nước châu Phi, các vụ dịch sốt vàng xảy ra ở vùng nông thôn hay thành thị thường vẫn được ghi nhận ở những nơi gần bìa rừng và đã gây nên hàng ngàn trường hợp người dân bị tử vong; đặc biệt những người làm việc, lao động ở trong rừng thì thường xuyên bị mắc bệnh này. Tại các nước châu Á chưa thấy bệnh sốt vàng xuất hiện nhưng khả năng người đi công tác, làm việc, lao động, du lịch ra nước ngoài, nhất là đến vùng có bệnh lưu hành ở các nước châu Phi rất dễ có nguy cơ bị mắc bệnh từ nước sở tại; đồng thời mầm bệnh virus có thể ngoại nhập mang về và có khả năng truyền bệnh qua trung gian truyền bệnh của loài muỗi vằn Aedes aegypti có sẵn tại địa phương. Vì vậy cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế bắt buộc phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm chủng vaccine phòng bệnh sốt vàng trước khi xuất cảnh ra nước ngoài, đặc biệt đến các nước châu Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ là vấn đề không thể thiếu được trong thủ tục vì yêu cầu cần bảo vệ sức khỏe. | Sơ đồ truyền bệnh sốt vàng ở châu Phi và Nam Mỹ (ảnh internet) |
Phòng ngừa bệnh sốt vàng Phòng bệnh sốt vàng có hiệu quả tốt nhất là tiêm phòng vaccine theo quy định của ngành y tế dự phòng. Tất cả những người khi vào làm việc, lao động, công tác, du lịch hoặc thăm rừng ở những vùng có bệnh sốt vàng lưu hành cần phải được tiêm vaccine phòng bệnh. Quy định này cũng cần được thực hiện đối với cộng đồng người dân sống ở các vùng nông thôn hoặc thành thị có nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh. Khi được tiêm chủng, vaccine phòng bệnh sốt vàng có thể bảo vệ cho người được chủng ngừa trong thời gian khoảng 10 năm và cứ sau mỗi 10 năm cần được tiêm chủng nhắc lại để bảo đảm yêu cầu bảo vệ. Các cơ quan y tế dự phòng, đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế ở các cửa khẩu, bến cảng, sân bay, biên giới ở một số nước nhiệt đới trên thực tế đã thực hiện biện pháp tiêm phòng vaccine phòng bệnh này cho những đối tượng đi ra nước ngoài để công tác, lao động; đặc biệt là đến các nước châu Phi, một số nước ở Trung Mỹ và Nam Mỹ. Có thể thực hiện biện pháp phòng chống dịch sốt vàng bằng cách tiêm chủng vaccine phòng bệnh cho tất cả mọi người sống trong vùng có bệnh lưu hành hoặc bằng phương pháp phun không gian với hóa chất diệt muỗi trưởng thành kết hợp với các phương pháp diệt bọ gậy muỗi. Người không có miễn dịch đối với bệnh sốt vàng khi đến vùng có bệnh lưu hành có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng biện pháp tự bảo vệ phòng chống muỗi đốt như mặc quần áo dài, dùng thuốc xua muỗi, ở trong nhà có cửa lưới che chống muỗi để phòng ngừa mỗi đốt máu ban ngày và truyền bệnh. Lời khuyên của thầy thuốc Mặc dù nước ta chưa phát hiện bệnh sốt vàng nhưng trong tiến trình hội nhập, giao lưu quốc tế; một số người sẽ có điều kiện công tác, làm việc, lao động, du lịch đến một số nước thuộc châu Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ; nơi có bệnh sốt vàng lưu hành nên rất dễ có nguy cơ bị nhiễm bệnh nếu không được tiêm vaccine phòng bệnh sốt vàng theo quy định của ngành y tế dự phòng và không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh. Thực trạng vừa qua đã có nhiều người dân xuất khẩu lao động bất hợp pháp sang làm việc tại Angola ở châu Phi bị nhiễm bệnh sốt rét và đã có trường hợp sốt rét ác tính gây tử vong. Bệnh sốt vàng cũng là bệnh khá nguy hiểm vì diễn biến bệnh rất nhanh, biến chứng khá trầm trọng và tử vong có thể xảy ra 3 ngày sau khi mắc bệnh. Vì vậy cộng đồng người dân cần cảnh giác và nên quan tâm đến việc tiêm vaccine phòng bệnh sốt vàng khi ra nước ngoài, đặc biệt là các nước có bệnh lưu hành theo yêu cầu của đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế.
|