Cần chủ động giám sát trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết
Trong khi chờ đợi các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng thành công vắc-xin phòng bệnh và thuốc đặc hiệu điều trị bệnh sốt xuất huyết; việc phòng ngừa bệnh vẫn được ngành y tế phát động là “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Vì vậy việc giám sát trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết gồm muỗi trưởng thành và bọ gậy muỗi phải được cơ sở chủ động thực hiện để phát hiện nguy cơ bùng phát và xử lý biện pháp phù hợp nhằm khống chế dịch bệnh xảy ra. Giám sát bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ở các dụng cụ chứa nước (ảnh minh họa) Ổ dịch và vấn đề giám sát trung gian truyền bệnh Thực tế thời gian qua tại một số địa phương, ổ dịch sốt xuất huyết được hình thành và lây lan bệnh cho cộng đồng người dân, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời rất dễ có nguy cơ dẫn đến tử vong. Một tổ dân phố, khu phố, xóm, ấp, cụm dân cư... được xác định có ổ dịch sốt xuất huyết khi phát hiện các trường hợp bệnh lâm sàng xảy ra trong vòng 7 ngày hoặc có 1 trường hợp bệnh sốt xuất huyết được chẩn đoán xác định kết quả dương tính trong phòng xét nghiệm; đồng thời điều tra phát hiện có bọ gậy muỗi hoặc muỗi truyền bệnh trong phạm vi bán kính 200 mét. Khi phát hiện tại địa phương cơ sở có ổ dịch sốt xuất huyết, các cơ quan chức năng và cộng đồng người dân phải xử trí bằng các biện pháp theo đúng quy định. Ổ dịch sốt xuất huyết chỉ được xác định chấm dứt khi không phát hiện có trường hợp bệnh mới trong vòng 14 ngày kể từ ngày bệnh khởi phát cho đến trường hợp bệnh cuối cùng. Để thực hiện tốt công tác phòng chống sốt xuất huyết nhằm chủ động ngăn ngừa các ổ dịch hình thành, địa phương cơ sở cần tổ chức tốt công tác giám sát dịch tễ bệnh bao gồm: giám sát bệnh nhân, giám sát huyết thanh và vi-rút gây bệnh, giám sát trung gian truyền bệnh, giám sát tính nhạy cảm của muỗi truyền bệnh đối với các loại hóa chất diệt côn trùng; kể cả việc theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường và kết quả thực hiện các biện pháp phòng chống chủ động. Với khẩu hiệu hành động của ngành y tế dự phòng là “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết” nên một trong các nội dung giám sát dịch tễ khá quan trọng là giám sát trung gian truyền bệnh gồm muỗi trưởng thành và bọ gậy muỗi vì chỉ số thu thập được sẽ giúp cho các nhà chuyên môn dự báo yếu tố nguy cơ bùng phát dịch bệnh để chủ động triển khai thực hiện những biện pháp phòng chống một cách kịp thời nhằm khống chế bệnh lây lan trên diện rộng. Trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết được các nhà khoa học xác định là muỗi vằn Aedes aegypti và muỗi hổ châu Á Aedes albopictus. Chu kỳ phát triển của hai loài muỗi này cũng giống như các loài muỗi khác, chúng trải qua 4 giai đoạn sinh trưởng gồm trứng, bọ gậy, loăng quăng và muỗi trưởng thành. Giám sát trung gian truyền bệnh là giám sát hoạt động của muỗi trưởng thành và bọ gậy muỗi. Thực tế một số người có sự hiểu nhầm bọ gậy muỗi là loăng quăng muỗi nên đã dùng sai thuật ngữ này. Thông thường ở điều kiện khí hậu thuận lợi, giai đoạn bọ gậy muỗi khoảng từ 4 đến 7 ngày, giai đoạn loăng quăng chỉ từ 1 đến 3 ngày; toàn bộ thời gian phát triển từ trứng muỗi đến muỗi trưởng thành mất khoảng từ 7 đến 13 ngày. Theo đặc điểm, giai đoạn loăng quăng muỗi có thời gian ngắn và hình thái ít có sự khác biệt giữa các loài muỗi nên không cần giám sát vì dễ nhầm lẫn với loăng quăng của loài muỗi Anopheles, muỗi Culex. Trái lại bọ gậy muỗi có sự khác biệt rõ rệt giữa các loài muỗi nên có thể phân biệt để thu thập chính xác khi giám sát phát hiện như: bọ gậy muỗi Aedes khi nghỉ trên mặt nước sẽ tạo thành một góc nhọn đối với mặt nước, có ống thở ngắn, dày, có một cụm lông; trong khi đó bọ gậy muỗi Anopheles lại nằm ngang với mặt nước khi nghỉ và có ống thở thô sơ, còn bọ gậy muỗi Culex khi nghỉ cũng tạo thành một góc nhọn so với mặt nước nhưng ống thở dài, thon và có nhiều lông. Các kỹ thuật viên côn trùng dễ dàng nhận biết, phân biệt khi điều tra, giám sát bọ gậy muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết một cách chính xác. Mục đích và nội dung giám sát trung gian truyền bệnh Mục đích của việc giám sát trung gian truyền bệnh nhằm xác định nguồn sinh sản chủ yếu của muỗi truyền bệnh; sự biến động, tính nhạy cảm của trung gian truyền bệnh với các hóa chất diệt côn trùng và đánh giá hoạt động phòng chống trung gian truyền bệnh tại cộng đồng. Điểm giám sát trung gian truyền bệnh được lựa chọn tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm và hai điểm không phải xã, phường, thị trấn trọng điểm của tỉnh để làm đối chứng. Nội dung của việc giám sát trung gian truyền bệnh là giám sát hoạt động của muỗi trưởng thành và bọ gậy muỗi; cần bỏ thói quen dùng thuật ngữ loăng quăng như một số người thường gọi. Giám sát muỗi trưởng thành Được thực hiện bằng phương pháp soi bắt muỗi đậu nghỉ trong nhà ban ngày bằng ống tuýp thủy tinh hoặc máy hút cầm tay. Khi điều tra giám sát, kỹ thuật viên côn trùng sử dụng đèn pin soi phát hiện và bắt muỗi cái đậu nghỉ trên quần áo, chăn màn, các đồ vật ở trong nhà vào ban ngày. Tại mỗi nhà điều tra cần soi bắt muỗi trong 15 phút. Ở mỗi điểm điều tra cần thực hiện tại 30 nhà. Quy trình điều tra cần tổ chức đều đặn mỗi tháng một lần. Với dẫn liệu thu thập được sau khi điều tra bắt muỗi, các nhà khoa học đã dùng 2 chỉ số để đánh giá hoạt động của muỗi truyền bệnh Aedes aegypti và Aedes albopictus tính riêng theo từng loài gồm: Chỉ số mật độ muỗi được tính bằng đơn vị con/nhà là số muỗi cái Aedes trưởng thành trung bình trong một nhà điều tra với công thức tính: [số muỗi cái Aedes bắt được/ số nhà điều tra]. Chỉ số nhà có muỗi được tính bằng đơn vị % là tỷ lệ phần trăm nhà có muỗi cái Aedes trưởng thành với công thức tính: [số nhà có muỗi cái Aedes/ số nhà điều tra x 100] Giám sát bọ gậy muỗi Được thực hiện thường xuyên định kỳ mỗi tháng một lần cùng với phương pháp giám sát hoạt động của muỗi trưởng thành. Qua mỗi đợt giám sát, sau khi điều tra bắt muỗi trưởng thành cần tiến hành điều tra bọ gậy muỗi bằng phương pháp quan sát, thu thập, ghi nhận, xử lý định loại bọ gậy ở tất cả dụng cụ chứa nước trong nhà và chung quanh nhà. Phương pháp giám sát ổ bọ gậy nguồn được thực hiện dựa vào kết quả đếm toàn bộ số lượng bọ gậy muỗi Aedes trong các loại dụng cụ chứa nước khác nhau để xác định nguồn phát sinh chủ yếu và độ tập trung bọ gậy muỗi của từng địa phương theo mùa trong năm hoặc theo từng giai đoạn để điều chỉnh, bổ sung các biện pháp truyền thông giáo dục phòng chống trung gian truyền bệnh thích hợp. Việc xác định ổ bọ gậy nguồn được tiến hành theo đơn vị tỉnh bằng cách tổ chức điều tra, giám sát ở những trọng điểm mỗi năm 2 lần; mỗi lần điều tra 100 nhà phân bố đều trong các xã, phường, thị trấn trọng điểm; lần 1 thực hiện vào quý I và II, lần 2 thực hiện vào quý III và IV. Với dẫn liệu thu thập được sau khi điều tra bắt bọ gậy muỗi, các nhà khoa học đã dùng 4 chỉ số để đánh giá sự hiện diện của bọ gậy muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus tính riêng theo từng loài gồm: - Chỉ số nhà có bọ gậy muỗi được tính bằng đơn vị % là tỷ lệ phần trăm nhà có bọ gậy muỗi Aedes với công thức tính: [số nhà có bọ gậy muỗi Aedes/ số nhà được điều tra x 100]. - Chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi được tính bằng đơn vị % là tỷ lệ phần trăm dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes với công thức tính: [số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes/ số dụng cụ chứa nước điều tra x 100]. - Chỉ số Breteau (BI) là số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes trong 100 nhà điều tra. Tối thiểu điều tra 30 nhà, vì vậy chỉ số BI được tính bằng công thức: [số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes/ số nhà điều tra x 100]. - Chỉ số mật độ bọ gậy muỗi được tính bằng đơn vị con/nhà là số lượng bọ gậy muỗi Aedes trung bình cho 1 nhà điều tra. Chỉ số này chỉ sử dụng khi điều tra ổ bọ gậy nguồn với công thức tính: [số bọ gậy muỗi Aedes thu được/ số nhà điều tra]. Trong quá trình giám sát trung gian truyền bệnh gồm muỗi trưởng thành và bọ gậy muỗi; nếu chỉ số mật độ muỗi truyền bệnh cao từ 0,5 con/nhà trở lên hoặc chỉ số BI từ 30 trở lên là có yếu tố nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết. Riêng ở khu vực miền bắc, nếu chỉ số mật độ muỗi truyền bệnh cao từ 0,5 con/nhà trở lên hoặc chỉ số BI chỉ từ 20 trở lên là đã có yếu tố nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết rồi. Giám sát trung gian truyền bệnh gồm muỗi trưởng thành và bọ gậy muỗi (ảnh minh họa) Chủ động giám sát để xử trí biện pháp phù hợp Hiện nay sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nếu bị mắc bệnh. Vì vậy biện pháp phòng bệnh tốt nhất là hạn chế sự tiếp xúc của muỗi truyền bệnh đối với người vì chúng có khả năng lây lan mầm bệnh vi-rút sốt xuất huyết từ người bệnh sang người lành qua vết chích đốt máu để gây bệnh. Muốn giảm mật độ muỗi hoạt động truyền bệnh, biện pháp được ngành y tế dự phòng phát động là định kỳ hàng tuần phải thường xuyên thau vét, làm vệ sinh cọ rửa các loại dụng cụ chứa nước ở trong nhà và chung quanh nhà nhằm làm giảm mật độ bọ gậy muỗi. Trong các nội dung giám sát dịch tễ bệnh sốt xuất huyết, việc giám sát trung gian truyền bệnh gồm muỗi trưởng thành và bọ gậy muỗi là một nội dung khá quan trọng mà những địa phương thường hay xảy ra dịch bệnh cần chú ý thực hiện để theo dõi, đánh giá, dự báo yếu tố nguy cơ bùng phát nhằm áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp, kịp thời, có hiệu quả khống chế bệnh. Hai chỉ số cần thiết đánh giá tình hình nguy cơ sốt xuất huyết phải luôn được hệ thống y tế dự phòng theo dõi thực hiện ở tại địa phương cơ sở là chỉ số mật độ muỗi truyền bệnh và chỉ số Breteau (BI). Khẩu hiệu hành động “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết” có nghĩa là không có bọ gậy muỗi sẽ không có muỗi truyền bệnh, không có muỗi truyền bệnh sẽ không có sốt xuất huyết; do đó giám sát trung gian truyền bệnh là một yêu cầu cần thiết để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả.
|