Dùng loài giáp xác Mesocyclops ăn bọ gậy muỗi để phòng chống sốt xuất huyết
Ngoài phương pháp sinh học như dùng vi khuẩn, thả cá ăn bọ gậy muỗi truyền bệnh vào những nơi sinh đẻ của muỗi để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, các nhà khoa học cũng đã khuyến cáo sử dụng loài giáp xác Mesocyclops thả xuống nước để chúng tiêu diệt bọ gậy muỗi.
Giáp xác chân chèo Mesocyclops là loài tôm bậc thấp có khả năng ăn bọ gậy muỗi (ảnh minh họa) Mesocyclops là loài sinh vật giáp xác nhỏ (crustacae) sống trong các thủy vực khác nhau và phân bố rộng ở khắp nơi trên thế giới. Thực tế ghi nhận nhiều quốc gia như Úc, Honduras, Brazil, Mexico, Lào... đã nghiên cứu và sử dụng loài giáp xác Mesocyclops để phòng chống bệnh sốt xuất huyết do chúng có khả năng ăn bọ gậy muỗi truyền bệnh Aedes aegypti ở các thủy vực có muỗi trưởng thành sinh đẻ. Các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại nhiều nơi cho thấy biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả và bền vững nhất là làm giảm nguồn sinh sản của trung gian truyền bệnh, trong đó việc làm giảm bọ gậy muỗi truyền bệnh bằng biện pháp sinh học là vấn đề rất cần được quan tâm; chính vì vậy ngành y tế dự phòng mới phát động khẩu hiệu hành động “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Giáp xác Mesocyclops thường được gọi là loài tôm bậc thấp, chúng là một trong những tác nhân sinh học ứng dụng có hiệu quả tốt trong quá trình tiêu diệt trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn bọ gậy muỗi. Trên thực tế, khả năng tiêu diệt bọ gậy muỗi Aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết của loài giáp xác Mesocyclops rất lớn vì chúng không những ăn mà còn cắn chết cả bọ gậy muỗi tuổi I sau khi đã ăn no. Việc sử dụng loài giáp xác Mesocyclops phòng chống sốt xuất huyết có ưu điểm là chúng có khả năng ăn và tiêu diệt bọ gậy muỗi rất tốt, có khả năng sinh sản và tồn tại dễ dàng trong tự nhiên, có thể có sẵn trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, dễ thu thập trong tự nhiên, dễ dàng nhân nuôi và phóng thả rộng rãi, không độc hại cho người và các loại động vật, không gây ô nhiễm môi trường sống, sử dụng ít tốn kém, được cộng đồng người dân dễ chấp nhận, không cần chi phí thức ăn để nhân nuôi, thiết bị bảo quản và vận chuyển đơn giản... Giáp xác Mesocyclops thường được gọi là giáp xác chân chèo, họ Cyclopidae có số lượng loài khá lớn và mật độ chiếm ưu thế trong nhóm động vật nổi ở các thủy vực nội địa trong nước. Ở nước ta, các nhà khoa học đã phát hiện có 11 loài thuộc các giống Eucyclops, Paracyclops, Ectocyclops, Mesocyclops, Thermocyclops, Microcyclops và Halicyclops. Việc sử dụng loài giáp xác Mesocyclops để diệt bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đã được nghiên cứu và ứng dụng ở nước ta tại một số tỉnh thành miền Bắc từ năm 1993, sau đó triển khai thực hiện ở miền Trung và miền Nam. Tại Việt Nam, các nhà khoa học qua điều tra khảo sát ở 26 tỉnh thành đã thu thập được loài giáp xác Mesocyclops hiện diện trong những thủy vực; trong đó xác định có 9 loài có khả năng ăn bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Aedes aegypti gồm: Mesocyclops woutersi, Mesocyclops aspericornis, Mesocyclops affinis, Mesocyclops ogunnus, Mesocyclops ruttneri, Mesocyclops yenae, Mesocyclops thermocyclopoides, Mesocyclops disimilis và Mesocyclops pehpeiensis. Một nghiên cứu ghi nhận trong điều kiện bình thường của phòng thí nghiệm, giáp xác Mesocyclops có thể ăn 9 con bọ gậy muỗi ở nhóm tuổi I nhưng điều quan trọng ở đây là chúng có thể cắn chết thêm 23 con bọ gậy muỗi nữa sau khi đã ăn no nên đã có khả năng tiêu diệt bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết khá hiệu quả. Với đặc điểm tuổi thọ của loài giáp xác Mesocyclops có khả năng sống từ 3 tuần đến vài tháng, con cái có thể đẻ khoảng 6 lần trong vòng đời sinh học; chu kỳ mang phôi hay túi trứng khoảng 2 ngày và mỗi lứa đẻ trung bình khoảng 41 ấu trùng. Khi thiếu thức ăn ở môi trường sống, chúng có thể ăn lẫn nhau hoặc nhịn ăn trong nhiều ngày và nằm yên ở đáy nước. Tại một điểm nghiên cứu thực địa, với 58% các loại dụng cụ chứa nước chuyên dụng và không chuyên dụng hiện diện sẵn loài giáp xác Mesocyclops thì tỷ lệ bọ gậy muỗi truyền bệnh bị tiêu diệt chiếm đến 99%. Trên cơ sở này, có thể nói việc nhân nuôi và thả loài giáp xác Mesocyclops vào các loại dụng cụ chứa nước ở trong nhà và chung quanh nhà là một biện pháp đấu tranh sinh học phòng chống sốt xuất huyết rất hiệu quả, ít tốn kém chi phí, không làm môi trường bị ô nhiễm và dễ dàng được cộng đồng người dân chấp nhận. Thực tế ghi nhận tại thực địa, loài giáp xác Mesocyclops được nhân nuôi và phóng thả vào các loại dụng cụ chứa nước thì chúng phát triển và ăn bọ gậy muỗi truyền bệnh khá tốt, sau 17 tháng mật độ hoạt động của quần thể muỗi Aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết đã giảm xuống đến mức đáng kể và vẫn tiếp tục được duy trì.
Giáp xác Mesocyclops đang ăn bọ gậy muỗi truyền bệnh (ảnh minh họa)
Khẩu hiệu hành động của ngành y tế dự phòng trong phòng chống sốt xuất huyết là “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Vì vậy phương pháp phòng ngừa được khuyến cáo thực hiện khi chưa có vắc-xin phòng bệnh là tiêu diệt trung gian truyền bệnh, đặc biệt hiệu quả nhất khi diệt trung gian truyền bệnh ở giai đoạn bọ gậy muỗi sinh sản và phát triển trong các loại dụng cụ chứa nước sạch tại các hộ gia đình. Thực tế khi sử dụng các biện pháp vật lý như dùng lưới mắt nhỏ làm cửa ngăn muỗi, dùng đèn diệt muỗi...; biện pháp hóa học như phun hóa chất, dùng hóa chất trực tiếp diệt muỗi...; biện pháp sinh học như thả vi khuẩn, thả cá ăn bọ gậy muỗi... sẽ phải chịu nhiều chi phí tốn kém, gây tác dụng phụ không mong muốn; nhất là khi sử dụng biện pháp hóa học diệt côn trùng có thể gây độc hại, làm ô nhiễm môi trường, gia tăng sự kháng hóa chất của muỗi truyền bệnh. Vì vậy có thể nói biện pháp phòng chống sốt xuất huyết có hiệu quả hiện nay cần được xem xét ứng dụng mở rộng là biện pháp sinh học để làm giảm nguồn sinh sản của muỗi với việc sử dụng loài giáp xác Mesocyclops để tiêu diệt bọ gậy muỗi. Đừng để biện pháp có hiệu quả này chỉ thể hiện và dừng lại ở trong các tài liệu truyền thông giáo dục sức khỏe mà nên có kế hoạch áp dụng vào thực tiễn với sự tham gia thực hiện của cộng đồng người dân.
|