Chỉ số BI giúp đánh giá tình hình sốt xuất huyết
Để đánh giá, dự báo tình hình sốt xuất huyết; các nhà khoa học đã khuyến cáo địa phương phải thực hiện công tác giám sát bọ gậy muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus truyền bệnh bằng quy trình cụ thể để xác định chỉ số có liên quan, trong các chỉ số điều tra, quan trọng nhất là chỉ số BI (Breteau index) cần được ghi nhận.
Nhân viên y tế dự phòng đang điều tra chỉ số bọ gậy muỗi (ảnh minh họa)
Trong quá trình tiến hành công tác phòng chống sốt xuất huyết, việc giám sát bọ gậy muỗi truyền bệnh cần phải được các địa phương chủ động thực hiện thường xuyên mỗi tháng một lần cùng với muỗi trưởng thành. Sau khi điều tra bắt muỗi trưởng thành, cần tiến hành điều tra bắt bọ gậy muỗi bằng cách quan sát, thu thập, ghi nhận và định loại bọ gậy muỗi ở toàn bộ dụng cụ chứa nước trong nhà và chung quanh nhà. Việc điều tra, giám sát ổ bọ gậy nguồn của muỗi truyền bệnh được thực hiện với phương pháp căn cứ vào kết quả đếm toàn bộ số lượng bọ gậy muỗi Aedes trong các chủng loại dụng cụ chứa nước khác nhau để xác định nguồn phát sinh chủ yếu và độ tập trung của bọ gậy muỗi của từng địa phương theo các mùa trong năm hoặc theo từng giai đoạn để điều chỉnh, bổ sung các biện pháp tuyên truyền, giáo dục sức khỏe và phòng chống trung gian truyền bệnh thích hợp. Việc xác định ổ bọ gậy nguồn của muỗi truyền bệnh được tiến hành theo đơn vị tỉnh, phải tổ chức điều tra tại những xã, phường trọng điểm mỗi năm 2 lần; mỗi lần điều tra 100 nhà dân phân bổ đều trong các xã, phường trọng điểm; lần 1 được thực hiện vào quý một và quý hai, lần 2 được thực hiện vào quý III và IV. Để giám sát, theo dõi sự hiện diện của bọ gậy muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus truyền bệnh sốt xuất huyết tại địa phương, các nhà khoa học khuyến cáo sử dụng 4 loại chỉ số cần thiết gồm: chỉ số nhà có bọ gậy muỗi, chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi, chỉ số BI (Breteau index) và chỉ số mật độ bọ gậy muỗi; trong đó quan trọng nhất là chỉ số BI giúp xác định mối nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Các chỉ số này được tính riêng cho từng loài muỗi Aedes truyền bệnh Chỉ số nhà có bọ gậy muỗi: là tỷ lệ phần trăm (%) nhà có bọ gậy muỗi Aedes. Chỉ số này được tính theo công thức: [số nhà có bọ gậy muỗi Aedes/số nhà điều tra x 100]. Chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi: là tỷ lệ phần trăm (%) dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes. Chỉ số này được tính theo công thức: [số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes / số dụng cụ chứa nước điều tra x 100]. Chỉ số BI (Breteau index): là số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes trong 100 nhà điều tra. Trên thực tế phải điều tra tối thiểu đủ 30 nhà nên chỉ số BI được tính theo công thức: [số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes/số nhà điều tra x 100]. Chỉ số mật độ bọ gậy muỗi: là số lượng bọ gậy muỗi Aedes trung bình trong 1 nhà điều tra. Chỉ số này chỉ sử dụng khi điều tra ổ bọ gậy nguồn của muỗi truyền bệnh và được tính theo công thức: [số bọ gậy muỗi Aedes thu thập được / số nhà điều tra]. Trong quá trình điều tra 4 chỉ số giám sát bọ gậy muỗi Aedesaegypti và Aedes albopictus truyền bệnh sốt xuất huyết; chỉ số BI (Breteau index) có vai trò quan trọng để xác định tình hình. Nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 30 trở lên có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát; riêng tại khu vực miền Bắc thì chỉ số BI này quy định là từ 20 trở lên. Trên thực tế, nhân viên y tế dự phòng thường điều tra hoạt động của muỗi trưởng thành kết hợp với điều tra bọ gậy muỗi theo quy trình chủ động giám mỗi tháng một lần, vì vậy ngoài chỉ số BI còn cần tham khảo thêm chỉ số mật độ muỗi truyền bệnh; nếu chỉ số mật độ hoạt động của muỗi trưởng thành cao từ 0,5 con muỗi/nhà trở lên cũng sẽ là yếu tố có nguy cơ cao với khả năng bùng phát dịch bệnh. Các chỉ số này sẽ giúp các nhà khoa học xem xét, chỉ định can thiệp biện pháp kịp thời, phù hợp nhằm chủ khống chế dịch bệnh bùng phát tại địa phương.
|