|
Bộ trưởng Bộ y tế chỉ đạp phòng chống dịch sốt xuất huyết tại tây Nguyên |
Tình hình sốt xuất huyết và chỉ đạo phòng chống sốt xuất huyết của Chính phủ và Bộ Y tế
Cũng như nhiều nước trên thế giới và khu vực, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến phức tạp, số ca mắc có chiều hướng gia tăng và lan rộng ở nhiều tỉnh/thành phố miền Trung và miền Nam, đặc biệt là 4 tỉnh Tây Nguyên. Chính phủ và Bộ Y tế đã có công điện chỉ đạo tăng cường phòng chống sốt sốt xuất huyết cùng nhiều hoạt động kiểm soát dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyếtTrong nướcTheo Bộ Y tế (MOH), đến đầu tháng 8 năm 2016 cả nước ghi nhận gần 50.000 ca mắc tại 48 tỉnh/thành phố và 17 trường hợp tử vong. Trong đó khu vực Tây Nguyên ghi nhận 7.411 trường hợp mắc, 4 trường hợp tử vong. Tỷ lệ mắc/100.000 dân của khu vực này là 168,1/100.000 dân, cao hơn nhiều so với cả nước 48,2/100.000 dân; trong đó cao nhất là Kon Tum 291,3/100.000 dân, tiếp theo là Gia Lai 218,2/100.000 dân, Đắk Nông 197,3/100.000 dân và Đắk Lắk là 92,1/100.000 dân. Ngoài ra, số ca mắc sốt xuất huyết tập trung ở một số tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Phước và có chiều hướng tiếp tục gia tăng và lan rộng. Các bệnh viện “quá tải” do dịch bệnh sốt xuất huyết
Nguyên nhân dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng trước hết là theo mùa mưa và là mùa truyền bệnh (trong khi Tây Nguyên đang trong mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến 10); hơn nữa Tây Nguyên cũng như một số tỉnh duyên hải miền Trung và Nam bộ vừa phải chịu tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu như El Nino làm nhiệt độ tăng, nắng nóng và hạn hán kéo dài, người dân địa phương tích trữ nhiều nước sinh hoạt là điều kiện thuận lợi để lăng quăng/bọ gậy phát triển thành muỗi truyền bệnh. Một nguyên nhân quan trọng khác là chưa thể kiểm soát được các ổ phát sinh bọ gậy (ổ bọ gậy nguồn) phổ biến tại cộng đồng cùng tình trạng đô thị hóa và xây dựng tràn lan, không có quy hoạch nên véc tơ truyền bệnh phát triển ngoài tầm kiểm soát y tế. Cùng với đó, ý thức tự phòng chống sốt xuất huyết của cộng đồng chưa cao và chưa chủ động thực hiện loại bỏ các ổ nước phát sinh loăng quăng/bọ gậy. Trên thế giớiTheo thông tin cập nhật 29/7/2016 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về gánh nặng toàn cầu của sốt xuất huyết (global burden of dengue)thì tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết trên phạm vi toàn cầu đã gia tăng đáng kể trong vài thập kỷ gần đây. Thống kê chưa đầy đủ của WHO gần đây cho thấy có khoảng 390 triệu ca nhiễm sốt xuất huyết mỗi năm (95% khoảng tin cậy: 284-528 triệu), trong đó 96 triệu (67-136 triệu) có biểu hiện về mặt lâm sàng với bất kỳ mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ước tính 3,9 tỷ người trong 128 quốc gia có nguy cơ nhiễm virus sốt xuất huyết; gần 2,4 triệu ca mắc sốt xuất huyết hàng năm (trong các năm 2010, 2013 và 2015) được báo cáo từ các nước thành viên trong 3 khu vực của WHO. Bản đồ phân bố bệnh sốt xuất huyết trên thế giới của WHO
WHO cho biết trước năm 1970 chỉ có 9 quốc gia xảy ra các vụ dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhưng đến nay hơn 100 quốc gia có bệnh lưu hành tại các khu vực châu Phi, châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương của WHO. Các khu vực châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo số liệu chính thức từ các quốc gia thành viên: số ca nhiễm trên toàn châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương vượt quá 1,2 triệu người vào năm 2008 và trên 3 triệu người trong năm 2013 và gần đây số ca bệnh được báo cáo vẫn tiếp tục gia tăng. Trong năm 2015, chỉ tính riêng châu Mỹ đã có khoảng 2,35 triệu ca mắc, trong đó 10.200 trường hợp được chẩn đoán sốt xuất huyết nặng gây ra 1.181 tử vong, số lượng ca bệnh gia tăng không chỉ lây lan sang các khu vực mới mà còn do các vụ dịch đang xảy ra. Nguy cơ đe dọa bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết hiện cũng đang tồn tại ở châu Âu, khi sự lan truyền tại chỗ đã được báo cáo lần đầu tiên tại Pháp và Croatia trong năm 2010 và các ca bệnh nhập khẩu (imported cases) đã được phát hiện tại 3 nước châu Âu khác. Trong năm 2012, một đợt bùng phát bệnh sốt xuất huyết trên đảo Madeira của Bồ Đào Nha gây ra hơn 2.000 trường hợp và các trường hợp nhập khẩu đã được phát hiện ở lục địa Bồ Đào Nha và 10 quốc gia khác ở châu Âu. Trong năm 2013, các trường hợp đã xảy ra tại Florida (Hoa Kỳ) và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Sốt xuất huyết tiếp tục ảnh hưởng đến một số nước Nam Mỹ, đặc biệt là Costa Rica, Honduras và Mexico. Ở châu Á, Singapore đã báo cáo về một sự gia tăng số mắc sau khi một sự biến mất trong nhiều năm và các vụ dịch cũng đã được báo cáo tại Lào. Trong năm 2014, các xu hướng cho thấy sự gia tăng ca bệnh ở Trung Quốc, quần đảo Cook, Fiji, Malaysia và Vanuatu với sốt xuất huyết type 3 (DEN 3) ảnh hưởng đến các quốc đảo Thái Bình Dương sau khi một sư biến mất trong hơn 10 năm. Sốt xuất huyết cũng được báo cáo tại Nhật Bản sau khi biến mất trong hơn 70 năm. Năm 2015 được đặc trưng bởi các vụ dịch sốt xuất huyết lớn trên toàn thế giới, với Philippines báo cáo hơn 169.000 ca mắc bệnh (tăng 59,5%) và Malaysia vượt quá 111.000 trường hợp nghi ngờ sốt xuất huyết (tăng 16%) so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng ở Brazil báo cáo trên 1,5 triệu trường hợp vào năm 2015, xấp xỉ cao hơn 3 lần trong năm 2014. Cũng trong năm 2015, Delhi, Ấn Độ, ghi nhận vụ dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2006 với hơn 15.000 trường hợp. Quần đảo Hawaii ở bang Hawaii, Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng bởi một vụ dịch với 181 trường hợp được báo cáo trong năm 2015 và sự lây lan tiếp tục trong năm 2016. Quốc đảo Fiji ở Thái Bình Dương, Tonga và Polynesia thuộc Pháp tiếp tục ghi nhận số ca mắc. Ước tính có khoảng 500.000 người bị sốt xuất huyết nặng phải nhập viện mỗi năm, một tỷ lệ lớn trong số đó là trẻ em và khoảng 2,5% số người bị ảnh hưởng tử vong do căn bệnh này. Biến đổi khí hậu dẫn tới hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino là một trong những nguyên nhân làm gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam cung như toàn cầu
WHO cho rằng dịch bệnh sốt xuất huyết đang lan rộng khắp vùng nhiệt đới với nguy cơ tại chỗ bởi tác động của biến đổi khí hậu như lượng mưa, nhiệt độ và sự đô thị hóa nhanh chóng không có kế hoạch. Do không có thuốc đặc trị và không có vaccine phòng chống nên biện pháp ngăn chặn lây truyền virus hiệu quả nhất là xử lý và cải thiện môi trường không cho muỗi véc tơ tiếp cận đẻ trứng; xử lý đúng chất thải rắn và loại bỏ môi trường sống do con người tạo ra; che phủ, đổ và làm sạch các vật dụng chứa nước sinh hoạt trong nhà hàng tuần; sử dụng thuốc diệt côn trùng thích hợp với các nơi chứa đựng nước ngoài trời; sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân tại hộ gia đình như rèm cửa sổ, quần áo dài tay, vật liệu tẩm hóa chất diệt côn trùng, hương xua và bình xịt; vận động và huy động cộng đồng chủ động tham gia kiểm soát véc tơ bền vững; phun không gian hóa chất diệt muỗi trưởng thành trong các vụ dịch khẩn cấp; theo dõi và giám sát véc tơ đánh giá hiệu quả biện pháp can thiệp. Thông điệp truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Công điện chỉ đạo tăng cường phòng chống sốt xuất huyết của Chính phủ và Bộ Y tếTrước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết nêu trên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/8/2016 về tăng cường phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết trong mùa mưa năm nay. Chính phủ đã ban hành công điện số 1388/CĐ-TTg ngày 5/8/2016 và Bộ Y tế đã có công điện số 782/BYT-DP ngày 5/8/2016 về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết với các nội dung tóm tắt như sau.Công điện của Chính phủ- UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất, đặc biệt tại các công trường xây dựng, các dụng cụ chứa nước, khu vực tập trung dân cư; yêu cầu người dân khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố có trách nhiệm chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. - Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong. - Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết; tình hình dịch bệnh và các biện pháp phát hiện sớm dịch bệnh để người dân tích cực, chủ động phòng chống dịch bệnh, đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị khi vừa có dấu hiệu mắc bệnh. - Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và đào tạo huy động giáo viên, học sinh, sinh viên các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế. - Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết của ngành y tế. Chiến dịch diệt muỗi sốt xuất huyết ở Tây Nguyên đang được triển khai rầm rộ
Công điện của Bộ Y tế- Triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy theo Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 16/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế; giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân…), các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia và vận động người dân tiến hành các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải như lốp xe, vỏ lon, đồ hộp, gáo dừa, chai, lọ…để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; đậy kín các dụng cụ chứa nước mưa, nước sinh hoạt, thường xuyên thay nước bình hoa để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước nếu có thể được để cá ăn loăng quăng/bọ gậy. - Ngành Y tế thực hiện tốt các công việc sau: Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời; phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch; bảo đảm 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun theo chỉ định của ngành y tế. Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu, điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện. Tổ chức tập huấn về việc giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến. - Sở Thông tin và truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở phối hợp với ngành y tế triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền tới người dân trong cộng đồng về các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy, nằm màn chống muỗi đốt và phối hợp với cơ quan y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi tại các hộ gia đình. Khi có dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. - Sở kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính, UBND các cấp cân đối ngân sách cấp và bổ sung kinh phí kịp thời cho các công tác giám sát, truyền thông, tập huấn, trả công người đi phun hóa chất, bồi dưỡng người tham gia chống dịch và các hoạt động phòng chống dịch khác. Đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo triển khai các hoạt động phòng chống dịch chủ động đạt hiệu quả. Kiểm tra hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng
Hoạt động chỉ đạo và phòng chống sốt xuất huyếtCùng với ban hành công điện tăng cường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã thành lập nhiều đoàn giám sát hỗ trợ các tỉnh trọng điểm dịch bệnh. Ngày 6/8/2016, đoàn công tác của Bộ Trưởng Bộ Y tế cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trực tiếp xuống kiểm tra hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại các xã Hòa Thuận, Ea Tu và Cư Ebur (Tp. Buôn Ma Thuột), công tác chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tp. Buôn Ma Thuột. Kiểm tra công tác chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện
- Ngày 7/8/2016 Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, ỦBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức “Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết khu vực Tây Nguyên” với sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Điểu Ké. Hội nghị đã yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên thực hiện nghiêm túc các công điện của Chính phủ và Bộ Y tế về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng nổ tại địa phương. Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết khu vực Tây Nguyên
- Ngày 8-9/8/2016, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Trung tâm Truyền thông-GDSK Trung ương Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh, Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn đã phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giám sát và phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong các cho hơn 300 cán bộ lãnh đạo và chuyên viên Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông-GDSK và một số Trung tâm y tế huyện/thành phố/thị xã trọng điểm về sốt xuất huyết thuộc 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên (Gia lai, kon Tum, Đắc Lắc, Đăc Nông. - Hiện nay nhiều đoàn công tác của Bộ Y tế và của các Viện vệ sinh dịch tế/Viện Pasteur, Viện Sốt rét-KST-CT đang triển khai giám sát tại các tỉnh trọng điểm Tây Nguyên, miền Trung và Nam bộ nhằm khống chế kịp thời dịch bệnh sốt xuất huyết theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.
|