Truyền thông giáo dục, chủng ngừa tiến tới loại trừ bệnh dại
Ngày 28/9/2016 là Ngày thế giới phòng chống bệnh dại (World Rabies Day_WRD) với chủ đề: “Truyền thông giáo dục, Chủng ngừa. Loại trừ” (Educate, Vaccinate. Eliminate) nhằm nhấn mạnh trách nhiệm cộng đồng trong phòng chống bệnh dại và mục tiêu tiến tới loại trừ bệnh dại vào năm 2030. Tại Việt Nam, Bộ Y tế (MOH) đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số đối tác quốc tế khác tổ chức mít tinh quốc gia hưởng ứng “Ngày thế giới phòng chống bệnh dại năm 2016” tại tỉnh Nghệ An. Ngày thế giới phòng chống bệnh dại (WRD) năm 2016 Hưởng ứng WRD năm 2016 tại Việt Nam, ngày 24/9/2016 Bộ Y tế (MOH) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (MARD), Tổ chức Y Tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO), Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) cùng các đối tác trong mạng lưới “Một Sức Khỏe” (One Health) tổ chức Lễ mít tinh “Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh dại” tại tỉnh Nghệ An với sự tham dự của đông đảo đại biểu các tầng lớp nhân dân, chính quyền địa phương, đại điện ngành y tế và thú y đến từ các tỉnh vẫn còn bệnh dại ở người và động vật. H1
WHO cho biết cùng với Việt Nam, WRD 2016 được tổ chức trên 100 nước khác trên thế giới vào 28/9/2016 để thể hiện cam kết nâng cao nhận thức phòng chống bệnh dại và nỗ lực loại trừ căn bệnh nguy hiểm này. Đặc biệt năm 2016, thế giới kỷ niệm WRD lần thứ 10th, một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến phòng chống bệnh dại thông qua quảng bá sử dụng vaccine dại an toàn hiệu quả cho động vật và người, đồng thời vận động cộng đồng tích cức tham gia phòng chống bệnh dại. WRD là một chiến dịch quốc tế phối hợp của liên minh toàn cầu về kiểm soát bệnh dại (GARC) có trụ sở chính tại Hoa Kỳ (USA) và Vương Quốc Anh (UK) với WHO, FAO, OIE, CDC…nhằm tưởng nhớ Louis Pasteur, nhà bác học chủ trì thử nghiệm thành công vaccine phòng dại đầu tiên được nuôi cấy từ tủy sống của thỏ; đồng thời nâng cao nhận thức toàn cầu về tác hại của bệnh dại ở người và động vật, tăng cường giáo dục cồng đồng địa phương phòng chống bệnh dại, cung cấp thông tin và tư vấn phòng ngừa căn bệnh này,huy động và tổng hợp tất cả các nguồn lực để phòng chống bệnh dại cho người và kiểm soát dịch bệnh trên động vật. H2
Một số đặc thù bệnh dại Theo Bộ Y tế (MOH), bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm có mã số (ICD-10 A82: Rabies) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật sang người bởi chất tiết thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, liếm của động vật bị bệnh dại, đôi khi có thể nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại, khi đã lên cơn dại thì hết phương cứu chữa (100% tử vong) trong khi bệnh dại hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu như được tiêm phòng vaccine sớm, đúng và đủ liều do đó WHO khuyến cáo người bị động vật cắn cần sớm tiêm vaccine dự phòng bệnh dại. Giai đoạn tiền triệu chứng (1-4) ngày thường biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập; giai đoạn viêm não (2-3 ngày) thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ; ngoài ra còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên. H3
Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp. Chẩn đoán bệnh dại dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là các biểu hiện sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng với các yếu tố dịch tễ học có liên quan. Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) từ mô não hoặc phân lập vi rút trên chuột hay trên hệ thống nuôi cấy tế bào. Có thể dựa vào kết quả xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang của các mảnh cắt da đã làm đông lạnh lấy từ dìa tóc ở gáy bệnh nhân hoặc chẩn đoán huyết thanh bằng phản ứng trung hoà trên chuột hay trên nuôi cấy tế bào. Hiện nay, với kỹ thuật mới có thể phát hiện được ARN của vi rút dại bằng phản ứng PCR hoặc phản ứng RT-PCR. H4
Bệnh dại trên thế giới và Việt Nam Trên thế giới theo thống kê của WHO, mỗi năm khoảng 50.000 người chết vì bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại chủ yếu từ các nước thuộc vùng nhiệt đới, nơi có tới 3/4 dân số thế giới sinh sống. Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm xuất hiện từ 2.300 năm trước công nguyên được coi là căn bệnh chết người nguy hiểm nhất, ngay từ năm 1885 nhà bác học Louis Pasteur đã thử nghiệm thành công loại vắc xine phòng dại đầu tiên được nuôi cấy từ tủy sống của thỏ. WHO cho biết bệnh dại có ở hầu khắp các lục địa (trừ châu Nam Cực) với trên 55.000 người chết hàng năm, trong đó 95% tử vong xảy ra ở Châu Á và Châu Phi. Vềđộng vật lây truyền bệnh dại cho người thìchó được xem là động vật chủ yếu gây bệnh dại trên thế giới nhưng ở châu Mỹ thì dơi là nguồn lây bệnh chủ yếu, đặc biệt những năm gần đây dơi cũng là loài động vật lây bệnh dại cho người ở châu Đại Dương (Australia) và châu Âu. Các động vật hoang dại như chồn, cáo, sóc, chó rừng, mèo rừng hiếm khi lây bệnh dại cho người. Bệnh dại lây truyền khi tiếp xúc với nước bọt, vết thương của người bệnh dại hoặc vết cắn của động vật có virus dại. Tại châu Âu bệnh dại lưu hành rộng rãi ở loài cáo, tuy nhiên số trường hợp mắc dại ở miền Tây châu Âu đã giảm rất mạnh từ năm 1992. Tại châu Mỹ, thú hoang dã bị bệnh dại thường xảy ra ở gấu trúc, chồn, cáo, chó sói đồng và dơi. Tại châu Phi và châu Á, chó là nguồn gây bệnh chủ yếu, số người chết hàng năm vì bệnh dại rất cao. Ở khu vực Đông Nam Á, hàng năm tỷ lệ chết vì bệnh dại chiếm 80% trên toàn thế giới. Ở Việt Nam theo MOH, bệnh dại lưu hành nhiều năm nhưng số tử vong do bệnh dại tăng cao trong giai đoạn 1990-2000 với hàng trăm trường hợp mỗi năm; cùng với đó, hàng năm bình quân 400.000 người bị chó, mèo cắn phải sử dụng vaccine điều trị dự phòng tốn kém ước tính hơn 300 tỷ đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần người bệnh. Khu vực miền núi phía Bắc được coi là trọng điểm bệnh dại với trên 80% số ca tử vong nhưng từ năm 2010 trở lại đây số tử vong do bệnh dại cả nước đã giảm xuống dưới 100 trường hợp mỗi năm. Theo số liệu của WHO, đến cuối tháng 9/2016 cả nước ghi nhận 49 người chết do bệnh dại ở 20 tỉnh/thành phố so với 52 người chết tại 22 tỉnh/thành phố cùng kỳ năm 2015. Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dạikhông được tiêm phòng vaccine thường gặp ở những vùng có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho chó và thiếu hiểu biết phòng, chống bệnh dại. Mặc dù tỷ lệ giảm sô ca chết và số tỉnh/thành phố phát hiện năm nay không có sự khác biệt nhiều so với năm ngoái nhưng tiến bộ này chứng tỏ MOH đang đi đúng hướng để loại trừ bệnh dại nhưng WHO cho rằng giai đoạn cuối cùng là khó khăn nhất nên Việt Nam cần phải tiếp tục hành động mạnh mẽ hơn nữa để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh dại của ASEAN vào năm 2020. Truyền thông giáo dục phòng chống bệnh dại là ưu tiên hàng đầu theo chủ đề của WHO
Hướng tới loại trừ bệnh dại Truyền thông giáo dục (Educate) Truyền thông giáo dục sức khỏe người dân được xem là biện pháp dự phòng chủ yếu như cung cấp thông tin cần thiết về bệnh dại và cách phòng chống bệnh dại, nhất là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc; đến các cơ sở y tế dự phòng để khám, tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời; phổ biến nội dung, biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật và ở người để cộng đồng biết và thực hiện. Phối hợp thú y và y tế thực hiện giám sát nơi có ổ dịch chó dại cũ, nơi thường xảy ra bệnh dại ở súc vật, những nơi mua bán súc vật nhất là chó, mèo; thực hiện đăng ký, cấp giấy phép cho chủ nuôi chó, mèo; tiêm vắc xin dại có hiệu lực cho đàn chó, mèo đạt trên 85% trong quần thể súc vật nuôi; những người có nguy cơ bị nhiễm vi rút dại như nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm cần được gây miễn dịch bằng vaccine dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc lại theo chỉ định của y tế. Têm phòng dại cho chó là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh dại
Tiêm phòng (Vaccinate) Khi bị chó dại cắn biện pháp phòng ngừa chủ yếu là tiêm phòng bệnh bệnh dại bằng vaccine hoặc huyết thanh kháng dại,virus dại nhân lên trong cơ gần nơi chích cho đến khi có đủ nồng độ nhiễm vào hệ thần kinh trung ương.Kháng thể thụ động có tác dụng trung hòa bớt virus, làm giảm nồng độ virus do đó vắcxin phòng ngừa có tác dụng bảo vệ sau 2-8 tuần. Tất cả các vaccine dùng cho người đều chứa virus dại bất hoạt mà theo đó vaccine chế từ nuôi cấy tế bào có ưu thế hơn vaccine chế từ mô thần kinh vì ít gây phản ứng phụ, vaccine tế bào lưỡng bội người, vaccine dại hấp thụ, vaccine tế bào phôi gà tinh chế, vaccine mô thần kinh, vaccine phôi vịt và các virus sống giảm độc lực.Có hai loại huyết thanh kháng dại (kháng thể dại) bao gồmglobudin miễn dịch kháng dại của người là một gamma globulin có tính miễn dịch cao, điều chế từ huyết tương người với ethanol lạnh ít gây phản ứng phụ hơn huyết thanh ngựa kháng dại; huyết thanh ngựa kháng dại là huyết thanh được cô đặc từ ngựa có đáp ứng miễn dịch tốt với virus dại, đến nay huyết thanh ngựa kháng dại vẫn được dùng ở những nơi không có glubulin miễn dịch kháng dại của người. H6
Xử lý vết thương bị chó dại cắn: rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn, chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày, tiêm vắc xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.Điều trị bảo vệ bằng miễn dịch đặc hiệu, dùng vắc xin dại tế bào hoặc dùng cả vắc xin và huyết thanh kháng (HTKD) dại để điều trị dự phòng tuỳ theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng nhưng không được lạm dụng. Việc khám bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vaccine dại hoặc vaccine + HTKD phải thực hiện càng sớm càng tốt. Hiệu quả điều trị dự phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại vaccine, kỹ thuật tiêm, bảo quản sinh phẩm, đáp ứng miễn dịch của người bệnh. H7
Loại trừ (Eliminate) Theo MOH, những năm gần đây Việt Nam với vai trò là quốc gia dẫn đầu phòng chống bệnh dại khu vực ASEAN đã tích cực triển khai chỉ đạo của Chính phủ giảm thiểu tử vong bệnh dại hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020 trong “Chiến lược loại trừ bệnh dại ASEAN” (ASEAN Rabies Elimination Strategy_ARES) do Việt Nam là đầu mối xây dựng đã được Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN phê duyệt năm 2014. WHO cho biết “Loại trừ bệnh dại ở Việt Nam vào năm 2020” (Elimination of rabies in Viet Nam by 2020)đòi hỏi cam kết chính trị bền vững và nhất quán, năng lực mạnh mẽ của hai ngành y tế và thú y. Trưởng đại diện của FAO và WHO đồng quan điểm “Bệnh dại là vấn đề đáng ngại toàn cầu nhưng có thể loại trừ được bằng cách truyền thông giáo dục cộng đồng về các biện pháp phòng chống, tiêm phòng cho đàn chó ngăn chặn tận gốc gốc căn bệnh này, không chỉ góp phần cứu sống người dân mà còn loại trừ bệnh dại ở bất cứ nơi nào”. Sự cam kết và chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh của chính quyền địa phương tại các tỉnh có bệnh dại là hết sức cần thiết để ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, đại diện Cục thú y (MARD) và Cục y tế dự phòng (MOH) cùng chung nhận định: “Loại trừ bệnh dại chỉ khả thi khi ít nhất 70% đàn chó trong dân được tiêm phòng và người dân bị chó cắn chủ động đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng, phát hiện và ngăn chặn sớm chỉ đạt được thông qua sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ nguồn lực giữa các ngành mà WRD là cơ hội để tăng cường phối hợp và khẳng định cam kết này”. Để thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh dại ở Việt Nam, WHO và FAO cam kết tiếp tục hỗ trợ chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại ở Việt Nam ở cả người và động vật, nhất là quản lý đàn chó ở cộng đồng, tiêm phòng, giám sát và xử lý ổ dịch liên ngành và phát triển năng lực.
|