Ngày càng có nhiều điếu thú vị từ nghiên cứu các loài muỗi
Muỗi là một nhóm sinh vật thuộc lớp côn trùng hợp thành họ Culicidae, bộ Hai cánh (Diptera). Chúng có một đôi cánh vảy, một đôi cánh cứng, thân mỏng, các chân dài. Muỗi đực hút nhựa cây và hoa quả để sống, muỗi cái hút thêm máu người và động vật. Kích thước thay đổi theo loài, nhưng ít khi lớn hơn vài mm. Đa số có trọng lượng khoảng 2 đến 2,5 mg. Chúng có thể bay với tốc độ 1,5 đến 2,5 km/h và muỗi đã tồn tại trên hành tinh của chúng ta khoảng 170 triệu năm. Họ Culicidae thuộc bộ Diptera, chứa khoảng 2.700 loài trong 35 giống muỗi gồm có Anopheles, Culex, Psorophora, Ochlerotatus, Aedes, Sabethes, Wyeomyia, Culiseta, Haemagoggus,... Muỗi sinh trưởng chủ yếu trong các đầm lầy, ao hồ hoặc các vũng nước đọng, các vùng ẩm ướt. Chúng đẻ trứng xuống nước, trứng nở thành ấu trùng gọi là bọ gậy hay lăng quăng. Bọ gậy sống trong nước một thời gian, sau phát triển thành nhộng, rồi biến thái thành muỗi trưởng thành, bay lên khỏi mặt nước. Nhiệt độ thích hợp cho muỗi sinh trưởng và phát triển là khoảng 20 đến 25 độ C. Vì vậy chúng xuất hiện ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Vòng đời của muỗi phụ thuộc loài và nhiệt độ, thay đổi từ vài ngày đến khoảng một tháng. Muỗi cái có vòi dạng đặc biệt có thể xuyên thủng da người và động vật để hút máu. Muỗi cái cần hút thêm máu để có nguồn protein để sản sinh ra trứng. Thức ăn bình thường của muỗi là nhựa cây và hoa quả, không chứa đủ protein cho muỗi cái. Muỗi đực không có vòi thích hợp để hút máu, và chỉ ăn nhựa cây và hoa quả. Cũng có một nhánh muỗi, tên là Toxorhynchites, không hút máu. Muỗi cái xác định mục tiêu hút máu qua mùi vị và cảm nhận nhiệt. Chúng đặc biệt nhạy cảm với cacbon điôxit trong hơi thở động vật và một số mùi trong mồ hôi. Một số người, ví dụ nam giới, béo và thuộc nhóm máu O, hấp dẫn muỗi nhiều hơn. Muỗi cảm nhận được tia hồng ngoại phát ra từ vật có thân nhiệt cao, nên dễ tìm được đến động vật và chim máu nóng. Hình 1
Bọ gậy hay lăng quăng là một dạng ấu trùng của muỗi, hình thành ở giai đoạn thứ 2 trong vòng đời của muỗi. Muỗi có 4 giai đoạn trong vòng đời là trứng muỗi, bọ gậy(ấu trùng), cung quăng (nhộng) và muỗi trưởng thành. Muỗi cái trưởng thành đẻ trứng theo từng đợt. Sau khi muỗi đẻ trứng, sau 2 - 3 ngày, trứng thường nở thành bọ gậy. Sau khi nở, bọ gậy không phát triển liên tục mà trải qua 4 giai đoạn khác nhau, gồm: Ở tuổi thứ nhất, bọ gậy có kích thước khoảng 1,5 mm và ở tuổi thứ tư nó có kích thước khoảng 8 - 10mm. Bọ gậy không có chân nhưng có đầu phát triển, mình phủ nhiều lông, bơi được bằng các chuyển động của cơ thể. Bọ gậy ăn tảo, vi khuẩn và các vi sinh vật trong nước. Nơi khí hậu ấm áp, thời gian bọ gậy phát triển cần khoảng 4 - 7 ngày hoặc dài hơn nếu thiếu thức ăn. Sau đó, bọ gậy khi đã phát triển đến tuổi thứ tư chuyển hóa thành cung quăng có hình dấu phẩy. Hình 2
Các biện pháp diệt bọ gậy muỗi truyền bệnh không làm giảm ngay số lượng muỗi đốt, có khi phải mất vài ngày hoặc vài tuần mới giảm được số lượng muỗi đốt. Diệt bọ gậy muỗi truyền bệnh bao gồm các biện pháp khác nhau như thau vét bọ gậy, làm thay đổi nơi sinh sản của muỗi, làm cho bọ gậy không sinh sôi, nảy nở được. Khống chế không cho muỗi trưởng thành đến được nơi sinh sản. Thả cá và các loài sinh vật ăn bọ gậy khác vào những nơi có bọ gậy muỗi. Đồng thời có thể dùng các loại hóa chất diệt bọ gậy. Các biện pháp can thiệp này nhắm tới mục đích là giảm nguồn truyền Việc làm thoát nước ở các khu vực đầm lầy, nước tù đọng, đất đai khai khẩn và các biện pháp lâu dài khác được thực hiện từ đầu thế kỷ 20 ở nhiều nơi đã góp phần rất tích cực trong các biện pháp phòng chống và giảm thiểu những bệnh do muỗi truyền. Diệt bọ gậy muỗi truyền bệnh cần phải được thực hiện chung quanh nơi sinh sống của con người trong phạm vi lớn hơn phạm vi dự định diệt muỗi. Đối với nhiều loài muỗi, phạm vi này khoảng 1,5–2 km. Các biện pháp không có hiệu quả lâu dài cần phải được duy trì suốt trong thời gian có muỗi truyền bệnh hoạt động mạnh. Hình 3
Phân loại muỗi sơ bộ Có trên 3.500 loài muỗi đã được mô tả. Chúng được chia thành 2 phân họ với 43 chi. Dữ liệu này có thể thay đổi do việc bổ sung các loài mới hoặc do các nghiên cứu ADN. Một con bọ gậy, ấu trùng của muỗi. Bọ gậy phải thường xuyên bơi lên mặt nước, lấy ôxy trong không khí thông qua một ống thở ở đuôi. Đa phần chúng ăn các vi sinh vật trong nước để sống. Phân họ Anophelinae Phân họ Culicinae
Hình 4
Muỗi và tác động đến sức khỏeMột số loài muỗi có khả năng là trung gian truyền bệnh giữa người với người, hay giữa động vật và người. Các bệnh do muỗi truyền có thể gây tử vong cao gồm sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng. Ở Việt Nam, vào mùa hè và mùa mưa hàng năm, sự phát triển của muỗi thường xuyên gây nên các dịch bệnh làm tử vong nhiều bệnh nhân. Mùa hè năm 2004, có vài chục nghìn người Việt Nam bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết, trong đó có vài chục ca tử vong, do muỗi truyền. Trên thế giới, có khoảng hơn nửa tỷ người mắc bệnh sốt rét hàng năm, tập trung ở Châu Phi, với thủ phạm truyền bệnh là muỗi. Năm 2017, đại dịch Ebola bùng phát gây nên hiện tượng teo não ở người mà tác nhân cũng là do muỗi gây ra Hình 5
Một số nghiên cứu mới đây về muỗi1. Bức ảnh hé lộ bàn chân đầy lông và vảy của con muỗi Ảnh chụp phóng to x800 lần bàn chân con muỗi thu hút nhiều sự chú ý trên mạng xã hội với cấu trúc phủ đầy lông và vảy.Bức ảnh chụp chân con muỗi từ một chiếc kính hiển vi điện tử quét của nhiếp ảnh gia Steve Gschmeissner gây sốt trên mạng xã hội Reddit với hơn 32.000 lượt thích, Live Science đưa tin. Xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc thi Ảnh khoa học Quốc tế năm 2016 của Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoàng gia, bức ảnh được chia sẻ nhiều lần trên mạng xã hội từ sau đó, có thể do tính phức tạp của nó, theo Gschmeissner. Trong ảnh là phần cuối chân của một con muỗi, bao gồm chiếc càng, rất nhiều vảy nhỏ và đệm bàn chân đầy lông. Hình 6
Theo mô tả về bức ảnh của Gschmeissner, những chiếc vảy này phủ khắp cơ thể muỗi nhưng đặc biệt dày ở gần bàn chân, có tác dụng bảo vệ và cho phép muỗi đậu trên mặt nước, nơi chúng đẻ trứng. Côn trùng rất tuyệt vời bởi chúng có đủ loại chi tiết siêu nhỏ. Gschmeissner có bằng cấp về động vật học và hàng chục năm kinh nghiệm nghiên cứu ung thư, sử dụng kính hiển vi điện tử quét (SEM) ở Đại học Phẫu thuật Hoàng gia tại Luân Đôn, Anh. Những chiếc kính SEM phát ra một chùm electron qua vật thể cần chụp. Vật thể được phủ một lớp vàng để electron phân tán trên bề mặt, đem lại thông tin về hình khối. Do dùng electron, SEM có độ phân giải rất cao và thậm chí có thể chụp những cấu trúc cỡ nano. Trong ảnh, bàn chân con muỗi đã được phóng đại x 800 lần. Gschmeissner đã khám phá sự đa dạng của thế giới vi mô bằng kỹ thuật này. Ông chụp ảnh những hàng xóm vô hình của con người, như vi khuẩn tìm thấy trên khăn lau bát và điện thoại di động, vi khuẩn sống trong miệng và thận con người, hoặc loài mối cư ngụ trên lông mi, phấn hoa và ký sinh trùng. | Hình 7 |
2. Muỗi to bằng bàn tay gây tranh cãi trong giới nghiên cứu Con muỗi bắt ở tỉnh Tứ Xuyên dài gấp 10 lần muỗi bình thường đang trở thành chủ đề tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu côn trùng. Con muỗi được cho là lớn nhất thế giới, sẽ xuất hiện trong buổi triển lãm ở một bảo tảng phía tây nam Trung Quốc trong tháng sau, theo South China Morning Post. Nhà côn trùng học người Trung Quốc Zhao Li phát hiện muỗi siêu lớn này trong lúc nghiên cứu thực địa ở núi Thanh Thành ở tỉnh Tứ Xuyên hồi tháng 8. Với cơ thể dài 5 cm và sải cánh 11,15 cm, con muỗi dài gấp 10 lần muỗi thông thường và dài hơn 1/3 so với kích thước loài của nó là Holorusia Mikado. Đó là loài muỗi lớn nhất với sải cánh trung bình dài 8 cm, được phát hiện ở Nhật Bản năm 1876. Mẫu vật của Zhao đến từ họ Tipulidae. Sau khi bắt con muỗi khổng lồ và tìm kiếm trên mạng, Zhao - Người thu thập mẫu vật côn trùng trong hơn một thập kỷ, cho biết các nhà sưu tập khác tuyên bố sở hữu con muỗi lớn nhất, nhưng đó đều là mẫu vật lưu giữ trong bảo tàng hoặc có kích thước nhỏ hơn so với con của ông. Hình 8
Tôi xác nhận nó là con muỗi lớn nhất thế giới vào khoảng đầu năm. Tôi bắt được con muỗi hồi tháng 8 năm ngoái. Sau khi bắt nó, tôi nhanh chóng tạo mẫu vật bằng cách giết và làm đông cứng nó. Điều này nghe có vẻ độc ác, nhưng đối với côn trùng đây là cái chết không đau đớn”, Zhao chia sẻ. Con muỗi sẽ được trưng bày trong triển lãm về côn trùng lạ ở bảo tàng của Zhao vào tháng 5. Với gần 700.000 mẫu vật từ 40 nước, đây là bảo tàng côn trùng lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, các chuyên gia đang tranh cãi liệu con côn trùng này có đúng là muỗi hay không? Một số ý kiến cho rằng đó là ruồi hạc (crane fly). Theo Zhao, từ "crane fly" là thuật ngữ chung trong tiếng Anh để chỉ toàn bộ họ muỗi, trong khi từ "Mosquito" (muỗi) chỉ dùng để gọi những loài hút máu. Mẫu vật của ông không phải loài hút máu mà là ăn ấu trùng. Trong tiếng Trung Quốc, từ "crane fly" được dịch nghĩa là "con muỗi lớn", thuật ngữ bao gồm cả loài không hút máu như Holorusia Mikado. Benoit Guénard, trợ lý giáo sư ở Trường sinh học thuộc Đại học Hong Kong, xác nhận con côn trùng thuộc họ Tipulidae, có tên tiếng Anh là crane fly. Nhưng Guénard nhấn mạnh muỗi thuộc họ Culicidae và việc gọi con côn trùng này là muỗi là "lạm dụng ngôn ngữ". Một nghiên cứu sinh ở Trung tâm Đa dạng sinh học Quốc gia Singapore cũng xác nhận con côn trùng là ruồi hạc. Tuy nhiên, Patrick Grootaert cho biết việc gọi loài này là muỗi là điều bình thường. Trong tiếng Hà Lan, chúng được gọi là "muỗi chân dài". Đây không phải lần đầu tiên Zhao bắt được côn trùng siêu lớn. Năm ngoái, ông tìm thấy con côn trùng lớn nhất thế giới, một con bọ que cái dài 64 cm. Zhao chia sẻ tìm những loài lớn khác thường cần hiểu biết và may mắn. :Bạn chỉ có thể tìm thấy chúng nếu quen thuộc với môi trường có thể tồn tại côn trùng khổng lồ. Nhưng tất nhiên, chúng không phải vật bạn có thể lên kế hoạch bắt, bạn phải dựa nhiều vào may mắn". Hơn 800 loài muỗi lớn được phát hiện ở Trung Quốc, và 100 loài trong số đó phân bố ở Tứ Xuyên. 3. Muỗi có thể hút lượng máu lớn gấp ba lần khối lượng cơ thể Khí carbon dioxide (CO2) mà con người thở ra kích thích và thu hút muỗi, nhưng chúng ta không thể ngừng thở để ngăn chặn các cuộc tấn công của chúng- theo Mother Nature Network. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, một số mùi hương nhất định như bạc hà, trái cây, chocolate caramel, có thể làm vô hiệu hóa bộ phận nhận biết khí CO2 của muỗi, khiến chúng gặp khó khăn trong việc tìm "bữa tối" của mình. Hình 9
Muỗi thường bay quanh đầu Muỗi có khả năng cảm nhận khí CO2 ở khoảng cách 30 m. Do con người thở CO2 qua đường mũi và miệng nên muỗi có xu hướng bay quanh đầu chúng ta. Tiếng kêu vo ve của muỗi bên tai là nguyên nhân khiến chúng ta "tự tát trong khi ngủ" nhiều hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác. 4. Muỗi đực không hút máu người và tin tức khác thú vị Trong khi muỗi cái hút máu động vật thì muỗi đực chỉ hút mật hoa để sống. Virus làm tăng sự khát máu của muỗi. Các nhà khoa học phát hiện virus gây bệnh sốt xuất huyết khiến muỗi trở nên khát máu hơn. Loại virus này kích hoạt các gene làm tăng khả năng cảm nhận mùi của muỗi, biến chúng trở thành những thợ săn giỏi hơn. Muỗi nhiễm ký sinh trùng gây bệnh sốt rét hút máu nhiều hơn và thường xuyên hơn so với muỗi bình thường. Chúng cũng bị hấp dẫn bởi mùi mồ hôi của con người nên thường bay quanh người đi tất thối. Triệu chứng ngứa và sưng khi bị muỗi đốt là một phản ứng của cơ thể với kháng nguyên trong nước bọt của muỗi. Vì khi muỗi đốt chúng bơm một chút nước bọt để "gây tê", nên chúng ta không nhận ra đang bị muỗi đốt. Chất này còn có tác dụng chống đông máu nên muỗi có thể tự do hút máu đến no. Hình 10
Trong số hàng nghìn loài muỗi tồn tại trên Trái Đất, chỉ có khoảng 60 loài muỗi mang virus West Nile và truyền bệnh cho con người. Gần 80% số người nhiễm virus này không có bất kỳ triệu chứng nào. 20% bệnh nhân còn lại có các biểu hiện sốt, cảm cúm, mệt mỏi, tiêu chảy, đau khớp, nôn mửa, phát ban. Một số trường hợp nặng dẫn đến co giật, sưng não, viêm màng não, thậm chí tử vong. Alexander Đại đế chết vì bị muỗi đốt: Alexander Đại đế, vị vua của Macedonia chinh phục thành công đế chế Ba Tư, là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử. Theo một bài báo đăng trên tạp chí Emerging Infectious Diseases vào năm 2003, các nhà khoa học Mỹ cho rằng Alexander Đại đế qua đời do mắc bệnh, gây ra bởi muỗi nhiễm virus West Nile. Muỗi bay khá chậm: Muỗi bay với tốc độ từ 1,6-2,4 km/h. Điều này khiến chúng bị xếp vào một trong những loài côn trùng bay chậm nhất thế giới. Muỗi là động vật nguy hiểm nhất thế giới. Động vật nguy hiểm nhất thế giới không phải là hổ, cá mập hay rắn mà chính là muỗi. Trên thực tế, muỗi là sinh vật giết chết nhiều người nhất trên hành tinh với khả năng truyền các bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng và viêm não. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình 45 giây ở châu Phi có một trẻ em bị chết do mắc bệnh sốt rét. 6. Muỗi sập bẫy ở Florida trong hơn nửa ngày Các chuyên gia đặt bẫy ở Florida, Mỹ, thu được khoảng 26.000 con muỗi chỉ trong vòng 16 tiếng sau bão Irma. Chiếc bẫy đặt từ 3 giờ chiều hôm 29/9 đến 7 giờ sáng hôm sau ở Ridge Manor gần Tampa, Florida, bắt được 10 loài muỗi khác nhau bao gồm cả muỗi hoạt động ban ngày và ban đêm, theo IFL Science. Số lượng muỗi thu được gây chú ý bởi ở thời điểm này trong năm, con số muỗi sập bẫy thường chưa đến 500. Hình 11
Sự bùng phát của muỗi là hậu quả sau khi bão Irma đổ bộ vào Florida hôm 17/9 với sức gió cấp 4. "Nhiệt độ ban ngày giúp rút ngắn tuổi thọ của những con muỗi đang đe dọa cư dân toàn hạt", Trung tâm Kiểm soát Muỗi hạt Hernado, cho biết. Theo nhà chức trách, những đợt phun thuốc ban đêm giúp giảm số lượng muỗi trưởng thành và các kỹ thuật viên thực nghiệm đang xử lý nước đọng hàng ngày để ngăn trứng muỗi nở. "Chúng tôi bắt đầu thấy những loại muỗi khác nhau trong bẫy và một vài trong số đó có thể truyền bệnh. Điều quan trọng là bạn cần cẩn thận khi ra ngoài vào lúc muỗi hoạt động, nhất là ban đêm. Hãy che kín càng kỹ càng tốt và phun thuốc xịt muỗi", Trung tâm Kiểm soát Muỗi hạt Hernado khuyến cáo. Trung tâm đã tiến hành phun thuốc một khu vực nhỏ tối 30/9 và tất cả các khu vực còn lại hôm 1/10. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, thuốc phun loãng được đặt trên máy bay hoặc trực thăng, bơm ra những hạt aerosol chứa lượng nhỏ thuốc trừ sâu pha với nước trôi nổi trong không khí và giết chết muỗi ngay khi tiếp xúc. 7. Cách bay ngược đời của muỗi khiến người bị đốt khó phát hiện Khác với các loài biết bay thông thường, muỗi đập cánh trước khi nhảy lên không, khiến nạn nhân gần như không cảm thấy gì. Nghiên cứu mới cho thấy, loài muỗi tiến hóa những kỹ năng cất cánh đặc biệt giúp chúng có thể mang theo chiếc bụng no máu thoát thân mà nạn nhân hầu như không chú ý, Popular Science hôm 19/10 đưa tin. Hình 12
Thông thường, các loài biết bay khác như ruồi giấm hay chim sẻ, bay bằng cách nhảy lên cao. Khi đã ở trên không trung, chúng mới bắt đầu vỗ cánh. Muỗi thì hoàn toàn ngược lại. Chúng bắt đầu đập cánh khoảng 30 mili giây trước khi nhảy lên. Tốc độ đập cánh của chúng cũng cực kỳ nhanh, có thể lên đến 800 lần mỗi giây, trong khi phần lớn côn trùng cùng kích cỡ chỉ là 200 lần. "Một trong những câu hỏi then chốt về khí động lực học và sinh cơ học là, tại sao chúng lại bay theo cách có vẻ kém hiệu quả như thế?", Florian Muijres, nhà nghiên cứu sinh cơ học tại Đại học Wageningen, tác giả cuộc nghiên cứu nêu ý kiến. Muijres cùng các đồng nghiệp quan sát cách muỗi Culex cất cánh sau khi hút máu. Chỉ có muỗi cái mới làm vậy vì chúng cần máu để đẻ trứng. Khi đốt no, trọng lượng của chúng thường tăng gấp hai đến ba lần nhưng vẫn phải tiếp tục bay. Nếu cất cánh giống các loài côn trùng khác, tức là nhún chân xuống để nhảy, muỗi sẽ tạo áp lực lớn lên da nạn nhân, dễ khiến nạn nhân chú ý. Do đó, chúng đã phát triển kỹ năng cất cánh ngược đời này. Hình 13
Chúng còn sở hữu những chiếc chân rất dài có thể duỗi ra giúp phân tán lực cần thiết trong thời gian dài hơn, Muijres bổ sung. Kết quả là phần lực chúng tác động lên da người ít hơn côn trùng rất nhiều, cho phép chúng thành công trốn thoát dù phải mang chiếc bụng no căng máu mà không bị phát hiện. Nhóm nghiên cứu đặt những camera tốc độ cao có thể ghi 30.000 khung hình mỗi giây, sau đó quay lại cảnh muỗi cất cánh trước và sau khi hút máu. Dựa vào định luật II Newton, các nhà khoa học tiếp tục tính toán phần lực con muỗi gây ra. Bằng cách vỗ cánh trước khi nhảy lên không, muỗi Culex có thể tạo 60% năng lượng cần thiết để bay. "Có vẻ như loài muỗi đã phát triển một kỹ năng cất cánh giúp chúng tạo ra lực mà chúng ta không thể phát hiện. Điều đó cho phép chúng thành công hơn khi trốn thoát khỏi người bị đốt", Muijres kết luận. 8. Đàn muỗi hàng triệu con chen chúc trong ôtô Đàn muỗi hàng triệu con tổ chức tiệc thâu đêm trong ôtô sau khi một ngư dân quên đóng cửa kính. Một người đàn ông Nga quên đóng cửa kính ôtô trước chuyến đi câu cùng bạn mở đường cho cuộc vui thâu đêm của hàng triệu con muỗi, Sun ngày 7/8 đưa tin.Trong video đăng trên YouTube, người đàn ông sau khi trở lại phát hiện buổi tiệc của đàn côn trùng ông không được mời tham dự. Hàng triệu con muỗi bâu kín ghế và chen chúc bay dưới ánh đèn xanh đỏ. Xác nhiều con chất thành lớp trên ghế. Có khả năng khí CO2 sinh ra từ hơi thở của con người còn vương lại trong xe đã dụ đàn muỗi bay đến. Muỗi là côn trùng gây hại, có thể truyền bệnh sốt rét cho con người khi hút máu. 9. Các yếu tố biến con người thành 'nam châm' hút muỗi Mang nhóm máu O, hoạt động thể chất nhiều, uống bia nằm trong số những nguyên nhân khiến bạn bị muỗi đốt nhiều hơn so với những người khác. Hình 14
9. Giải mã tiếng vo ve độc nhất vô nhị của loài muỗi Tốc độ đập cánh của muỗi nhanh gấp 4 lần những loài côn trùng có cùng kích thước, có thể giúp tăng tính hiệu quả khi bay. Các nhà khoa học cho rằng muỗi có phương pháp bay độc nhất vô nhị, khác hẳn những loài côn trùng khác. Chúng đập cặp cánh dài theo chiều dọc với tốc độ tới hơn 800 lần/giây, gấp 4 lần các loài côn trùng có kích thước tương tự, tạo ra tiếng vo ve đặc trưng của loài này, theo Science News. Muỗi có khả năng treo lơ lửng trong không trung. Tuy nhiên, phải mất rất nhiều sức và áp dụng nhiều phương pháp để bay chậm như vậy. Loài muỗi có thể ở trên không nhờ hai cách tạo sức nâng khi chúng xoay cánh. Về cơ bản, chúng tái sử dụng năng lượng từ lần đập cánh trước và đập cánh ở khoảng cách ngắn để bay lơ lửng. Hầu hết côn trùng và một số loài chim, dơi dựa vào những đợt đập cánh dài, tạo ra xoáy lốc áp suất thấp kích thước nhỏ ở mép trước cánh. Cạnh trước có hình dạng sắc bén chia không khí thành hai luồng, tạo ra một bóng khí xoáy dọc mặt trước cánh. Chênh lệch giữa dòng khí áp suất thấp trên cánh và áp suất cao dưới cánh tạo ra lực nâng. Tuy nhiên, muỗi lại vỗ cánh lên và xuống cực nhanh với góc 40 độ. Những cú đập cánh ngắn nhanh như vậy không thể tạo ra đủ sức nâng từ xoáy lốc mép trước cánh. Loài côn trùng này vỗ cánh theo hình số 8 hẹp. Xoáy lốc tạo ra lực nâng khi phần cánh cắt nhanh qua không khí theo chiều ngang. Khi cánh bắt đầu quay vào đường cong của số 8, chúng đón lực từ cú đập cánh trước đó để tạo ra chuỗi xoáy lốc áp suất thấp dọc theo cạnh sau của cánh. Quá trình này không đòi hỏi thêm năng lượng, là cách tiết kiệm sức đặc biệt để tạo ra lực nâng. Hình 15
Khi cánh xoay, chúng cũng đẩy không khí xuống, chuyển hướng dòng khí áp suất thấp qua phía trên cánh. Đôi cánh xoay quanh trục mép trước, nhưng nếu cánh đưa quá xa theo chiều thẳng đứng, chúng sẽ mất lực đẩy. Vì vậy, loài muỗi chuyển trục cánh của nó từ phía trước đến phía sau một cách tinh vi, tạo ra bề mặt ngang hơn, cho phép cánh tiếp tục đẩy không khí xuống. Điều này cũng giúp muỗi hưởng lợi từ xoáy dọc theo cạnh sau cánh. Việc xoay trục cánh giữa lúc quay là rất ấn tượng, đặc biệt là khi dây thần kinh chỉ phát tín hiệu một lần cho vài cú đập cánh. Loài vật này đã phát triển được một cú đập cánh phức tạp, tận dụng lực khí động học và cấu trúc cơ học của cánh để tạo ra chuyển động phức tạp mà không đòi hỏi nhiều tín hiệu từ não. Phương pháp này không phổ biến ở các loài côn trùng khác vì kém hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếng vỗ cánh của muỗi có thể liên quan tới quy luật giao phối. Con đực và con cái sẽ hòa âm, đồng bộ tiếng đập cánh trong quá trình tìm kiếm bạn tình. Giới nghiên cứu cho rằng đây là loài côn trùng sẵn sàng hy sinh khả năng bay để tập trung vào việc phát triển nòi giống. 10. Hậu quả khi loài muỗi bị tuyệt chủng Muỗi bị tuyệt chủng có thể làm suy giảm số lượng nhiều loài động vật như chim, côn trùng, cá, chuyên ăn muỗi hoặc ấu trùng muỗi. Nếu bị tuyệt chủng, 3.500 loài muỗi trên Trái Đất hiện nay sẽ biến mất. Trong số đó, khoảng 200 loài muỗi có khả năng hút máu người và ba loài Anophelesspp., Culex spp., Aedes spp. truyền bệnh nguy hiểm như sốt rét và sốt vàng da, theo How Stuff Works. Muỗi đã sống trên Trái Đất hơn 100 triệu năm và trở thành một phần quan trọng của chuỗi thức ăn. Ví dụ, tại vùng lãnh nguyên Bắc Cực, nhiều loài muỗi là thức ăn của chim di cư. Nếu muỗi biến mất, số lượng chim trong khu vực có thể giảm hơn một nửa. Các nhà khoa học dự đoán điều tương tự cũng xảy ra với nhiều loài cá trên thế giới ăn ấu trùng muỗi. Do đó, muỗi bị tuyệt chủng gây ra hiệu ứng gợn sóng (ripple effect) làm giảm số lượng nhiều loài côn trùng, cá và chim nằm ở mắt xích cao hơn trong chuỗi thức ăn. Tuy nhiên, muỗi tuyệt chủng mang lại một số lợi ích nhất định. Những căn bệnh nguy hiểm lây truyền thông qua muỗi đốt không còn xuất hiện. Ví dụ, bệnh sốt rét giết chết khoảng 1 triệu người và làm 246 triệu người mắc bệnh mỗi năm. Hình 16
Nhiều nhà khoa học dự đoán, trong khi một số động vật ăn muỗi bị chết đói, số còn lại sẽ tìm kiếm những con mồi khác để tồn tại. Chúng sẽ thích nghi với cuộc sống mới và không bị tuyệt chủng theo muỗi. Các nhà khoa học đã khám phá ra nhiều cách để tiêu diệt muỗi, trong số có phương pháp di truyền khiến muỗi sinh nhiều con đực hơn. Năm 2014, nhóm nghiên cứu tại trường Imperial College London, Anh, tạo ra muỗi biến đổi gene bằng cách sử dụng enzyme tác động đến nhiễm sắc thể X trong quá trình sản xuất tinh trùng, khiến hầu hết muỗi sinh ra là con đực. Với thế hệ sau gồm chủ yếu là muỗi đực, muỗi sẽ không thể phát triển mạnh mẽ. 11. Vì sao muỗi hút máu người nhiễm HIV, muỗi không bị bệnh? Dù muỗi hút máu và truyền một số loại bệnh từ người này sang người khác nhưng đáng chú ý là các nhà khoa học đã chỉ ra rằng muỗi không truyền HIV, vì nhiều lý do. Vậy vì sao muỗi hút máu người nhiễm HIV mà muỗi lại không bị bệnh? HIV (Human Immunodeficiency Virus) là virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Trong cơ thể người luôn có hệ thống miễn dịch giúp chúng ta chống đỡ với sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh. Suy giảm miễn dịch có nghĩa là giảm dần sức chống đỡ của cơ thể khi bị ký sinh trùng, vi trùng hoặc virus tấn công và lúc này cơ thể dễ của con người rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và một số bệnh ung thư. Nói suy giảm miễn dịch mắc phải có nghĩa là quá trình này xảy ra trong khoảng thời gian sống của con người, không phải do di truyền hay bệnh bẩm sinh của hệ miễn dịch. Có thể bạn chưa biết, HIV là chỉ gây suy giảm miễn dịch ở người, không gây bệnh cho các loại động vật khác. Hình 17
Đại đa số người nhiễm HIV là qua đường tình dục hoặc dùng chung bơm kim tiêm. Ngoài ra, HIV còn có thể lây truyền từ mẹ sang con (phụ nữ nhiễm HIV có thể sinh con bị nhiễm), và qua đường máu (người bị truyền máu nhiễm HIV cũng bị lây nhiễm). Chắc hẳn mọi người đều biết rằng nhiễm HIV thường phải trải qua một thời gian tiềm ẩn lâu, tiếp đó là các triệu chứng suy giảm miễn dịch, và nó sẽ kết thúc trong trạng thái suy giảm miễn dịch trầm trọng đặc trưng bởi nhiễm trùng và u. Đôi khi, những biểu hiện ngoài da có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh... Sự đa dạng của các triệu chứng và dấu hiệu trong quá trình lây nhiễm HIV sẽ không khó để chúng ta có thể nhận ra. Vậy các dấu hiệu nhận biết bị nhiễm HIV giai đoạn cửa sổ 3 tháng đầu là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu. 12. Vì sao muỗi hút máu người nhiễm HIV, muỗi không bị bệnh?HIV chỉ gây bệnh cho người. Cơ thể muỗi không có điều kiện cho HIV tồn tại và phát triển nên muỗi không bị bệnh và cũng không truyền bệnh, chứ không phải tại muỗi có sức đề kháng với HIV. Vì vậy, chẳng có lý do nào để dùng muỗi nghiên cứu thuốc trị AIDS. HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường và vết côn trùng đốt (trong đó có muỗi). Các nhà khoa học đã chứng mình rằng: muỗi không phải là những “chiếc kim tiêm biết bay” nên không thể lây nhiễm virus HIV sang cho người. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), căn bệnh HIV/AIDS đã giết chết khoảng 1,6 triệu người mỗi năm. HIV lây truyền qua ba con đường: Tình dục, đường máu và mẹ truyền sang con (Lúc mang thai, khi sinh hoặc khi cho con bú). Có nhiều lý luận để giải thích tại sao HIV không lây qua đường muỗi đốt. Trang Business Insider đưa tin, các nhà khoa học và Joe Conlon - Cựu nhà côn trùng học và cố vấn kỹ thuật của Hiệp hội Phòng chống muỗi của Mỹ giải thích rằng, trước hết, khi con muỗi đốt bạn, nó đã hút máu vào trong ruột của nó. Tại đây, axit trong dạ dày của muỗi đã tiêu diệt virus HIV. Ngoài ra, trước khi hút máu, muỗi tiết nước bọt có chất chống đông để giúp cho nó hút máu dễ dàng hơn. Tuyến nước bọt và tuyến hút máu nằm tách biệt nhau trong vòi của muỗi. Tuyến hút máu có cấu trúc phức tạp và nhìn chung nó không giống như một ống kim tiêm. Nói đơn giản, muỗi tiết nước bọt theo đường riêng và hút máu theo đường riêng. Kết quả là, máu được hút theo hướng duy nhất và không bị bơm ngược vào máu của người bị đốt. Do đó, ngay cả khi con muỗi mang siêu vi khuẩn máu từ người bệnh HIV thì máu sẽ không bao giờ thoát khỏi tuyến nước bọt để vào máu của bạn. Hình 18
Đối với một con muỗi hút máu người bệnh, nó sẽ mang trên mình virus. Virus có thể tồn tại trong khoang cơ thể của muỗi nhưng lại không theo tuyến nước bọt, qua vết đốt để vào cơ thể người khác. Đó là một quá trình vô cùng phức tạp và người bị đốt nhiễm HIV là không thể. Ở nước ta hoạt động chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV đã được triển khai rộng rãi trong 15 năm qua. Dù có vô số lần bị muỗi đốt trong thời gian công tác bên cạnh người bệnh, song chưa một bác sĩ, điều dưỡng hay nhân viên chăm sóc nào bị nhiễm HIV qua đường lây này. Hay ở nhiều gia đình, những người chăm sóc bệnh nhân HIV vẫn an toàn bất kể muỗi xuất hiện từng đàn vào mùa mưa. Vì vậy, các bạn không nên lo ngại về việc HIV lây qua đường muỗi đốt. Các bạn có thể thoải mái tiếp xúc với người nhiễm vì các tiếp xúc thông thường như ngồi chung, ăn chung, ngủ chung giường,... đều không làm lây nhiễm HIV. Hình 19
Các biện pháp phòng chống và kiểm soát muỗi1. Diệt muỗi: Trước đây, các hóa chất độc thường được sử dụng để diệt muỗi như bằng bình xịt, hay đốt hương muỗi. Nhưng các biện pháp hiện đại sử dụng các sinh vật có khả năng tiêu diệt muỗi, hoặc các phương pháp sinh học và vật lý khác, tránh sử dụng chất hóa học độc hại cho cơ thể con người. 2. Dùng sinh vật:Sử dụng thiên địch để diệt muỗi gồm có nuôi cá hoặc lươn nhỏ trong bể nước để tiêu diệt bọ gậy; nuôi chuồn chuồn ngoài đồng ruộng. Các ấu trùng chuồn chuồn trong nước ăn bọ gậy, còn chuồn chuồn trưởng thành bắt muỗi trong không trung. Nuôi bò sát nhỏ như thạch sùng, thằn lằn để ăn muỗi trong nhà. Bảo vệ dơi bắt muỗi trong không trung, dùng Mesocyclops để diệt lăng quăng, dùng các côn trùng thủy sinh thuộc họ corixidae để diệt lăng quăng3. Cải tạo môi trường: Mục đích là thu hẹp môi trường sinh trưởng của muỗi như nạo vét cống rãnh, vũng nước, phát quang bụi rậm, sử dụng bồn chứa nước sinh hoạt kín, dọn dẹp nhà cửa, không để các vật ủ lại một chỗ (dễ cho muỗi phát sinh)4. Bẫy điện: Đèn bẫy muỗi được chế tạo với một đèn phát ánh sáng, hấp dẫn muỗi và côn trùng tụ tập đến, bao quanh bởi lưới kim loại có hiệu điện thế thấp. Khi muỗi và côn trùng sa vào lưới, dòng điện nhỏ sẽ phóng qua và tiêu diệt chúng. Phương pháp này sử dụng được trong nhà và ngoài trời. Hình 20
Thiết kế như vợt bắt muỗi cầm tay, chỉ gồm lưới kim loại có điện thế, chạy pin. Vợt này đòi hỏi kỹ thuật sử dụng của người bắt muỗi, có thể có ích trong nhà, nhưng không có tính hiệu quả cao.6. Dùng hóa chất: Thuốc xịt, có thể được xịt ở những khu vực ngoài trời rộng lớn. Một số thuộc xịt còn được xịt tiêu diệt muỗi và các côn trùng khác trong nhà ở, khi mọi người đi vắng. Việc dùng thuốc xịt gây tranh cãi, vì nó không chỉ độc cho con người mà còn tiêu diệt các sinh vật ăn muỗi, làm mất cân bằng sinh thái. Hương xua muỗi (còn gọi là nhang muỗi), có thể được đốt trong nhà khi mọi người đi vắng. Nó có thể tiêu diệt muỗi trong phạm vi nhà ở và không duy trì được tác dụng lâu dài. Hương xua muỗi có thể gây độc cho người và tạo nguy cơ hỏa hoạn.7. Dùng muỗi biến đổi gen: Có thể tạo ra chủng muỗi đực bị mất khả năng sinh sản khi chiếu phóng xạ rồi thả chúng vào tự nhiên. Các con muỗi đực vô sinh sẽ cạnh tranh giao phối với muỗi đực thường, giảm tỷ lệ sinh của muỗi. 8. Xua muỗi: Một cách khác để giảm thiểu khả năng bị muỗi ảnh hưởng đến sức khỏe là ngăn cản không cho chúng tiếp xúc với cơ thể. 9. Bật đèn sáng: Muỗi rất sợ đèn sáng vào buổi tối. nhưng với đèn có tia uv cao thì sẽ lại thu hút chúng. các đèn bẫy muỗi thông thường là loại đèn phát tia cực tím để thu hút chúng. nhưng với tia uv thì lại có hại cho con người đặc biệt là trẻ nhỏ. nhìn nhiều hại mắt, tiếp xúc nhiều hại da.... vì vậy đặc biệt cách ly với con nhỏ. (hậu quả làm mờ mắt sớm, lão hóa sớm...) Hình 21
10. Gió nhẹ: Tạo luồng gió nhẹ bằng quạt có thể xua được muỗi.11. Màn: Các biện pháp dùng màn và lưới không gây hại cho sức khỏe hay môi trường, chi phí không cao và phát huy tác dụng trong thời gian dài. Màn ngủ là phương pháp hiệu quả để phòng chống muỗi đốt khi ngủ. Là các lưới kim loại (hay nhựa) có lỗ nhỏ, không cho muỗi hay các loại côn trùng vượt qua và xâm nhập vào nhà ở, nhưng vẫn đảm bảo thoáng khí và ánh sáng.13. Thuốc xua muỗi: Thuốc bôi lên da để xua muỗi khỏi da, tiện dụng khi đi du lịch đến vùng đất nhiều muỗi. Chúng thường chứa các hóa chất sau: DEET, tinh dầu bạc hà mèo, nepetalactone, tinh dầu xả hay tinh dầu bạch đàn (còn gọi là dầu khuynh diệp).14. Máy phát siêu âm xua muỗi: Các máy này được chế tạo nhỏ như đồng hồ, đeo ở tay, chạy pin, phát ra sóng siêu âm khiến muỗi không muốn lại gần, nhưng tai người không nghe thấy gì. Tiện dụng khi ta đi du lịch các vùng đất nhiều muỗi. Tuy nhiên chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh được công dụng của thiết bị này.Tài liệu tham khảo1.Gillett, J. D. 1972. The Mosquito: Its Life, Activities and Impact on Human Affairs. Doubleday, Garden City, NY, 358 p. ISBN 0-385-01179-2 2.Spielman, A., and M. D'Antonio. 2001. Mosquito: A Natural History of Our Most Persistent and Deadly Foe. Hyperion Press, New York, 256 p. ISBN 0-7868-6781-7 3.Clements, Alan (1992). The biology of mosquitoes. 1: Development, Nutrition and Reproduction. London: Chapman & Hall. ISBN 0-85199-374-5. 4.Davidson, Elizabeth W. (1981). Pathogenesis of invertebrate microbial diseases. Montclair, N.J: Allanheld, Osmun. ISBN 0-86598-014-4. 5.Jahn GC, Hall DW, Zam SG (1986). “A comparison of the life cycles of two Amblyospora (Microspora: Amblyosporidae) in the mosquitoes Culex salinarius and Culex tarsalis”. Coquillett. J. Florida Anti-Mosquito Assoc. 57: 24–7. 6.Kale, H.W., II. (1968). “The relationship of purple martins to mosquito control”. The Auk 85: 654–61. 7.Brunhes, J.; Rhaim, A.; Geoffroy, B. Angel G. Hervy J. P. Les Moustiques de l'Afrique mediterranéenne French/English. Interactive identification guide to mosquitoes of North Africa, with database of information on morphology, ecology, epidemiology, and control. Mac/PC Numerous illustrations. IRD/IPT [12640] 2000 CD-ROM. ISBN 2-7099-1446-8
|