Làm thế nào để phòng tránh côn trùng đốt trẻ em trong mùa ẩm ướt?
Lê Thúy Loan, 27 tuổi, Nam Sách, TP. Hải Dương, Hỏi: Kính thưa các bác sỹ làm ở Viên ký sinh trùng là Làm thế nào để phòng tránh côn trùng thường xuyên đốt trẻ em trong mùa ẩm ướt. Cháu cảm ơn ah! Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin phúc đáp như sau: Thời tiết mùa hè nóng bức, mưa nhiều là thời điểm nhiều người bị côn trùng tấn công, đặc biệt là trẻ nhỏ. Những gợi ý sau đây sẽ giúp ích cho bạn trong việc phòng tránh côn trùng đốt. Việt Nam là nước nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, thuận lợi cho các loài côn trùng gây bệnh tồn tại và phát triển. Các căn bệnh về da do côn trùng đốt cũng vì thế tăng rất nhanh. Rất ít người trong số chúng ta có thể tránh được việc bị côn trùng cắn. Thậm chí, vấn đề này trở nên cấp bách hơn vào mùa hè. Hàng năm vào dịp hè, nhất là từ tháng 5 đến tháng 9, khí hậu nóng bức, kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại côn trùng sinh sôi, phát triển như: Rết, bọ cạp, ruồi, muỗi, ong, kiến, bọ chét, rệp... Nhiều trong số đó là những vật trung gian truyền nhiều loại bệnh dịch như sốt rét, sốt xuất huyết. Hình 1
Đa phần mọi người khi bị côn trùng cắn hoặc đốt chỉ gặp phản ứng nhẹ như đau, ngứa, tấy đỏ, sưng tại chỗ, có thể tự khỏi trong vòng một vài ngày. Tuy nhiên, một số người nhạy cảm với nọc độc của côn trùng, đặc biệt là trẻ nhỏ rất có thể bị dị ứng, dẫn đến phù nề, phát ban toàn thân. Tại vết cắn/đốt, nếu không vệ sinh sạch sẽ có thể gây nhiễm trùng, trong trường hợp này nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, như nhiễm trùng huyết, viêm phổi, tổn thương gan…thậm chí gây tử vong ảnh hưởng đến tính mạng. Trẻ nhỏ có nguy cơ bị côn trùng tấn công nhiều hơn người lớn, dễ tổn thương nghiêm trọng nếu điều trị sai cách. Do đó, cha mẹ cần trang bị đầy đủ kiến thức để phòng ngừa và điều trị đúng cách cho trẻ. Với trẻ nhỏ, do không kiểm soát được việc gãi, dễ bị nhiễm trùng từ những vết trầy xước rất nhỏ, chính vì vậy các bậc phụ huynh không nên chủ quan vì có những vết thương rất nhỏ nhưng có thể gây nguy hiểm đến cả tính mạng. Hình 2
Để hạn chế những hậu quả nghiêm trọng xảy ra cho trẻ khi bị côn trùng đốt, các bậc cha mẹ nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau: 1.Dọn vệ sinh sạch sẽ quanh nhà, không để nước tù đọng trong các bể chứa, lu, chai lọ. Dùng màn tẩm hóa chất diệt côn trùng như permethrin: Pha chất diệt côn trùng với nước, ngâm màn vào dung dịch này rồi phơi khô; sau khi khô, hóa chất sẽ bám vào sợi màn. 2.Tùy điều kiện có thể lắp cửa lưới chống côn trùng xâm nhập. Chọn phục trang thích hợp cho trẻ: Mặc quần áo dày và làm bằng chất liệu mà muỗi không dễ dàng đốt qua được. Khi ra ngoài, đặc biệt là khi cắm trại, sinh hoạt ngoài trời cần mặc áo, quần dài có màu sáng, mang tất. Nếu ngủ đêm ngoài trời nhất thiết phải có túi ngủ, mùng. 3.Cần mang theo các chai xịt chống, xua đuổi côn trùng, thuốc chống côn trùng cắn; nhất là khi có trẻ em, người có tiền sử dị ứng nặng. 4.Các bác sĩ lưu ý, nếu bé bị muỗi đốt hoặc côn trùng cắn, phụ huynh không nên thoa dầu, chà chanh... vì có thể gây kích ứng da hoặc nhiễm trùng. Thay vào đó, cần phân biệt mức độ nặng nhẹ của vết thương để xử lý phù hợp. 5.Trường hợp nhẹ: Dấu hiệu trẻ bị sưng đỏ, ngứa tại xung quanh vết cắn, các bố mẹ cần rửa sạch vết cắn với xà phòng diệt khuẩn, sau đó bôi thuốc chuyên trị vết đốt côn trùng cho trẻ. Đặc biệt, nên chọn các loại dược phẩm tự nhiên an toàn cho làn da của trẻ không bị kích ứng. 6.Trường hợp 2: Các vết cắn bị sưng đỏ và lan rộng quanh vết cắn, theo đó là bị ngứa và bỏng rát làm trẻ khó chịu, lúc này nếu bị loại côn trùng có nọc độc cắn thì cần nhẹ nhàng lấy nọc độc ra, sau đó rửa sạch vết thương. Sau cùng, lau khô vết cắn với khăn sạch và bôi thuốc cho trẻ. 7.Trường hợp bé có triệu chứng nặng hơn như sốt cao, đau nhức nhiều, cần đưa bé đến cơ quan y tế để khám và điều trị kịp thời.
|