Di biến động dân cư rào cản lớn và giải pháp trong lộ trình hướng tới loại trừ sốt rét
Tình hình sốt rét trên toàn cầu trong những năm gần đây theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có chiều hướng giảm mạnh về số ca mắc và số ca tử vong do có sự đầu tư nguồn lực với việc phân bổ rộng rãi màn tẩm hóa chất diệt, test chẩn đoán nhanh và các loại thuốc sốt rét có hiệu lực cao tới những quốc gia lưu hành bệnh sốt rét. Tại Việt Nam, báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương giai đoạn 2015-2019, Chương trình phòng chống sốt rét của Việt Nam đã duy trì và tiếp tục làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét, không để dịch sốt rét xảy ra. Trên phạm vi toàn quốc, năm 2019 có 5.887 bệnh nhân sốt rét giảm 69,4% so với năm 2015, hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước loại trừ sốt rét cấp tỉnh.Hiện số ca nhiễm sốt rét chủ yếu tập trung tại các tỉnh có dân số vùng sốt rét lưu hành cao, di biến động dân cư lớn, ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Tại Quảng Trị, trong những năm qua, nhờ có sự đầu tư từ Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền các cấp thông qua các chương trình mục tiêu, Dự án nên công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và hoạt động sốt rét nói riêng trên địa bàn đã có bước chuyển biến đáng kể, số ca mắc, tử vong do sốt rét từng bước được khống chế và đẩy lùi tương ứng trong 3 năm 2018-2020 là 90-72-6, vùng sốt rét lưu hành với các mức độ khác nhau ngày càng bị thu hẹp, nhiều huyện trong giai đoạn 2018-2020 không còn ca bệnh lây nhiễm tại chỗ như Thành phố Đông Hà, Thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong, huyện Vĩnh Linh… và là tiền đề để Quảng Trị bước vào lộ trình loại trừ sốt rét theo quyết định 1920/QĐ-Ttg ngày 27/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng hiện nay sốt rét vẫn đang là vấn đề sức khỏe chính của người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Khó khăn và thách thức lớn hiện nay trong phòng chống và loại trừ sốt rét đó là dân di biến động lớn, dặc biệt là dân giao lưu vào rừng, ngũ rẫy, qua lại biên giới với nhiều lý do khác nhau như thăm thân, làm ăn, buôn bán tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó tiếp cận, trong khi mạng lưới y tế tuy đã được củng cố và phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Một số địa phương trọng điểm sốt rét nhưng sự tham gia của y tế thôn bản trong công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân sốt rét còn hạn chế. Thảo luận với y tế cơ sở vê các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tại địa bàn
Tại Quảng Trị, với sự hỗ trợ của Dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin giai đoạn 2018-2020 (RAI2E) đã thiết lập 10 điểm sốt rét tại các xã có dân di biến động lớn ở 5 huyện thụ hưởng dự án như Ba Tầng, Xy, Thanh, Thuận, Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa), Ba Nang, A Ngo, Đakrông (huyện Đakrông), Vĩnh Hà (Vĩnh Linh) và Cam Tuyền (Cam Lộ) nhằm thu thập số lượng người giao lưu trên địa bàn, đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua giám sát người đi rừng, ngũ rẫy, giao lưu qua lại biên giới mang theo màn, võng màn và ngũ màn. Thông tin thu thập qua các năm cho thấy số lượng người giao lưu lớn (6 tháng năm 2018:13.175; năm 2019: 20.490; năm 2020: 8630) với tỷ lệ mang theo màn/võng màn tương ứng từ 2018-2020 là (16,16 %; 37,92% và 57,99 %). Tại Hướng Hóa, kết quả các đợt điều tra ổ bệnh cho biết số ca nhiễm sốt rét chủ yếu là đối tượng dân giao lưu. Điều đó cho thấy, trong thời gian tới cần chú trọng đầu tư và tập trung vào các đối tượng này vì tại các vùng sốt rét lưu hành sự có mặt của trung gian truyền bệnh chính như An dirus, và An minimus khi có ca sốt rét nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ biến thành nguồn lây nhiễm tại chỗ. Thông điệp truyền thông phòng chống và loại trừ sốt rét
Thứ nhất, cần củng cố và tăng cường mạng lưới y tế cơ sở thông qua các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, cung cấp đầy đủ các vật liệu xét nghiệm như test chẩn đoán nhanh, vật tư khác như kính hiển vi, các loại thuốc sốt rét có hiệu lực cao phù hợp với từng chủng loại ký sinh trùng, theo phác đồ điều trị sốt rét 2019 của Bộ Y tế nhằm làm giảm nguy cơ kháng thuốc và bệnh nhân sốt rét tuân thủ điều trị thông qua DOTs (điều trị có quan sát trực tiếp); chú trọng việc quản lý ca bệnh tại cộng đồng thông qua mạng lưới sốt rét từ nhân viên y tế thôn bản, y tế xã, y tế huyện… Tại các địa bàn khi vào mùa sốt rét hay tại thời diểm có sốt rét gia tăng cần tăng cường các Đội lưu động giải quyết các điểm nóng, khống chế không cho lây lan ra diện rộng. Thứ hai, đẩy mạnh và tăng cường công tác truyền thông cá nhân thông qua hệ thống giám sát y tế tại các hộ gia đình hàng tuần với các đối tượng đích như dân di biến động, phụ nữ mang thai … về bệnh sốt rét và các biện pháp phòng chống để họ có thể tự bảo vệ cho mình, gia đình khi ở nhà cũng như khi đi rừng, ngũ rẫy, giao lưu qua lại biên giới bằng cách ngũ màn, võng màn. Chiến lược truyền thông không chỉ hướng đến đối tượng đích, đối tượng nguy cơ cao mắc sốt rét, người dân trong cộng đồng mà còn nhắm tới các nhân viên sốt rét cộng đồng (nhân viên Y tế thôn bản, Đội lưu động, Y tế xã, các tình nguyện viên sốt rét…). Ngoài ra, các cuộc truyền thông nhóm và truyền thông lồng ghép cũng cần được chú trọng thông qua các cuộc họp thôn định kỳ bởi các trưởng thôn, trưởng bản, người có nhiều uy tín trong cộng đồng và được cộng đồng tin tưởng. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc họp thường niên với các nước có chung đường biên giới nhằm thu thập, chia sẽ thông tin và kinh nghiệm và cùng nhau hợp tác phòng chống sốt rét. Giải quyết bài toán phòng chống và loại trừ sốt rét ở Quảng Trị đòi hỏi cần có các giải pháp tích cực, không chỉ trước mắt mà cả lâu dài; và là trách nhiệm của toàn xã hội. Phòng chống và loại trừ sốt rét phải gắn liền với việc phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tại địa phương bằng cách tạo ra nhiều việc làm mới tại chỗ, bố trí đất ở và đất sản xuất cho người dân, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Có như vậy, lộ trình loại trừ sốt rét tại các vùng khó khăn mới thành hiện thực, góp phần vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
|