Thay đổi của bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính trong sốt rét ác tính
Khi nhiễm bệnh sốt rét, ký sinh trùng sốt rét xâm nhập và phá hủy hồng cầu gây nên hiện tượng huyết tán và giải phóng huyết cầu tố hemoglobin làm cho bệnh nhân bị thiếu máu. Trong sốt rét nặng và sốt rét ác tính, hồng cầu bị vỡ nhiều, kể cả hồng cầu không bị nhiễm ký sinh trùng nên tình trạng huyết tán mạnh, triệu chứng vàng da tăng, tế bào và mô thiếu oxy trầm trọng. Đối với bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính, chúng cũng có sự thay đổi nhưng ít khi được bác sĩ chú ý trong quá trình chẩn đoán và theo dõi điều trị. Cần quan tâm đến vấn đề này. Qua công tác xét nghiệm máu ghi nhận trên bệnh nhân sốt rét thể thông thường, số lượng và chất lượng bạch cầu hầu như ít thay đổi. Tuy nhiên trên những bệnh nhân sốt rét ác tính, các biến đổi của bạch cầu lại rất phức tạp với sự tăng bạch cầu ở máu ngoại vi, ngay cả khi người bệnh không bị nhiễm trùng thứ phát. Bạch cầu gia tăng là một dấu hiệu tiên lượng xấu của diễn biến bệnh lý sốt rét ác tính nhưng trên lâm sàng ít khi được các bác sĩ chú ý, quan tâm. Các nhà khoa học đã cho rằng hiện tượng tăng bạch cầu thường song hành với hiện tượng tăng nồng độ TNFα (tumor necrosis tumor alpha) ở bệnh nhân sốt rét ác tính. Trên thực nghiệm đã nghiên cứu trên loài chuột gây nhiễm bệnh với chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium berghei đã ghi nhận số lượng bạch cầu ở máu ngoại vi và bạch cầu đa nhân trung tính tăng lên song song với mức độ nhiễm ký sinh trùng sốt rét và mức độ diễn biến nặng của bệnh thể hiện cụ thể là nhóm chuột nhiễm ký sinh trùng nặng có bạch cầu tăng lên so với nhóm chuột đối chứng từ 436 đến 483%. Một số nhà khoa học khác đã dùng kháng thể đơn dòng kháng bạch cầu đa nhân trung tính (anti-CD11a) để điều trị những con chuột đã được gây sốt rét ác tính nhằm làm giảm số lượng bạch cầu đa nhân trung tính. Kết quả thu được là nhóm chuột dùng anti-CD11a có tỷ lệ tử vong giảm đi rõ rệt so với lô chuột cũng được gây sốt rét ác tính. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện trên bệnh nhân sốt rét ác tính cũng thường gặp hiện tượng giảm bạch cầu và một số bệnh nhân có số lượng bạch cầu bình thường, không thay đổi. Đồng thời thấy có phản ứng bạch cầu ở một số trường hợp bệnh nhân sốt rét ác tính. Do những thay đổi của bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính được ghi nhận trong nghiên cứu thực nghiệm và trên bệnh nhân đã được xác định. Vì vậy trong quá trình chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh nhân sốt rét ác tính; các bác sĩ lâm sàng cần chú ý, quan tâm đến kết quả xét nghiệm số lượng bạch cầu cùng với số lượng hồng cầu trong chẩn đoán cận lâm sàng và nên nhớ rằng bạch cầu gia tăng là một dấu hiệu tiên lượng xấu của bệnh nhân bị sốt rét ác tính mặc dù người bệnh không bị nhiễm trùng thứ phát.
|